Đồng chí Tô Hiệu với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc Việt Nam
Với 32 năm tuổi đời, 18 năm quyết dấn thân và hy sinh vì độc lập của dân tộc, vì tự do và hạnh phúc của Nhân dân, cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Tô Hiệu là tấm gương sáng của một chiến sĩ tiên phong, người cộng sản kiên trung, một nhà lãnh đạo tài năng của Đảng ta.
1. Đồng chí Tô Hiệu - một thanh niên yêu nước nhiệt thành, một chiến sỹ cộng sản tiền bối tiêu biểu của Đảng ta
Ngay từ nhỏ, Tô Hiệu đã tỏ ra thông minh và học giỏi, khiến bạn bè và anh em trong gia đình, dòng họ khâm phục. Tiếp nối truyền thống yêu nước của gia đình, dòng họ, quê hương, khi mới 14 tuổi, Tô Hiệu đã tham gia các phong trào bãi khóa, để tang cụ Phan Châu Trinh nên đã bị nhà trường thực dân đuổi học. Khi chuyển lên Hà Nội học, Tô Hiệu vẫn tích cực tham gia các phong trào yêu nước. Và tại đây, đồng chí được kết nạp vào Học sinh đoàn - một tổ chức của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, làm nhiệm vụ tuyên truyền, kết nạp người vào các đoàn thể quần chúng, đi dự mít tinh, biểu tình, phát truyền đơn, treo cờ, giăng biểu ngữ, dán áp phích vào những ngày lễ hội hay ngày kỷ niệm Quốc tế Lao động (1/5), kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga (7/11)... Do hoạt động tích cực, Tô Hiệu đã được tổ chức vào tổ đội thanh niên xích vệ, có nhiệm vụ đi bảo vệ những cuộc mít tinh, biểu tình và các đồng chí diễn thuyết.
Năm 1930, sau khi cuộc khởi nghĩa Yên Bái của Việt Nam Quốc dân Đảng thất bại, thực dân Pháp khủng bố, đàn áp dã man tất cả các phong trào yêu nước. Tô Hiệu đã theo người anh ruột Tô Chấn, một lãnh đạo của Việt Nam Quốc dân Đảng lúc ấy, vào Nam hoạt động. Sau kế hoạch ám sát hai viên Toàn quyền Pháp và Toàn quyền Hà Lan không thành, Tô Hiệu, Tô Chấn và một số người khác đã bị thực dân Pháp bắt, kết án “4 năm tù giam và phạt 50 đồng vì tội gia nhập tổ chức bí mật và có hành vi bạo lực”, đày đi Côn Đảo.
Biết Tô Hiệu còn rất trẻ, nhiều triển vọng, có nhiều phẩm chất của một người cộng sản kiên cường, khi ra tù nhất định sẽ góp phần không nhỏ vào việc gây dựng và phát triển phong trào cách mạng trong quần chúng nhân dân của Đảng ta, các đồng chí lớn tuổi hơn, hoạt động lâu năm và có nhiều kinh nghiệm hơn như: Ngô Gia Tự, Tôn Đức Thắng… đã dành nhiều thời gian, công sức bồi dưỡng đồng chí Tô Hiệu hệ thống lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, Luận cương chính trị của Đảng, kinh nghiệm vận động quần chúng công nhân, nông dân, thanh niên, phụ nữ, binh vận, kinh nghiệm công tác bí mật… Theo sự hướng dẫn của các đảng viên cộng sản, Tô Hiệu tích cực tham gia các hoạt động trong nhà tù và không ngừng học tập, rèn luyện bản thân. Cũng tại đây, Tô Hiệu chính thức trở thành đảng viên của Đảng Cộng sản Đông Dương khi 20 tuổi.
Sau khi mãn hạn tù, năm 1934, đồng chí Tô Hiệu trở về làng Xuân Cầu. Tại quê hương, dù vẫn bị mật thám và bọn lý dịch trong làng theo dõi nhưng đồng chí không ngừng tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao dân trí, dân sinh, nâng cao thể lực của thanh, thiếu niên. Đồng chí đã tổ chức các sinh hoạt thể dục thể thao, chơi cờ tướng để tập hợp thanh, thiếu niên thành các nhóm sinh hoạt tùy theo lứa tuổi, sở thích. Đây là những tổ chức sơ khai, có lãnh đạo để hình thành Hội Nông dân tương tế, Hội Ái hữu... sau này. Đồng chí còn mở lớp dạy học tại nhà cho trẻ em trong làng. Qua lớp học, đã giáo dục lòng yêu nước, căm thù giặc cho các em. Không chỉ vậy, với mong muốn thế hệ trẻ trong vùng được mở mang kiến thức, đồng chí Tô Hiệu đã vận động bà con trong làng và người làng làm ăn ở xa góp công, góp của xây dựng Trường Kiêm bị Xuân Cầu, một hình thức trường tiểu học chỉ có ở huyện lỵ lúc ấy. Để dễ vận động bà con và củng cố mối đoàn kết xóm làng, đồng chí đã nêu ra khẩu hiệu: “Kẻ góp của, người góp công; mong sao cho trường học chóng xong; tinh thần đoàn kết muôn năm!”
2. Đồng chí Tô Hiệu - nhà lãnh đạo tài năng của Đảng, có đóng góp to lớn trong việc khôi phục hệ thống tổ chức Đảng và phong trào cách mạng
Là một đảng viên cộng sản, đồng chí Tô Hiệu chú ý đến công tác xây dựng Đảng từ rất sớm. Cũng trong thời gian ở quê hương, đồng chí bí mật tuyên truyền, vận động quần chúng, gây dựng cơ sở cách mạng. Nhà cụ Cả Y, thân mẫu đồng chí Tô Hiệu, trở thành một cơ sở cách mạng tin cậy của Đảng, là nơi nuôi giấu nhiều cán bộ trong Xứ ủy Bắc Kỳ như các đồng chí: Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt, Trần Huy Liệu... Đồng chí Tô Hiệu còn vận động, tuyên truyền lý tưởng cộng sản cho thanh niên yêu nước các vùng lân cận. Chi bộ cộng sản đầu tiên ở huyện Văn Lâm ra đời có sự đóng góp không nhỏ từ những lần tuyên truyền của đồng chí Tô Hiệu. Đồng chí đã bắt liên lạc với tổ chức, tham gia hoạt động khôi phục Xứ ủy Bắc Kỳ và phong trào cách mạng ở Bắc Kỳ. Khi là Ủy viên Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ, phụ trách khu B, đồng chí trở thành một trong những chiến sĩ tiên phong, góp phần thúc đẩy sự phát triển của phong trào cách mạng, củng cố và xây dựng tổ chức đảng trong giai cấp công nhân, nông dân và trí thức, học sinh ở vùng duyên hải nước ta.
Trong thời gian là Bí thư Thành ủy Hải Phòng, đồng chí Tô Hiệu chú trọng công tác tuyên truyền, rải truyền đơn, dán áp phích để dân chúng biết Đảng Cộng sản Đông Dương vẫn tồn tại. Đồng thời, đồng chí còn đặc biệt coi trọng đấu tranh trên lĩnh vực báo chí. Đồng chí đã sáng lập ra tờ Chiến đấu, cơ quan tuyên truyền của Liên tỉnh B, bản thân đồng chí vừa là chủ bút, vừa tích cực viết bài.
Bên cạnh đó, đồng chí Tô Hiệu còn rất quan tâm đến công tác công vận, lấy các cuộc đấu tranh của công nhân làm nòng cốt cho phong trào cách mạng của quần chúng. Do vậy, chỉ trong khoảng từ tháng 3/1939 đến tháng 8/1939, dưới sự chỉ đạo của Thành ủy Hải Phòng, đứng đầu là đồng chí Tô Hiệu, Hải Phòng đã có tới 30 cuộc đấu tranh, bằng số cuộc đấu tranh của cả hai năm 1937, 1938 cộng lại. Các cuộc đấu tranh do đồng chí Tô Hiệu trực tiếp lãnh đạo đều nổ ra một cách vang dội. Điển hình là cuộc đấu tranh của công nhân Nhà máy Tơ (5/1939) kéo dài suốt 1 tháng, cuộc biểu tình chống tăng thuế buộc chính quyền thực dân, các chủ nhà máy phải nhượng bộ, được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đánh giá cao trong các báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản.
Trong thời gian ở Nhà tù Sơn La, được bầu là Bí thư Chi bộ Nhà tù, đồng chí Tô Hiệu vừa chú trọng đến công tác xây dựng Đảng, vừa quan tâm thành lập các tổ chức trong nhà tù. Đồng chí đã vượt lên bệnh tật để tổ chức công tác giáo dục trong tù, viết nhiều tài liệu quan trọng cho Chi bộ, mở các lớp chính trị, quân sự, văn hóa, bồi dưỡng giảng viên, hướng dẫn các cuộc đấu tranh… Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Nhà tù, đời sống trong tù được tổ chức rất quy mô và khoa học. Ủy ban Nhà tù được thành lập và tổ chức ra các ban như: Trật tự trong, Trật tự ngoài, Kinh tế, Cứu tế, Hồng thập tự, Đối ngoại, Sản xuất, Dân vận,… và xuất bản báo Suối Reo để chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho anh em tù nhân, tôi luyện bản lĩnh và kinh nghiệm đấu tranh cách mạng. Cuối năm 1942, Chi bộ Nhà tù Sơn La đã được Ban Chấp hành Trung ương và Xứ ủy Bắc Kỳ công nhận là Chi bộ đặc biệt, phụ trách Nhà tù Sơn La và phong trào cách mạng ở tỉnh Sơn La…
Bằng những hoạt động thực tế rất hiệu quả, đồng chí đã góp phần không nhỏ vào việc chuẩn bị những điều kiện cơ bản cho Đảng và phong trào cách mạng nước ta bước vào giai đoạn vận động tiến tới cách mạng tháng Tám năm 1945, để lại cho Đảng nhiều kinh nghiệm có giá trị lý luận và ý nghĩa thực tiễn sâu sắc.
3. Đồng chí Tô Hiệu - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất, trọn đời chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, vì độc lập tự do, hạnh phúc của dân tộc
Phải lao động kiếm sống tự lập từ nhỏ và tự học tập, rèn luyện từ lúc mới 14 tuổi, với ý chí can trường, Tô Hiệu đã từng bước trưởng thành từ người yêu nước chân chính trở thành người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, rồi đạt đến tầm cao của nhà lãnh đạo cách mạng tiên phong kiên cường. Mặc dù hai lần bị địch bắt và đày ải trong những nơi địa ngục trần gian, nhưng đó là hai lần đồng chí đã “biến cái rủi thành may” để làm giàu trí tuệ, nghị lực phục vụ cho Đảng và dân tộc, cùng các đồng chí của mình biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng. Ý chí kiên cường của đồng chí Tô Hiệu đã khiến quân thù phải khiếp sợ.
Thời gian bị đày ra Côn Đảo, tuy bị lao phổi, nhưng đồng chí vẫn cần mẫn học hành, trau dồi tri thức và kinh nghiệm hoạt động cách mạng. Khi bị thực dân Pháp bắt lần 2, tại Hải Phòng, dù bị bọn mật thám đánh đập dã man, đồng chí vẫn không hề hé răng tiết lộ tài liệu, cơ sở cách mạng. Trong phiên tòa xét xử, khi bị luận tội, dù thân thể tàn tạ do bệnh tật và đòn roi quân thù, đồng chí vẫn hiên ngang, dõng dạc tố cáo tội ác của thực dân Pháp và tay sai, khẳng định con đường cách mạng giải phóng dân tộc là con đường đúng đắn. Đặc biệt, khi bị đày ở nhà tù Sơn La, dù bị đói rét và bệnh lao hành hạ, đồng chí Tô Hiệu vẫn giữ vững ý chí chiến đấu. Đồng chí đã không ngừng làm việc, viết các bài tuyên truyền, lý luận cách mạng, lãnh đạo anh em tù đấu tranh với quân thù, khiến bọn cai ngục và chính tên Công sứ Sơn La Cút-xô khét tiếng gian ác phải nể phục, run sợ.
Ngay cả khi sức khỏe đã cùng kiệt, đồng chí Tô Hiệu vẫn là và mãi là một chỗ dựa tinh thần, cổ vũ, động viên những người cộng sản giữ vững chí khí đấu tranh và quyết tâm suốt đời phấn đấu vì mục tiêu lý tưởng cộng sản. Đánh giá về đồng chí Tô Hiệu, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đã viết “Cuộc đời đồng chí tuy ngắn ngủi, nhưng những cống hiến của đồng chí cho dân tộc và cho cách mạng thật là to lớn”.
Cuộc đời của đồng chí Tô Hiệu đã để lại bài học to lớn về truyền thống yêu nước không chỉ với lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng mà còn của cả dân tộc Việt Nam. Tấm gương hy sinh anh dũng, bất khuất của đồng chí là sự tiếp nối những gương anh hùng trong lịch sử nước nhà. Sự hy sinh của đồng chí Tô Hiệu không phải chấm dứt một sự sống mà là sự khơi nguồn cho một sức phấn đấu mạnh mẽ mới của những người cộng sản Việt Nam trên con đường chinh phục mục tiêu độc lập cho dân tộc, tự do và hạnh phúc cho tất cả đồng bào của mình.
Kỷ niệm 80 năm Ngày đồng chí Tô Hiệu - lãnh đạo tiền bối của Đảng, người con ưu tú của quê hương Hưng Yên hi sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, vì độc lập tự do của dân tộc, hạnh phúc của Nhân dân (07/3/1944 - 07/3/2024) là dịp để chúng ta tôn vinh và tri ân những cống hiến to lớn, quan trọng của đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc; đồng thời, góp phần giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng, lòng yêu nước, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, ý chí, khát vọng vươn lên cho các tầng lớp Nhân dân, nhất là đối với thế hệ trẻ Việt Nam.
1. Tinh thần Tô Hiệu. - Tái bản lần thứ 3 có sửa chữa bổ sung. - H. : Thời đại, 2014. - 389tr. ; 21cm
2. Tô Hiệu tiểu sử / Trần Quốc Vượng, Phạm Minh Chính, Võ Văn Thưởng.... - H. : Chính trị Quốc gia sự thật, 2020. - 275tr. ; 21cm
3. Kỷ yếu hội thảo khoa học : Đồng chí Tô Hiệu với cách mạng Việt Nam và quê hương Hưng Yên : Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Tô Hiệu (1912 - 2022). - Hưng Yên : Tỉnh ủy Hưng Yên xb., 2022. - 316tr. ; 27cm
4. Đề cương tuyên truyền kỉ niệm 80 năm Ngày đồng chí Tô Hiệu hi sinh (07/3/1944 – 07/32014) của Ban Tuyên giáo tỉnh Hưng Yên.
Vũ Thị Hậu sưu tầm và biên soạn