Đức thánh Chử Đồng Tử, một vị “Tứ bất tử” trong tín ngưỡng Việt Nam được thờ phụng ở nhiều nơi. Chỉ riêng ở ven sông Hồng, theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có tới 72 đền thờ ngài. Nhưng đền Đa Hòa ở xã Bình Minh, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên là đền chính - Đa Hòa chính từ. Đền tọa lạc bên bờ sông Hồng trông thẳng sang bãi Tự Nhiên, nơi kỳ ngộ và nảy nở thiên tình sử giữa nàng công chúa cành vàng lá ngọc với một chàng trai nghèo khó nhưng rất mực hiếu thảo. |
Tòa thiên hương trong đền Đa Hòa |
Ngôi đền nổi tiếng gắn với truyền thuyết về tình yêu đẹp nên thơ là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia được bao phủ bởi bốn bề cây cổ thụ sum suê xanh tốt, càng toát lên vẻ linh thiêng, cổ kính.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và du lịch, đền Đa Hòa được tiến sĩ Chu Mạnh Trinh, người làng Phú Thị, tổng Mễ Sở, phủ Khoái Châu (nay thuộc huyện Văn Giang) hưng công xây dựng vào những năm cuối thế kỷ XIX trên nền ngôi đền cổ. Đền Đa Hoà không chỉ là nơi lưu giữ một huyền tích giàu ý nghĩa nhân văn cao đẹp mà còn là một công trình nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc đặc sắc thời Nguyễn.
Ngôi đền gồm 18 công trình lớn, nhỏ với tổng diện tích gần 19 nghìn mét vuông. Con số 18 khiến người đời sau nhớ đến công chúa Tiên Dung khi gặp và kết duyên với Chử Đồng Tử lúc 18 tuổi và là con vua Hùng Vương thứ 18. Các mái đền mang hình thuyền rồng cách điệu. Từ trên cao nhìn xuống, ngôi đền giống như đoàn thuyền đang quần tụ dập dìu trên sông nước. Người ta bảo rằng, ngài tiến sĩ nho học tài hoa, tinh tế khi thiết kế đã gửi gắm ý tưởng về ngôi đền gợi nhớ cảnh đoàn thuyền của công chúa Tiên Dung đang du ngoạn trên sóng nước sông Hồng thuở nào...
Ngay bên ngoài đền là nhà Bia tám mái uy nghi, đối diện với bãi Tự Nhiên- nơi nên duyên của Chử Đồng Tử và Tiên Dung. Khu giữa của đền có gác chuông và gác khánh chứa 2 bảo vật quý là chuông và khánh được đúc, tạc từ thời Nguyễn. Trung tâm của đền là tòa Thiên hương trang nghiêm, bề thế, hai tầng tám mái, trạm trổ vô cùng tinh xảo, kỳ công…
Ấn tượng với du khách hơn cả là các pho tượng đức thánh Chử Đồng Tử và nhị vị phu nhân đặt ở hậu cung, đều được đúc bằng đồng, tầm vóc cỡ như người thật. Phía ban ngoài còn có ba pho tượng như thế bằng gỗ. Nguyên do từ thời kỳ thực dân Pháp chiếm đóng, chúng đã lấy cả ba pho tượng bằng đồng đem đi. Nhân dân địa phương vừa tạc ba pho tượng bằng gỗ để thờ, vừa đấu tranh đòi lại. Về sau chúng phải trả tượng lại cho đền. Ba pho tượng bằng gỗ cũng được giữ lại do đã hiện diện trong tình cảm, tâm linh của người dân, đồng thời để ghi dấu một thuở quê hương từng bị giặc ngoại xâm tàn phá.
|
Bên trong đền Đa Hòa |
Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, toàn bộ kiến trúc ngôi đền toát lên ý tưởng và cảm hứng về câu chuyện tình bất tử. Đây không chỉ là một di tích lưu truyền và lan toả về một thiên tình sử hàng ngàn năm nay mang ý nghĩa nhân văn cao đẹp mà còn có giá trị đặc biệt về nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc thời Nguyễn. Các nghi thức tế lễ của lễ hội Chử Đồng Tử -Tiên Dung vào mùa xuân cũng sở hữu những nét văn hóa cực kỳ đặc sắc, hấp dẫn, chỉ nơi đây mới có.
Và có lẽ, thu hút sự chú ý của du khách ở ngôi đền cổ kính ven bờ sông Hồng bốn mùa đỏ phù sa còn là hình ảnh hàng cây gạo trăm tuổi và những cây cổ thụ sừng sững, soi bóng bên sông hay rợp tán trong đền.
Tương truyền, hàng cây gạo ước chừng đã trên 100 tuổi, chúng bắt đầu bén rễ ở đây để làm đẹp cho đền từ khi người con tài hoa đất Nhãn vận động nhân dân công đức, xây dựng và tự tay vẽ kiểu ngôi đền. Chu Mạnh Trinh cũng chính là người vẽ kiểu trùng tu chùa Thiên Trù ở khu danh thắng Hương Tích (Hà Nội). Du khách về thưởng ngoạn cũng được dâng hương tưởng nhớ vị kiến trúc sư tài ba của đền Đa Hòa tại điện thờ Chu Mạnh Trinh bên trong đền. Điện thờ có di ảnh của ông cùng cây đàn thập lục gắn với tên tuổi vị tiến sĩ tài danh nức tiếng. Ông được ghi công và tôn thờ như một vị thần hộ đền.
Hàng cây gạo được trồng có chủ ý ngay phía trước đền, song song với đường dẫn vào đền chính. Đặc biệt, mỗi năm vào kỳ đền khai hội, dù đi bằng thuyền hay đi đường bộ, từ rất xa, du khách đã có thể nhận ra ngôi đền nhờ hàng gạo cổ thụ trổ hoa khoe sắc, rực đỏ tưng bừng, hệt như những cây nến khổng lồ cháy sáng một góc trời, nổi bật trên nền xanh tươi của tiết xuân. Khi ấy, nỗi nhớ quê hương một thuở, ký ức tuổi thơ xa xôi, kỷ niệm tình yêu nồng nàn… không hẹn mà cùng trở lại ấm áp trong tim, rạng lên trong ánh mắt du khách.
Ngoài hàng cây gạo cổ thụ, đền có nhiều cây nhãn thân to một người ôm không xuể, cùng nhiều loại cây cổ thụ khác như muỗm, đa, sưa… đều xòe tán rộng lớn. Vào dịp hội đền đầu xuân còn có lễ thả đèn hoa đăng khi màn đêm xuống. Bến sông Hồng ở khu vực đền vào lúc ấy chật kín người cùng những khoảnh khắc ấm lòng minh chứng cho “tình yêu không có tuổi”, bởi không chỉ có nam thanh, nữ tú háo hức và hồi hộp thả những lời cầu nguyện về tình yêu và hạnh phúc theo những ngọn đèn thắp sáng mặt nước sông Cái…
Mùa nối mùa, dưới những vòm cổ thụ tỏa bóng xanh tươi luôn dập dìu trai thanh gái lịch đến lễ thánh, thưởng ngoạn cảnh đền, nhắc nhớ, ước hẹn về một tình yêu “vàng đá”, che chở cho nhau trước mưa nắng cuộc đời...
Minh Huệ
Nguồn: http://baohungyen.vn