Trung tướng Nguyễn Bình, tên khai sinh là Nguyễn Phương Thảo, sinh năm 1908 trong một gia đình hiếu học, yêu nước tại thôn Yên Phú, xã Giai Phạm (Yên Mỹ). Nhà thờ Trung tướng Nguyễn Bình đang được xây dựng tại quê nhà, bên cạnh Khu lưu niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, tạo thành quần thể di tích, là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống yêu nước cho nhân dân.
Năm 1919, học xong chương trình tiểu học, Nguyễn Bình được anh cả đưa xuống Hải Phòng học tiếp bậc trung học. Do ảnh hưởng của người anh cả, ông sớm tham gia hoạt động các phong trào yêu nước của giới học sinh. Sau đó ông được gặp đồng chí Trần Huy Liệu, đảng viên Quốc dân đảng. Đây là người dìu dắt, giới thiệu để ông trở thành đảng viên của Quốc dân đảng, đồng thời có ảnh hưởng lớn đến con đường cách mạng của Nguyễn Bình. Sau này, cả hai ông đều bị đày ra Côn Đảo. Tại đây, hai ông gặp, gần gũi một số tù chính trị là cán bộ cộng sản, được giác ngộ cách mạng và quyết định đi theo cộng sản. Cũng tại đây, hai ông bị Quốc dân đảng trả thù vì ly khai Quốc dân đảng. Đây là nguyên nhân Nguyễn Bình bị hỏng vĩnh viễn một bên mắt.
Sau 5 năm chịu án ở Côn Đảo. Năm 1935, ông trở về đất liền và bị quản thúc tại quê nhà. Trong thời gian này, ông thay tên thành Nguyễn Bình với ý nghĩa Bình là “bình thiên hạ”, đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc đời. Bất chấp sự quản thúc của chính quyền thực dân Pháp, ông vẫn hăng hái hòa mình vào phong trào đấu tranh cách mạng. Ông đã quy tụ được nhiều thanh niên có khí phách trong vùng, hàng ngày đến nhà ông tập võ nghệ, hát hò, bình luận văn thơ. Thời gian này ông vẫn tìm gặp đồng chí Trần Huy Liệu và thực hiện một số nhiệm vụ cách mạng giao. Năm 1942, ông được đồng chí Hoàng Quốc Việt, Bí thư Xứ ủy Bắc kỳ phái lên Lai Châu tìm nhiên liệu chế tạo lựu đạn. Năm 1943, ông được Trung ương giao nhiệm vụ mua sắm vũ khí cho cách mạng ở Đông Triều, Hải Phòng.
Ông chỉ huy nhiều đánh trận lớn thu được nhiều lương thực và vũ khí, trong đó có trận đánh đồn Bần Yên Nhân. Từ năm 1942, tại khu vực Bần Yên Nhân, quân Pháp đã xây một đồn binh nhằm kiểm soát khu vực Phố Nối và ngã ba đường 39, tiếp giáp với đường 5. Sau khi Nhật đảo chính Pháp, đồn Bần Yên Nhân có một trung đội lính khố xanh, do một sỹ quan Nhật chỉ huy. Tên đồn trưởng có con trai đang được một ông giáo trong vùng dạy học. Ông trò chuyện, vận động ông giáo để từng bước làm quen và thuyết phục những binh lính trong đồn không nên gây tội ác với nhân dân. Dần dần ông đã gây dựng được một đầu mối tin cậy, là một người lính tên Việt trong đồn và lôi kéo được nhiều binh lính ủng hộ Việt Minh.
Sau khi nắm chắc mọi hoạt động và tình hình trang bị vũ khí của đồn Bần Yên Nhân, ông báo cáo và được Xứ ủy Bắc Kỳ đồng ý về kế hoạch tấn công đồn này. Khoảng 9h30 phút tối ngày 12.3.1945, Nguyễn Bình cùng hai đồng chí khác giả làm sỹ quan Nhật cùng một người đóng giả thông ngôn đi vào đồn. Tên lính gác tưởng là quan Nhật đi kiểm tra vội vàng mở rộng. Bên trong, Việt bắn chết tên sỹ quan Nhật và khống chế tên đồn trưởng. Được những người lính làm nội ứng giúp đỡ, các chiến sỹ ta xông vào kho súng của đồn lấy được 24 khẩu súng trường vầ 6 hòm đạn. Trong tổng kết chiến tranh du kích, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá trận đánh đồn Bần Yên Nhân là trận đánh du kích kiểu mẫu ở Đồng bằng Bắc bộ.
Tháng 4.1945, Hội nghị quân sự Bắc kỳ quyết định cả nước chia làm 7 quân khu, Bắc bộ có 4, ông Nguyễn Bình giữ chức Tư lệnh Đệ tứ quân khu (tức chiến khu Đông Triều). Tháng 7.1945, ông đem quân đánh chiếm giải phóng thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh), là tỉnh lị duy nhất ở miền Bắc về tay nhân dân trước Cách mạng tháng Tám. Tháng 8.1945, ông dẫn đầu lực lượng từ chiến khu tham gia khởi nghĩa giành chính quyền tại Hải Phòng.
Khi thực dân Pháp trở lại đánh chiếm Sài Gòn, chiến tranh lan rộng ra toàn Nam bộ, ông được Hồ Chủ tịch tín nhiệm cử vào miền Nam lo việc thống nhất các lực lượng vũ trang tại chiến trường Nam bộ. Với tư cách là phái viên của Trung ương Đảng, tháng 11.1945, ông tổ chức “Hội nghị quân sự Nam bộ” đầu tiên. Hội nghị bàn bạc về việc thống nhất các lực lượng vũ trang ở Nam bộ lấy tên chung là Giải phóng quân Nam bộ, thống nhất biên chế hình thức chi đội, phân chia khu vực hoạt động, đề ra những giải pháp tiến hành chiến tranh du kích. Trong hội nghị này, Nguyễn Bình được bầu làm Tư lệnh Giải phóng quân Nam bộ.
Do có biệt tài về quân sự, Nguyễn Bình đã giữ được miền Nam trong những ngày khó khăn, bẻ gãy được mũi nhọn tiến công của quân viễn chinh Pháp. Dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Bình, các đơn vị bộ đội địa phương được tập hợp lại, chính quy hóa, đi vào nền nếp, đặt mục tiêu đánh Pháp lên trên hết, thống nhất được các nhóm giang hồ đi theo cách mạng. Một đóng góp nữa của Trung tướng Nguyễn Bình, đó là đào tạo binh chủng tinh nhuệ luồn sâu đánh hiểm, đột nhập vào thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn là hang ổ của địch, ngày đêm quấy rối, rải truyền đơn, ném lựu đạn, làm cho địch ăn không ngon, ngủ không yên. Dưới sự chỉ huy mưu lược, quyết đoán và dũng cảm, giữ kỷ luật nghiêm minh, ông lập nhiều chiến công xuất sắc ở những nơi nguy hiểm vào những thời điểm khó khăn nhất.
Ngày 25.1.1948, ông được Chính phủ phong quân hàm Trung tướng. Đây là Trung tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Năm 1951, ông được lệnh ra Bắc, trên đường đi, Trung tướng Nguyễn Bình đã hy sinh ngày 29.9.1951 tại Campuchia.
Trong sắc lệnh số 84/SL ngày 24.2.1952 truy tặng Huân chương Quân công hạng Nhất cho Trung tướng Nguyễn Bình, Chủ tịch Hồ Chí Minh ghi về quá trình hoạt động cách mạng của ông: “Hoạt động cách mạng năm 16 tuổi; suốt thời gian trước Tổng khởi nghĩa tham gia đánh Nhật, đuổi Pháp đã có công nhiều trong phong trào tranh đấu và khởi nghĩa ở các tỉnh miền duyên hải Bắc bộ; tổ chức đánh tàu commanhdant Bourdait, thu vũ khí xây dựng chiến khu Tư; tháng 8 năm 1945, được lệnh Tổng khởi nghĩa dẫn bộ đội chiếm Hải Phòng, Kiến An, Đồ Sơn, chống thực dân Pháp đổ bộ, đánh chiếm tàu chiến và tàu vận tải của địch; được lệnh vào Nam bộ, trong khi bộ đội ở đó còn một số ít đang bị hàng vạn quân địch bao vây chặt chẽ, đã kiên quyết sáng suốt xây dựng bộ đội lớn mạnh và chỉ huy chiến đấu đánh thắng quân địch nhiều trận lớn trên các chiến trường Nam bộ; đã góp phần vào việc chỉnh đốn xây dựng Uỷ ban Kháng chiến hành chính Nam bộ và củng cố Mặt trận Dân tộc thống nhất Nam bộ”.
Đào Doan
Nguồn: http://baohungyen.vn