Nhạc sĩ Mai Văn Chung (1914 - 1984)
Nhạc sĩ Mai Văn Chung, bút danh Văn Chung, sinh ngày 20/6/1914 tại Hà Nội, quê ở Cống Vân, huyện Tiên Lữ (nay thuộc thôn Vân Phương, xã Liên Phương, thành phố Hưng Yên).
Văn Chung thuộc thế hệ nhạc sĩ sáng tác tiêu biểu của nền âm nhạc hiện đại Việt Nam. Tác phẩm nhạc đầu tay là bài Tiếng sáo chăn trâu, ra đời năm 1935. Đây cũng là một trong những sáng tác đầu tiên của nền tân nhạc Việt Nam. Từ đó cho đến tháng 8 năm 1945, ông đã viết được gần 30 bài hát và bản nhạc cho đàn dân tộc, tiêu biểu là các ca khúc: Bên hồ liễu (1936), Bóng ai qua thềm (1937), Hồ xuân và thiếu nữ (1939).
Văn Chung đến với hoạt động âm nhạc bằng tự học. Ông sử dụng nhạc cụ để sáng tác nhạc mới. Ban đầu ông chơi mandoline, contrbasse cho các tiệm nhảy ở Hà Nội. Sau ông cùng Lê Yên và Doãn Mẫn thành lập nhóm Tricéa, cùng trình diễn và sáng tác. Ông cũng là một trong những người sáng lập và tổ chức Nhà xuất bản Tricéa, nhà xuất bản âm nhạc đầu tiên của Việt Nam, chuyên in và phát hành các ca khúc mới của Việt Nam để chống lại ảnh hưởng của nhạc Tây-Tàu và là một trong những người nòng cốt, diễn viên kịch nói của đoàn kịch do Thế Lữ thành lập (1943).
Cách mạng tháng Tám thành công, ông phục vụ ở Đài phát thanh tiếng nói Việt Nam. Toàn quốc kháng chiến bùng nổ, ông gia nhập nhóm văn nghệ sĩ lên chiến khu, phụ trách đội văn nghệ trong quân đội, sau đó chuyển sang đoàn văn công Tổng cục Chính trị. Trong kháng chiến chống Pháp, ông có những ca khúc được phổ biến rộng rãi như: Hò dân cày (1947), Ăn no đánh thắng (1954), Pì noọng ơi (1950), Vào Đông Khê, Đợi anh về (1949)... Đặc biệt, nhạc phẩm Hò dân cày được bộ đội rất yêu thích, bài hát đã biến thành khẩu lệnh chiến đấu của một đại đội trong chiến dịch biên giới 1950 và là minh chứng hùng hồn cho sức mạnh của âm nhạc trong chiến tranh. Ca khúc Đợi anh về (thơ Ximônốp - Tố Hữu dịch) là một đóng góp trong việc phổ nhạc cho thơ của ông.
Sau ngày miền Bắc giải phóng (1954), ông về công tác ở Bộ Văn hoá-Thông tin, sáng tác nhiều bài về công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội: Gái thôn Đoài, trai thôn Thượng (1956), Ba cô gái đảm (1963), Lúa cấy thẳng hàng (1966), Cấy lúa xuân (1971), Bài ca trên đường thống nhất (1955), Từng bước đi vững chắc (1964), Bác Hồ đời đời sống mãi.
Từ năm 1964, ông làm Giám đốc Nhà hát giao hưởng - hợp xướng nhạc vũ kịch Việt Nam. Ông còn là Uỷ viên Thường vụ Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam khoá II.
Không chỉ nổi bật với những sáng tác ca ngợi công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, Văn Chung còn là một trong số những tác giả có đóng góp nhiều nhất trong việc giáo dục, bồi dưỡng tâm hồn thiếu nhi bằng âm nhạc, tiêu biểu là ca khúc: Lỳ và Sáo, Lượn tròn lượn khéo, Đếm sao, Trăng theo em rước đèn, Trăng xinh ngoan... và một vài kịch hát: Sói xám ăn gì?, Miu vàng của mẹ, Những đoá hoa xuân... Ông còn viết một số nhạc phẩm khí nhạc như Tiếng sáo quê hương (cho flute), Hương lúa (cho piano), nhạc cho kịch thơ: Lam Sơn tụ nghĩa, nhạc cho một số bộ phim. Ông đã xuất bản tuyển tập Quê tôi giải phóng (Nxb. Văn hóa, 1974), Tuyển chọn ca khúc Văn Chung (Nxb. Âm nhạc, 1974) và album tác giả Văn Chung.
Ông mất ngày 27/8/1984, tại Hà Nội, thọ 71 tuổi.
Nửa thế kỷ sáng tạo nghệ thuật, nhạc sĩ Văn Chung đã để lại một di sản quý báu gồm hàng trăm ca khúc các loại, một số kịch hát múa cho thiếu nhi và một số tác phẩm âm nhạc thính phòng. Những sáng tác của ông luôn tươi mới, nêu bật lên được hình ảnh của làng quê trong kháng chiến, những người nông dân một nắng hai sương trong cuộc sống thường ngày với những nét hồn hậu, chất phác và đầy ắp giai điệu dân ca. Liên khúc Hò dân cày, Pì noọng ơi, Lỳ và Sáo được phát sóng trong chương trình “Giai điệu tự hào” trên VTV1 Đài truyền hình Việt Nam năm 2014.
Ông được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007 (đợt 2) và Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật năm 2012 (đợt 4).
Theo cuốn "Danh nhân Hưng Yên"