Lễ hội văn hóa dân gian Phố Hiến là một trong những lễ hội lớn của Hưng Yên diễn ra từ ngày 6 đến ngày 8 tháng Ba (âm lịch) hàng năm. Lễ hội được tổ chức nhằm quảng bá hình ảnh Phố Hiến xưa – thành phố Hưng Yên hôm nay đến nhân dân và du khách thập phương. Đến với lễ hội, du khách không chỉ được hòa mình vào không gian lễ hội, thưởng ngoạn, tìm hiểu về các di tích lịch sử – văn hóa mà còn được thưởng thức những món ăn mang đậm hồn quê xứ Nhãn.
|
Gian ẩm thực bày bán chè hạt sen long nhãn |
Để tạo ấn tượng cho du khách thập phương khi đến với lễ hội, các gian hàng ẩm thực đều được Ban tổ chức lễ hội bố trí trong không gian mở, gần gũi với thiên nhiên, thân thiện với môi trường. Tại mỗi gian hàng, du khách sẽ được tận mắt thấy đôi bàn tay khéo léo của các bà, các chị, để rồi từ những nguyên liệu bình dị, thân quen được tạo ra các món ăn mang đậm hương vị quê hương thắm nồng. Không chỉ được thưởng thức những món ngon mà du khách còn được nghe giới thiệu tỉ mỉ về từng nguyên liệu, từng công đoạn làm ra các món ăn đặc sản Phố Hiến.
Chè hạt sen long nhãn
Nhắc đến Hưng Yên, ta nhớ ngay đến đặc sản nhãn lồng, và nói đến ẩm thực Phố Hiến, ta không thể không nói đến món chè hạt sen long nhãn. Thật tinh tế khi ai đó chọn đúng nhãn lồng Hưng Yên, hạt sen, bột sắn dây, đường cát, nước mưa, hoa bưởi để nấu thành món chè vừa thơm ngon vừa bổ dưỡng, gọi là chè hạt sen long nhãn.
|
Chè hạt sen long nhãn |
Làm chè hạt sen cần sự khéo léo thực sự của người phụ nữ. Bắt đầu từ khâu lựa chọn nguyên liệu đến cách tách long nhãn. Người làm cần tỉ mỉ, khéo léo dùng con dao nhọn như dao bổ cau ngày xưa tách long nhãn sao cho cùi nhãn không bị rách, nát. Như thế nó mới có thể ôm trọn lấy hạt sen, để hạt sen nằm e ấp trong cùi nhãn, quyện hương vào nhau.
Nước chè được nấu riêng với bột sắn, nước mưa, thêm chút đường trắng. Nhiều người còn cầu kì thả chút hoa nhài, hoa bưởi nhẹ nhàng và thanh cảnh vào nồi nước chè. Khi thưởng thức, những quả long nhãn bọc hạt sen sẽ được sắp xếp ngay ngắn trong bát rồi mới rót nước chè vào. Qua lớp nước trong, ta nhìn rõ được hạt sen, cùi nhãn rất đẹp.
Chè sen long nhãn không có sự bắt mắt về màu sắc, cũng như không có sự trang trí cầu kì nhưng chè sen long nhãn có sức hút với thực khách chính là hương vị tự nhiên tỏa ra vị man mát của bột sắn hòa quyện vị ngọt của long nhãn và hạt sen, mỗi hương vị đều có sắc thái riêng, nhưng khi đã hòa quyện vào nhau thì chúng lại có một hương vị rất đặc biệt khiến ai đã một lần thưởng thức sẽ không thể nào quên.
Bánh răng bừa Văn Giang
Từ cây lúa, hạt gạo người dân xã Phụng Công (Văn Giang )đã chế biến ra một loại bánh nổi tiếng, đặc sản thơm ngon góp phần làm phong phú thêm văn hóa ẩm thực của mảnh đất Hưng Yên. Đó chính là bánh tẻ hay còn gọi là bánh răng bừa vì những chiếc bánh được bàn tay khéo léo của người thợ làm bánh gói thành hình thù giống như những cái răng bừa.
|
Đặc sản bánh răng bừa Văn Giang được bày bán tại khu ẩm thực |
Để tạo ra những chiếc bánh răng bừa thơm ngon, người làm phải rất cầu kỳ, khéo léo trong tất cả công đoạn. Bánh làm từ gạo tám, được ngâm trong nước từ 3 - 4 giờ, vo sạch, sau đó đem xay nhuyễn thành bột. Bột xay rồi được đem “giáo bột” bằng cách quấy đều trên bếp đến độ chừng bảy phần chín thì bắc ra, tiếp tục quấy đều tay cho nhuyễn dẻo, rồi tãi ra mâm cho bột nguội hẳn mới tiến hành gói.
Nhân bánh gồm thịt lợn thái nhỏ hạt lựu, hành củ, gia vị, mộc nhĩ, hạt tiêu cho vào chảo đảo đều, chín tới bắc ra. Lá để gói bánh là lá dong được trồng ở vùng đất phù sa ven sông Hồng, mềm dai và có mầu xanh khác hẳn với lá dong ở các vùng khác. Sau khi gói, bánh được đem hấp hay luộc chín. Chính màu xanh và hương thơm từ lá gói, độ giòn mềm của vỏ bánh cùng với vị ngon đậm đà của nhân bánh đã làm nức lòng người thưởng thức, nếu ai đã một lần được nếm thử, hẳn rằng sẽ nhớ mãi vị thơm ngon, bùi béo của món ăn dân dã này.
Ngoài chè hạt sen long nhãn, bánh răng bừa, Phố Hiến còn nhiều món ăn dân dã, bình dị nhưng cũng không kém phần hấp dẫn và độc đáo như món: bánh đúc, xôi vò… Không chỉ được thưởng thức ngay tại lễ hội, du khách còn được mua về làm quà những món ăn là đặc sản của Phố Hiến như: long nhãn, mật ong hoa nhãn, hạt sen khô, chè sen, mứt sen...
Theo đánh giá của Ban tổ chức lễ hội văn hóa dân gian Phố Hiến, qua nhiều năm tổ chức lễ hội thì các gian hàng ẩm thực luôn có sức hút lớn đối với du khách. Các gian hàng ẩm thực được trưng bày, giới thiệu trong lễ hội không chỉ nhằm mục đích kinh doanh, lợi nhuận nên ngoài bày bán sản phẩm hàng hóa, các bà, các chị còn khéo léo, tinh tế giới thiệu với du khách về các món ăn, các loại đặc sản từ quy trình lựa chọn nguyên liệu, cách chế biến đến tác dụng của món ăn đối với sức khỏe. Qua đó cũng là cách để quảng bá đến du khách xa gần về con người, sản vật, bản sắc, văn hóa của quê hương xứ Nhãn qua những món ăn truyền thống.
Cùng với đó, Ban tổ chức lễ hội cũng quan tâm đến việc nâng cao ý thức của các chủ gian hàng về vấn đề bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm để tạo sự yên tâm cho các thực khách và góp phần giữ gìn thương hiệu cho các món ăn quê hương. Giá cả các món ăn và các đặc sản được bày bán trong các gian ẩm thực cũng được niêm yết công khai để bảo vệ quyền lợi của du khách. Trang phục người bán hàng cũng chỉnh tề, phù hợp với không gian lễ hội văn hóa, tín ngưỡng, trong đó khuyến khích sử dụng trang phục truyền thống như áo dài, áo bà ba, áo tứ thân, khăn mỏ quạ... để tạo không gian đậm chất văn hóa của làng quê Việt Nam xưa.
Đến với lễ hội văn hóa dân gian Phố Hiến, được thăm quan các di tích văn hóa, được hòa mình trong không khí lễ hội và thưởng thức các món ăn ngon mang đặc trưng của Phố Hiến sẽ đem đến những trải nghiệm thú vị, hấp dẫn và khó quên cho du khách về mảnh đất và con người xứ Nhãn.
Hương Giang
Nguồn: http://baohungyen.vn/