Tuyên truyền giới thiệu sách kỷ niệm 73 năm ngày thành lập ngành Văn hóa (28/8/1945-28/8/2018)
Nhân dịp kỷ niệm 73 năm ngày thành lập ngành Văn hóa, Thư viện tỉnh Hưng Yên xin trân trọng giới thiệu tới bạn đọc một số cuốn sách nghiên cứu về văn hóa Việt Nam; mỗi cuốn sách thể hiện một góc độ nhìn nhận, một cách tiếp cận vấn đề văn hóa, nhưng đều góp phần vào việc “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” theo tinh thần Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Hội nghị lần thứ 9 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI
Trong số những công trình nghiên cứu về văn hóa nói chung và văn hóa Việt Nam nói riêng, cuốn sách "Bản sắc văn hóa Việt Nam" của Giáo sư Phan Ngọc có một vị trí vô cùng đặc biệt. Đặc biệt vì đây là một công trình nghiên cứu công phu và tâm huyết, cuốn sách chứa đựng nhiều ý tưởng độc đáo, mang tính đột phá, góp phần cơ bản vào quá trình xây dựng và hoàn chỉnh ngành văn hóa học Việt Nam. Nội dung gồm 4 phần, giới thiệu định nghĩa sơ bộ về văn hóa và một số khái niệm cơ bản của văn hóa học; bản sắc văn hóa Việt Nam và sự khác nhau giữa văn hóa Việt Nam với văn hóa Trung Quốc; bản sắc văn hóa Việt trong quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa; cách bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam trong cuộc tiếp xúc văn hóa hiện nay.
Cuốn sách “Văn hóa Việt Nam - tìm tòi và suy ngẫm” dày gần 1.000 trang bao gồm các công trình đã công bố của Giáo sư Trần Quốc Vượng do Nhà xuất bản Văn học lựa chọn nhằm cung cấp những kiến thức, tư liệu và kinh nghiệm để xây dựng ngành Văn hóa học ở Việt Nam. Nội dung gồm tập hợp các bài nghiên cứu được bố cục theo 6 chủ đề chính, từ khái niệm, không gian, thời gian văn hóa, con người văn hóa đến các thành tố văn hóa… Tất cả các bài viết dù được tiếp cận theo góc độ nào từ chung đến riêng hay ngược lại từ riêng đến chung đều thấu suốt và quán triệt quan điểm toàn diện trong nghiên cứu văn hóa để đạt tới nhận thức khoa học khái quát và khách quan. Trong mỗi chủ đề, thông qua việc diễn giải vấn đề cụ thể, tác giả sử dụng những hệ khái niệm công cụ, khái niệm chìa khoá để dẫn dắt người đọc khám phá chân lý khách quan và khái quát của lịch sử, văn hoá dân tộc.
Nước ta là quốc gia nhiều dân tộc, nhiều sắc thái văn hóa. Hiểu bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc, phát huy giá trị lịch sử của văn hóa các dân tộc để huy động mọi nguồn lực các dân tộc vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì sự nghiệp phồn vinh của đất nước là điều tất yếu, cần làm. Cuốn sách “Văn hóa dân tộc, Văn hóa Việt Nam” của Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Nam được viết theo cách nhìn tổng thể, giới thiệu về văn hóa truyền thống của từng dân tộc trong văn hóa truyền thống tất cả các dân tộc Việt Nam nói chung. Cuốn sách tiếp cận văn hóa Việt từ góc nhìn tích hợp: địa lý, lịch sử và phong tục tập quán dân tộc.
Cuốn sách “Văn hóa Việt Nam truyền thống-một góc nhìn” của tác giả Nguyễn Thừa Hỷ hệ thống lại những giá trị truyền thống văn hóa Việt Nam đã có từ hàng nghìn năm, trải trên một không gian xã hội rộng lớn với nhiều đặc trưng khác biệt như đời sống vật chất, kinh tế, xã hội, chính trị, tâm linh, văn hóa nghệ thuật và cộng đồng văn hóa Việt Nam.
Cuốn sách “Làng văn hóa cổ truyền Việt Nam” do Giáo sư Vũ Ngọc Khánh làm chủ biên là công trình nghiên cứu, khảo sát công phu của tập thể các tác giả là các nhà nghiên cứu, quản lý văn hóa trên cả nước về thiết chế “Làng văn hóa” ở các khía cạnh nguồn gốc, sự ra đời, những nét văn hóa đặc trưng, phong tục, tín ngưỡng, tôn giáo, nghề truyền thống của một số làng xã tiêu biểu trên cả nước. Hy vọng rằng cuốn sách sẽ giúp bạn đọc thêm hiểu và thêm yêu các làng quê, các dân tộc trên mọi miền của Tổ quốc Việt Nam
Phòng Công tác bạn đọc