Giới thiệu cuốn sách “ Lê Quý Đôn – Nhà thư viện, thư mục học Việt Nam thế kỷ XVIII”
Lê Quý Đôn là nhà bác học nổi tiếng của Việt Nam thế kỷ XVIII. Sinh thời ông từng được người đời ca tụng: “Thiên hạ vô tri vấn Bảng Đôn”, có nghĩa là mọi người trong thiên hạ ai không hiểu việc gì, muốn hỏi thì gặp Bảng nhãn Lê Quý Đôn.
Lê Quý Đôn nguyên là Lê Danh Phương, tự Doãn Hậu, hiệu Quế Đường, sinh ngày 2-8-1726 trong gia đình khoa bảng tại làng Phú Hiếu, huyện Diên Hà, trấn Sơn Nam Hạ, tỉnh Thái Bình (nay thuộc xã Lê Quý Đôn, tỉnh Hưng Yên). Ngay từ nhỏ ông đã nổi tiếng thông minh, chăm học. Năm 14 tuổi, Lê Quý Đôn theo cha lên học ở kinh đô Thăng Long. Lúc ấy cậu bé 14 tuổi đã học xong toàn bộ sách kinh, sử của Nho gia. 18 tuổi, Lê Quý Đôn thi Hương đỗ Giải nguyên. 27 tuổi đỗ Hội nguyên, rồi đỗ Đình Nguyên Bảng nhãn.
Sau khi đã đỗ đạt, Lê Quý Đôn được bổ làm quan và từng giữ nhiều chức vụ quan trọng của triều Lê - Trịnh, như: Hàn lâm thừa chỉ sung Toản tu Quốc sử quán (năm 1754), Hàn lâm viện thị giảng (năm 1757), Đốc đồng xứ Kinh Bắc (năm 1764), Thị thư kiêm Tư nghiệp Quốc tử Giám (năm 1767), Tán lý quân vụ, Thị phó đô ngự sử (năm 1768), Công bộ hữu thị lang (năm 1769), Bồi tụng (Phó thủ tướng) (năm 1773), Lại bộ tả thị lang kiêm Tổng tài Quốc sử quán (năm 1775), Hiệp trấn tham tán quân cơ Trấn phủ Thuận Hóa (năm 1776), Hiệp trấn Nghệ An (năm 1783), Công bộ thượng thư (năm 1784)... Ông mất ngày 1-5-1784 tại quê mẹ, làng Nguyên Xá, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam ( nay thuộc tỉnh Ninh Bình). Thi hài ông được đưa về mai táng ở quê nhà.
Cuộc đời và di sản của ông đã trở thành tài sản văn hóa quý giá của dân tộc. Nhân dịp kỷ niệm 210 năm ngày mất của ông, trường Đại học Văn hóa Hà Nội và Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao Thái Bình đã phối hợp tổ chức hội thảo khoa học chuyên đề “Lê Quý Đôn – Nhà thư viện, thư mục học Việt Nam thế kỷ XVIII”. Để làm cơ sở cho việc tiếp tục nghiên cứu về ông trong lịch sử thư viện, thư mục Việt Nam. Ban Tổ chức Hội thảo đã biên tập và xuất bản cuốn sách “ Lê Quý Đôn – Nhà thư viện, thư mục học Việt Nam thế kỷ XVIII”, với 166 trang, khổ 19cm, sách do nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin ấn hành năm 1995.
Nội dung cuốn sách có 4 phần: Gồm nhiều báo cáo của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học như: Tiến sĩ Đặng Việt Bích, Tiến sĩ Cung Khắc Lược, Bùi Văn Vượng, GS.TS. Huỳnh Khái Vinh…trình bày tại hội thảo về cuộc đời, sự nghiệp và những cống hiến của nhà bác học Lê Quý Đôn cho ngành thư viện, thư mục Việt Nam.
Phần 1: Lê Quý Đôn và sự nghiệp trước tác – tác phẩm
Lê Quý Đôn là nhà bác học uyên thâm bậc nhất của Việt Nam trong thế kỷ XVIII. Các trước tác của ông về sử học có Đại Việt thông sử, Phủ biên tạp lục, Kiến văn tiểu lục, Bắc sử thông lục. Về triết học có Kinh thư diễn nghĩa, Dịch kinh phu thuyết, Xuân thu lược luận, Quần thư khảo biện. Về sáng tác văn học và sưu tập văn chương có Hoàng Việt văn hải, Quế đường thi văn tập. Về khoa học có Vân đài loại ngữ. Qua các ghi chép khác thì ông còn là nhà địa lý học, có hiểu biết nhiều về nông học, dân tộc học, ngôn ngữ học…
Phần 2: Lê Quý Đôn – Nhà thư mục học
Lê Quý Đôn có đóng góp lớn đối với ngành thư viện, thư mục Việt Nam. Có thể nói ông là người khai sáng, đặt nền móng cho lý luận và phương pháp thư viện, thư mục học Việt Nam thông qua việc biên soạn thư mục Nghệ văn chí một chương trong bộ Đại Việt thông sử (cũng có tên là Lê Triều thông sử). Trong thiên thư mục này, Lê Quý Đôn đã sưu tầm, kê cứu lai lịch, tình trạng sách của Việt Nam từ đời Lý (thế kỷ 11) đến cuối đời Lê (thế kỷ 18). Trong Nghệ văn chí Lê Quý Đôn phân chia các sách (gồm 115 bộ sách Hán Nôm) vào 4 loại:
1. Hiến chương loại: 16 tên sách
2. Thi văn loại: 66 tên sách
3. Truyện ký loại: 19 tên sách
4. Phương kỹ loại: 14 tên sách
Về mỗi bộ sách, ông đều ghi rõ: Tên sách, số quyển, tên người biên soạn (hay sáng tác), sơ lược nội dung; những điều ghi chú về tình trạng sách mất hay còn và trong một số trường hợp ông có nêu những ý kiến của mình phê bình nhận xét về bộ sách ấy (thường là vắn tắt).
Các công trình của ông thể hiện tính khoa học trong phương pháp thư viện học như: xác định các yếu tố mô tả sách, xây dựng một khung phân loại sách tương đối hợp lý trong tình hình sách ở Việt Nam thời phong kiến…
Về lĩnh vực thư mục học: Đây là bản thư mục tổng hợp đầu tiên của Việt Nam với phương pháp biên soạn khá hoàn chỉnh về sưu tầm, hệ thống hóa, mô tả, sắp xếp, phân tích, dẫn giải… tài liệu đáng để cho người đời sau học tập và phát huy. Bản thư mục này còn mang ý nghĩa tính dân tộc, độc lập, sáng tạo, Lê Quý Đôn không chịu rập khuôn theo các loại mục trong Kinh tịch chí của Trung Quốc như Kinh, Sử, Tử, Tập… mà chia sách của mình theo các môn loại riêng, thích hợp với hoàn cảnh thực tế. Chính vì vậy, Lê Quý Đôn là nhà bác học đồng thời cũng là nhà thư viện học, thư mục học Việt Nam thế kỷ XVIII.
Phần 3: Lê Quý Đôn – Những cống hiến về sự nghiệp thư viện Việt Nam
Lê Quý Đôn là người thông minh từ thuở nhỏ, lại biết làm giàu trí thông minh của mình bằng sách vở và có phương pháp làm việc khoa học. Một trong những thành công của ông là thực hiện hoài bão đọc sách và chứa sách, lúc còn nhỏ thì thích chứa sách, khi ra làm quan sách viết ra đầy bàn, đầy tủ mà tay vẫn không rời quyển sách. Sách vở là phương tiện để ông trở thành nhà khoa học lỗi lạc, đồng thời lại là mục đích lao động khoa học của ông. Vì thế ông yêu quý sách vở, có ý thức đúng về việc sưu tầm, bảo quản, tàng trữ, sử dụng sách.
Ông được Chúa Trịnh 3 lần bổ nhiệm làm công tác thư viện: Lần đầu vào năm 1754 làm Toản tu ở Hàn lâm viện khi ông vừa đỗ Bảng nhãn; lần thứ 2 làm Học sĩ Bí thư các vào năm 1762 khi có quyết định lập Bí thư các: lần thứ 3 làm Toản tu ở Quốc sử quán chịu trách nhiệm biên soạn quốc sử, ghi chép lịch sử đất nước. Từ công việc cụ thể và sự ham thích, ông đã chú tâm tìm hiểu lịch sử thư tịch và việc thu thập bảo quản thư tịch Việt Nam, tiến hành biên soạn các thư mục sách vở, tài liệu, xây dựng theo bộ, loại thư…
Lê Quý Đôn có những quan điểm rất tiến bộ về thư viện và thư mục, bao gồm việc thành lập các thư viện quốc gia, khuyến khích xây dựng tủ sách gia đình, quy định về nghiệp vụ thư viện, tổ chức hoạt động đọc sách, tuyên truyền, giới thiệu sách. Ông cũng nhấn mạnh vai trò của việc quản lý thư tịch, biên soạn thư mục và xây dựng hệ thống phân loại sách. Những quan điểm này của Lê Quý Đôn cho thấy ông là một nhà tư tưởng uyên bác, có tầm nhìn xa trông rộng, đặt nền móng cho sự phát triển của hệ thống thư viện và thư mục ở Việt Nam.
Phần 4: Lê Quý Đôn – Nhà thư tịch học
Lê Quý Đôn không chỉ là một nhà bác học lớn của Việt Nam thời phong kiến mà còn được biết đến với vai trò nhà thư tịch học xuất sắc. Ông đã để lại một di sản đồ sộ với nhiều tác phẩm khảo cứu, biên soạn về nhiều lĩnh vực đặc biệt là lịch sử, địa lý, văn hóa, văn học góp phần quan trọng vào việc hệ thống hóa và bảo tồn tri thức của dân tộc
Một số tác phẩm nổi bật của ông có thể kể đến như "Đại Việt thông sử" (ghi chép về hơn 100 năm của triều nhà Lê), "Phủ biên tạp lục" (ghi chép về tình hình biên giới, đặc biệt là vùng Thuận Hóa, Quảng Nam), "Quế Đường thi tập" (tập thơ của ông), và "Vân đài loại ngữ" (một loại bách khoa thư ghi chép về nhiều lĩnh vực khác nhau). Các tác phẩm của Lê Quý Đôn không chỉ ghi lại sự kiện, kiến thức mà còn có giá trị hệ thống hóa, phân loại, giúp người đọc tiếp cận và hiểu rõ hơn về văn hóa, lịch sử, địa lý, xã hội Việt Nam.
Tượng Lê Quý Đôn tại khu lưu niệm Danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn, xã Lê Quý Đôn, tỉnh Hưng Yên
Thông qua những báo cáo khoa học được trình bày trong cuốn sách đã khẳng định Lê Quý Đôn là người đặt nền móng cho khoa học về thư viện, thư mục, thư tịch học Việt Nam, đồng thời khơi dậy lòng yêu ngành, yêu nghề và niềm tự hào dân tộc.
Thư viện tỉnh Hưng Yên trân trọng giới thiệu cuốn sách đến bạn đọc./.
Đinh Thị Nhung