Giới thiệu sách chuyên đề kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025)
Mùa Xuân năm 1975, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, quân và dân ta đã giành được thắng lợi vĩ đại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy long trời lở đất, quét sạch chế độ thực dân mới của đế quốc Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Thắng lợi hoàn toàn và trọn vẹn của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử là thắng lợi vĩ đại, có ý nghĩa lịch sử quan trọng và tầm vóc thời đại sâu sắc, kết thúc vẻ vang 30 năm kháng chiến gian khổ bắt đầu từ Cách mạng tháng Tám năm 1945, chấm dứt ách thống trị của chủ nghĩa đế quốc trên đất nước ta.
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), nhà xuất bản Hà Nội đã phát hành cuốn sách “Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975” của tác giả Đặng Việt Thủy, Đặng Thành Trung biên soạn, sách dày 284tr., khổ 21cm.
Nội dung cuốn sách gồm hai phần:
Phần thứ nhất: Một số văn kiện của Đảng chỉ đạo Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 gồm các văn kiện của Bộ Chính trị ra Nghị quyết về việc thành lập Đảng ủy Mặt trận Trị - Thiên; thành lập Hội đồng Chi viện miền Nam; điện của Bộ Chính trị về xúc tiến gấp kế hoạch Tổng tiến công và nổi dậy ở Sài Gòn – Gia Định, lập Ban Chỉ huy và Đảng ủy Mặt trận Sài Gòn; về chiến dịch giải phóng Sài Gòn lấy tên là “Chiến dịch Hồ Chí Minh”….
Phần thứ hai: Đại thắng mùa Xuân 1975 kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc Việt Nam gồm các trận quyết chiến chiến lược trong chiến dịch Tây Nguyên (tháng 3/1975); chiến dịch Trị Thiên – Huế và chiến dịch Đà Nẵng; trận Xuân Lộc – mở cánh cửa sắt cho cánh quân phía đông ( từ ngày 9 đến ngày 21 tháng 4 năm 1975)….
Cuốn sách được tuyển chọn, biên soạn, chắt lọc từ nhiều nguồn tài liệu khác nhau, bố cục chặt chẽ, cung cấp cho bạn đọc những thông tin cơ bản nhất về các sự kiện lịch sử trọng đại trong suốt quá trình chuẩn bị, xây dựng lực lượng cho chiến dịch Hồ Chí Minh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Miền Nam là máu của Việt Nam, là thịt của Việt Nam"; " Đồng bào Nam bộ là dân nước Việt Nam, sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi". Chính vì vậy, giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước là quyết tâm không lay chuyển của Người, là niềm mong ước, nỗi khát khao trăn trở của Người. Suốt cả cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người luôn dành cho cách mạng miền Nam và nhân dân miền Nam sự quan tâm và những tình cảm thân thương nhất.
Cuốn sách “Chủ tịch Hồ Chí Minh và khát vọng giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc” của tác giả Vũ Kim Yến là tập hợp những câu chuyện về tình cảm của nhân dân miền Nam dành cho Người. Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn ở trong tim mỗi người dân miền Nam dù họ đã được gặp hoặc chưa một lần được gặp Người. Những người con miền Nam, Thành đồng của Tổ quốc sẽ không bao giờ quên được những giờ phút, những khoảnh khắc hiếm hoi khi được ở bên Người, nghe Người ân cần thăm hỏi chuyện trò, dặn dò. Sự xúc động, những tình cảm đó đã để lại trong ký ức của họ những kỷ niệm sâu sắc, mãi mãi không bao giờ quên.
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước Nhà xuất bản Hà Nội đã biên soạn và giới thiệu cuốn sách đến bạn đọc, sách dày 178tr., khổ 21cm.
Tiến công binh vận là hình thức đánh giặc lâu đời và trở thành nét độc đáo trong truyền thống chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, công tác binh vận được Đảng xác định là mũi tiến công chiến lược của cách mạng, với vai trò to lớn là tuyên truyền vận động làm suy sụp tinh thần, tư tưởng, dẫn đến tan rã tổ chức quân đội Mỹ và quân đội Sài Gòn trên chiến trường miền Nam Việt Nam.
Từ thực tiễn cụ thể ấy, yêu cầu đặt ra của việc tiến công binh vận trên các chiến trường trọng yếu, đặc biệt là chiến trường B2- nơi tập trung nhiều mục tiêu đầu não của quân đội, chính quyền Sài Gòn, nhằm chống chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” càng trở nên quan trọng và ý nghĩa hơn bao giờ hết. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Trung ương Cục miền Nam đã lãnh đạo toàn diện công tác binh vận, kịp thời đề ra chủ trương và chỉ đạo đúng đắn, sát với tình hình thực tiễn của cách mạng.
Cuốn sách chuyên khảo “Công tác binh vận của Đảng trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước” của Tiến sĩ Nguyễn Khác Trai đã hệ thống và luận giải làm sáng tỏ sự cần thiết trong lãnh đạo công tác binh vận của Đảng trong những năm 1969 – 1975 ; từ đó phân tích làm rõ chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Trung ương Cục miền Nam về công tác binh vận; rút ra những bài học kinh nghiệm và vận dụng trong xây dựng quân đội hiện nay. Sách do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành, dày 236tr., khổ 21cm hướng tới kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân tái bản cuốn “Kết thúc cuộc chiến tranh 30 năm” của cố Thượng tướng Trần Văn Trà, sách dày 460tr., khổ 23cm.
Thượng tướng Trần Văn Trà là một người chỉ huy dày dặn kinh nghiệm trong khói lửa chiến tranh, ông từng giữ nhiều cương vị lãnh đạo, chỉ huy quan trọng: Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam; ủy viên Trung ương Cục miền Nam; Trưởng đoàn đại biểu Quân sự Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;….
Ngay sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước kết thúc, Thượng tướng Trần Văn Trà đã bắt tay vào viết cuốn hồi ký “Kết thúc cuộc chiến tranh 30 năm”, cuốn sách tập hợp những tập hồi ký, chuyên luận về những năm tháng chiến đấu vô cùng anh dũng của quân và dân ta, trực tiếp là quân dân Nam Bộ, chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Qua diễn tiến của các trận đánh từ Ấp Bắc, Bình Giã, Gian - xơn Xi- ti đến cuộc tiến công Tết Mậu Thân năm 1968 rồi cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, Thượng tướng đã đưa ra nhiều tư liệu và bài học kinh nghiệm quý báu, đồng thời góp phần làm phong phú thêm kho tàng nghệ thuật quân sự Việt Nam, những điều ông chiêm nghiệm rút ra từ những cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc và đặc biệt cuốn hồi ký như tái hiện lại một con người là nhân chứng của lịch sử có cái nhìn toàn diện về chiến trường B2 thành đồng trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Nhà văn Quân đội Chu Lai là tác giả của những tiểu thuyết đồ sộ về đề tài Lực lượng vũ trang và Chiến tranh cách mạng như: “Nắng đồng bằng”, “Ăn mày dĩ vãng”, “Phố”, “Ba lần và một lần”, “Cuộc đời dài lắm”, “Khúc bi tráng cuối cùng”, “Chỉ còn một lần”… và một số kịch bản phim như: “Hà Nội đêm trở gió”, “Người đi tìm dĩ vãng”, “Người Hà Nội”…
Tiểu thuyết “Mưa đỏ” của nhà văn Chu Lai được Nhà xuất bản Quân đội nhân dân tái bản lần thứ 2 năm 2024. Cuốn tiểu thuyết là kết quả sau nhiều năm trăn trở và sáng tạo lấy bối cảnh chính là cuộc chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị mùa hè năm 1972, 81 ngày đêm ở cả hai bên chiến tuyến (ta và địch), xoay quanh hai nhân vật chính là chiến sĩ Giải phóng có tên là Cường và tên chỉ huy hắc báo của ngụy tên là Quang. Bên cạnh đó là bối cảnh trên bàn đàm phán ở Paris với nhân vật bà mẹ của Cường – một nhà ngoại giao, thành viên của đoàn đàm phán phía ta…
Hình ảnh người lính gắn với cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trong tiểu thuyết “Mưa đỏ” được nhà văn Chu Lai xây dựng với những gian khổ, thiếu thốn lẫn những mất mát đau thương. Vượt lên tất cả trong cuốn tiểu thuyết là vẻ đẹp của tình đồng chí, đồng đội, tình mẫu tử và tình yêu đôi lứa. Đó là một tiểu đội có 7 người cùng chiến đấu tại Thành cổ Quảng Trị, 7 người lính với 7 tính cách, số phận, suy nghĩ xuất thân khác nhau. Có người lãng tử, có người bộc trực, có anh lính nhút nhát, có anh lính gan dạ nhưng hơn tất cả họ là một gia đình trong cùng tiểu đội. Dưới ngòi bút của Chu Lai, họ không phải những con người hoàn hảo, bản ngã của mỗi người lần lượt hiện lên cụ thể, ám ảnh giữa ranh giới mong manh sự sống và cái chết cận kề.
Bằng ngòi bút đậm chất văn miêu tả, không ôm đồm đi vào “bề rộng” của không gian cuộc chiến, mà đi vào chiều sâu của những chi tiết, những nhân vật, lột tả tính chất khốc liệt và bi tráng, nhập hồn vào từng nhân vật để giúp bạn đọc thấy được tâm trạng giằng xé trong từng tình huống: Cả sự dũng cảm và đớn hèn, cái thiện và cái ác, sự bùng nổ những trạng thái tích cực và tiêu cực của những con người từng giây từng phút phải đối mặt với sự hy sinh đến bất cứ lúc nào.
Thư viện tỉnh Hưng Yên trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc./.
Đinh Thị Nhung