Giới thiệu sách kỷ niệm 300 năm ngày sinh Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác
Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1724-1791), quê ở làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng (nay là xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên). Đại danh y Lê Hữu Trác không chỉ là một nhà y dược học vĩ đại mà còn là nhà thơ, nhà văn xuất sắc, nhà tư tưởng tiến bộ, có tinh thần nhân đạo sâu sắc. Sau khi mất, ông được nhân dân và giới y học cả nước suy tôn là bậc “Y thánh của Việt Nam”. Cuộc đời và sự nghiệp của ông được kết tinh bởi tri thức uyên thâm, tư tưởng tiến bộ, đạo đức trong sáng, thể hiện qua những tác phẩm đồ sộ mà giá trị còn mãi đến ngày nay. Năm 2023, ghi nhận những công lao, đóng góp của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, UNESCO đã vinh danh ông là Danh nhân văn hóa thế giới.
Nhân dịp kỷ niệm 300 năm ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, Thư viện tỉnh Hưng Yên xin giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách sau:
Cuốn sách “Hải Thượng Lãn Ông - Nhà y học lớn, nhà văn hóa lớn (1724 – 1791)” của GS. BS. Nguyễn Văn Thang, được Nhà xuất bản Văn hóa – Thông tin ấn hành năm 2001. Cuốn sách dày 462 trang, giới thiệu đến bạn đọc sự nghiệp học thuật và nhân cách thanh cao của Hải Thượng Lãn Ông. Trong suốt cuộc đời làm thuốc của mình, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đã đúc kết tinh hoa của y học nhân loại và y dược cổ truyền Việt Nam. Di sản của ông để lại vẫn còn nguyên giá trị và được các thế hệ ngành Y tế Việt Nam kế thừa, sử dụng, nhằm góp phần vào công cuộc chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Không chỉ là đại danh y có cống hiến to lớn cho nền y học dân tộc, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác còn là một nhà văn, nhà thơ, nhà văn hóa, nhà tư tưởng lớn của thời đại. Tinh thần, tư tưởng lớn của ông về y đạo thông qua y đức, y lý và y thuật đã có tầm ảnh hưởng, lan tỏa sâu rộng trong khu vực và quốc tế.
Cuốn sách “Kỷ niệm 250 năm ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1720 – 1970)” do Nhà xuất bản Y học biên soạn năm 1971. Nội dung cuốn sách gồm 2 phần:
Phần thứ nhất gồm những văn kiện và tài liệu về tổ chức lễ kỷ niệm.
Phần thứ hai gồm những bài nghiên cứu về thân thế sự nghiệp, về y học và đạo đức người thầy thuốc, về văn học và tư tưởng của Hải Thượng Lãn Ông đã đăng trên báo chí nhân dịp lễ kỷ niệm.
Cuốn sách giúp bạn đọc đặc biệt là những người làm công tác y tế hiểu rõ hơn về tiểu sử và công lao to lớn của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đối với nền y học dân tộc. Từ đó, chúng ta càng thêm tự hào về truyền thống tốt đẹp của nền y học dân tộc, thêm tin tưởng và quyết tâm làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu xây dựng một nền y học khoa học, dân tộc và đại chúng.
Một trong những di sản lớn nhất mà Hải Thượng Lãn Ông để lại cho nền y học Việt Nam là bộ sách “Hải Thượng Lãn Ông y tông tâm lĩnh”. Bộ sách được Nhà xuất bản Y học tái bản năm 2019, với gần 2500 trang. Đây là một công trình y học đồ sộ, được Lê Hữu Trác viết trong gần 30 năm, bao gồm 28 tập với tổng cộng 66 quyển, được xem là bộ bách khoa toàn thư về y học cổ truyền Việt Nam. Bộ sách được chia thành nhiều phần, từ lý luận y học, dược học, đến các phương pháp chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa bệnh tật. Bộ sách không chỉ tổng hợp các kiến thức y học cổ truyền từ Trung Quốc và các nước khác, mà quan trọng hơn, nó đúc kết những kinh nghiệm thực tiễn, những nghiên cứu và quan sát của chính ông trong quá trình hành nghề.
Không chỉ là một tác phẩm về y học mà bộ sách “Hải Thượng Lãn Ông y tông tâm lĩnh” còn là một tác phẩm đạo đức, trong đó ông viết rất nhiều về trách nhiệm và đạo đức của người thầy thuốc. Ông cho rằng, người làm nghề y không chỉ cần có kiến thức và kỹ năng mà còn phải có tâm đức, biết yêu thương và chăm sóc bệnh nhân như người thân của mình.
Bộ sách có tính “toàn thư” cống hiến xứng đáng vào sự nghiệp y học cổ truyền Việt Nam, góp phần xây dựng, phát triển nền y học nước nhà.
Cuốn sách “Thượng Kinh ký sự” của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, do Phan Võ dịch, được Nhà xuất bản Hồng Bàng tái bản năm 2016. Đây là tác phẩm được Lê Hữu Trác viết năm Nhâm Dần, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 43 (1782). Cuốn sách ghi lại quá trình Lê Hữu Trác được mời lên Kinh thành chữa bệnh cho Thế tử Trịnh Cán và Chúa Trịnh Sâm năm 1782. Được viết theo thể ký văn học, cuốn sách không chỉ phản ánh chân thực hành trình của Lê Hữu Trác từ quê mẹ Hương Sơn đến đất Thăng Long, những cuộc gặp gỡ trò chuyện với Chúa Trịnh, … mà còn thể hiện những cảm nhận của ông về con người, thời cuộc một cách sâu sắc. Qua đó, khái quát làm nổi bật hiện thực đời sống xã hội Việt Nam đương thời.
Với lối văn giản dị, mạch lạc, lúc miêu tả hiện thực một cách trực diện nhưng cũng có lúc tự sự, trữ tình khiến tác phẩm “Thượng kinh ký sự” trở thành một trong những tác phẩm tiêu biểu của văn học Việt Nam trung đại.
Cuốn sách “Nữ công thắng lãm” là tác phẩm được Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác viết vào năm 1760, do Lê Trần Đức dịch, được Nhà xuất bản Phụ nữ ấn hành năm 1761. Cuốn sách ghi chép cách chế biến 152 món ăn, trong đó nhiều nhất là các món bánh với 82 loại, mứt 35 loại, xôi 16 loại, đồ ăn chay và tương mỗi thứ 9 loại. Hầu hết các món ăn đều được Lê Hữu Trác hướng dẫn cụ thể, từ việc lựa chọn nguyên liệu ban đầu, cách sơ chế, ngâm tẩm, vệ sinh, bảo quản... Đây lại là một tác phẩm khá độc đáo, không viết về nghề y nhưng lại liên quan mật thiết đến sức khỏe con người.
Đọc cuốn sách bạn đọc không những hiểu biết thêm về các món ăn mà còn cảm nhận được mùi thơm, vị ngọt, màu sắc trong từng món ăn. Đặc biệt, ngoài những món ăn bản địa của vùng Hương Sơn thì có cả những món ăn của các địa phương khác như cơm lam, cốm Vọng, tương Nhật Bản... Có thể nói cuốn sách đã góp phần làm phong phú thêm kho tàng văn hóa ẩm thực của người Việt, cho thấy tinh thần lao động sáng tạo tuyệt vời của người phụ nữ Việt Nam. Đến nay, “Nữ công thắng lãm” vẫn là tư liệu quý giúp công tác nghiên cứu, khảo cứu văn hóa, phong tục tập quán một thời đã qua của dân tộc, bổ sung thêm kho tàng di sản đồ sộ của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, đồng thời nó cũng cho thấy bút lực dồi dào, khả năng viết sáng tạo vô cùng lớn của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.
Ngoài những cuốn sách trên, Thư viện tỉnh Hưng Yên còn rất nhiều cuốn sách hay viết về Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Trân trọng kính mời quý độc giả tìm đọc./.
Vũ Thị Hậu