Giới thiệu sách chuyên đề kỷ niệm 79 năm Cách mạng tháng Tám thành công (19/8/1945-19/8/2024) và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945-02/9/2024)
Cách mạng tháng Tám năm 1945 là trang sử vẻ vang, là mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Đó cũng là thắng lợi vĩ đại đầu tiên của nhân dân ta từ khi có Đảng lãnh đạo, mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, nhân dân ta từ thân phận nô lệ trở thành người dân một nước độc lập, làm chủ vận mệnh của mình.
Ngày 02/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, đưa nước ta từ một nước thuộc địa nửa phong kiến trở thành một nước độc lập, tự do, dân chủ.
Nhân kỷ niệm 79 năm Cách mạng tháng Tám thành công (19/8/1945 - 19/8/2024) và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945 - 02/9/2024), Thư viện tỉnh Hưng Yên trân trọng giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách sau:
Cuốn sách “Cách mạng tháng Tám (1945)” do Nhà xuất bản Sự thật ấn hành năm 1971 nhân dịp kỷ niệm lần thứ 25 Cách mạng tháng Tám và Ngày thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Nội dung cuốn sách gồm 3 phần:
Phần 1: Công cuộc chuẩn bị cho Cách mạng tháng Tám.
Phần 2: Cao trào chống Nhật cứu nước và Cách mạng tháng Tám.
Phần 3: Tính chất, ý nghĩa và kinh nghiệm của Cách mạng tháng Tám.
Cuốn sách góp phần phổ biến kiến thức lịch sử và giáo dục truyền thống cách mạng góp phần ôn lại những trang sử hào hùng của đất nước, khơi gợi niềm tự hào dân tộc của mỗi người dân Việt Nam.Cuốn sách “Cách mạng tháng 8 – Những giờ phút lịch sử” do Giáo sư Đinh Xuân Lâm và Tiến sĩ Nguyễn Văn Khoan chủ biên, dày 299 trang, được Nhà xuất bản Thanh niên xuất bản năm 2015. Nội dung cuốn sách gồm 2 phần:
Phần 1: Hà Nội – Những cơ sở hình thành và diễn biến của cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945. Gồm những bài viết về tình hình quốc tế và trong nước trước năm 1945, tình hình Hà Nội từ sau ngày Nhật đảo chính Pháp (ngày 9 tháng 3) đến đầu tháng 8 năm 1945, do các nhân chứng lịch sử kể hoặc ghi chép lại.
Phần 2: Hồi ký và nhân chứng, được thể hiện qua những trang nhật ký của những người trực tiếp tham gia hoạt động cách mạng và những người đã sống trong thời điểm diễn ra sự kiện lịch sử này, đảm nhận vai trò lãnh đạo như: Trần Quang Huy, Nguyễn Khang, Trần Tử Bình, Hà Kế Tấn, Trần Lâm, Xuân Thủy, Lê Thu Hà…
Đây là cuốn sách có nội dung phong phú, cung cấp cho bạn đọc cái nhìn toàn diện, có hệ thống về quá trình hình thành, diễn biến và phát triển của Cách mạng tháng Tám năm 1945. Những hồi ký của các nhân chứng giúp cho bạn đọc có thể hình dung được một cách sinh động thời khắc hào hùng của cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám năm 1945 của dân tộc ta.
Cách mạng tháng Tám thành công là kết tinh 15 năm đấu tranh kiên cường, gian khổ của toàn Đảng, toàn dân và phong trào cách mạng từ khắp mọi miền Tổ quốc. Trong công cuộc chung đó, cuộc vận động Cách mạng tháng Tám ở Hà Nội có ý nghĩa, vị trí vô cùng quan trọng. Cuốn sách “Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Hà Nội” do PGS.TS. Nguyễn Đình Lê chủ biên, được Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành năm 2010. Nội dung cuốn sách gồm 4 chương:
Chương 1: Khái quát về phong trào cách mạng Hà Nội trước năm 1939.
Chương 2: Phong trào đấu tranh cách mạng từ cuối 1939 đến đầu năm 1945.
Chương 3: Từ cao trào kháng Nhật đến Tổng khởi nghĩa, xây dựng chính quyền nhân dân (12/3 đến 02/9/1945)
Chương 4: Nguyên nhân thắng lợi, ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm của Cách mạng tháng Tám ở Hà Nội.
Phần 1: Cách mạng tháng Tám năm 1945 và sự ra đời Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Phần 2: Xây dựng và củng cố chính quyền sau Cách mạng tháng Tám 1945.
Phần 3: Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa I và Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Phần 4: Kháng chiến, kiến quốc, bảo vệ nền độc lập (1946).
Khác với nhiều công trình nghiên cứu trước đây về Cách mạng tháng Tám dưới góc độ phân tích diễn biến các sự kiện lịch sử, cuốn sách tập hợp các văn kiện của Đảng và Nhà nước bao gồm các bản chỉ thị, nghị quyết, lời kêu gọi… cùng hàng loạt sắc lệnh và biên bản họp Hội đồng Chính phủ, phân chia thành các cụm chủ đề theo tiến trình thời gian nhằm đưa lại cái nhìn vừa toàn cảnh vừa cụ thể về nội tình công tác chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng và Chính phủ trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, để từng bước tháo gỡ, khắc phục khó khăn, kịp thời đối phó với thù trong, giặc ngoài, giữ vững ổn định chính trị, xã hội, củng cố và xây dựng chính quyền dân chủ nhân dân non trẻ.
Ngoài những cuốn sách trên, Thư viện tỉnh Hưng Yên còn nhiều cuốn sách viết về lịch sử đấu tranh giữ nước và dựng nước của dân tộc Việt Nam. Kính mời quý vị tìm đọc./