Giới thiệu sách kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh, Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2024)
Ngày Thương binh, Liệt sĩ 27/7 hằng năm là ngày lễ kỷ niệm quan trọng, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Đây là dịp toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta kính cẩn tưởng nhớ, tri ân các nhà cách mạng tiền bối, anh hùng liệt sĩ, những người con ưu tú của dân tộc đã dũng cảm chiến đấu, anh dũng hy sinh; biết ơn các thương, bệnh binh đã cống hiến một phần xương máu của mình trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Để bày tỏ lòng biết ơn và thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”, Hồ Chủ tịch đã từng nói “Thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân, gia đình liệt sĩ là những người có công với Tổ quốc, với nhân dân, cho nên bổn phận của chúng ta là phải biết ơn, phải thương yêu giúp đỡ họ”.
Nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2024), Thư viện tỉnh Hưng Yên trân trọng giới thiệu một số cuốn sách về đề tài thương binh, liệt sĩ:
Cuốn sách “Những bài nói của Bác Hồ về công tác lao động, thương binh và xã hội”, được Nhà xuất bản Lao động - Xã hội phát hành nhân dịp kỷ niệm 114 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với dung lượng 358 trang, khổ 13x19cm, nội dung cuốn sách gồm 3 phần, giới thiệu một số bài nói của Bác về các lĩnh vực:
Phần I. Bác Hồ nói về công tác lao động.
Phần II: Bác Hồ với thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ.
Phần III: Bác Hồ nói về công tác xã hội.
Cuốn sách “Những xã, phường, thị trấn làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ” do Nhà xuất bản Lao động - Xã hội phối hợp với Cục Người có công phát hành năm 2006. Với dung lượng 395 trang, khổ 19x27cm, tập sách giới thiệu 9.334 xã, phường, thị trấn của 63 tỉnh, thành phố đã thực hiện tốt 6 tiêu chuẩn và được Ủy ban nhân nhân dân tỉnh, thành phố cấp Bằng công nhận xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ.
Cuốn sách “Điển hình thương binh, bệnh binh làm giàu theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được Nhà xuất bản Lao động - Xã hội phát hành năm 2014 với mong muốn giới thiệu những tấm gương thương binh, bệnh binh tiêu biểu học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Trong chiến tranh, họ là những người không sợ hy sinh, tham gia kháng chiến giành độc lập tự do cho dân tộc, thống nhất nước nhà. Khi hòa bình, họ là những người đi đầu trên trận tuyến chống lại đói nghèo, lạc hậu. Với hơn 60 tấm gương thương binh, bệnh binh tiêu biểu cùng những phương thức sản xuất kinh doanh của họ đã góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo của cả nước, giúp bạn đọc tích lũy thêm những kinh nghiệm qúy báu để làm giàu cho chính bản thân, gia đình và quê hương.
Nhân kỷ niệm 85 năm ngày sinh của đồng chí Kim Tuấn, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân phát hành cuốn sách “Chân dung vị tướng, Anh hùng, Liệt sĩ Kim Tuấn”. Tuy chưa phản ánh thật đầy đủ, nhưng với trên 30 bài viết của người thân và đồng đội cùng những tư liệu quý, cuốn sách đã khắc họa những nét cơ bản chân dung Thiếu tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Liệt sĩ Kim Tuấn. Đồng chí Kim Tuấn sinh năm 1927, quê ở xã Phúc Lâm, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Sơn Bình (nay là huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội) là một người thanh niên giàu lòng yêu nước, sớm giác ngộ cách mạng và tham gia quân đội. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược, đồng chí Kim Tuấn lần lượt đảm nhiệm các cương vị chỉ huy từ trung đội, đại đội đến sư đoàn, quân đoàn; liên tục chiến đấu trên các chiến trường Liên khu 3, Trị Thiên, Tây Nguyên, Sài Gòn - Gia Định lập nhiều chiến công vang dội. Trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam, làm nhiệm vụ quốc tế ở Cam-pu-chia, đồng chí là Tư lệnh Quân đoàn 3 chỉ huy nhiều chiến dịch giành thắng lợi lớn, đồng chí đã hy sinh anh dũng vào thời điểm cuối cùng của chiến dịch.
Cuốn hồi ký “Người bị CIA cưa chân sáu lần” do Nhà văn Mã Thiện Đồng chấp bút theo lời kể của chính nhân vật, Thiếu tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Thương. Thiếu tá tình báo Nguyễn Văn Thương (1938-2018), quê tại Lộc Hưng, Trảng Bàng, Tây Ninh là tấm gương mưu trí, gan dạ, khí tiết khi đối mặt với kẻ thù, kiên trung vì sự nghiệp độc lập dân tộc. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đồng chí hoạt động trong ngành tình báo, dưới sự huấn luyện trực tiếp của Trưởng Ban Tình báo khu Sài Gòn - Chợ Lớn. Năm 1969, trên đường chuyển tài liệu mật về Sài Gòn, đồng chí Nguyễn Văn Thương bị địch vây bắt tại một cánh đồng ở Bến Cát, Bình Dương. 100 ngày đầu sau khi bị bắt, chúng cho đồng chí sống trong ngôi biệt thự sang trọng, dùng mọi thủ đoạn dụ dỗ, mua chuộc nhưng không có kết quả. Quá tức tối, chúng lần lượt vặn gãy cả mười ngón chân, đập nát hai bàn chân, khi các vết thương ở bàn chân chưa lành, chúng cưa từng đoạn chân của đồng chí, 15 ngày cưa một lần, 100 ngày cưa sáu lần. Sau đó, đồng chí Thương tiếp tục bị đưa về giam giữ tại trại giam Hố Nai rồi đày ra nhà tù Phú Quốc. Đến năm 1973, sau Hiệp định Paris, đồng chí Thương được thả tự do và được đưa ra Hà Nội điều dưỡng. Năm 1975, đồng chí về lại miền Nam đoàn tụ với gia đình. Năm 1978, đồng chí Nguyễn Văn Thương được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Trân trọng kính mời quý vị và các bạn tìm đọc những cuốn sách trên để hiểu rõ hơn về những hy sinh, cống hiến của thế hệ đi trước, những con người đã không tiếc tuổi xuân để cho chúng ta có cuộc sống tươi đẹp như ngày hôm nay và thấu hiểu hơn đạo lý “Uống nước nhớ nguồn - Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc Việt Nam.
Nguyễn Thị Tuyết Mai