Giới thiệu sách chuyên đề nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 21/4
Hưởng ứng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam 21/4, Thư viện tỉnh Hưng Yên xin trân trọng giới thiệu một số cuốn sách hay với thông điệp: “Việc đọc rất quan trọng. Nếu bạn biết cách đọc, cả thế giới sẽ mở ra trước mắt bạn” (Barack Obama).
Cuốn sách “Phương pháp đọc sách khoa học và hiệu quả” do Mai Hương sưu tầm và biên soạn được Nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành năm 2016 là cuốn sách hay chỉ cho bạn những phương pháp đọc sách đơn giản và hiệu quả. Cuốn sách được trình bày có hệ thống và tuân theo trình tự của quá trình đọc bao gồm: Kỹ năng trước khi đọc, phương pháp đọc, kỹ năng khi đọc sách... Những kỹ năng được giới thiệu là sự kết hợp hoàn hảo giữa những phương pháp tiên tiến, hiện đại và phương pháp đọc truyền thống tiêu biểu. Cuốn sách thích hợp với mọi đối tượng độc giả, đặc biệt là các bạn học sinh, những người làm công tác nghiên cứu; góp phần nâng cao kỹ năng chọn, đọc sách để mang lại hiệu quả cao trong học tập và công việc.
Cuốn sách “Bí quyết giúp con ham đọc sách” của tác giả Đào Tiểu Ngãi, do Trương Phan Châu Tâm dịch, Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ ấn hành năm 2018. Với dung lượng 221 trang, nội dung cuốn sách được chia thành 4 phần: Yêu thế giới tranh vẽ, yêu thế giới của tôi; cùng nhau trưởng thành với con trẻ; bộ giáo trình tốt nhất để giáo dục con trẻ - sách tranh và giúp con ham đọc sách.
Tác giả đặc biệt dành riêng 2 chương nói về “tranh vẽ” và “sách tranh”. Đây là loại sách phổ biến gắn liền với tuổi thơ, giúp con trẻ định hướng được cảm xúc và bồi dưỡng trí tưởng tượng của trẻ. Đặc biệt ở chương cuối, tác giả hướng dẫn các bậc phụ huynh từng bước giúp con trẻ ham đọc sách như: Tạo môi trường đọc sách cho gia đình để giúp trẻ có thể xem sách mọi lúc, mọi nơi giống như gặp những người thân nhất, dùng những vật quen thuộc nhất, chơi những món đồ hay chơi nhất...“Bí quyết giúp con ham đọc sách” sẽ giúp bạn đọc, các bậc cha mẹ có thêm kinh nghiệm, phương pháp hiệu quả để tạo được niềm yêu thích sách và từng bước hình thành nên thói quen đọc sách của con trẻ, một thói quen tốt không thể thiếu để trẻ trở thành người giàu vốn tri thức, thành công sau này.
Với những câu hỏi nhận được từ hàng trăm cuộc nói chuyện, diễn thuyết, trong quá trình thực hiện công tác khuyến đọc, nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương đã tổng hợp và giải đáp những thắc mắc về việc đọc sách thông qua cuốn “65 bí kíp đọc sách dành cho mọi người - để đọc trở thành lối sống”. Nội dung cuốn sách xoay quanh các chủ điểm chính như: Vai trò, ý nghĩa của việc đọc sách; đọc sách; khuyến đọc cho trẻ và cho mọi người như thế nào....Bằng những chia sẻ tâm huyết của mình, tác giả đã đưa ra lời gợi mở cho những câu hỏi thường gặp như: “Liệu đọc sách có thể kiếm tiền không? Làm thế nào để chọn được sách tốt, sách hay? Nên làm gì khi đọc sách mà không hiểu? Bắt đầu đọc sách khi đã trưởng thành có phải là quá muộn?”...Với “65 bí kíp đọc sách dành cho mọi người - để đọc trở thành lối sống” dù bạn là một người đọc sách lâu năm hay đang muốn hình thành cho mình thói quen đọc sách nhưng vẫn chưa tìm được hướng đi, bạn cũng sẽ nhận được nhiều lời khuyên và bí kíp thiết thực, hiệu quả để nâng cao khả năng đọc cũng như duy trì thói quen đọc sách, xa hơn nữa là khuyến đọc cho những người xung quanh.
Nhằm góp phần hình thành thói quen đọc sách của các em học sinh ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, từ đó hình thành thói quen đọc sách và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, năm 2020, Nhà xuất bản Đà Nẵng đã ấn hành cuốn sách “Cách thức hỗ trợ học sinh phát triển thói quen đọc sách trong nhà trường” của PGS. TS Hoàng Thị Tuyết, nội dung gồm 3 phần chính:
Phần 1. Trình bày những ý tưởng cơ bản giúp phát triển thói quen đọc sách của học sinh trong nhà trường như: Các biểu hiện đặc trưng của thói quen đọc, lợi ích của việc có thói quen đọc, đọc để thưởng thức, vui là con đường tốt nhất để hình thành thói quen đọc, giáo viên là một người đọc gương mẫu…
Phần 2. Trình bày 4 dạng thức tổ chức học sinh đọc có thể áp dụng vào tiết đọc sách, giúp các em dần trở thành người đọc độc lập: Đọc lớn và đọc tương tác, đọc có hướng dẫn, đọc chia sẻ, đọc độc lập hay còn gọi là đọc thầm không gián đoạn.
Phần 3. Trình bày các biện pháp hoạt động để phát triển thói quen đọc sách trong nhà trường như: Gia tăng cơ hội đọc độc lập, đưa cộng đồng phụ huynh học sinh vào cuộc, sử dụng câu hỏi, phỏng đoán…giúp hình thành thói quen đọc, tạo nên những thay đổi tích cực trong việc đọc của học sinh.
“Cách thức hỗ trợ học sinh phát triển thói quen đọc sách trong nhà trường” là tài liệu cung cấp kiến thức hữu ích dành cho các thầy cô giáo, đồng thời giúp cho các em học sinh thình thành thói quen đọc sách, tạo nền tảng quan trọng cho việc tự học tập suốt đời của mỗi người.
Vốn là một người mê sách nên nữ Tiến sĩ Văn học Nguyễn Thị Thanh Lưu thường để ý đến những người đọc sách. Có thể là bất kì ai, ở bất kì độ tuổi nào, trong bất kì trạng thái nào, tác giả cũng thấy ở họ toát ra vẻ đẹp của sự tập trung, thư thái, đủ đầy, tĩnh tại....Cuốn “Artbook - người đọc” gồm 37 bức tranh lụa được tác giả vẽ trong khoảng thời gian (hơn 2 năm) khi bị bó chân ở nhà vì Covid. Phần lớn các tác phẩm là chân dung người thân và bạn bè của tác giả, họ là những con người khác nhau về giới tính, tuổi tác, nghề nghiệp nhưng đều có điểm chung: luôn êm đềm, bình yên bên trang sách và thật đẹp khi đang đọc.
Ngoài những cuốn sách trên, Thư viện tỉnh Hưng Yên còn rất nhiều cuốn sách phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức, trân trọng kính mời quý vị tìm đọc./.
Nguyễn Thị Tuyết Mai