Giới thiệu sách chuyên đề kỉ niệm 71 năm ngày thương binh liệt sĩ(27/7/1947-27/7/2018)
Trong cuộc chiến đấu ấy, quân và dân ta đã không tiếc máu xương, với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” nhiều người con ưu tú của dân tộc đã dâng hiến trọn tuổi thanh xuân hoặc hi sinh một phần thân thể của mình cho sự nghiệp độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Máu của các liệt sỹ đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hi sinh của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do. Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn liệt sỹ”
Tác phẩm ”Những người làm nên huyền thoại” của tác giả Trịnh Dũng – Bùi Thu Hương, nhà xuất bản Quân đội nhân dân phát hành năm 2011. Tuy chiến tranh đã lùi sâu vào quá khứ nhưng những kí ức về nó mãi vẫn khắc sâu vào tâm thức của mỗi chúng ta. Lật lại những trang sử vẻ vang của dân tộc để hiểu về một thời kì kháng chiến hào hùng của quân và dân Việt Nam, hơn hết để hiểu về những người con ưu tú đã ngã xuống và vĩnh viễn yên nghỉ trên mọi miền Tổ quốc. Với gần 250 trang, cuốn sách: “Những người làm nên huyền thoại” đã thể hiện một cách đầy đủ về sự kiện, nhân chứng liên quan đến con đường huyền thoại: Đường Hồ Chí Minh trên biển, một biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. Thông qua các bài viết như: “Nguyễn Phan Vinh bản hùng ca bất tử ”, “Một người cảm tử trên tàu 235”, “Vũ Trung Tính và 18 chuyến đi trên Đoàn tàu không số”, …; tác phẩm cũng thể hiện sự ghi nhận, tri ân, trân trọng những đóng góp của cán bộ, chiến sĩ một số địa phương của Nam Bộ, trong đó có lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam anh hùng, quên mình vì tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Qua đó, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần đấu tranh anh dũng, bất khuất chống ngoại xâm của dân tộc cho đông đảo quần chúng.
Đó chỉ là một khía cạnh thể hiện về chủ đề chiến tranh, khẳng định sự cống hiến, hy sinh của những chiến sĩ trên chiến trường. Lịch sử đấu tranh của dân tộc ta qua những trang viết còn thể hiện sự hy sinh thầm lặng vô cùng cao quý của những người mẹ. Mất mát vì chiến tranh thì nhiều, song có lẽ sự mất mát của những bà mẹ mất đi những đứa con mãi là nỗi đau vô tận. Nhiều người mẹ đã hiến dâng cho Tổ quốc những người con thân thương nhất của mình. Cuốn sách “Huyền thoại người mẹ Việt Nam anh hùng” do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành đã khắc họa chân dung những bà mẹ Việt Nam tiêu biểu nhất trong lịch sử từ xa xưa cho tới nay.
Đọc “Huyền thoại người mẹ Việt Nam anh hùng” của tác giả Đăng Vinh, lòng mẹ thương con vô bờ bến, vì đất nước có rất nhiều bà mẹ được vinh danh là Bà mẹ Việt Nam anh hùng đồng nghĩa với việc họ phải nhận về mình vô vàn những nỗi đau thương. Nỗi tiếc thương cho những đứa con đã ngã xuống, chứng kiến nỗi đau hằng ngày của những người con may mắn còn sống sót trở về nhưng phải mang thương tật suốt đời do chiến tranh để lại. Chứng kiến nỗi đau ấy, các tác giả đã khái quát lại chân dung những bà mẹ Việt Nam tiêu biểu nhất trong lịch sử dân tộc từ xa xưa cho đến nay giới thiệu với bạn đọc.
Cuốn sách “Điển hình của Thương binh- bệnh binh làm giàu theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” của tác giả Đào Huyền, Lưu Bích, Đức Nam... . Với gần 200 trang sách, các tác giả ghi lại những tấm gương điển hình của Thương binh- bệnh binh trở về cuộc sống đời thường, với cơ thể không còn lành lặn và không ít gia đình kinh tế còn gặp nhiều khó khăn. Với bản chất tốt đẹp của “Bồ đội cụ Hồ”, không chịu đói nghèo, họ đã làm lên kỳ tích phi thường. Họ đã tích cực làm giàu và truyền cho nhau những kinh nghiệm đáng quý trong sản xuất, cuộc sống để cùng phát triển kinh tế, giúp nhau xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống và góp phần xây dựng quê hương đất nước, xây dựng nông thôn mới. Có những thương binh bị mù một mắt, cụt cả hai tay vẫn miệt mài qua năm tháng mở đất, trồng cây, đi tìm nghề mới thắp sáng cả vùng quê nghèo. Có thương bình dồn hết tâm huyết, tích cực tham gia công tác xã hội, gây dựng phong trào tại cơ sở.... Để làm nên những điều tưởng chừng như huyền thoại ấy, chính là những thương binh, người lính cụ Hồ luôn thấm nhuần lời Bác: “Thương binh tàn nhưng không phế”.
Quý vị và các bạn hãy đọc và cảm nhận những cuốn sách trên để hiểu hơn về những nhân vật đã làm nên huyền thoại; đọc để tự hào về những người mẹ đã thầm lặng hy sinh, những tấm gương của những người thương binh- bệnh binh, đã góp phần xây dựng quê hương đất nước giaù mạnh. Ngoài 3 cuốn sách trên, trong Thư viện tỉnh Hưng Yên còn nhiều tác phẩm hay viết về chủ đề thương binh- liệt sĩ. Trân trọng mời quý vị và các bạn tìm đọc.
Phòng phục vụ bạn đọc