"Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng
Lời Bác nay đã thành chiến thắng huy hoàng.
Ba mươi năm đấu tranh giành toàn vẹn non sông,
Ba mươi năm dân chủ cộng hòa kháng chiến đã thành công.
Việt Nam Hồ Chí Minh.
Việt Nam Hồ Chí Minh."
11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, lá cờ cách mạng tung bay trên phủ Tổng thống ngụy quyền, thành phố Sài Gòn và cả miền Nam được giải phóng. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, mở đầu bằng chiến thắng Buôn Ma Thuột và Chiến dịch Tây Nguyên, Chiến dịch Huế - Đà Nẵng, cuối cùng là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng. Chiến thắng ngày 30-4-1975 là thành quả vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội; là trang sử hào hùng, chói lọi trên con đường dựng nước và giữ nước hàng ngàn năm lịch sử của dân tộc Việt Nam; chấm dứt ách thống trị hơn một thế kỷ của chủ nghĩa thực dân cũ và mới trên đất nước ta; là thắng lợi tiêu biểu của lực lượng cách mạng thế giới, góp phần thúc đẩy cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì mục tiêu độc lập dân tộc, hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội; cổ vũ, động viên các dân tộc đang tiến hành công cuộc giải phóng dân tộc, chống chủ nghĩa thực dân kiểu mới trên toàn thế giới. Thắng lợi này đã đi vào lịch sử nước ta và của thế giới, như một trang sử chói lọi ở những năm 70 của thế kỷ XX, mang tầm quốc tế, tầm thời đại sâu sắc.
Nhân kỉ niệm 46 năm ngày ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/04/1975 – 30/04/2021). Thư viện tỉnh Hưng Yên xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách viết về sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc:
Cuốn sách “Đại thắng mùa xuân 1975 chiến thắng của sức mạnh Việt Nam” do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân phát hành năm 2005, khổ 19x27cm, với 572 trang, cuốn sách giới thiệu đến bạn đọc một số văn kiện của Đảng, cũng như diễn biến cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975. Đồng thời, nêu lên những đánh giá của Đảng Cộng sản Việt Nam và một số bài viết của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội nhân dân về Đại thắng mùa xuân năm 1975. Ngoài ra, cuốn sách còn giới thiệu đến bạn đọc những nhận định của thế giới ca ngợi Đại thắng mùa xuân năm 1975 của Việt Nam và Mỹ - Ngụy thú nhận thất bại.
Sách được bố cục thành 4 phần.
Phần 1: Một số văn kiện của Đảng chỉ đạo Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân
Phần 2: Quá trình chuẩn bị và diễn biến Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975
Phần 3: Đánh giá của Đảng CSVN và một số bài viết của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội về đại thắng mùa Xuân 1975
Phần 4: Thế giới ca ngợi Đại thắng mùa Xuân 1975 của Việt Nam và Mỹ, nguỵ thú nhận thất bại
Cuốn sách “Sài Gòn từ hiệp định Pari đến mùa xuân 1975” do các tác giả Nguyễn Thanh Tịnh, Phạm Hoàng Yến, Nguyễn Ngọc Vân, Hoàng Lan Anh sưu tầm, biên soạn, được Nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành năm 2010. Sách gồm 235 trang, trình bày 115 câu hỏi - đáp về chiến thắng mùa xuân năm 1975 từ hiệp định Pari đến chiến dịch Tây Nguyên, chiến dịch Hồ Chí Minh. Qua đó, giúp người đọc thấy được sự lãnh đạo tài tình, sắc bén, kiên quyết và sáng tạo của Đảng ta, cũng như tinh thần chiến đấu dũng cảm, nỗ lực phi thường của quân và dân cả nước. Đọc sách, bạn đọc sẽ được giải đáp rõ ràng các câu hỏi như: Mốc thời gian chính dẫn đến việc ký kết Hiệp định Pari? Quá trình đàm phám Hiệp định Pari trải qua những giai đoạn nào? Những nhân vật đại diện cho các bên ký Hiệp định Pari? Vấn đề thống nhất nước Việt Nam và vấn đề quan hệ giữa miền Bắc và miền Nam Việt Nam? Ngày 30 tháng 4 năm 1975; Hoàn cảnh ra đời của bài hát “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” ?...
Cuốn sách “Tết Mậu Thân 1968 bước ngoặt lớn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước”. Tác giả cuốn sách, PGS.TS. Hồ Khang, sách được Nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành năm 2005. Xung quanh sự kiện lịch sử “Tết Mậu Thân 1968” đã có rất nhiều ý kiến, đánh giá khác nhau. Giữa những nhận định đa chiều đó, cuốn sách phân tích, đánh giá về cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968, thường được báo chí và các công trình nghiên cứu gọi là cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân. Cụ thể, tác giả đi sâu tìm hiểu nguyên nhân chủ quan và khách quan sự hình thành ý đồ chiến lược Tết của Đảng cũng như phác họa lại (một cách tổng quát) diễn biến của cuộc tổng tiến công này để phân tích, lý giải, đánh giá tác động chiến lược của Tết từ hai phía: trên chiến trường miền Nam Việt Nam và ở giữa lòng nước Mỹ. Qua đó, khẳng định lại giá trị to lớn không thể phủ định của “ Chiến dịch Tết Mậu Thân”, đồng thời làm sáng tỏ quan niệm thắng - bại về quân sự trong cuộc chiến tranh giữa Mỹ và Việt Nam (1954 - 1975).
Cuốn sách “Trận quyết chiến cuối cùng” của các tác giả Nguyễn Đăng Vinh, Nguyễn Phương Túy sưu tầm, biên soạn, Nhà xuất bản Từ điển bách khoa ấn hành năm 2005. Qua 329 trang sách các tác giả đã giới thiệu đến bạn đọc 16 hồi ký của các tướng lĩnh, cán bộ, chiến sĩ đã từng tham gia chiến đấu trong chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975. Đó là các hồi ký: “Chiến dịch Hồ Chí Minh” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp do Phạm Chí Nhân thể hiện; “Trận quyết chiến cuối cùng” của Đại tướng Hoàng Văn Thái do Trần Trọng Trung thể hiện; “Tiến vào hang ổ cuối cùng của địch” của Thượng tướng Nguyễn Hữu An do Nguyễn Tư Đương thể hiện; “Quyết chiến và toàn thắng” của đồng chí Đặng Vũ Hiệp do Lê Hải Triều thể hiện; “Trong mùa xuân đại thắng” của Thiếu tướng Phùng Đình Ấm; “Trận chiến đấu cuối cùng” của Đại tá Trịnh Minh Quát……
Đọc hồi ký của các đồng chí tướng lĩnh, cán bộ đã trực tiếp tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, giúp chúng ta biết được Chiến dịch Hồ Chí Minh là chiến dịch tiến công lớn chưa từng có trên chiến trường Việt Nam, vượt xa các chiến dịch lớn trước đó cả về quy mô lực lượng, cường độ, nhịp độ tiến công, nội dung tác chiến hiệp đồng quân binh chủng, mức độ hoàn thành triệt để nhiệm vụ chiến lược, cũng như mục đích chính trị của chiến tranh cách mạng Việt Nam. Đặc biệt là tinh thần quyết chiến, quyết thắng đoàn kết một lòng của quân dân hai miền Nam - Bắc
Cuốn sách "Đất nước đứng lên", do Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành năm 2014 của nhà văn Nguyên Ngọc. Là tác phẩm đoạt giải Nhất về tiểu thuyết trong giải thưởng văn học 1954 - 1955 của Hội văn nghệ Việt Nam (ở miền Bắc). Đến năm 1956, Đất nước đứng lên bắt đầu ra mắt bạn đọc. Đất nước đứng lên được sáng tác dựa trên câu chuyện có thật về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của dân làng Kông-hoa (Tây Nguyên); trong đó, con chim đầu đàn, người lãnh đạo, người chiến sĩ tiêu biểu của cuộc kháng chiến hết sức gian khổ nhưng vô cùng anh dũng, đó là Núp. Đọc Đất nước đứng lên cho ta cảm giác bồng bềnh nhưng đang ngồi bên bếp hồng bập bùng – nghe Già làng kể những huyền thoại của quê hương. Không gian và ân hưởng bi hùng thẫm đẫm, yếu tố vừa thực, vừa mơ cứ đan xen vào nhau, hòa trộn vào nhau rất khó phân biệt. Lạc vào thế giới này chúng ta có lúc không khỏi xót xa cho những mảnh rừng, con suối bị cày xéo vì bom đạn quân thù, rồi đau đớn cho những con người bị tra tấn, đàn áp dã man, hy sinh vô danh; nhưng cũng tự hào biết bao khi trong tận cùng đau khổ họ đã biết vươn lên đấu tranh để rồi dệt thành câu chuyện huyền thoại và bất tử.
Tác phẩm là câu chuyện của những anh hùng trong đời thường thân thương và bình dị mà anh dũng – kiên cường. Tính cách Tây Nguyên được nhuộm đẫm chất sử thi. Đất nước đứng lên là câu chuyện một đời được kể lại trong một đêm – một đêm dài như một đời. Đó là đêm của cuộc sống vất vả, cơ cực, anh dũng, rất đáng trân trọng, tự hào.
Chiến tranh đã lùi xa nhưng mỗi người mang trong mình dòng máu Lạc Hồng cần mãi ghi nhớ rằng: Hơn bất cứ một dân tộc nào trên thế giới, nhân dân Việt Nam luôn thiết tha với hòa bình, khát vọng tự do và hạnh phúc, không bao giờ muốn chiến tranh. Nhưng, vì sinh mệnh và sự tồn vong của dân tộc mà “kẻ thù buộc ta ôm cây súng”. Và Đại thắng mùa Xuân, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc năm 1975 là một thắng lợi của chính nghĩa, một thắng lợi không thể đảo ngược. Đại thắng mùa Xuân năm 1975 là kết quả tổng hợp của thời cơ cách mạng, sự phát triển có tính chất bước ngoặt về thế và lực của cách mạng Việt Nam, sự hội tụ các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa để làm nên một trong những chiến thắng vĩ đại nhất của lịch sử dân tộc ta trong thế kỷ XX.
Ngoài những cuốn sách trên, Thư viện tỉnh Hưng Yên còn rất nhiều cuốn sách hay viết về lịch sử dân tộc Việt Nam. Trân trọng kính mời quý vị tìm đọc.
Đỗ Thị Minh Ngọc