Giới thiệu sách chuyên đề kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2019)
Trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc Việt Nam, trải qua những cuộc kháng chiến trường kỳ dựng nước và giữ nước đã có biết bao lớp người làm nên những chiến công vĩ đại, cống hiến, hy sinh, để xây dựng và bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân. Chiến tranh đã lùi xa, nhưng máu đào của các anh hùng liệt sĩ vẫn luôn thắm đỏ, sự mất mát của các thương binh, bệnh binh, của thân nhân liệt sĩ, những người ảnh hưởng di chứng chiến tranh vẫn chưa thể nguôi ngoai. Sinh thời Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã từng nhắc nhở: “Ăn quả phải nhớ người trồng cây. Trong cuộc tưng bừng vui vẻ hôm nay, chúng ta phải nhớ đến những anh hùng, liệt sĩ của Đảng ta, của dân ta... Máu đào của các liệt sĩ đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói . Sự hy sinh dũng cảm của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết trái tự do. Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn liệt sỹ ”.
Là người Việt Nam, chúng ta có quyền tự hào về những chiến công anh hùng, hành động anh hùng, con người anh hùng của quê hương đất Việt, những con người đã không tiếc tuổi thanh xuân, sẵn sàng hy sinh tất cả vì độc lập - tự do của dân tộc.
Với truyền thống và đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” nhân dịp kỉ niệm 72 năm ngày thương binh liệt sỹ, Thư viện tỉnh Hưng Yên trân trọng giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách viết về những con người làm nên lịch sử.
Bộ sách "Chân dung anh hùng thời đại Hồ Chí Minh'', do Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương và Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương phối hợp với Nhà xuất bản Quân đội nhân dân tổ chức biên soạn và phát hành năm 2002. Với nội dung được in trên nền khổ giấy 19x27cm, sách gồm hai tập:
Tập I. Được chia thành 4 phần chính.
- Phần I: Văn kiện - Tư liệu
- Phần II:Thời kỳ1945 -1954
- Phần III: Danh sách các anh hùng thời kỳ 1954 - 1975
- Phần IV: Thời kỳ 1975 - Tháng 9 - 2000...
Tập II. Giới thiệu chân dung 1282 anh hùng thời kỳ chống Mỹ, cứu nước và xây dựng bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa (1954 – 1975).
Đây là một bộ sách rất quý và vô cùng giá trị, là tượng đài bằng ấn phẩm chân dung 1.779 anh hùng thời đại ngày nay của dân tộc ta; là công trình xuất bản có ý nghĩa quốc gia, giàu ý nghĩa chính trị, tư tưởng và văn hóa nhằm góp phần tiếp tục khẳng định những cống hiến lớn lao của dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, mà tiêu biểu là những anh hùng đã được Nhà nước tuyên dương hơn nửa thế kỷ qua. Từ đó, tiếp tục cổ vũ phong trào thi đua yêu nước của quân và dân ta trong thời kỳ mới.
Với ý nghĩa to lớn, bộ sách được đồng chí Lê Khả Phiêu - Nguyên Tổng Bí thư Đảng Cổng sản Việt Nam viết lời tựa. Bài viết của ông đã thể hiện rõ quan điểm của Đảng ta về bản chất anh hùng của dân tộc Việt Nam, của con người Việt Nam trong thời kỳ mới.
Cuốn sách: “Bác Hồ với thương binh liệt sĩ” được Nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành năm 1997, sách dày 213 trang, khổ 13x19cm. Với nội dung gồm hai phần:
Phần thứ nhất: Giới thiệu những bài nói bài viết, thư từ, trích dẫn và hình ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh với thương binh liệt sĩ, đó là tất cả những tình cảm yêu thương mà Bác dành cho những con người xả thân vì nước, không tiếc máu xương bảo vệ Tổ quốc. Những bức thư Bác gửi các chiến sĩ Nam bộ, thư Bác gửi các chiến sĩ cảm tử quân thủ đô, thư gửi các Hội mẹ chiến sĩ Liên khu IV, hay thư khen ngợi các chiến sĩ bị thương và sự tận tâm của các y sĩ, cứu thương… Tất cả đều nói lên tấm lòng của Bác với các liệt sĩ, thương bệnh binh và các gia đình có công với cách mạng.
Phần thứ hai: Giới thiệu hồi ức của một số thương binh và gia đình liệt sĩ đã có vinh dự được gặp bác được sống trong tình yêu thương vô bờ của Bác.
Thông qua cuốn sách giúp bạn đọc tìm hiểu có hệ thống về tư tưởng tình cảm và việc làm đầy ân nghĩa của Chủ tịch Hồ Chí Minh với thương binh và gia đình liệt sĩ, đồng thời thể hiện tình cảm và lòng biết ơn vô hạn của thương binh, liệt sĩ đối với vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc. Cuốn sách như món quà vô giá không chỉ dành cho các thương binh, liệt sĩ, những người có công với cách mạng mà còn chất chứa bao tình cảm dành cho tất cả những ai đã đọc được cuốn sách này, mỗi lời Bác nói, mỗi bức thư Bác gửi đều chất chứa những tình cảm trìu mến yêu thương. Qua đó giúp chúng ta hiểu và cảm nhận sâu sắc hơn về nhân cách cao đẹp Hồ Chí Minh.
Cuốn sách “Huyền thoại tàu không số” Của tác giả Đình Kính được Nhà xuất bản Văn học ấn hành năm 2016 sách dày 336 trang, khổ 13x20.5cm. Nội dung cuốn sách viết về những chiến sỹ trên các con tàu không mang số hiệu của đoàn 759 ( tức lữ đoàn 125 sau này). Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước tuyến giao thông trên biển có một ý nghĩa vô cùng quan trọng, tuyến giao thông đường biển giúp vận chuyển, cung cấp hàng chục ngàn tấn vũ khí, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết cho chiến trường liên khu 5 và 6 và nhiều địa phương khác, giúp đưa nhiều cán bộ, chiến sĩ tới những khu vực mà vận chuyển đường bộ khó lòng tới được. Huyền thoại tàu không số đã góp phần làm bừng sáng con đường Hồ Chí Minh trên biển, tôn vinh lòng quả cảm của các chiến sĩ trên những con tàu không số, những con người mưu trí, dũng cảm quyết đoán trung thành với Đảng, cách mạng. Đồng thời cuốn sách cho thấy nghệ thuật quân sự tài tình trong chiến tranh cách mạng Việt Nam với sự chỉ đạo sáng suốt, mưu lược của Trung ương và Bộ Chính trị đã góp phần làm nên chiến thắng vẻ vang trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Cuốn sách “Kí ức Thành cổ” được Nhà xuất bản Thanh niên ấn hành năm 2016, sách dày 332 trang, khổ 13x19cm. Thông qua 31 câu chuyện của các tác giả như Lê Minh Khuê, Chi Mai, Như Thìn, Nguyễn Quốc Triệu….cuốn sách đã tái hiện lại cuộc chiến tại thành cổ Quảng Trị, 81 ngày đêm thấm đẫm “ máu và hoa” với những kí ức không thể nào quên. Sự dữ dội, quyết liệt của trận “quyết chiến chiến lược” đã trở thành thời khắc kinh điển, khắc khoải, đau nhói tại chiến trường vô cùng ác liệt này. Trong những ngày tháng khốc liệt ấy hàng ngàn người con ưu tú của Tổ quốc đã ngã xuống mang theo tuổi thanh xuân, với bao ước nguyện và hoài bão hòa vào lòng đất. Xương máu của các anh thấm đẫm trong từng tấc đất, ngủ sâu trong lòng đất mẹ Quảng Trị, hòa vào mênh mang sóng nước của dòng Thạch Hãn, trở thành phù sa bến bãi, thành cỏ cây, thành tiếng gió thổi rì rào…
Cuốn sách “Truyện ngắn về người lính” được Nhà xuất bản Phụ nữ ấn hành năm 2007 sách dày 350 trang, khổ 13x20.5 cm. Nội dung cuốn sách được thể hiện qua 21 truyện ngắn của các tác giả như: Người đàn bà choàng khăn - Đức Ban; Người cùng sư đoàn - Nguyễn Bảo; Lý sự người đời - Vũ Bão; Mầm sống - Triệu Bôn; Chiều vô danh - Hoàng Dân; Lời chào quá khứ - Trung Trung Đỉnh; Mùa này sông có còn gió - Đỗ Thị Thu Hiền; Dạo đó - thời chiến tranh - Lê Minh Khuê; Con tôi đi lính - Chu Lai v.v.... Mỗi câu truyện là một mảng ký ức hay tâm sự sâu sắc của người lính và nhà văn về hoài bão của người lính hôm qua và hôm nay. Những câu chuyện về tình yêu tình đồng đội, lý tưởng sống trong thời chiến và trong thời bình, tất cả hiện nên thật chân thực thông qua ngòi bút sắc sảo của các tác giả. Qua những câu chuyện bình dị chúng ta thấy được phẩm chất chân thực giản dị cao đẹp đáng quý của người lính dù ở bất kì hoàn cảnh nào trong chiến tranh hay trong cuộc sống hiện đại hôm nay
Mời quý vị và các bạn tìm đọc những cuốn sách trên để hiểu rõ hơn về những hy sinh cống hiến của thế hệ đi trước, những con người đã không tiếc tuổi xuân cho chúng ta có cuộc sống tươi đẹp ngày hôm nay và thấu hiểu hơn đạo lý "Uống nước nhớ nguồn - Đền ơn đáp nghĩa" của dân tộc Việt Nam.
Ngoài những cuốn sách trên Thư viện tỉnh Hưng Yên còn rất nhiều cuốn sách hay khác viết về truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam.
Trân trọng mời quý vị tìm đọc.
Đỗ Thị Minh Ngọc