Về vấn đề áp dụng thống nhất AACR2 trong giảng dạy và trong công tác biên mục ở các cơ quan thông tin, thư viện Việt Nam
1. Giới thiệu khái quát AACR2 AACR là quy tắc biên mục được cộng đồng thư viện Anh-Mỹ hợp tác biên soạn từ năm 1967
1. Giới thiệu khái quát AACR2 AACR là quy tắc biên mục được cộng đồng thư viện Anh-Mỹ hợp tác biên soạn từ năm 1967. Tuy nhiên trong giai đoạn đầu, quy tắc này mới được xuất bản riêng rẽ cho Bắc Mỹ (AACR North American Edition) và Anh (AACR British edition).
AACR là quy tắc biên mục được cộng đồng thư viện Anh-Mỹ hợp tác biên soạn từ năm 1967. Tuy nhiên trong giai đoạn đầu, quy tắc này mới được xuất bản riêng rẽ cho Bắc Mỹ (AACR North American Edition) và Anh (AACR British edition).
Năm 1978, bộ quy tắc này được chỉnh lý và xuất bản dưới nhan đề: Anglo-American cataloguing rules. 2nd edition (Quy tắc biên mục Anh-Mỹ. Xuất bản lần thứ 2, viết tắt là AACR2). Từ đó đến nay, AACR2 đã qua 4 lần cập nhật và chỉnh lý: 1999, 2001, 2002, 2004.
AACR2 gồm 19 chương, chia làm 2 phần:
Phần I, từ chương 1 đến chương 13: Mô tả thư mục.
Phần này quy định cách mô tả các loại hình tài liệu khác nhau và dựa trên quy định của ISBD (Quy tắc mô tả thư mục theo tiêu chuẩn Quốc tế).
Phần II, từ chương 21 đến chương 26: Lựa chọn điểm truy cập.
Cụ thể AACR2 bao gồm các phần và chương như sau:
Phần I
Chương 1: Quy tắc mô tả tổng quát: Quy định dùng chung cho mọi loại hình tài liệu
Chương 2: Sách, sách mỏng và tờ in
Chương 3: Tài liệu bản đồ
Chương 4: Bản thảo
Chương 5: Tài liệu âm nhạc
Chương 6: Tài liệu ghi âm
Chương 7: Phim và băng video
Chương 8: Tài liệu đồ hoạ
Chương 9: Nguồn tin điện tử
Chương 10: Vật chế tác và ba chiều
Chương 11: Tài liệu vi hình
Chương 12: Nguồn tin tiếp tục
Chương 13: Mô tả trích
Phần II:
Chương 21: Lựa chọn điểm truy cập
Chương 22: Tiêu đề cá nhân
Chương 23: Địa danh
Chương 24: Tiêu đề tập thể
Chương 25: Nhan đề đồng nhất
Chương 26: Tham chiếu
Nhìn chung không có gì khác biệt nhiều giữa AACR2 và ISBD về 8 vùng mô tả và dấu phân cách, tuy nhiên AACR2 tạo nhiều điểm truy cập và quy định khá chi tiết trong lập tiêu đề, cũng như trong một số yếu tố mô tả.
2. Những thuận lợi và khó khăn khi áp dụng AACR2 ở Việt Nam
Vừa qua Vụ Thư viện đã có Công văn khuyến nghị áp dụng thống nhất 3 chuẩn MARC21, AACR2 và DDC trong xử lý, lưu trữ và trao đổi thông tin trong các cơ quan thông tin thư viện Việt Nam. So với việc triển khai MARC21 và DDC thì việc tiến hành áp dụng thống nhất AACR2 có một số thuận lợi và khó khăn.
2.1. Thuận lợi:
- Hiện tại đã có bản dịch đầy đủ bằng tiếng Việt, hướng dẫn cụ thể mô tả các loại hình tài liệu có ở các thư viện Việt Nam. Lần đầu tiên Việt Nam có bộ quy tắc mô tả hoàn chỉnh về biên mục, đây là một thuận lợi rất lớn cho việc thống nhất công tác xử lý tài liệu trong cả hệ thống thư viện.
- AACR2 là Quy tắc biên mục Anh-Mỹ, không có nhiều khác biệt với ISBD nên không phức tạp và mới đối với các cán bộ biên mục Việt Nam vì nhiều người đã thông thạo với ISBD trong lĩnh vực biên mục;
- Vừa qua đã có một lớp tập huấn cụ thể về AACR2 cho 25 cán bộ Việt Nam làm công tác biên mục và giảng dạy, nên những vấn đề nghiệp vụ và vướng mắc về AACR2 đã được Giáo sưPatricia G. Oyler hướng dẫn và giải đáp. Đây là một thuận lợi lớn vì lớp cán bộ đã được tập huấn này sẽ làm nòng cốt cho việc triển khai và hướng dẫn áp dụng AACR2 trong cả nước;
- MARC21 chịu nhiều ảnh hưởng của AACR2. Bởi vậy, trong quá trính triển khai ứng dụng MARC21 vừa qua, nhiều quy định của AACR2 cũng được áp dụng, nhất là việc tạo các điểm truy cập bổ sung. Đặc biệt có nhiều thư viện trong quá trình triển khai MARC21 đã thực hiện việc copy biểu ghi trên mạng và hoàn toàn biên mục theo quy tắc AACR2.
Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là việc áp dụng thống nhất AACR2 trong hệ thống thông tin thư viện Việt Nam không còn trở ngại gì. Qua thực tế chúng tôi thấy vẫn còn một số vấn đề khó khăn cần phải giải quyết thống nhất để việc áp dụng AACR2 mang tính khả thi trong toàn hệ thống.
2.2. Khó khăn:
- Cần có một tài liệu AACR2 rút gọn phù hợp với việc biên mục tài liệu của các thư viện Việt Nam. Tuy đã có bản dịch đầy đủ về AACR2, nhưng nếu đây là một tài liệu tra cứu hàng ngày cho cán bộ biên mục thì quá công kềnh. Vì bản dịch dày khoảng hơn 1000 trang, trong đó từ chương 2 đến chương 13 là những chương mô tả các dạng tài liệu đặc thù nên thường được chỉ dẫn xem chương 1 (Quy tắc mô tả tổng quát). Trong khi đó lại thiếu nhiều chỉ dẫn cần thiết cho biên mục tài liệu Việt Nam. Bởi vậy, theo chúng tôi, cần có một tài liệu mang tính rút gọn về AACR2, trong đó chỉ đưa Chương 1 (Quy tắc mô tả tổng quát) và một số chương có dạng tài liệu phổ biến như sách, tạp chí, bài trích và nguồn tin điện tử để thuận lợi cho việc tra cứu hàng ngày của các cán bộ biên mục. Điều quan trọng nhất là phải đưa vào quy tắc này những vấn đề cụ thể của Việt Nam theo quy định của AACR2. Có như vậy mới thống nhất được mô tả tài liệu ở các thư viện Việt Nam theo quy tắc biên mục của nước ngoài.
- Hiện tại, tài liệu hướng dẫn MARC21 đang theo quy tắc ISBD. Để có sự nhất quán, cần phải hiệu đính lại tài liệu hướng dẫn này theo AACR2, nếu không rất dễ có nhiều cách khác nhau khi biên mục cùng một tài liệu.
Tóm lại, tuy không có nhiều sự khác biệt giữa AACR2 và ISBD nhưng vì trên thực tế việc biên mục tài liệu theo MARC21 và ISBD vốn đã không thống nhất, nay lại chuyển sang AACR2 nếu không có tài liệu hướng dẫn cụ thể thì lại vẫn là mỗi thư viện mô tả một kiểu.
3. Những vấn đề cần thống nhất khi áp dụng AACR2 ở Việt Nam
Theo chúng tôi những vấn đề chung mà AACR2 đã quy định nên tuân thủ, không nên thay đổi theo tập quán riêng của Việt Nam. Chỉ có những vấn đề liên quan đến tài liệu tiếng Việt, hoặc mang tính lựa chọn (để phù hợp với biên mục của từng nước) hoặc khi chuyển sang tiếng Việt khó diễn đạt thì chúng ta nên có sự thống nhất. Sau đây chúng tôi xin nêu một số vấn đề cần trao đổi, rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến của các bạn đồng nghiệp để cùng thống nhất một quy tắc mô tả thư mục cho Việt Nam.
3.1. Thống nhất một số vấn đề trong các vùng mô tả:
a) Sử dụng thống nhất ngôn ngữ của chính văn mô tả trong các vùng quy định của AACR2.
AACR2 quy định: Chỉ có 2 vùng mô tả là Vùng mô tả vật lý và Vùng phụ chú là có thể dùng ngôn ngữ biên mục (đối với Việt Nam có thể dùng tiếng Việt cho mọi tài liệu), còn lại các vùng khác phải dùng ngôn ngữ của chính văn mô tả (ngôn ngữ viết trong nội dung tài liệu). Bởi vậy theo chúng tôi một số thuật ngữ biên mục rất quen thuộc bằng tiếng Anh trong các Vùng thông tin trách nhiệm hay Vùng xuất bản nhưng khi sử dụng cho tài liệu Việt thì vẫn nên dịch sang tiếng Việt. Ví dụ:
- Khi có trên 3 thông tin trách nhiệm trong một nhóm (tác giả, người biên tập hoặc người dịch,…) đối với tài liệu tiếng Việt thì ở trường 245$c (Trường con chỉ thông tin trách nhiệm) chỉ lấy tên người thứ nhất tiếp đến là dấu ba chấm và từ [và những người khác] (không lấy [et al.] như tài liệu tiếng Anh).
- Khi không có nơi và nhà xuất bản sẽ lấy [K.đ.: K.nxb.], không lấy [S.l.: S.n].
Ví dụ 1: Tài liệu tiếng Việt:
Xử lý nước thải ở các khu công nghiệp/Nguyễn Văn Nguyên…[và những người khác]. - [K.đ.: K.nxb.], 1992 . – 211 tr.
Ví dụ 2: Tài liệu tiếng Anh:
An introduction to the world’s oceans/Editors Keith Sverdrup…[et al.]. – [S.l.: S.n.], 1988. – XIV, 514 tr.
Tương tự như vậy, tài liệu viết bằng tiếng Nga và các tiếng khác cũng lấy theo ngôn ngữ chính văn trong các vùng mô tả này.
b) Thống nhất viết đầy đủ tên địa danh của nơi xuất bản.
- Từ trước tới nay chúng ta vẫn quen viết tắt tên thành phố, địa danh trong Vùng địa chỉ xuất bản. Ví dụ như: “N.Y., Lond., H.,…”. Trong AACR2 quy định rất rõ ràng là nơi xuất bản lấy như trên trang sách, không viết tắt. Bởi vậy, đối với sách tiếng Việt, nếu nơi xuất bản là Hà Nội thì cũng phải viết đầy đủ.
c) Đối với sách bộ vẫn nên duy trì 2 cách mô tả như MARC21 đã hướng dẫn.
- Theo AACR2 thì sách bộ được liệt kê thông tin của các tập vào vùng phụ chú, tương ứng với trường 505 trong MARC21 (Trường Phụ chú nội dung). Như vậy, nếu tuân thủ đúng như AACR2 thì khả năng tìm kiếm thông tin của từng tập sẽ rất khó khăn. Để tạo thuận lợi cho việc tìm tin, nhiều thư viện sử dụng trường “774: Đơn vị hợp thành” trong khổ mẫu MARC21 để tạo điểm truy cập đến từng tập. Tuy nhiên, không phải phần mềm nào cũng cho phép liên kết chính xác từ trường 505 sang trường 774. Hơn nữa, việc cập nhật nhiều tập đơn lẻ về không cùng một lúc của một bộ vào cùng một biểu ghi sẽ mất rất nhiều thời gian của cán bộ biên mục. Bởi vậy trên thực tế nhiều thư viện đã chọn cách mô tả lẻ (mỗi tập một biểu ghi). Theo chúng tôi đối với sách bộ vẫn duy trì 2 cách mô tả như MARC21 đã quy định:
- Thư viện nào đang Mô tả lẻ thì sử dụng Trường 245$nSố tập, $pTên tập.
- Thư viện nào Mô tả bộ thì sử dụng Trường 505 để liệt kê thông tin các tập và trường 774 để tạo liên kết truy cập theo từng tập.
d) Thống nhất cách mô tả tài liệu là đề tài nghiên cứu hoặc khoá luận, luận văn và luận án của Việt Nam.
- AACR2 quy định đối với những tài liệu không xuất bản chính thức thì chỉ ghi năm in ấn, vì thường không có nơi và nhà xuất bản. Ở Việt Nam, kết quả các đề tài nghiên cứu và luận án, luận văn thường do các cá nhân chịu trách nhiệm in ấn, không được xuất bản chính thức. Bởi vậy, nên thống nhất cách mô tả đối với những dạng tài liệu này, ví dụ trong Vùng địa chỉ xuất bản chỉ lấy năm in, còn nơi bảo vệ luận án là tên Trường hoặc Viện nghiên cứu thì ghi vào Trường 502: Phụ chú luận án,…
3.2. Thống nhất cách tạo lập điểm truy cập
a) Thống nhất cách ghi họ và tên người Việt Nam.
Khi lập tiêu đề cho cá nhân, AACR2 quy định sau họ đặt dấu phẩy rối đến tên đệm và tên. Đối với họ tên người nước ngoài thì nhiều thư viện từ trước cũng đã mô tả như vậy. Tuy nhiên, đối với họ tên người Việt Nam thì vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Theo chúng tôi đã áp dụng AACR2 thì cũng nên thống nhất một cách mô tả, bởi vậy sau họ của người Việt Nam nên để dấu phẩy. Nếu xác định rõ là họ kép của người Việt thì cách mô tả có thể cũng giống như họ kép của người nước ngoài.
Ví dụ: Nguyễn, Văn Hải
Phan Nguyễn, Văn Hải
b) Thống nhất cách tạo lập điểm truy cập theo tên tác giả tập thể.
- Trong AACR2 ở phần lập tiêu đề mô tả theo tên tác giả tập thể được hướng dẫn rất chi tiết, nhưng rất phức tạp. Bởi vậy, nếu không nắm vững kiến thức về biên mục sẽ rất khó xác định tên tác giả tập thể trong trường hợp nào thì phải lập làm tiêu đề chính, hoặc chỉ đưa vào tiêu đề bổ sung; trường hợp nào tên cơ quan đứng được độc lập, trường hợp nào phải có địa danh để trước hoặc để sau,…
- Bởi vậy, cần có sự thống nhất và hướng dẫn cụ thể đối với việc mô tả những tài liệu về Luật, Văn bản pháp quy, Quy phạm, Tuyển tập báo cáo nghiên cứu khoa học, Tài liệu hội nghị..., nhất là đối với tài liệu tiếng Việt.
4. Kết luận: Việt Nam đang tiến nhanh trên con đường hội nhập, cũng giống như các ngành và lĩnh vực khác, các sản phẩm của ngành thông tin thư viện cũng phải được chuẩn hoá để có thể trao đổi và chia sẻ nguồn lực thông tin trên phạm vi toàn cầu. Để thực hiện được điều đó chúng ta cần phải triển khai áp dụng các chuẩn trong xử lý, lưu trữ và trao đổi thông tin mà trước hết là 3 chuẩn MARC21, AACR2 và DDC. Tuy nhiên để triển khai tốt việc áp dụng các chuẩn này trong toàn hệ thống thông tin thư viện Việt Nam thì cần có các tài liệu hướng dẫn cụ thể để người xử lý hiểu chính xác và thống nhất một cách điền dữ liệu.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
MARC21 rút gọn cho dữ liệu thư mục– H.: TTTTKH&CNQG, 2005. – 312 tr.
Quy tắc biên mục Anh-Mỹ. - Xuất bản lần thứ 2. Cập nhật 2004: Bản thảo. - H.: TTTTKH&CNQG, 2007
_____________
Nguyễn Thị Đào:Trung tâm TTKH&CNQG
(Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam)