► KẾT QUẢ TỔ CHỨC CUỘC THI "ĐẠI SỨ VĂN HÓA ĐỌC NĂM 2024" TỈNH HƯNG YÊN                  ► TỪ NGÀY 01/01/2024, THƯ VIỆN TỈNH MỞ CỬA PHỤC VỤ TỪ THỨ HAI ĐẾN CHỦ NHẬT HÀNG TUẦN                 
Giới thiệu sách kỷ niệm 105 năm Cách mạng Tháng Mười Nga (07-11-1917 / 07-11-2022)

Hơn 100 năm đã đi qua kể từ khi cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga thắng lợi (07-11-1917), nhân loại đã chứng kiến biết bao biến cố thăng trầm, phức tạp, nhưng trong lịch sử loài người, chưa từng thấy cuộc cách mạng nào có ý nghĩa và tầm vóc lịch sử to lớn đến như vậy. Cách mạng Tháng Mười Nga có ý nghĩa lịch sử trọng đại, không chỉ với nước Nga mà còn đối với cả thế giới. Dưới sự lãnh đạo của chính Đảng tiền phong do lãnh tụ V.I.Lênin đứng đầu, quần chúng lao động Nga đã làm nên một sự kiện rung chuyển thế giới khi đánh đổ chế độ quân chủ chuyên chế, lập nên Nhà nước Xô-Viết kiểu mới của những người nông dân, công nhân. Cách mạng tháng Mười Nga thành công đã dẫn tới sự ra đời nhà nước xã hội chủ nghĩa - nhà nước chuyên chính vô sản đầu tiên trong lịch sử loài người và làm cho chủ nghĩa xã hội (CNXH) từ lý luận trở thành hiện thực trong đời sống chính trị thế giới.

            Với những ý nghĩa to lớn và sâu sắc như vậy, thắng lợi của Cách mạng tháng Mười Nga thực sự đã tạo ra một kỷ nguyên mới của nước Nga, đồng thời đã mở ra một thời đại mới trong lịch sử nhân loại. Nó đã vượt khỏi không gian và thời gian, trở thành biểu tượng vĩ đại của thời đại.

Hướng tới kỷ niệm 105 năm chiến thắng lịch sử Cách mạng tháng 10 Nga (07/11/1917 - 07/11/2022), Thư viện tỉnh Hưng Yên xin trân trọng giới thiệu tới bạn đọc một số cuốn sách hay viết về Cách mạng tháng Mười Nga.

 
            Cuốn sách “Mười ngày rung chuyển thế giới” được Nhà xuất Văn học hành năm 1960. Là một trong những cuốn sách xuất sắc nhất viết về Cách mạng Tháng Mười Nga, tác giả là một người Mỹ: nhà báo John Reed (1887 - 1920). Nội dung gồm 12 chương kể lại: “một cách mạnh mẽ và khác thường những ngày đầu cuộc Cách mạng Tháng Mười. Đây không chỉ là một bản liệt kê sự việc, một tập tài liệu, mà là hàng loạt những hình ảnh sống, những hình ảnh điển hình đến nỗi bất cứ người nào đã được chứng kiến cuộc Cách mạng cũng hình dung ra ngay những cảnh tương tự mà chính mình đã sống” (trích lời tựa cho bản dịch tiếng Nga đầu tiên của NXB Nadezhda Krupskaya). Ngay sau khi xuất bản, với những trang viết sống động từ trải nghiệm thực tế của tác giả trên đất nước Nga, trực tiếp chứng kiến những thời khắc quan trọng, gặp gỡ vô số nhân vật ở cả hai chiến tuyến, tác phẩm đã thu hút được sự chú ý đặc biệt của dư luận. Nhiều thập kỷ sau tác phẩm vẫn được Tạp chí New York Times xếp vào danh sách “100 ấn phẩm báo chí xuất sắc nhất mọi thời đại”. Lênin đánh giá rất cao cuốn sách và đã viết lời tựa cho ấn bản tại Mỹ. Cuốn sách giúp bạn đọc cảm nhận tầm vóc vĩ đại, ý nghĩa to lớn của Cách mạng Tháng Mười dưới góc nhìn khách quan của một nhà báo phương Tây.
 
 

Cuốn sách “Lịch sử cách mạng Nga” được ấn hành năm 1964 bởi Nhà xuất bản Khoa học, sách gồm 4 tập.

Tập I: Từ tháng Tư đến tháng Tám 1917

Tập II: Từ tháng Chín đến tháng Mười 1917

Tập III: Những ngày tháng Mười ở Pêtrôgrađ

Tập IV: Khởi nghĩa ở Môxkva và thành lập chính quyền xô-viết

Cuốn sách là những phân tích cụ thể, kĩ càng, những sự kiện lịch sử, bài học kinh nghiệm quý báu của Cách mạng tháng Mười. Nội dung được viết dưới sự chỉ đạo của chính những người đã trực tiếp tham gia lãnh đạo cuộc Cách mạng. Sách chứa đựng rất nhiều tài liệu phong phú, sinh động và nhận định sắc bén của những người đã từng tham gia những ngày tháng chiến đấu lịch sử. Cuốn sách là nguồn tư liệu rất bổ ích, giúp bạn đọc trau dồi tinh thần quốc tế vô sản, ý thức cách mạng, tri thức cách mạng và tri thức lịch sử cho đông đảo cán bộ và nhân dân.

Bộ sách: “Lê-nin toàn tập” được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia xuất bản năm 2006, gồm 55 tập sách.

Trong cuộc đời 54 năm hoạt động sôi nổi (1870-1924), lãnh tụ thiên tài V. I. Lê-nin đã để lại nhiều di sản vô giá cho nhân loại. Đặc biệt, với bộ Lê-nin toàn tập đồ sộ, Người thực sự đã để lại cho thế giới nói chung và cho cách mạng xã hội chủ nghĩa nói riêng những kiến giải triết học, chính trị học, kinh tế học, về xây dựng đảng cách mạng kiểu mới. Đến nay dù đã trên dưới 100 năm vẫn còn nguyên giá trị và có ý nghĩa soi đường cho nhân loại tiến lên con đường xã hội chủ nghĩa. Tất cả đều gắn liền với thành công của Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại.

Nghiên cứu bộ sách Lê-nin toàn tập có thể nhận thấy sức làm việc phi thường của lãnh tụ Lê-nin. Trong khoảng thời gian trên dưới 30 năm, Lê-nin đã viết, phát biểu với số lượng tác phẩm khổng lồ, bằng nhiều thứ ngôn ngữ, về nhiều lĩnh vực, mà hiếm có nhà hoạt động chính trị nào thực hiện được. Nhiều tác phẩm được viết trong thời kỳ ông bị tù đày, giam cầm, phải hoạt động bí mật và liên tục trốn tránh sự truy đuổi của kẻ thù, trong điều kiện thiếu thốn tài liệu. Nhiều tác phẩm khác viết trong thời kỳ ông trực tiếp chỉ đạo cách mạng vốn diễn ra rất sôi động với nhiều hoạt động dồn dập; đồng thời có không ít tác phẩm được viết trong lúc sức khỏe ông rất kém, gần như phải nằm liệt giường vào những năm tháng cuối đời. Dù được viết trong hoàn cảnh nào, các tác phẩm của ông vẫn có giá trị định hướng quan trọng không chỉ cho hoạt động cách mạng của Nga và Liên Xô mà còn cho phong trào cách mạng trên thế giới.

Cuốn sách “Thép đã tôi thế đấy”, tác giả Nhi-ca-lai A-xtơ-rốp-xki được Nhà xuất bản Văn học ấn hành năm 2004.

Tác phẩm được viết trong thời kỳ cách mạng sục sôi nên đã nhanh chóng gây được tiếng vang lớn đối với thanh niên Nga và thanh niên Việt Nam. Đây được coi là khúc ca bất hủ về hoài bão và lý tưởng tuổi trẻ, giúp tạo ra sức ảnh hưởng to lớn và lay động hàng triệu trái tim tuổi trẻ. Không những thế, tác phẩm còn là nguồn động lực lớn lao, cổ vũ thanh niên đi theo con người cách mạng giải phóng dân tộc. Cho đến thời điểm hiện tại, “Thép đã tôi thế đấy” vẫn luôn là một trong những bức họa khắc họa thành công nhất hình ảnh người chiến sĩ cộng sản.

Cuốn sách không phải là một tác phẩm văn học chỉ nhìn đời mà viết, mà tác giả đã sống nó rồi mới viết nó. Nhân vật trung tâm Pa-ven chính là tác giả: Nhi-ca-lai A-xtơ-rốp-xki. Là một chiến sĩ cách mạng tháng Mười, ông đã sống một cách nồng cháy nhất, như nhân vật Pa-ven của ông. Cũng không phải một cuốn tiểu thuyết tự thuật thường vì hứng thú hay lợi ích cá nhân mà viết. A-xtơ-rốp-xki viết “Thép đã tôi thế đấy” trên giường bệnh, trong khi bại liệt và mù, bệnh tật tàn phá chín phần mười cơ thể. Chưa bao giờ có một nhà văn sáng tác trong những điều kiện gian khổ như vậy. Trong lòng người viết phải có một nhiệt độ cảm hứng nồng nàn không biết bao nhiêu mà kể. Nguồn cảm hứng ấy là sức mạnh tinh thần của người chiến sĩ cách mạng bị tàn phế, đau đớn đến cùng cực, không chịu nằm đợi chết, không thể chịu được xa rời chiến đấu, do đó phấn đấu trở thành một nhà văn và viết nên cuốn sách này. Càng yêu cuốn sách, càng kính trọng nhà văn, càng tôn quí phẩm chất của con người cách mạng.

Đọc “Thép đã tôi thế đấy” để biết “Cái quý nhất của con người ta là sự sống. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình, để khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người.”

Cuốn sách “Sông Đông êm đềm là bộ tiểu thuyết vĩ đại nhất của nhà văn Nga Mikhail Aleksandrovich Sholokhov được Nhà xuất bản Văn học ấn hành năm 2019. Bộ sách miêu tả một giai đoạn lịch sử từ năm 1912 đến 1922, trong phạm vi địa lý rộng lớn: mặt trận miền Tây nước Nga trong Thế chiến thứ nhất, Ukraina, Ba Lan, Romania cho đến Saint-Petersburg, Moskva, nhưng chủ yếu diễn ra ở hai bờ sông Đông và tập trung vào một làng Cossack ven sông. Bộ sách chủ yếu xoay quanh cuộc đời của nhân vật chính Gregori Melekhov, tình yêu, hôn nhân, số phận, cuộc đời… trong những biến động lớn về chính trị, kinh tế và xã hội ở Nga thời bấy giờ.

Năm 1965, Mikhail Aleksandrovich Sholokhov được trao giải Nobel cho bộ sách, và tên tuổi ông trở thành một trong những tác giả vĩ đại của nền văn học Nga. Bộ tiểu thuyết “Sông Đông êm đềm” được coi là một trong những bộ tiểu thuyết sử thi xuất sắc nhất của văn học Nga thế kỷ 20. Điều đáng chú ý là bộ sách đồ sộ này được tác giả khởi thảo khi mới bước vào độ tuổi 20. Tác phẩm có tới hơn 100 nhân vật, trải dài trên quãng thời gian 10 năm với rất nhiều sự kiện, biến động lịch sử. Bộ tiểu thuyết đã ba lần được chuyển thể thành tác phẩm điện ảnh: vào năm 1930 (phim câm), năm 1958 (phim mầu, màn ảnh rộng, đạo diễn Sergei Gerasimov) và năm 1992 (phim truyền hình bảy tập, đạo diễn Sergei Bondarchuk).

Trân trọng giới thiệu và mời quý vị, các bạn tìm đọc để hiểu hơn giá trị lịch sử to lớn của Cách mạng tháng Mười Nga với nhân loại.

Đỗ Thị Minh Ngọc

In trang Quay lại Lên trên
Các tin khác
- Giới thiệu sách chuyên đề kỷ niệm 79 năm Cách mạng tháng Tám thành công (19/8/1945-19/8/2024) và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945-02/9/2024) (20/08/2024)
- Giá trị soi đường và sức lan tỏa từ những cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng  (30/07/2024)
- Giới thiệu sách kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh, Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2024)  (30/07/2024)
- Giới thiệu sách chuyên đề Kỷ niệm 23 năm ngày Gia đình Việt Nam (28/06/2001 - 28/06/2024) (01/07/2024)
- Giới thiệu sách chuyên đề Hưởng ứng tháng hành động phòng, chống ma túy và ngày toàn dân phòng, chống ma túy năm 2024 (11/06/2024)
- Giới thiệu sách chuyên đề Kỷ niệm 77 năm Cách mạng tháng Tám thành công (19/8/1945 - 19/8/20222) và Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam (02/9/1945 - 02/9/2022) (18/08/2022)
- Giới thiệu sách kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh Liệt sỹ (27/7/1947 – 27/7/2022)(27/07/2022)
- Giới thiệu sách chuyên đề kỉ niệm 21 năm ngày Gia đình Việt Nam 28/6(27/06/2022)
- Giới thiệu sách chuyên đề hưởng ứng "Tháng hành động phòng chống ma túy" và "Ngày toàn dân phòng chống ma túy" ngày 26/62022(24/06/2022)
- Giới thiệu sách chuyên đề nhân kỷ niệm 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/05/1890-19/05/2022)(19/05/2022)
THÔNG BÁO
Thông báo kết quả vòng sơ khảo Cuộc thi "Đại sứ Văn hóa đọc năm 2024" tỉnh Hưng Yên
Kế hoạch tổ chức Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Hưng Yên năm 2024
Thông báo các hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2024
Thông báo lịch phục vụ bạn đọc năm 2024
NỘI QUY THƯ VIỆN
Nội quy thư viện
Quy định mượn - đọc sách
Hành vi vi phạm và mức phạt
DANH MỤC
Cấp thẻ thư viện
Lịch phục vụ bạn đọc
LƯỢT TRUY CẬP
Đang online: 288
Hôm nay 72
Tháng này: 292,339
Tất cả: 3,944,028

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THƯ VIỆN TỈNH HƯNG YÊN
Cơ quan chủ quản: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hưng Yên
Cơ quan quản lý trực tiếp: Thư viện tỉnh Hưng Yên
Địa chỉ: số 4, đường Bạch Đằng, phường Minh Khai, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên
Giấy phép số: 24/GP-TTĐT của Sở Thông tin và Truyền thông, ngày 26  tháng 3  năm 2018
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Đào Văn Quyến, Giám đốc Thư viện tỉnh
Hòm thư điện tử: thuvientinh@hungyen.gov.vn.  Điện thoại: 0221 3 869 388