► KẾT QUẢ TỔ CHỨC CUỘC THI "ĐẠI SỨ VĂN HÓA ĐỌC NĂM 2024" TỈNH HƯNG YÊN                  ► TỪ NGÀY 01/01/2024, THƯ VIỆN TỈNH MỞ CỬA PHỤC VỤ TỪ THỨ HAI ĐẾN CHỦ NHẬT HÀNG TUẦN                 
Giới thiệu sách chuyên đề kỷ niệm 79 năm Cách mạng tháng Tám thành công (19/8/1945-19/8/2024) và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945-02/9/2024)

Cách mạng tháng Tám năm 1945 là trang sử vẻ vang, là mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Đó cũng là thắng lợi vĩ đại đầu tiên của nhân dân ta từ khi có Đảng lãnh đạo, mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, nhân dân ta từ thân phận nô lệ trở thành người dân một nước độc lập, làm chủ vận mệnh của mình.

Ngày 02/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, đưa nước ta từ một nước thuộc địa nửa phong kiến trở thành một nước độc lập, tự do, dân chủ.

Nhân kỷ niệm 79 năm Cách mạng tháng Tám thành công (19/8/1945 - 19/8/2024) và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945 - 02/9/2024), Thư viện tỉnh Hưng Yên trân trọng giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách sau:

   

Cuốn sách “Cách mạng tháng Tám (1945)” do Nhà xuất bản Sự thật ấn hành năm 1971 nhân dịp kỷ niệm lần thứ 25 Cách mạng tháng Tám và Ngày thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Nội dung cuốn sách gồm 3 phần:

Phần 1: Công cuộc chuẩn bị cho Cách mạng tháng Tám.

Phần 2: Cao trào chống Nhật cứu nước và Cách mạng tháng Tám.

Phần 3: Tính chất, ý nghĩa và kinh nghiệm của Cách mạng tháng Tám.

            Cuốn sách góp phần phổ biến kiến thức lịch sử và giáo dục truyền thống cách mạng góp phần ôn lại những trang sử hào hùng của đất nước, khơi gợi niềm tự hào dân tộc của mỗi người dân Việt Nam.
 
 
 

Cuốn sách “Cách mạng tháng 8 – Những giờ phút lịch sử” do Giáo sư Đinh Xuân Lâm và Tiến sĩ Nguyễn Văn Khoan chủ biên, dày 299 trang, được Nhà xuất bản Thanh niên xuất bản năm 2015. Nội dung cuốn sách gồm 2 phần:

Phần 1: Hà Nội – Những cơ sở hình thành và diễn biến của cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945. Gồm những bài viết về tình hình quốc tế và trong nước trước năm 1945, tình hình Hà Nội từ sau ngày Nhật đảo chính Pháp (ngày 9 tháng 3) đến đầu tháng 8 năm 1945, do các nhân chứng lịch sử kể hoặc ghi chép lại.

Phần 2: Hồi ký và nhân chứng, được thể hiện qua những trang nhật ký của những người trực tiếp tham gia hoạt động cách mạng và những người đã sống trong thời điểm diễn ra sự kiện lịch sử này, đảm nhận vai trò lãnh đạo như: Trần Quang Huy, Nguyễn Khang, Trần Tử Bình, Hà Kế Tấn, Trần Lâm, Xuân Thủy, Lê Thu Hà…

Đây là cuốn sách có nội dung phong phú, cung cấp cho bạn đọc cái nhìn toàn diện, có hệ thống về quá trình hình thành, diễn biến và phát triển của Cách mạng tháng Tám năm 1945. Những hồi ký của các nhân chứng giúp cho bạn đọc có thể hình dung được một cách sinh động thời khắc hào hùng của cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám năm 1945 của dân tộc ta.

 
 
 

Cách mạng tháng Tám thành công là kết tinh 15 năm đấu tranh kiên cường, gian khổ của toàn Đảng, toàn dân và phong trào cách mạng từ khắp mọi miền Tổ quốc. Trong công cuộc chung đó, cuộc vận động Cách mạng tháng Tám ở Hà Nội có ý nghĩa, vị trí vô cùng quan trọng. Cuốn sách “Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Hà Nội” do PGS.TS. Nguyễn Đình Lê chủ biên, được Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành năm 2010. Nội dung cuốn sách gồm 4 chương:

Chương 1: Khái quát về phong trào cách mạng Hà Nội trước năm 1939.

Chương 2: Phong trào đấu tranh cách mạng từ cuối 1939 đến đầu năm 1945.

Chương 3: Từ cao trào kháng Nhật đến Tổng khởi nghĩa, xây dựng chính quyền nhân dân (12/3 đến 02/9/1945)

Chương 4: Nguyên nhân thắng lợi, ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm của Cách mạng tháng Tám ở Hà Nội.

            Với gần 300 trang, cuốn sách trình bày một cách có hệ thống mối quan hệ giữa phong trào đấu tranh của nhân dân Hà Nội với nhân dân cả nước; những đặc điểm kinh tế, xã hội ở Hà Nội tác động đến phong trào chung… Từ đó, làm sáng tỏ những đặc trưng cơ bản nhất của cuộc vận động Cách mạng tháng Tám diễn ra trên địa bàn Hà Nội.
 
 
 
            Cuốn sách “Bác Hồ viết Tuyên ngôn độc lập” của tác giả Kiều Mai Sơn, được Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành năm 2021. Cuốn sách đã dựng lại thời điểm lịch sử ngắn nhưng rất quan trọng trong Cách mạng tháng Tám 1945, thời điểm Bác Hồ viết bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Tác giả Kiều Mai Sơn đã dày công thu thập, tìm hiểu, phân loại và đối chiếu các nguồn tài liệu, các bản hồi ký của những người được sống và làm việc trực tiếp cùng Người, để có những dẫn chứng chi tiết, tin cậy về văn bản Tuyên ngôn độc lập do Bác Hồ khởi thảo và hoàn thiện. Tác giả đã tìm tòi, xâu chuỗi để thấy được tư duy nhất quán của Bác trong suốt quá trình đi tìm đường cứu nước - quá trình thống nhất và bền bỉ từ "Bản yêu sách của nhân dân An Nam" (1919) và "Bản án chế độ thực dân Pháp" (1925) đến khi chấp bút viết Tuyên ngôn độc lập của nước ta.
         “Bác Hồ viết Tuyên ngôn độc lập” là cuốn sách ý nghĩa, góp phần giúp người đọc hiểu sâu sắc thêm về một thời điểm lịch sử trọng đại của dân tộc Việt Nam. Đây là nguồn tham khảo giá trị dành cho thầy, cô giáo cũng như các học sinh, đáp ứng nhu cầu dạy và học trong nhà trường.
 
 
 
          Cuốn sách “Cách mạng tháng Tám – Xây dựng và củng cố chính quyền 1945 - 1946” do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật ấn hành năm 2020. Cuốn sách dày 663 trang, gồm 4 phần:

Phần 1: Cách mạng tháng Tám năm 1945 và sự ra đời Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Phần 2: Xây dựng và củng cố chính quyền sau Cách mạng tháng Tám 1945.

Phần 3: Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa I và Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Phần 4: Kháng chiến, kiến quốc, bảo vệ nền độc lập (1946).

Khác với nhiều công trình nghiên cứu trước đây về Cách mạng tháng Tám dưới góc độ phân tích diễn biến các sự kiện lịch sử, cuốn sách tập hợp các văn kiện của Đảng và Nhà nước bao gồm các bản chỉ thị, nghị quyết, lời kêu gọi… cùng hàng loạt sắc lệnh và biên bản họp Hội đồng Chính phủ, phân chia thành các cụm chủ đề theo tiến trình thời gian nhằm đưa lại cái nhìn vừa toàn cảnh vừa cụ thể về nội tình công tác chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng và Chính phủ trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, để từng bước tháo gỡ, khắc phục khó khăn, kịp thời đối phó với thù trong, giặc ngoài, giữ vững ổn định chính trị, xã hội, củng cố và xây dựng chính quyền dân chủ nhân dân non trẻ.

Ngoài những cuốn sách trên, Thư viện tỉnh Hưng Yên còn nhiều cuốn sách viết về lịch sử đấu tranh giữ nước và dựng nước của dân tộc Việt Nam. Kính mời quý vị tìm đọc./

   
                                                                                                                              Vũ Thị Hậu
 
In trang Quay lại Lên trên
Các tin khác
- Giá trị soi đường và sức lan tỏa từ những cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (30/07/2024)
- Giới thiệu sách kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh, Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2024) (30/07/2024)
- Giới thiệu sách chuyên đề Kỷ niệm 23 năm ngày Gia đình Việt Nam (28/06/2001 - 28/06/2024)(01/07/2024)
- Giới thiệu sách chuyên đề Hưởng ứng tháng hành động phòng, chống ma túy và ngày toàn dân phòng, chống ma túy năm 2024(11/06/2024)
- Giới thiệu sách chuyên đề Kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024)(17/05/2024)
THÔNG BÁO
Thông báo kết quả vòng sơ khảo Cuộc thi "Đại sứ Văn hóa đọc năm 2024" tỉnh Hưng Yên
Kế hoạch tổ chức Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Hưng Yên năm 2024
Thông báo các hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2024
Thông báo lịch phục vụ bạn đọc năm 2024
NỘI QUY THƯ VIỆN
Nội quy thư viện
Quy định mượn - đọc sách
Hành vi vi phạm và mức phạt
DANH MỤC
Cấp thẻ thư viện
Lịch phục vụ bạn đọc
LƯỢT TRUY CẬP
Đang online: 114
Hôm nay 814
Tháng này: 285,262
Tất cả: 3,936,951

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THƯ VIỆN TỈNH HƯNG YÊN
Cơ quan chủ quản: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hưng Yên
Cơ quan quản lý trực tiếp: Thư viện tỉnh Hưng Yên
Địa chỉ: số 4, đường Bạch Đằng, phường Minh Khai, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên
Giấy phép số: 24/GP-TTĐT của Sở Thông tin và Truyền thông, ngày 26  tháng 3  năm 2018
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Đào Văn Quyến, Giám đốc Thư viện tỉnh
Hòm thư điện tử: thuvientinh@hungyen.gov.vn.  Điện thoại: 0221 3 869 388