Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Thư viện
Tiếp tục Chương trình làm việc Phiên họp thứ 36, chiều ngày 14/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Thư viện. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành nội dung làm việc.
Tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận, đóng góp ý kiến về dự án Luật Thư viện. Sau kỳ họp, theo sự chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đã chủ trì, phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan tổ chức nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật. Trong đó, Ủy ban đã tổ chức làm việc với Ban soạn thảo về các nội dung tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật. Tổ chức tọa đàm, hội nghị tham vấn chuyên gia tại Hà Nội, Đà Nẵng, Tp. Hồ Chí Minh với sự tham gia của cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia, nhà khoa học và người làm công tác thư viện tại nhiều thư viện trong cả nước. Đồng thời, cũng đã tổ chức làm việc với một số Bộ, ngành liên quan về nội dung dự thảo Luật; tổ chức họp Thường trực Ủy ban mở rộng cho ý kiến về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Thư viện.
Qua các hội nghị, hội thảo và các cuộc làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho biết, đa số ý kiến đều đánh giá cao việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật của cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo. Theo đó, sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật Thư viện đã được điều chỉnh cấu trúc, sắp xếp lại chương, mục, điều khoản mạch lạc, rõ ràng và đảm bảo tính khả thi; bổ sung các quy định phù hợp với xu hướng phát triển hiện đại của thư viện.
Tiếp thu ý kiến đại biểu, bố cục dự thảo Luật đã bỏ 01 chương về xếp hạng và đánh giá hoạt động thư viện, ghép nội dung Chương này thành 2 điều và đưa vào Chương III; bỏ 01 điều về phân loại thư viện, ghép một số điều trong Chương V; thiết kế lại Chương II để làm rõ mạng lưới thư viện hiện nay; bổ sung 06 điều mới về: xã hội hóa hoạt động thư viện, ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam (Chương I), phát triển tài nguyên thông tin, hiện đại hóa thư viện, phát triển văn hóa đọc, tài chính cho hoạt động thư viện (Chương III). Sau khi chỉnh lý, dự thảo Luật gồm 6 Chương, 51 Điều.
Về mạng lưới thư viện, dự thảo Luật đã bỏ quy định về phân loại thư viện, thiết kế Mục I Chương II quy định về mạng lưới thư viện, trong đó, thiết kế một điều mới (Điều 8) quy định về các loại thư viện, các điều còn lại (từ Điều 9 đến Điều 15) quy định về các thư viện cụ thể và chức năng, nhiệm vụ tương ứng.
Liên quan đến chính sách của Nhà nước về phát triển thư viện, dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng quy định chính sách của Nhà nước ở 3 cấp độ như sau:
Thứ nhất, Nhà nước đầu tư cho thư viện công lập như sau: Ưu tiên đầu tư phát triển thư viện công cộng. Đây là một trong những loại hình thư viện quan trọng trong hệ thống thư viện của cả nước, là nơi đảm bảo quyền tiếp cận, sử dụng thư viện của mọi người dân; đầu tư trọng điểm cho một số thư viện: căn cứ tình hình kinh tế - xã hội, nhu cầu sử dụng thư viện, Nhà nước đầu tư tập trung cho một số thư viện có vị trí, vai trò quan trọng, là trung tâm, đầu mối trong việc liên thông, chia sẻ, trao đổi, cung cấp tài nguyên thông tin, nâng cao hiệu quả hoạt động và phát triển sự nghiệp thư viện cả nước, địa phương, ngành, lĩnh vực. Luật giao Chính phủ quy định cụ thể về thư viện được đầu tư trọng điểm. Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều thi hành Luật Thư viện đã cụ thể hóa nội dung này; một số hoạt động khác của thư viện cần được đầu tư, trong đó nhấn mạnh đến hiện đại hóa thư viện, xây dựng thư viện số, liên thông giữa các thư viện trong nước và hợp tác quốc tế để đảm bảo cho người dân tiếp cận thông tin ở mọi dạng thức trong xu thế phát triển khoa học công nghệ và thư viện số.
Thứ hai, Nhà nước hỗ trợ một số hoạt động để đảm bảo phát triển văn hóa đọc như duy trì và phát triển thư viện cộng đồng, thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng không vì mục tiêu lợi nhuận; hỗ trợ cước vận chuyển tài liệu thư viện phục vụ nhiệm vụ chính trị, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn.
Thứ ba, Nhà nước khuyến khích xã hội hóa hoạt động thư viện: tiếp thu ý kiến của đại biểu, dự thảo Luật thiết kế một điều riêng về nội dung này, quy định nguyên tắc về chính sách đối với tổ chức, cá nhân tham gia, đóng góp vào hoạt động thư viện.
Về ý kiến đề nghị quy định cụ thể chính sách ưu tiên phát triển tài nguyên thông tin số, hoạt động liên thông thư viện, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho biết, đây là nội dung mới, có tính đột phá cần được quy định trong dự thảo Luật. Nội dung này đã được tiếp thu và bổ sung tại điểm c Khoản 1 Điều 4; điểm b, c, d, đ và e khoản 1 Điều 23 và khoản 3 Điều 27.
Đối với nội dung về hoạt động thư viện, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng quy định nguyên tắc hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ thư viện phải bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn chung; bổ sung các quy định nhằm bảo đảm hoạt động thư viện theo hướng hiện đại, đẩy mạnh liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các thư viện; bổ sung 02 điều về phát triển tài nguyên thông tin (Điều 23) và hiện đại hóa thư viện (Điều 30).
Qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, dự thảo Luật Thư viện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần này đã cơ bản logic, hợp lý. Bố cục của dự thảo Luật đã bổ sung, chỉnh sửa một số chương, điều khoản cho phù hợp.
Quan tâm đến quy định về trách nhiệm của Nhà nước đối với Thư viện Quốc gia Việt Nam và thư viện cấp tỉnh, các đại biểu cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, Nhà nước cần tập trung đầu tư cho Thư viện Quốc gia Việt Nam và thư viện cấp tỉnh. Đối với thư viện cấp huyện, xã, chính quyền địa phương sẽ quyết định mô hình tổ chức và hoạt động, đảm bảo điều kiện hoạt động phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội, nhu cầu người sử dụng thư viện ở địa phương, quán triệt theo tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Nghị quyết 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập hiện nay.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng nhấn mạnh, Thư viện Quốc gia Việt Nam và thư viện cấp tỉnh là hệ thống thư viện hoạt động hiệu quả, có vị trí, vai trò rất rõ, như là kho lưu trữ của quốc gia. Do vậy, nhà nước cần có tập trung có chính sách đầu tư cho hệ thống thư viện này. Riêng với thư viện cấp huyện, xã thì nên phân cấp, giao quyền cho địa phương tự quyết định, chứ nhà nước không nên đàu tư dàn trải.
Đối với nội dung về xếp hạng thư viện, đa số ý kiến đại biểu đề nghị bỏ quy định này. Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, nếu quy định về xếp hạng thư viện chẳng tác động, ảnh hưởng gì đến hoạt động của thư viện thì thực chất không cần đưa vào dự thảo Luật.
Về "Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam", các ý kiến đại biểu cơ bản đồng tình với việc bổ sung quy định về ngày sách Việt Nam vào dự thảo Luật Thư viện nhằm tôn vinh giá trị của sách, tác giả và khuyến khích phong trào đọc.
Phát biểu kết thúc nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí chủ trương không xếp hạng thư viện; đề nghị Ban soạn thảo rà soát các quy định về chính sách đầu tư để tránh dàn trải và thống nhất với quy định Nhà nước có trách nhiệm tập trung đầu tư cho Thư viện Quốc gia Việt Nam và thư viện cấp tỉnh; đồng thời thống nhất bổ sung quy định về "Ngày sách và văn hoá đọc Việt Nam" vào dự thảo Luật Thư viện, và lấy Ngày 21/4 hàng năm là Ngày sách và văn hoá đọc Việt Nam. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo và Ủy ban thẩm tra tiếp tục phối hợp, rà soát các nội dung quy định của dự thảo Luật để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam./.