► THƯ VIỆN TỈNH HƯNG YÊN MỞ PHỤC VỤ BẠN ĐỌC TỪ THỨ 2 ĐẾN CHỦ NHẬT HÀNG TUẦN

Tuyên truyền kỷ niệm 95 năm thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên của tỉnh (1929 - 2024) và 80 năm Thành lập An toàn khu Bãi Sậy (1944 - 2024)

Đăng ngày 22/11/2024
Lượt xem: 65
100%

Phần thứ nhất

CHI BỘ ĐÔNG DƯƠNG CỘNG SẢN ĐẢNG SÀI THỊ - CHI BỘ CỘNG SẢN ĐẦU TIÊN CỦA TỈNH

         1. Tình hình xã hội Hưng Yên trước khi có Đảng

         Ngày 28/11/1873, tàu chiến của giặc Pháp từ thành Hà Nội theo dòng sông Hồng đánh chiếm thành Hưng Yên. Tuần phủ Tôn Thất Đảm không dám chống cự, bỏ thành cho giặc chiếm. Ngày 28/3/1883, thành Hưng Yên bị hạ.

         Bình định xong các tỉnh đồng bằng Bắc kỳ, thực dân Pháp buộc triều đình Huế “công nhận xứ Bắc Kỳ và Trung Kỳ là xứ bảo hộ thuộc Pháp” và bắt tay vào công cuộc khai thác thuộc địa của mình. Ở Hưng Yên, chúng chia làm hai phủ: Khoái Châu (gồm 5 huyện: Khoái Châu, Phù Cừ, Kim Động, Tiên Lữ, Ân Thi) và Mỹ Hào (gồm 3 huyện: Mỹ Hào, Yên Mỹ, Văn Lâm). Đứng đầu mỗi phủ có một tri phủ, dưới phủ là huyện mà tri huyện là người trực tiếp quản lý. Dưới là một hệ thống các bộ phận giúp việc cho tri phủ và tri huyện như: lục sự, thông phán, huấn đạo…

         Về kinh tế, thực dân Pháp đã cưỡng đoạt ruộng đất của nông dân lập đồn điền và phát canh thu tô. Ngoài việc bị mất đất, nhân dân Hưng Yên nói riêng và nhân dân cả nước nói chung còn phải chịu nhiều thứ thuế với mức nộp cao như: thuế đinh, thuế thổ cư, thuế điền, thuế gia tộc…

         Thực dân Pháp còn thực hiện chính sách ngu dân để dễ bề cai trị. Họ mở trường học chủ yếu để phục vụ tầng lớp giàu có và tay sai. Cả tỉnh Hưng Yên ta thời kỳ đó chỉ có 1 trường trung học ở thị xã, mỗi huyện chỉ có một trường tiểu học Việt Pháp. Vì thế, 90­% dân số Hưng Yên mù chữ.

         Ngoài ra, thực dân Pháp và vua quan nhà Nguyễn còn đầu độc dân ta bằng rượu cồn và thuộc phiện, cờ bạc.

         Dưới chế độ khai thác thuộc địa của thực dân Pháp, cũng như nhân dân trong nước, người dân Hưng Yên phải chịu nhiều cảnh bị áp bức, bóc lột hà khắc do chính quyền thực dân, phong kiến áp đặt. Không chịu cúi đầu làm thân phận nô lệ, với truyền thống yêu nước, nhân dân Hưng Yên đã tiến hành nhiều cuộc nổi dậy chống thực dân Pháp và triều đình bán nước, như: nhân dân các huyện Văn Lâm, Khoái Châu, Yên Mỹ đã cùng các thủ lĩnh Đinh Gia Quế, Nguyễn Thiện Thuật lập căn cứ Bãi Sậy, tổ chức nhiều trận đánh khiến thực dân Pháp hoảng sợ, phải tìm nhiều thủ đoạn hòng dập tắt phong trào của khởi nghĩa Bãi Sậy… Cùng với đó, nhân dân Hưng Yên nhiệt tình hưởng ứng, tham gia các phong trào yêu nước, tiến bộ (Duy Tân, Đông Du, Đông Kinh Nghĩa Thục) do tầng lớp sĩ phu yêu nước lãnh đạo (như để tang cụ Phan Chu Trinh, đòi ân xá cụ Phan Bội Châu…). 

         Tuy nhiên, các phong trào cứu nước của nhân dân cả nước nói chung và người dân Hưng Yên nói riêng tham gia đều không thành công bởi thiếu một đường lối đúng đắn. Yêu cầu khách quan, cấp thiết của lịch sử khi đó là phải làm sao để khắc phục tình trạng khủng hoảng về đường lối cứu nước.

       2. Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ra đời

       Năm 1928, đồng chí Nguyễn Tiến Trạc, cán bộ Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên về quê ngoại thôn Đại Quan (xã Thuần Hưng, huyện Khoái Châu) gây dựng cơ sở ở Sài Thị (chợ Giàn) và Đại Quan.

       Khi đồng chí Nguyễn Tiến Trạc được điều động đi nơi khác để tiếp tục xây dựng cơ sở, phát triển hội viên, cấp trên cử đồng chí Cả Lâm (Tùng Sơn) về thay làm nhiệm vụ tuyên truyền, giác ngộ một số thanh niên ở đây. Không chỉ dừng lại địa bàn tại đây, các đồng chí còn phát triển hội viên ở Giai Thôn, ấp Nhân Lý (huyện Ân Thi) và ở tỉnh lỵ Hưng Yên.

       Cuối năm 1928, Kỳ bộ Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên Bắc Kỳ cử cán bộ về Sài Thị kiểm tra, nhận thấy có đủ điều kiện để thành lập chi bộ nên đã quyết định thành lập Chi bộ Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên Sài Thị (gồm 7 đồng chí)[1].

Cây đa Sài Thị xưa - nơi thành lập Chi bộ Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên (xã Thuần Hưng, huyện Khoái Châu)

(Ảnh: Sách “Lịch sử tỉnh Hưng Yên. Tập 1, Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022”)

         Sau khi thành lập, Chi bộ Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên Sài Thị đã có những hoạt động tích cực như: in ấn tài liệu, rải truyền đơn tuyên truyền, tổ chức treo cờ Đảng ở nhiều nơi như: Sài Thị (huyện Khoái Châu), chợ Trương Xá (huyện Kim Động), chợ Đìa (huyện Ân Thi)… Ngoài ra, Chi bộ Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên Sài Thị còn tổ chức cho đảng viên học tập cuốn “Đường Kách mệnh” của đồng chí Nguyễn Ái Quốc gửi từ nước ngoài về và truyền bá các sách “Tiếng súng đêm đông”, “Chính sách giặc Pháp”, “Tán Thuật”… Sự tuyên truyền mạnh mẽ, thường xuyên của Chi bộ đã gieo vào lòng người dân Hưng Yên niềm tin chủ nghĩa cộng sản sẽ giành cơm áo, độc lập, tự do cho dân tộc mình.

            Cuối tháng 12/1929, Chi bộ Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên Sài Thị chuyển thành Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Sài Thị, còn gọi tắt là Chi bộ Sài Thị. Đây là Chi bộ Cộng sản đầu tiên của tỉnh Hưng Yên, gồm 7 đồng chí: Đào Văn Đoán, Trịnh Đình Ấn, Nguyễn Ngọc Cửu ở Sài Thị; Trần Đình Vọng, Vũ Văn Hồ ở Thuần Lễ; Nguyễn Khắc Châu, Nguyễn Khắc Cần ở Đại Quan. Đồng chí Đào Văn Đoán làm Bí thư. 

            Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Sài Thị - Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở Hưng Yên ra đời có ý nghĩa to lớn, đánh dấu bước phát triển của phong trào cách mạng tỉnh Hưng Yên. Từ đây, phong trào cách mạng của Hưng Yên đã chính thức có tổ chức Đảng lãnh đạo, chỉ đạo. Đây cũng là tiền đề quan trọng để tiến tới sự ra đời của Đảng bộ tỉnh Hưng Yên (1941) lãnh đạo phong trào cách mạng đi đến thắng lợi, giành chính quyền thành công trong Cách mạng tháng Tám năm 1945 và những thắng lợi to lớn sau này.

 

Phần thứ hai

AN TOÀN KHU BÃI SẬY

            1. Bối cảnh ra đời An toàn khu Bãi Sậy

         Cuộc khủng bố lớn kéo dài từ cuối năm 1941 đến giữa năm 1942 đã gây cho Đảng bộ tỉnh cũng như phong trào cách mạng ở Hưng Yên những tổn thất nặng nề và gặp nhiều khó khăn. Đến cuối năm 1942, đầu năm 1943, tình hình trong nước đã có những thuận lợi cho phong trào cách mạng… Lúc này, đồng chí Hoàng Quốc Việt được cấp trên cử về kiểm tra tình hình và trực tiếp chỉ đạo, cùng cán bộ địa phương gây dựng lại phong trào trong tỉnh. Địa bàn của tỉnh Hưng Yên được Xứ ủy Bắc Kỳ chọn là nơi xây dựng thành cơ sở của Xứ ủy để chỉ đạo phong trào chung.

         Cuối năm 1943, đầu năm 1944, do yêu cầu cấp bách của phong trào cách mạng đang phát triển, một số cán bộ lãnh đạo của tỉnh bị lộ, phải điều chuyển đi nơi khác hoạt động như: đồng chí Tâm (Nguyễn Quyết), đồng chí Lãng (Ba Châu). Ban Cán sự Đảng tỉnh được kiện toàn gồm các đồng chí: Lương Hiền, Đăng, Huynh (Bách), Nghị (Thận) do đồng chí Lương Hiền phụ trách. Đầu năm 1944, Xứ ủy Bắc Kỳ chỉ định đồng chí Bang (Lê Liêm) trực tiếp chỉ đạo, giúp đỡ phong trào cách mạng ở tỉnh Hưng Yên.

            Thực hiện Nghị quyết của Xứ ủy Bắc Kỳ (tháng 11/1943), Ban Cán sự Đảng tỉnh đã phân tích tình hình, đánh giá phong trào cách mạng trong tỉnh bước đầu đã có sự phát triển nhưng chưa đều, phía nam tỉnh có phong trào mạnh hơn… Ban Cán sự Đảng tỉnh có chủ trương lập khu an toàn, mở rộng hơn nữa các tổ chức cứu quốc, xây dựng lực lượng vũ trang, tổ chức các đội tự vệ, sắm vũ khí, huấn luyện quân sự, chú trọng công tác binh vận, chuẩn bị gấp rút mọi lực lượng cho tổng khởi nghĩa.

            Năm 1944, Xứ ủy Bắc Kỳ cử đồng chí Lê Liêm (tức Bang) về thành lập và phụ trách An  toàn khu Bãi Sậy. An toàn khu Bãi Sậy bao gồm vùng giáp giới của 3 huyện Văn Lâm, Yên Mỹ, Mỹ Hào, lấy Bần Yên Nhân làm trung tâm.

Với vị trí địa lý nằm ở phía bắc tỉnh, dễ dàng cho việc tiếp nhận chỉ đạo của Xứ uỷ từ Hà Nội và Bắc Ninh, An toàn khu Bãi Sậy là cơ sở liên lạc với khu nam Hưng Yên và các tỉnh Thái Bình, Bắc Ninh. Nguyên tắc của An toàn khu là chú trọng gây dựng, phát triển cơ sở là chính, không đấu tranh công khai.

         2. Vai trò của An toàn khu Bãi Sậy đối với việc khôi phục phong trào cách mạng tiến tới Tổng khởi nghĩa giành chính quyền

         Ngay sau khi ra đời, An toàn khu Bãi Sậy đã thành lập một chi bộ ghép gồm 3 đảng viên, do đồng chí Huỳnh (Lê Trần Trừ) làm Bí thư.

         Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Xứ ủy Bắc Kỳ các cơ sở cách mạng đã được chắp nối lại ở Hoàng Nha, Thanh Đặng, Thái Lạc, Nhạc Miếu (huyện Văn Lâm), Bần Yên Nhân, Phạm Xá (huyện Yên Mỹ) và bắt liên lạc với Bình Tân, Văn Nhuế, Yên Tập (huyện Mỹ Hào, nay là thị xã Mỹ Hào), mở rộng cơ sở ở Liêu Xá (huyện Yên Mỹ) vốn đã có từ trước.

        Trước sự phát triển của phong trào ở An toàn khu Bãi Sậy, Xứ ủy Bắc Kỳ và Ban Cán sự Đảng tỉnh chủ trương tăng cường đào tạo, huấn luyện cán bộ địa phương, tiến tới thành lập chi bộ Đảng trực tiếp chỉ đạo phong trào.

          Khoảng giữa năm 1944, một Chi bộ ghép nữa được thành lập trên cơ sở tổ “Kỷ, Luật, Sắt”[2], gồm 3 đảng viên: Luật, Học và Trừ, do đồng chí Lê Trần Trừ (tức Huỳnh) trong Ban Cán sự Đảng tỉnh trực tiếp làm Bí thư.

            Thời gian này, các cơ sở được xây dựng tương đối đều khắp, ở cả nông thôn, thị tứ và tỉnh lỵ. Các cuộc đấu tranh đã khá hơn trước cả về quy mô lẫn hình thức.  Điển hình và mạnh mẽ nhất là cuộc đấu tranh không nộp thóc tạ, chống thuế của nhân dân làng Yên Tập, xã Nhân Hòa, huyện Mỹ Hào giữa năm 1944…

            Bên cạnh đó, Ủy ban vận động Việt Minh khu Bãi Sậy còn tổ chức nhiều cuộc mít tinh ban đêm, lớn nhất là cuộc mít tinh bí mật đêm ngày 07/11/1944 tại cánh đồng xã Minh Hải (huyện Văn Lâm) nhân dịp kỷ niệm Cách mạng tháng Mười Nga. Cuộc mít tinh đã thu hút hàng trăm quần chúng cách mạng từ các cơ sở ở các huyện Yên Mỹ (Yên Phú, Giai Phạm), huyện Văn Lâm (Lạc Hồng, Thanh Đặng), huyện Mỹ Hào (Yên Tập)… tham gia. Thông qua cuộc mít tinh, quần chúng đã thấy được ý nghĩa to lớn của Cách mạng tháng Mười Nga, tình hình nhiệm vụ cách mạng, qua đó củng cố lòng tin vào sự lãnh đạo của Mặt trận Việt Minh.

            An toàn khu Bãi Sậy chú trọng việc xây dựng lực lượng tự vệ. Một bước tiến quan trọng của An toàn khu Bãi Sậy đã thành lập đội tự vệ, đồng chí Nguyễn Phương Thảo (sau này là Trung tướng Nguyễn Bình) tham gia cán bộ chỉ huy. Tuy nhiên, An toàn khu Bãi Sậy vẫn chú trọng xây dựng cơ sở là chính, không đấu tranh công khai.

          Đến tháng 3/1945, phần lớn các thôn trong An toàn khu Bãi Sậy đã có tiểu tổ Việt Minh gồm hàng chục hội viên cứu quốc. Toàn An toàn khu bước vào cao trào cách mạng, tiến lên khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám.

             Ngày 12/3/1945, Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Căn cứ Chỉ thị của Trung ương Đảng, cao trào kháng Nhật, cứu nước được tiến hành khẩn trương trong cả nước. Tại Hưng Yên đã phát động cao trào kháng Nhật, cứu nước sôi nổi, mạnh mẽ ở các địa phương trong tỉnh.

            Hoạt động mở đầu thắng lợi, đánh dấu thời kỳ hoạt động mới của An toàn khu Bãi Sậy là trận đánh đồn Bần. Đêm ngày 12/3/1945, tại quán Chuột, đồng chí Nguyễn Khang và đồng chí Bang đọc Chỉ thị của Tổng bộ Việt Minh, phổ biến kế hoạch đánh đồn. Dưới sự chỉ huy của Nguyễn Bình, đội quân Việt Minh đóng giả Nhật và lính Đại Việt ngang nhiên tiến vào đồn khiến binh lính trong đồn đều bỏ chạy. Ta thu được 26 khẩu súng các loại cùng một hòm đạn 6.000 viên. Trận đánh kết thúc nhanh chóng, ta rút khỏi đồn an toàn, lực lượng vừa rút khỏi cũng là lúc bọn Nhật ập đến, quân lính trong đồn mới biết bị Việt Minh đánh lừa.

            Thắng lợi quân sự đầu tiên này có ảnh hưởng rất lớn trên nhiều mặt, làm cho quần chúng nhân dân tin tưởng vào lực lượng Việt Minh, tin vào cách mạng, hăng hái tham gia chống Nhật, cứu nước.

            Từ thực tế nhiều cuộc đấu tranh của nhân dân các thôn trong An toàn khu Bãi Sậy, nhất là sau đánh thắng trận đồn Bần lần thứ nhất đã đặt ra cho An toàn khu phải tập trung đẩy mạnh xây dựng lực lượng tự vệ, phải vũ trang quần chúng để duy trì và phát triển phong trào, chuẩn bị thời cơ và giành thắng lợi khi có điều kiện.

            Ngày 29/3/1945, An toàn khu Bãi Sậy quyết định phá kho thóc của Nhật ở nhiều nơi, tiêu biểu ở Văn Nhuế (nay thuộc phường Bần Yên Nhân, thị xã Mỹ Hào). Trước sức mạnh của hàng trăm người, bọn chúng không giữ được kho thóc nhưng lừa bắt 3 người nghi là cầm đầu cuộc phá kho. Nhân dân đã vừa đấu tranh, vừa thuyết phục binh lính đồng tình, đòi lại được người bị bắt và binh lính phải rút. Sự kiện ở Văn Nhuế đã cổ vũ mạnh mẽ phong trào nổi dậy của các địa phương phía bắc Hưng Yên.

            Tháng 5/1945, tại Hội nghị ở Thượng Bùi (xã Trung Hòa, huyện Yên Mỹ), tỉnh đã kịp thời thống nhất lực lượng của An toàn khu Bãi Sậy với phong trào toàn tỉnh. Ủy ban Việt Minh tỉnh được thành lập lấy tên là Ủy ban Việt Minh tỉnh Tán Thuật, đồng chí Lương Hiền là Chủ tịch. Việc thống nhất lực lượng trên có ý nghĩa quan trọng nhằm tăng cường chỉ đạo, thúc đẩy phong trào ở các địa phương trong tỉnh; đánh dấu bước phát triển về chất của cao trào kháng Nhật cứu nước ở Hưng Yên, tiến tới Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám.

            Ngày 18/8/1945, tỉnh Hưng Yên nhận được Lệnh tổng khởi nghĩa. Ban Cán sự Đảng tỉnh cấp tốc mở Hội nghị tại Thổ Cốc (xã Tân Lập, huyện Yên Mỹ) đề ra chủ trương khởi nghĩa giành chính quyền trong tỉnh. Từ ngày 16 - 22/8/1945, toàn An toàn khu Bãi Sậy sục sôi khí thế khởi nghĩa giành chính quyền.

Ngày 22/8/1945, theo sự chỉ đạo của Ủy ban khởi nghĩa tỉnh và An toàn khu Bãi Sậy, từng huyện huy động lực lượng tiến xuống thị xã Hưng Yên cùng các huyện phía nam giành chính quyền ở tỉnh. Hoàn thành việc khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh lỵ. Ngay đêm ngày 22/8/1945, Ủy ban Nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Hưng Yên được thành lập, đồng chí Học Phi giữ chức Chủ tịch.

            Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, An toàn khu Bãi Sậy cử các đội công tác xuống giúp các huyện, các xã tiếp tục thu hồi bằng, triện, sổ sách của chính quyền cũ; thành lập Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời, xây dựng các đoàn thể cứu quốc trong Mặt trận Việt Minh và củng cố lực lượng vũ trang, xây dựng cuộc sống mới.

          Được thành lập và tồn tại trong khoảng thời gian ngắn, song An toàn khu Bãi Sậy đã thể hiện rõ vai trò không chỉ là chỗ dựa vững chắc, là an toàn khu của cán bộ, cơ quan Xứ ủy, có đóng góp cho Xứ ủy để lãnh đạo phong trào cách mạng các tỉnh Bắc Ninh, Thái Bình và Hải Phòng. Sự thành lập và các hoạt động đấu tranh tiêu biểu của An toàn khu Bãi Sậy đồng thời góp phần nuôi dưỡng, bảo vệ phong trào cách mạng của địa phương trong khu và của tỉnh, chuẩn bị mọi điều kiện tiến tới Tổng khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi trong Cách mạng tháng Tám năm 1945.

          Tài liệu tham khảo:

  1. Lịch sử Đảng bộ tỉnh Hưng Yên. Tập 1 (1929 – 1954). - H.: Chính trị Quốc gia, 1998.  - 345tr.; 21cm 
  2. Lịch sử tỉnh Hưng Yên. Tập 1 : Từ khởi thủy đến năm 1945. - H. : Chính trị Quốc gia, 2020. - 540tr.; 27cm
  3. Đề cương tuyên truyền kỉ niệm 95 năm thành lập Chi bộ cộng sản đầu tiên của tỉnh (1929 – 2024) và 80 năm thành lập An toàn khu Bãi Sậy (1944-2024) của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hưng Yên.

Vũ Thị Hậu sưu tầm và biên soạn

 

 

[1] Gồm các đồng chí: Nguyễn Ngọc Cửu, Nguyễn Khắc Châu, Nguyễn Khắc Cần, Vũ Văn Hồ, Trịnh Đình Ấn, Đào Văn Đoán, Trần Đình Vọng.

[2] Tổ “Kỷ, Luật, Sắt” là tên các đồng chí Học, Luật, Hoàng Thế Dũng.

Tin liên quan

Hội thảo: Xây dựng, củng cố, phát triển hệ thống thư viện, tủ sách góp phần xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh Hưng Yên(26/12/2024})

Tổ chức Tuần Văn hóa, Thể thao, Du lịch Hưng Yên năm 2024(26/12/2024})

Hưng Yên đạt 4 giải tại Cuộc thi “Đại sứ Văn hóa đọc” toàn quốc(26/12/2024})

Tuyên truyền Kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Lý Tự Trọng - Người đoàn viên thanh niên Cộng sản đầu tiên (20/10/1914 - 20/10/2024)(26/12/2024})

Hưởng ứng Tuần lễ học tập suốt đời năm 2024(26/12/2024})

Trưng bày, giới thiệu sách báo tại Hội nghị Văn hóa tỉnh Hưng Yên năm 2024(26/12/2024})

Tổng kết và trao giải vòng sơ khảo Cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2024 tại tỉnh Hưng Yên(26/12/2024})

Liên hoan Giai điệu tuổi hồng và Thiếu nhi kể chuyện tỉnh Hưng Yên hè năm 2024(26/12/2024})

Tổ chức Chương trình "Hè vui đọc sách" năm 2024(26/12/2024})

Trường THCS Quang Hưng tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc năm 2024(26/12/2024})

Tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2024(26/12/2024})

Đồng chí Nguyễn Lương Bằng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc(26/12/2024})

Hội nghị nói chuyện chuyên đề "Văn hóa đọc cho thanh thiếu niên, học sinh trong thời đại công nghệ số"(26/12/2024})

Khai mạc Hội báo Xuân Giáp Thìn tỉnh Hưng Yên năm 2024(26/12/2024})

Trưng bày sách báo, tài liệu mừng Đảng, mừng Xuân Giáp Thìn 2024(26/12/2024})

Hội nghị Tập huấn, chuyển giao phần mềm VietBiblio tại huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên(26/12/2024})

Tổ chức chương trình “Em vui đọc sách”(26/12/2024})

Khai mạc Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2023(26/12/2024})

Tổ chức Hội nghị tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ thư viện(26/12/2024})

Trưng bày, giới thiệu sách báo chuyên đề kỷ niệm 78 năm Cách mạng Tháng Tám; Quốc khánh nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và truyền thống ngành Văn hóa(26/12/2024})

Tin mới

Thư mục toàn văn chuyên đề "Một số tướng lĩnh tiêu biểu người Hưng Yên"(26/12/2024)

Thư mục bài trích báo, tạp chí tuần 02 tháng 12 năm 2024(23/12/2024)

Thư mục bài trích báo, tạp chí tuần 3 tháng 12 năm 2024(23/12/2024)

Giới thiệu sách chuyên đề kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024)(20/12/2024)

Giới thiệu sách chuyên đề kỷ niệm 110 năm ngày sinh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (01/01/1914 - 01/01/2024)(16/12/2024)

Giới thiệu sách kỷ niệm 300 năm ngày sinh Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác(11/12/2024)

Hội thảo: Xây dựng, củng cố, phát triển hệ thống thư viện, tủ sách góp phần xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh Hưng Yên(10/12/2024)

Thư mục bài trích báo, tạp chí tuần 01 tháng 12 năm 2024(09/12/2024)

Thư mục bài trích báo, tạp chí tuần 5 tháng 11 năm 2024(02/12/2024)

Thư mục bài trích báo, tạp chí tuần 4 tháng 11 năm 2024(25/11/2024)

17 °C
Đánh giá của bạn về Trang thông tin điện tử Thư viện tỉnh Hưng Yên
5 người đã bình chọn
người đang online