Trao sản phẩm số hóa tài liệu Hán - Nôm năm 2018 tại hai huyện Văn Lâm, Văn Giang
Trong các ngày 24 và 27/9/2019, Thư viện tỉnh chủ trì, phối hợp với Bảo tàng tỉnh tổ chức Hội nghị trao sản phẩm số hóa tài liệu Hán Nôm năm 2018 tại huyện Văn Lâm và Văn Giang. Dự Hội nghị có ông Phạm Văn Hiệu - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; ông Nguyễn Văn Thủy - Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Lâm; ông Đào Văn Quyến - Giám đốc Thư viện tỉnh; ông Vũ Nguyên Lý - Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh; lãnh đạo Phòng Văn hóa và Thông tin, Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Du lịch các huyện Văn Lâm, Văn Giang; đại diện lãnh đạo UBND, công chức văn hóa các xã; đại diện Ban Quản lý các di tích, dòng họ, gia đình tham gia chương trình số hóa tài liệu năm 2018 trên địa bàn huyện Văn Lâm, Văn Giang.
Tại Hội nghị ông Đào Văn Quyến - Giám đốc Thư viện tỉnh đã báo cáo khái quát kết quả thực hiện Kế hoạch 127/KH-SVHTTDL ngày 07/3/2018 của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch về khảo sát, thống kê, số hóa tài liệu Hán Nôm trên địa bàn huyện Văn Lâm và Văn Giang. Theo báo cáo đã số hóa được gần 5.000 trang tài liệu Hán Nôm tại 74 điểm di tích, gia đình, dòng họ trên địa bàn 20/22 xã, thị trấn bao gồm nhiều loại hình tài liệu như: sắc phong, bằng cấp, lệnh chỉ, điền bạ, thần tích, thần phả, gia phả, sách thuốc, văn tế… Trong số những loại hình tài liệu trên, hệ thống sắc phong là tài liệu phổ biến nhất, hiện được lưu giữ tại các đình, đền, chùa và các dòng họ lớn. Đây là một trong những di sản văn hóa quý hiếm đang cần được bảo tồn gấp. Cùng với việc khảo sát, thống kê và số hóa tài liệu, trong chương trình này được sự hỗ trợ của cán bộ chuyên môn Thư viện Khoa học tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh về công tác bảo quản tài liệu, đặc biệt là hướng dẫn cách bồi, vá sắc phong nên Thư viện tỉnh Hưng Yên đã thực hiện rất tốt công tác bảo quản tài liệu Hán Nôm quý hiếm tại các làng xã trên địa bàn tỉnh. Tại huyện Văn Lâm và Văn Giang, đoàn công tác đã tiến hành tu bổ, phục chế được khoảng trên 50 sắc phong giúp các địa phương, đồng thời hướng dẫn các di tích, dòng họ phương pháp bảo quản và lưu giữ tài liệu. Các tài liệu sau khi số hóa được xử lý kỹ thuật, lược dịch và biên mục vào phần mềm quản lý, sao ra đĩa CD-ROM, trao lại cho các di tích, gia đình, dòng họ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc khảo cứu, lưu giữ một cách lâu dài và làm căn cứ để phục chế, phục hồi đúng nguyên bản tài liệu cho các chủ sở hữu khi có nhu cầu, góp phần bảo tồn và phát huy vốn di sản văn hóa của dân tộc.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Thủy - Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Lâm khẳng định đây là một chương trình rất có ý nghĩa và kịp thời trong việc bảo tồn và phát huy nguồn tài liệu quý hiếm đang có nguy cơ mai một theo thời gian. Đồng thời, thông qua kết quả công tác số hóa tài liệu Hán Nôm đã chứng minh bề dày truyền thống lịch sử văn hóa của quê hương.
Tại Hội nghị ông Phạm Văn Hiệu - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hưng Yên đánh giá cao công tác phối hợp của 03 đơn vị: Thư viện tỉnh, Bảo tàng tỉnh và Thư viện khoa học tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh trong việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa qúy giá của dân tộc. Đây là việc làm cần thiết và cấp bách trong giai đoạn hiện nay; đồng thời giao nhiệm vụ cho các đơn vị tiếp tục triển khai công tác, phối hợp với các địa phương tổ chức thống kê, khảo sát, số hóa nguồn tài liệu Hán Nôm tại các huyện còn lại trên địa bàn tỉnh, phấn đấu đến năm 2020 hoàn thành việc khảo sát, thống kê, số hóa tài liệu Hán Nôm trên địa bàn toàn tỉnh Hưng Yên.
Một số hình ảnh cùng sự kiện: