Tổ chức Lễ trao giải vòng Sơ khảo Cuộc thi "Đại sứ Văn hóa đọc năm 2019"
Ngày 23/3/2019, tại Trung tâm Văn hóa tỉnh, Thư viện tỉnh Hưng Yên tổ chức Lễ trao giải vòng Sơ khảo Cuộc thi “Đại sứ Văn hóa đọc năm 2019”. Về dự Lễ trao giải có bà Vũ Dương Thúy Ngà - Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; ông Đoàn Văn Hòa, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; ông Phạm Văn Hiệu - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo; đại diện lãnh đạo một số phòng chức năng thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; lãnh đạo Trung tâm Văn hóa, Thể thao & Du lịch, lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo, cán bộ thư viện các huyện, thành phố; lãnh đạo các trường học trên địa bàn tỉnh tham gia Cuộc thi; đại diện các thầy, cô giáo, các bậc phụ huynh và các em học sinh đạt giải Cuộc thi.
Thực hiện Công văn số 58/BVHTTDL-TV ngày 05 tháng 01 năm 2019 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc hướng dẫn tổ chức Cuộc thi “Đại sứ Văn hóa đọc năm 2019”. Đây là lần đầu tiên Cuộc thi được tổ chức tại Việt Nam. Cuộc thi nhằm tiếp tục khơi dậy niềm đam mê đọc sách và khuyến khích việc chia sẻ, lan tỏa văn hóa đọc; thúc đẩy phong trào đọc sách và làm theo sách, góp phần phát triển văn hóa đọc trong nhà trường và cộng đồng. Đồng thời tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò to lớn của văn hóa đọc trong việc góp phần nâng cao dân trí, phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, rèn luyện nhân cách con người; tạo sân chơi bổ ích cho các em học sinh có cơ hội được thể hiện niềm đam mê, những ý tưởng sáng tạo của mình thông qua việc đọc sách và chia sẻ niềm đam mê đó tới cộng đồng. Sau gần 2 tháng phát động, Cuộc thi đã thu hút gần 25.000 các em học sinh thuộc 110 trường học trên địa bàn tỉnh tham gia (trong đó có: 5.903 học sinh tiểu học, 12.249 học sinh trung học cơ sở và 6.656 học sinh trung học phổ thông). Sau vòng sơ tuyển tại các trường, Ban Tổ chức Cuộc thi đã nhận được 443 bài thi xuất sắc nhất của các trường gửi về tham dự vòng Sơ khảo cấp tỉnh. Nhìn chung, các bài dự thi được các em thể hiện theo đúng quy định đảm bảo chất lượng, nội dung và hình thức trình bày phong phú, hấp dẫn, sinh động; phần lớn các em lựa chọn hình thức thi viết trên giấy. Nhiều bài dự thi được các em chuẩn bị công phu, chữ viết đẹp, trình bày sạch sẽ, văn phong lưu loát, đúng chủ đề, bố cục khoa học; rút ra ý nghĩa, bài học, có phần liên hệ với bản thân sâu sắc, hợp lý thể hiện được trí tuệ, tình cảm, trách nhiệm và phù hợp với lứa tuổi của mỗi thí sinh.
Với nhóm chủ đề chia sẻ cuốn sách mà em yêu thích, các em đã có những cảm nhận chững chạc, chia sẻ rất sâu sắc trong cách viết, cách truyền tải được đầy đủ những thông điệp của tác giả; nêu được những giá trị nội dung mang ý nghĩa sâu sắc của tác phẩm đối với bản thân và khuyến khích được mọi người tìm đến sách. Một trong những bài dự thi đã để lại ấn tượng cho người đọc như: cuốn tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” của em Chu Thị Nga, Trường THPT Trưng Vương hay “Lời chia tay đẹp nhất thế gian” của em Nguyễn Thị Hiền, trường THPT Nghĩa Dân…Các tác phẩm được các em lựa chọn nhiều như: “Dế mèn phiêu lưu ký”; “Một lít nước mắt”; “Đắc nhân tâm” hay cuốn sách “Hạt giống tâm hồn”…
Với tình yêu và niềm đam mê đọc sách, các em không chỉ giới thiệu được những cuốn sách hay mà còn mang đến Cuộc thi những tác phẩm, câu chuyện xúc động và ý nghĩa do các em tự sáng tác, như: “Cuốn phim từ ký ức” của em Ngô Trà My, trường THCS Dương Phúc Tư, huyện Văn Lâm; “Người thầy của cuộc đời” của em Đặng Linh Chi - Trường THPT Chuyên Hưng Yên; “Sống cùng người yêu sách” của em Nguyễn Thị Khánh Hòa, trường THPT Hoàng Hoa Thám và những bài thơ khuyến khích mọi người đọc sách: “Nhịp cầu văn hóa đọc” của em Bùi Khương Duy - trường THPT Hoàng Hoa Thám, “Vè đọc sách” của em An Thành Đô, trường Tiểu học Đại Hưng, huyện Khoái Châu....
Một trong những điểm nhấn trong Cuộc thi là một số thí sinh dự thi bằng hai ngôn ngữ: tiếng Việt và tiếng Anh. Có nhiều em dù tuổi còn nhỏ nhưng đã có tư duy mạch lạc, sử dụng tiếng Anh thành thạo như em: Trịnh Yến Chi, trường THCS Yên Phú, huyện Yên Mỹ với câu chuyện viết tiếp “Bức tranh của em gái tôi”, hay nhóm các em Đỗ Ngọc Nhi, trường THPT Kim Động với câu chuyện viết tiếp “Cô bé bán diêm”…
Bên cạnh việc đảm bảo đúng nội dung theo yêu cầu, các em cũng rất chú trọng về hình thức: vẽ tranh minh họa, thể hiện sự sáng tạo trong cách trình bày, tâm huyết với tác phẩm của mình với tư duy lôgic, tiêu biểu như em: Nguyễn Trần Quế Chi - trường Tiểu học Đình Dù, huyện Văn Lâm; em Hoàng Ngọc Linh - Trường Tiểu học An Tảo; em Phạm Nguyễn Tùng Chi - Trường THCS Lê Lợi - thành phố Hưng Yên...
Đặc biệt, trong phần hiến kế về ý tưởng sáng tạo và giải pháp khuyến đọc có tính khả thi cao, nhiều em đã nghiên cứu, phân tích đánh giá rất sâu sắc thực trạng đọc sách của người Việt Nam và có so sánh với một số nước phát triển trên thế giới; đồng thời các em đã nêu rõ nguyên nhân và đưa ra các ý tưởng, biện pháp, giải pháp khuyến đọc rất sáng tạo và khả thi. Những ý tưởng và giải pháp của các em đã thực sự làm cho những người có trách nhiệm trong lĩnh vực thư viện, tủ sách, phát triển văn hóa đọc cần phải tiếp tục có nhiều suy nghĩ để tham mưu, đề xuất phát triển văn hóa đọc trên địa bàn tỉnh và cả nước trong thời gian tới, tiêu biểu là các em: Quách Trọng Điệp - Trường THCS Phù Cừ, huyện Phù Cừ; em Đặng Linh Chi - Trường THPT Chuyên Hưng Yên; em Nguyễn Tuấn Minh - Trường Tiểu học Chỉ Đạo, huyện Văn Lâm....
Tại vòng Sơ khảo, Ban Tổ chức đã chọn được 66 bài dự thi của các em thí sinh để trao 72 giải bao gồm: 9 giải Nhất, 18 giải nhì, 36 giải Ba và 9 giải Nhánh. Ngoài ra, Ban Tổ chức cũng đã lựa chọn được 03 trường có số lượng học sinh tham gia nhiều nhất Cuộc thi để trao giải tập thể, đó là: trường Tiểu học xã Liên Khê, huyện Khoái Châu; trường THCS Trần Cao, huyện Phù Cừ và trường THPT Tiên Lữ.
Ban Tổ chức cũng đã lựa chọn 30 bài thi xuất sắc tham dự vòng Chung khảo Cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tại Hà Nội.
Cuộc thi thật sự là một sân chơi bổ ích, lý thú và trí tuệ. Đây là cơ hội để các em học sinh tiếp tục được thỏa sức chia sẻ về cuốn sách mình yêu thích, những tri thức đã mở ra cho các em chân trời mới. Cuộc thi đã tiếp tục tiếp lửa, truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ hiểu được ý nghĩa và tầm quan trọng của sách đối với việc học tập và giáo dục, hình thành nhân cách con người. Mỗi em học sinh tham dự Cuộc thi sẽ là những vị Đại sứ Văn hóa đọc của trường, của lớp, của cộng đồng để truyền cảm hứng cho bạn bè, người thân xung quanh niềm đam mê, thói quen đọc sách góp phần phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.
Ảnh cùng sự kiện: