Luật Thư viện ra đời sẽ góp phần chấn hưng văn hóa đọc tại Việt Nam
Dự án Luật Thư viện được triển khai thực hiện theo Nghị quyết số 57/2018/QH14 ngày 08 tháng 6 năm 2018 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018.
Dự kiến Dự án Luật sẽ trình Quốc hội theo quy trình xem xét thông qua 02 kỳ họp, cho ý kiến lần 1 vào kỳ họp thứ 7 và thông qua tại kỳ họp thứ 8 của Quốc hội.
Nhân dịp này, Cổng Thông tin điện tử Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có cuộc trao đổi với bà Vũ Dương Thúy Ngà – Vụ trưởng Vụ Thư viện để làm rõ hơn những điểm nổi bật của Dự thảo Luật Thư viện.
Thư viện lấy người sử dụng làm trung tâm. Ảnh minh họa. Nguồn: atdanang.com
Trả lời:
Xây dựng Dự án Luật Thư viện là một trong những nhiệm vụ trong Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09 tháng 6 năm 2014 của Hội nghị lần thứ 9 Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước (ban hành theo Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2014 của Chính phủ).
Việc ban hành Luật Thư viện cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển văn hóa, giáo dục, con người đáp ứng yêu cầu đổi mới đất nước,tác động rất lớn đến văn hóa đọc góp phần chấn hưng văn hóa đọc tại Việt Nam, có ý nghĩa quan trọng và tác động đến đời sống văn hóa, kinh tế- xã hội ở nhiều khía cạnh:
Thứ nhất, với người dân, Luật Thư viện tiếp tục cụ thể hóa quy định về quyền con người, quyền, nghĩa vụ cơ bản công dân được hiến định trong Hiến pháp 2013 về tiếp cận, hưởng thụ các giá trị văn hóa trong đó có thư viện, các quy định trong Luật tác động đến việc tiếp cận thông tin, tri thức của người dân, phục vụ học tập suốt đời và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng. Đảm bảo người dân có quyền trong thành lập, tham gia hoạt động và sử dụng thư viện.
Theo báo cáo đánh giá tác động, dự báo khi Luật thư viện đi vào cuộc sống sẽ thúc đẩy lượt sách, báo được đưa ra phục vụ mỗi năm tăng bình quân từ 5-6 triệu lượt, lượt người sử dụng tăng từ: 7 đến 9 triệu lượt trong thư viện công cộng.
Thứ hai, với các thư viện, Luật Thư viện khẳng định vai trò của thư viện trong phát triển văn hóa, khoa học, giáo dục của đất nước, góp phần nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam. Các quy định của Luật sẽ tạo hành lang pháp lý cho việc kiện toàn, củng cố nâng cao hiệu quả hoạt động của thư viện công lập, khuyến khích phát triển thư viện ngoài công lập; tăng cường thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư cho hoạt động thư viện; chuẩn hóa hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ thư viện, đa dạng hóa các dịch vụ thư viện và hình thức phục vụ, phát triển thư viện số và thúc đẩy liên thông thư viện. Các quy định này sẽ tạo hành lang pháp lý để thư viện trở thành trung tâm thông tin, trung tâm văn hóa, trung tâm học tập góp phần thúc đẩy việc học tập suốt đời và phát triển văn hóa đọc của người dân.
Thứ ba, đối với quản lý nhà nước, dự thảo Luật Thư viện đã đặt ra các quy định để các cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương và địa phương có thể quản lý được mạng lưới thư viện của quốc gia, ngành, địa phương hiệu quả hơn nhưng sự quản lý này không tạo ra các thủ tục rườm rà mà trái lại đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện, thủ tục thành lập thư viện, tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân thành lập và hoạt động thư viện ngoài công lập phục vụ nhu cầu học tập, nghiên cứu và giải trí của người dân.
- Xin Bà nói rõ hơn về các điểm mới và nội dung nguyên tắc lấy người sử dụng thư viện là trung tâm đã được quy định trong Dự thảo Luật thư viện?
Trả lời
Thứ nhất về các điểm mới của Dự thảo Luật
So với Pháp lệnh, Dự thảo Luật Thư viện đã bổ sung nhiều quy định mới điều chỉnh các mối quan hệ phát sinh trong hoạt động thư viện, Những điểm mới của Dự thảo Luật bao gồm:
Một là, mở rộng phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, theo đó, cơ quan, tổ chúc, cá nhân người Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài có quyền tham gia thành lập thư viện và hoạt động thư viện trên lãnh thổ Việt Nam. Dự thảo cũng mở rộng phạm vi điều chỉnh tới cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động thư viện.
Hai là, xây dựng chính sách phát triển thư viện phù hợp với yêu cầu, tình hình thực tiễn ở Việt Nam. Nội dung chính sách được thiết kế thành 03 nhóm: được Nhà nước đầu tư, hỗ trợ, có chính sách khuyến khích để đẩy mạnh xã hội hóa. Đây là những yếu tố quan trọng thúc đẩy sự nghiệp thư viện Việt Nam phát triển.
Ba là, có quy định hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ thư viện, đẩy mạnh liên thông thư viện, phát triển thư viện số. Đây là những nội dung nhằm chuẩn hóa hoạt động thư viện, thúc đẩy việc đổi mới hoạt động thư viện đáp ứng yêu câu của người sử dụng trong bối cảnh mới, phù hợp với xu thế phát triển của thư viện thế giới.
Bốn là, có quy định xếp hạng thư viện, đánh giá hoạt động thư viện nhằm tăng cường công tác quản lý đối với thư viện, nâng cao hiệu quả hoạt động, chất lượng dịch vụ của thư viện. Ngoài ra, việc xếp hạng là cơ sở để đầu tư phát triển thư viện phù hợp với từng giai đoạn.
Năm là, tăng cường quản lý nhà nước về thư viện trong đó phân định rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp và các cơ quan có liên quan đến thư viện.
Thứ hai về nguyên tắc lấy người sử dụng làm trung tâm
Nguyên tắc này được quy định tại khoản 1 Điều 13 của Dự thảo Luật Thư viện là một trong những điểm mới và là nguyên tắc chủ đạo trong hoạt động của thư viện có tính triết lý trong phát triển sự nghiệp thư viện ở Việt Nam hiện nay đó là hướng tới việc đảm bảo quyền tiếp cận thông tin, tri thức và hưởng thụ các giá trị văn hóa của người dân, xây dựng xã hội học tập và phát triển con người Việt Nam toàn diện. Nguyên tắc này được thể hiện ở các khía cạnh:
Người sử dụng là đối tượng được hướng tới trong mọi hoạt động của thư viện như xây dựng vốn tài liệu và tiện ích thư viện (Điều 14), cung cấp thông tin và dịch vụ thư viện (điều 17), quảng bá hoạt động thư viện (Điều 18), liên thông thư viện (Điều 19), xây dựng thư viện số và cung cấp dịch vụ thư viện số (Điều20).
Người sử dụng là thước đo đánh giá hiệu quả hoạt động và xếp hạng của thư viện (điểm d khoản 2 Điều 41), là động lực để các thư viện nâng cao chất lượng cung ứng các dịch vụ.
Người sử dụng có quyền và nghĩa vụ sử dụng quy định tại Điều 37 và 38 của Dự thảo Luật. Đối với một số đối tượng đặc biệt, Dự thảo Luật cũng có các quy định để đảm bảo quyền tiếp cận thông tin (Điều 39).
- Chúng tôi được biết vấn đề Liên thông thư viện đã được quy định trong Dự thảo Luật. Xin bà cho biết ý nghĩa và tác động của việc liên thông đối với người đọc và đối với các thư viện?
Trả lời:
Vấn đề liên thông được quy định tại Điều 19 dự thảo Luật Thư viện và 01 chương trong Đề cương Nghị định hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Thư viện. Liên thông thư viện là hoạt động liên kết, hợp tác giữa các thư viện nhằm sử dụng có hợp lý, có hiệu quả vốn tài liệu, tiện ích, kết quả xử lý và các sản phẩm của thư viện. Đó là một nguyên tắc trong hoạt động thư viện.
Mục đích của liên thông thư viện: tiết kiệm ngân sách, phát huy hiệu quả đầu tư của Nhà nước cho hoạt động thư viện nhằm nâng cao khả năng phục vụ người sử dụng. Với việc thực hiện liên thông thư viện, người sử dụng đăng ký thẻ tại một thư viện có thể sử dụng vốn tài liệu và tiện ích của nhiều thư viện thông qua hình thức mượn liên thư viện.
Về phía thư viện, với việc liên thông, các thư viện có thêm nguồn lực và tiện ích để phục vụ người sử dụng. Với nguyên tắc kết quả xử lý, sản phẩm được tạo ra tại một thư viện sẽ được chia sẻ, sử dụng tại nhiều thư viện. Việc thực hiện liên thông không chỉ giúp các thư viện tiết kiệm được nhân lực và kinh phí trong hoạt động. Cụ thể, nếu thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật về hoạt động thư viện sẽ giải phóng khoảng 5.000 nhân lực thư viện làm công tác xử lý kỹ thuật, biên mục, từ đó sẽ dẫn đến sự chuyển dịch nguồn nhân lực từ xử lý nghiệp vụ sang bộ phận dịch vụ. Đây cũng là xu hướng chung của các thư viện trên thế giới.
Thực hiện liên thông thư viện, vai trò của thư viện trung tâm có vai trò quan trọng như thư viện quốc gia, các thư viện đầu mối, thư viện công cộng cấp tỉnh, thư viện đại học quốc gia, đại học vùng sẽ được phát huy. Nhờ đó, sức mạnh của ngành thư viện sẽ được tăng cường, năng lực cung ứng, đảm bảo quyền tiếp cận thông tin và tri thức của người dân sẽ được đảm bảo tốt hơn.