Luật sư Nguyễn Hữu Thọ - Nhà tri thức yêu nước vĩ đại
Luật sư Nguyễn Hữu Thọ là một nhà trí thức tài năng và giàu tâm huyết, một nhà yêu nước nhiệt thành, một ngọn cờ của khối đại đoàn kết dân tộc, một chiến sĩ cộng sản kiên định, trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn thử thách nào vẫn một lòng một dạ tận trung với nước, tận hiếu với dân.
Nguyễn Hữu Thọ (Bí danh Ba Nghĩa), sinh ngày 10/7/1910 trong một gia đình công chức tại Long Phú, tổng Long Hưng Hạ, phủ Trung Quận, tỉnh Chợ Lớn cũ (nay thuộc huyện Bến Lức, tỉnh Long An).
Năm 1921, ông được gia đình cho sang Pháp học. Sau bảy năm học tại trường Trung học Mi-gơ-nê, ông được nhận vào học khoa Luật trường Đại học Luật khoa và Văn khoa Ắc-xen Prô-xăng-xơ.
Ngày 5/9/1932, ông tốt nghiệp Cử nhân Luật với tấm bằng hạng ưu. Tháng 5/1933, Nguyễn Hữu Thọ rời nước Pháp trở về quê hương, làm luật sư tập sự rồi trở thành luật sư chính thức. Ông đứng ra lập văn phòng luật sư riêng ở Mỹ Tho. Ít lâu sau ông lập thêm nhiều văn phòng luật sư khác ở Vĩnh Long, Cần Thơ. Với đức tính trung thực, luôn đứng về phía quần chúng, bênh vực lẽ phải, ông được nhân dân tín nhiệm và đồng sự mến phục. Mới 30 tuổi, nhưng Nguyễn Hữu Thọ đã trở thành vị luật sư danh tiếng. Thường xuyên phải chứng kiến cảnh bọn thực dân đàn áp dã man những người yêu nước, những người dân vô tội, trong ông dấy lên tình cảm xót thương đồng bào. Ông miệt mài đem kiến thức luật học của mình ra bảo vệ công lý, bênh vực cho đồng bào mình trước những thủ đoạn áp bức bóc lột tàn bạo của chính quyền thực dân.
Biến động lịch sử dồn dập trong những năm 1940 - 1945 đã lôi cuốn ông tham gia phong trào thanh niên sinh viên và giới trí thức đấu tranh đòi các quyền tự do, dân chủ.
Năm 1946, chính quyền thực dân Pháp bổ nhiệm ông làm Chánh án Tòa án dân sự tỉnh Vĩnh Long. Tuy làm việc cho chính quyền thực dân nhưng ông vẫn giữ mối liên lạc và bí mật tham gia các hoạt động yêu nước của giới trí thức.
Năm 1947, ông xin từ chức Chánh án tòa án dân sự tỉnh Vĩnh Long, mở văn phòng luật sư riêng tại Sài Gòn và được tổ chức phân công hoạt động trong Ban Trí vận thuộc Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn do Luật sư Hoàng Quốc Tân trực tiếp phụ trách. Hoạt động bí mật ở Sài Gòn dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Trí vận Thành ủy nhưng ông vẫn giữ liên lạc thường xuyên với Ủy ban Hành chính kháng chiến Nam Bộ. Hoạt động công khai trong lòng địch, ông không chỉ dùng tri thức nghề nghiệp để đấu tranh với kẻ thù, bảo vệ cán bộ, chiến sĩ và đồng bào yêu nước không may rơi vào tay của chúng mà còn tích cực tuyên truyền vận động giới trí thức, học sinh, sinh viên đấu tranh đòi hòa bình, chống chiến tranh xâm lược.
Ngày 16/10/1949, ông được kết nạp vào Đảng. Sự kiện đó là bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của ông. Từ chủ nghĩa yêu nước, ông đến với chủ nghĩa cộng sản và trở thành ngọn cờ đoàn kết quy tụ quần chúng, học sinh, sinh viên và trí thức tham gia vào cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân. Bằng uy tín cá nhân, tài năng tổ chức, ông đã đưa cuộc đấu tranh vào tận sào huyệt của địch và liên tiếp giành được thắng lợi, tiêu biểu là các cuộc biểu dương lực lượng Ngày học sinh, sinh viên toàn quốc (9/01/1950), Ngày toàn quốc chống Mỹ (19/3/1950)…
Lo sợ trước ảnh hưởng to lớn của Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đối với nhân sĩ, trí thức và nhân dân Sài Gòn - Gia Định nói riêng, Nam Bộ nói chung, thực dân Pháp đã bắt và đưa ông đi đày ở biên giới phía Bắc theo chế độ quản thúc tại bản Giẳng, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu - một vùng khí hậu khắc nghiệt và địa hình hiểm trở để cách biệt ông khỏi phong trào cách mạng. Đến năm 1952, khi bộ đội ta tiến lên giải phóng Tây Bắc, chính quyền thực dân đưa Luật sư Nguyễn Hữu Thọ về giam ở Sơn Tây. Sau khi được trả tự do ông tham gia phong trào đấu tranh hợp pháp, đòi hòa bình ở Sài Gòn - Chợ Lớn, là Phó Chủ tịch Phong trào bảo vệ hòa bình.
Năm 1954, ông lại bị chính quyền Ngô Đình Diệm bắt và giam tại Phú Yên. Ông bị giam lỏng ở đây gần 7 năm. Nguyễn Hữu Thọ đã trải qua những năm tháng gian khổ, nhưng ông đã thể hiện khí tiết kiên cường của một đảng viên cộng sản.
Tháng 2/1962, tại Đại hội Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam lần thứ nhất, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.
Tháng 3/1964, Đại hội lần thứ hai Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã bầu ra Ủy ban Trung ương Mặt trận mới do Luật sư Nguyễn Hữu Thọ làm Chủ tịch. Đến tháng 6/1969, ông được cử làm Chủ tịch Hội đồng cố vấn Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
Sau khi thống nhất đất nước, ông được Quốc hội tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phụ trách các vấn đề về đối ngoại và đã có nhiều đóng góp vào công tác ngoại giao của Đảng, Nhà nước.
Một trong những đóng góp quan trọng của ông là đã cùng Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trường Chinh tổ chức xây dựng dự thảo Hiến pháp sửa đổi. Với uy tín và kiến thực luật học uyên bác, ông đã cùng với Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tập hợp được các luật sư có danh tiếng tham gia soạn thỏa bản Hiến pháp sửa đổi. Ông đã có những ý kiến rất thiết thực trong các cuộc họp của Ban dự thảo Hiến pháp, góp phần vào sự hình thành bản Hiến pháp mới trình Quốc hội vào năm 1980.
Ngày 5/4/1980, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ được Quốc hội cử làm Quyền Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Cũng tại kỳ họp này, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận và thông qua bản Hiến pháp mới. Trên cuơng vị Quyền Chủ tịch nước, ông đã ký lệnh Công bố bản Hiến pháp năm 1980. Hiến pháp năm 1980 đã thể chế hóa đường lối cách mạng xã hội chủ nghĩa của Đảng và Nhà nước Việt Nam, khẳng định rõ những quyền hạn và nghĩa vụ của công dân Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới.
Trên cương vị Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Việt Nam (1981-1987) đồng thời trên cương vị là Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tố quốc Việt Nam (1989 - 1994), cho tới những năm cuối đời, với kiến thức luật học uyên bác, với tinh thần trách nhiệm cao đối với Tố quốc và nhân dân, luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã hoạt động không mệt mỏi; đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó và có những đóng góp to lớn vào việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Cuộc đời, sự nghiệp của Luật sư Nguyễn Hữu Thọ là quá trình vận động từ chủ nghĩa yêu nước chân chính đến chủ nghĩa cộng sản và gắn liền với sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc. Luật sư là con người tiêu biểu của tình đoàn kết dân tộc, là một nhà lãnh đạo tài năng, một tấm gương sáng về đạo đức, tác phong, lối sống giản dị, khiêm tốn, trong sạch, hy sinh vì nghĩa lớn, không khuất phục trước cường quyền, không sa ngã trước tiền tài danh lợi, vì lý tưởng cộng sản cao đẹp. Luật sư - Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ đã hiến dâng trọn đời cho Tổ quốc, cho dân tộc. Như Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Văn Linh đã đánh giá: (1)“Luật sư Nguyễn Hữu Thọ quả là một nhà trí thức yêu nước vĩ đại”.
Ôn lại cuộc đời, sự nghiệp, công lao và những cống hiến to lớn của đồng chí Nguyễn Hữu Thọ, chúng ta trân trọng, tự hào và biết ơn một trí thức cách mạng tận trung với Đảng, tận hiếu với dân, một tấm gương đạo đức cao đẹp trong công cuộc kháng chiến, kiến quốc và xây dựng nền dân chủ mới. Noi gương đồng chí Nguyễn Hữu Thọ, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nỗ lực phấn đấu, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp xây dựng nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.
Chú thích:
(1) Bài viết của đồng chí Nguyễn Văn Linh - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trong cuốn: Luật sư Nguyễn Hữu Thọ - người con tận trung với nước, tận hiếu với dân.-H.: Chính trị Quốc gia, 1998. - tr.19.
Vũ Thị Hậu sưu tầm và biên soạn