Khai mạc Trưng bày Ánh sáng từ “Đường Kách mệnh”
Sáng 10/10, lễ khai mạc Trưng bày Ánh sáng từ “Đường Kách mệnh” đã diễn ra tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, số 25 Tông Đản, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Sáng 10/10, lễ khai mạc Trưng bày Ánh sáng từ “Đường Kách mệnh” đã diễn ra tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, số 25 Tông Đản, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Trưng bày được tổ chức nhân kỷ niệm 90 năm xuất bản cuốn “Đường kách mệnh” (1927 – 2017) – Bảo vật quốc gia. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy đã đến dự và cắt băng khai mạc Triển lãm.
Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy đã tham dự Lễ khai mạc triển lãm
"Đường Kách mệnh" là tập hợp các bài giảng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sử dụng để giảng dạy cho đội ngũ cán bộ cách mạng Việt Nam những năm 1925-1927 ở Quảng Châu (Trung Quốc). Đây là tác phẩm có giá trị to lớn trên phương diện lý luận và thực tiễn. Thông qua “Đường Kách mệnh”, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã trình bày những điều cốt lõi của học thuyết Mác - Lênin và phương hướng phát triển cơ bản của cách mạng Việt Nam một cách dễ hiểu nhất. Dưới ánh sáng của “Đường Kách mệnh”, lớp học trò đầu tiên đã về nước hoạt động, cùng Người chuẩn bị cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930, lãnh đạo nhân dân tiến hành thắng lợi Cách mạng tháng Tám 1945, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, hoàn thành sự nghiệp đấu tranh bảo vệ nền độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, thực hiện đường lối đổi mới và hội nhập quốc tế.
Với hơn 150 hiện vật, tài liệu, hình ảnh, trưng bày giới thiệu đến công chúng giá trị và ý nghĩa lớn lao của tác phẩm “Đường Kách mệnh” và những đóng góp của thế hệ cách mạng - những hạt giống đỏ do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc ươm mầm và gieo trồng .
Ấn phẩm “Đường Kách mệnh” được xuất bản năm 1927 ở Quảng Châu dưới dạng in thạch. Những bản in đầu tiên đó được bí mật chuyển về nước từ trước năm 1930, cuốn “Đường Kách mệnh” hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam là một trong những bản gốc in năm 1927, được công nhận là Bảo vật Quốc gia năm 2012.
Với hơn 150 hiện vật, tài liệu, hình ảnh, trưng bày giới thiệu đến công chúng giá trị và ý nghĩa lớn lao của tác phẩm “Đường Kách mệnh” và những đóng góp của thế hệ cách mạng - những hạt giống đỏ do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc ươm mầm và gieo trồng. Từ đó, nhằm giúp công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ hiểu biết thêm về tầm nhìn, sự vĩ đại của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cùng cống hiến của lớp thanh niên cách mạng vô sản đầu tiên ở Việt Nam, góp phần khơi dậy lòng yêu nước, tự hào về lịch sử dân tộc, đóng góp sức mình vào công cuộc bảo vệ và dựng xây đất nước.
Xúc động khi tham quan triển lãm, Họa sĩ, nhà điêu khắc Hoàng Nguyên chia sẻ: “Triển lãm ấn tượng ngay với chủ đề “Đường Kách mệnh”. Tôi từng công tác ở Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam, nhiều lần trực tiếp trưng bày tác phẩm này trong mấy chục năm qua, nhưng lần này tác phẩm đã được công nhận bảo vật quốc gia, do đó tôi thật sự phấn khởi”.
“Các hiện vật trưng bày kèm theo đều có ý nghĩa nêu bật lên giá trị của cuốn Đường Kách mệnh. Đường Kách mệnh tỏa sáng ra, mới có được những thành quả khác, mới có những lãnh tụ khác. Điều này càng cho thấy Bác Hồ đã chú trọng đào tạo ra lớp lãnh tụ kế thừa, đó là công lao cũng như là tầm nhìn vĩ đại của Bác. Bản thân tôi không biết bàn luận như thế nào nhưng là sự biết ơn của chúng ta đối với Bác đã đưa cả dân tộc ta giành được thắng lợi trước quân xâm lược, giành độc lập tự do như ngày nay”- Họa sĩ Hoàng Nguyên xúc động bày tỏ
“Đường Kách mệnh” đã được công nhận bảo vật quốc gia
Dưới cái nhìn của nhà sử học, ông Dương Trung Quốc- Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cũng đồng quan điểm này. Nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết: “Những hiện vật được trưng bày đã làm tôn thêm vị trí của Đường Kách mệnh. Chúng ta thấy, trong quá trình hoạt động cách mạng, những người cộng sản rất quan tâm đến vấn đề giáo dục, vấn đề đào luyện những cán bộ của mình. Ở đây chúng ta thấy nhiều tác phẩm của những người cách mạng lúc đó như tác phẩm “Tự chỉ trích” của nhà cách mạng, cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ. Những hiệu sách Đồng Xuân, vận động đưa tuyên truyền cách mạng, vận động cách mạng vào trong quần chúng, những điều đó càng nâng cao hơn nữa giá trị của cuốn Đường Kách mệnh, nó chỉ là cuốn sách nhưng mang sức mạnh của thế kỷ”.
Nhiều người dân có mặt ngay trong ngày đầu Triển lãm mở cửa
Còn TS Phạm Mai Hùng- Nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam thì nhận xét: “Ánh sáng Đường Kách mệnh đã soi rọi cho chúng ta 90 năm rồi và đến thời điểm này vẫn tiếp tục soi rọi cho chúng ta trên những bước đường tiếp theo. Đọc kỹ lại tác phẩm, chúng ta thấy những gì Nguyễn Ái Quốc căn dặn về tư cách của người làm cách mạng, hai là sự nhận biết cách mạng về lý luận và thực tiễn, tất cả những cái đó vẫn là kim chỉ nam cho hoạt động của chúng ta. Tôi thấy đây là một tác phẩm không chỉ có giá trị thời sự trước mắt (năm 1924-1925). Trong bối cảnh đất nước chúng ta đang hoàn toàn bị thực dân Pháp thống trị, trong bối cảnh dân tộc chúng ta đang quằn quại dưới gót giầy thực dân, trong bối cảnh nhiều thế hệ đi trước Nguyễn Ái Quốc chưa tìm được đường cứu nước thì "Đường Kách mệnh" và Nguyễn Ái Quốc thông qua đó đã tìm ra con đường cứu nước. Nhờ "Đường kách mệnh" mà Đảng ra đời. Và 15 năm sau khi Đảng ra đời, đã có kỳ tích lớn lao, đánh tan đế quốc, phong kiến, ra đời nước Dân chủ cộng hòa đầu tiên ở Đông Dương. Sau đó là thống nhất đất nước và giành những thắng lợi kinh tế quan trọng”.
Những hiện vật được trưng bày tại Triển lãm
TS Phạm Mai Hùng cũng cho rằng, giá trị của "Đường kách mệnh" sẽ còn soi rọi cho mai sau. “Cho đến hôm nay, chúng ta đang trong bối cảnh chống giặc nội xâm nặng nề, đấy là nạn tham nhũng. Nếu chúng ta đọc kỹ, nghiên cứu sâu nội dung của "Đường Kách mệnh", ngay những chương đầu tiên đã có nêu về Tư cách của những người làm cách mạng. Chúng ta sẽ thấy Bác vẫn theo dõi chúng ta, vẫn đang cùng chúng ta tiến về phía trước. Nhìn lại tác phẩm, ta tự hào về những thành tựu Đảng đã đạt được nhưng cũng đau xót vì công cuộc chống chủ nghĩa cá nhân, chống tham nhũng còn nhiều gian nan”- TS Phạm Mai Hùng chia sẻ.
Với những người dân bình thường thì rõ ràng, ánh sáng từ "Đường Kách mệnh đã đem lại cuộc sống mới, ấm no và hạnh phúc cho bản thân và gia đình. Bà Nguyễn Thị Nội- Kim Động, Hưng Yên, nguyên là giáo viên dạy sử, có thói quen sưu tầm các đồng tiền của cách mạng Việt Nam từ thời kỳ đầu đất nước mới giành được độc lập và đã hiến tặng bộ sưu tập cho Bảo tàng Lịch sử Quốc gia trong dịp này. Tham quan triển lãm “Ánh sáng từ "Đường Kách mệnh”, bà chia sẻ: “Tôi ấn tượng với cuốn "Đường Kách mệnh" được Bác Hồ viết ra và thấy vui, phấn khởi vì vẫn giữ được kỷ vật từ xưa cho hôm nay và cho thế hệ mai sau".
"Cuốn "Đường Kách mệnh" của Bác đã cho chúng ta có cuộc sống như hôm nay. Gia đình tôi không nhà, không đất, không nơi ở, chỉ dựa vào đôi quang gánh của mẹ hết chợ này chợ khác, lấy chợ làm nhà, lấy nghề gánh thuê để kiếm cơm. Cách mạng đã đem lại cho gia đình nơi ăn, nơi ở, làm việc để nuôi tôi khôn lớn. Gia đình tôi hiện tại có 10 con dâu rể, 10 cháu nội ngoại được sống trong thanh bình, ấm no. Phấn khởi nhất là như vậy, con cháu đông đủ. Có con đường Ch mạng thì mới có hôm nay”./.
Bài Hồng Hà
Ảnh: Minh Khánh
Nguồn: CTTĐTBVHTTDL