Hưng Yên tổ chức hội thảo khoa học về Di tích lịch sử Cây đa và Đền La Tiến
Ngày 29.3, tại Trung tâm hội nghị tỉnh, UBND tỉnh phối hợp với Báo Quân đội nhân dân và Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học về Di tích lịch sử quốc gia Cây đa và Đền La Tiến.
Tham dự hội thảo có các ông: Đỗ Tiến Sỹ, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Văn Phóng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức hội thảo; Thiếu tướng Phạm Văn Huấn, Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân, đồng Trưởng ban Tổ chức hội thảo; Đại tá, Tiến sỹ Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, đồng Trưởng ban Tổ chức hội thảo; Nguyễn Khắc Hào, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nhà sử học Dương Trung Quốc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam. Cùng dự có các vị trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đại diện một số ban, bộ, ngành của Trung ương, Quân khu 3; các nhân chứng lịch sử…
Toàn cảnh hội thảo
Hội thảo vinh dự được đón nhận lẵng hoa của các vị Ủy viên Bộ Chính trị: Võ văn Thưởng, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an và Trung tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Tư lệnh Bộ đội biên phòng Việt Nam gửi tặng.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phóng khẳng định: Di tích lịch sử quốc gia Cây đa và Đền La Tiến là nơi ghi dấu tội ác của thực dân Pháp và bè lũ tay sai trong những năm từ 1949 – 1954. Thời gian này, chúng không chỉ vơ vét lúa gạo, của cải, đốt phá nhà cửa, đàn áp, khủng bố nhân dân vô cùng tàn bạo mà chúng còn giết hại 1.145 chiến sỹ cách mạng, đồng bào yêu nước của ta. Không run sợ trước sự dã man của quân địch, bộ đội và nhân dân nơi đây đã kiên cường, mưu trí, dũng cảm đánh tan quân địch, giải phóng quê hương.
Để ghi dấu tội ác của thực dân Pháp cũng như tri ân, ghi nhớ công lao những người đã hy sinh, nơi đây đã được các cấp chính quyền trong tỉnh xây dựng thành di tích lịch sử cách mạng; coi đây là một địa chỉ đỏ về truyền thống cách mạng, thể hiện tinh thần yêu nước, anh dũng quật cường của cán bộ, chiến sỹ và nhân dân ta. Với những giá trị và ý nghĩa lịch sử cách mạng đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xếp hạng Di tích Cây đa và Đền La Tiến là di tích lịch sử quốc gia.
Tại hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phóng mong muốn các đại biểu tập trung phân tích sâu sắc giá trị lịch sử, thảo luận những giải pháp để phát huy giá trị lịch sử - văn hóa cũng như bảo tồn, tôn tạo để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ mai sau
Trong bài phát biểu chào mừng hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Tiến Sỹ nêu bật truyền thống yêu nước của quân và dân Hưng Yên. Thời nào Hưng Yên cũng có những địa linh, nhân kiệt, lưu dấu những chiến công oanh liệt. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Hưng Yên có lực lượng Nữ du kích Hoàng Ngân nức tiếng anh hùng. Cùng với đó, trận chiến đấu giải phóng bốt La Tiến nói riêng thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp nói chung đã khẳng định sự lãnh đạo của Đảng, sự mưu lược của Quân khu Tả ngạn và tinh thần đoàn kết, kiên cường, anh dũng của quân và dân ta.
Ngày nay, Cây đa và Đền La Tiến đã được công nhận là Di tích lịch sử quốc gia, trở thành biểu tượng cho tinh thần kiên cường, quật khởi của nhân dân Phù Cừ nói riêng, nhân dân Hưng Yên nói chung. Để tiếp tục làm rõ hơn những giá trị lịch sử khoa học của Di tích lịch sử quốc gia Cây đa và Đền La Tiến, đồng thời làm sáng tỏ và sâu sắc hơn bối cảnh lịch sử cuộc kháng chiến chống Pháp cũng như ý chí kiên cường, bất khuất của quân và dân Hưng Yên, nhìn nhận chiến thắng La Tiến trong mối quan hệ với thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp trên địa bàn tỉnh với chiến thắng Điện Biên Phủ, buổi hội thảo khoa học với chủ đề “Cây đa và Đền La Tiến – biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng” đã được tổ chức.
Nhân chứng lịch sử - Đại tá Hoàng Đăng Vinh phát biểu tại hội thảo
Hội thảo lần này, Ban tổ chức đã nhận được gần 40 báo cáo tham luận của các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các tướng lĩnh, sỹ quan, các nhà khoa học, cán bộ nghiên cứu cùng nhiều nhân chứng. Trong đó có 18 ý kiến tham luận của các nhân chứng lịch sử, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu được trình bày tại hội thảo.
Các báo cáo tham luận tâm huyết, được nghiên cứu công phu, khách quan nhìn nhận từ nhiều góc độ khác nhau đã góp phần làm rõ hơn, sâu sắc hơn và đầy đủ hơn giá trị lịch sử - văn hóa của Di tích lịch sử quốc gia Cây đa và Đền La Tiến.
Những ý kiến đóng góp của các đại biểu, ban tổ chức sẽ tiếp thu nhằm xây dựng quy hoạch, bảo tồn, tôn tạo di tích để xứng tầm với giá trị của di tích, góp phần tô thắm truyền thống vẻ vang của tỉnh nhà.
Nguồn: baohungyen.vn