Hội thảo khoa học về tiêu chí và phân loại danh nhân Hưng Yên
Thực hiện nhiệm vụ Đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh: “Nghiên cứu đề xuất bổ sung danh nhân Hưng Yên”, ngày 11/10/2022, Thư viện tỉnh Hưng Yên đã tổ chức Hội thảo khoa học về tiêu chí và phân loại danh nhân Hưng Yên. Về dự Hội thảo có các ông: Phạm Văn Nghệ - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Phạm Văn Hiệu - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; đại diện Sở Khoa học và Công nghệ Hưng Yên; các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà khoa học; các thành viên trong Ban Chủ nhiệm; thành viên tham gia nghiên cứu Đề tài.
Báo cáo đề dẫn tại Hội thảo, ông Đào Văn Quyến - Giám đốc Thư viện tỉnh, Chủ nhiệm Đề tài đã nêu rõ: Tỉnh Hưng Yên nằm ở trung tâm đồng bằng sông Hồng, liền kề với thủ đô Hà Nội, từ xưa đã là một vùng đất trù phú, có nhiều sản vật nổi tiếng, có truyền thống văn hiến lâu đời, sản sinh ra nhiều anh hùng, hào kiệt, các nhà văn hóa kiệt xuất. Trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, vùng đất Hưng Yên thời nào và ở lĩnh vực nào cũng có những người lập công xuất sắc, được sử sách ghi nhận, nhân dân ca ngợi, truyền tụng. Trong lĩnh vực quân sự có Triệu Quang Phục, Phạm Ngũ Lão, thời cận đại có Nguyễn Thiện Thuật, Hoàng Hoa Thám... Văn tài lỗi lạc có Nguyễn Trung Ngạn, Đoàn Thị Điểm, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan... Sân khấu Chèo có Nguyễn Đình Nghị; mỹ thuật có Họa sĩ Tô Ngọc Vân, Dương Bích Liên; về y học có Đại danh y Hải thượng lãn ông Lê Hữu Trác; về khoa học có Nguyễn Công Tiễu, Phạm Huy Thông. Trong sự nghiệp đánh đuổi đế quốc thực dân giải phóng dân tộc, lịch sử đã ghi nhận những tấm gương chiến đấu hy sinh của những chiến sĩ cách mạng, như đồng chí Tô Hiệu, Trung tướng Nguyễn Bình, nữ anh hùng Bùi Thị Cúc. Đặc biệt, trong công cuộc đổi mới do Đảng lãnh đạo có Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, nhà chính trị Lê Văn Lương...
Từ xưa, đã có nhiều công trình nghiên cứu về các danh nhân Hưng Yên, tuy nhiên chưa phản ánh đầy đủ bề dày truyền thống của mảnh đất và con Hưng Yên. Cuốn sách “Danh nhân Hưng Yên” được Sở Văn hóa - Thông tin Hưng Yên xuất bản năm 1998 trên cơ sở công trình nghiên cứu, biên soạn của nhóm nghiên cứu đề tài khoa học “Danh nhân Hải Hưng” năm 1996; sau đó được chỉnh sửa, bổ sung và tái bản vào các năm 2006, 2019, đã giới thiệu được tiểu sử, sự nghiệp của 56 danh nhân Hưng Yên.
Để tiếp tục giới thiệu đầy đủ hơn các danh nhân Hưng Yên tiêu biểu trong suốt quá trình lịch sử, từ thời đại Hùng Vương đến thời đại Hồ Chí Minh thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, nhất là các chiến sĩ cách mạng tiền bối, các đồng chí giữ cương vị lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, tướng lĩnh Quân đội, Công an, các nhà hoạt động văn hoá, khoa học… để bổ sung, giới thiệu đầy đủ vào sách “Danh nhân Hưng Yên” dịp tái bản lần sau rất cần phải có một công trình tiếp tục nghiên cứu về các danh nhân.
Năm 2020, Thư viện tỉnh đã tham mưu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo, đề xuất Tỉnh ủy, UBND tỉnh cho chủ trương nghiên cứu bổ sung danh nhân Hưng Yên. Trên cơ sở đề xuất của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thường trực Tỉnh ủy và UBND tỉnh Hưng Yên đã đồng ý và yêu cầu tiếp tục nghiên cứu, xác định rõ tiêu chí; rà soát, bổ sung danh sách nhân vật tiêu biểu trên địa bàn tỉnh để nghiên cứu, bổ sung; đánh giá chính xác, toàn diện về từng cá nhân để đảm bảo chất lượng cuốn sách Danh nhân Hưng Yên khi tái bản.
Căn cứ ý kiến của Thường trực Tỉnh ủy Hưng Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã giao Thư viện tỉnh đăng ký, đề xuất với Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện Đề tài nghiên cứu khoa học: “Nghiên cứu đề xuất bổ sung danh nhân Hưng Yên” năm 2022.
Để thực hiện các nhiệm vụ, nội dung, công việc của Đề tài đã được thẩm duyệt, Ban Chủ nhiệm Đề tài đã xây dựng Dự thảo tiêu chí danh nhân và phân loại danh nhân Hưng Yên. Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đánh giá cao và cơ bản nhất trí với bố cục, nội dung của Dự thảo tiêu chí. Các ý kiến đóng góp tập trung vào một số vấn đề như: Cần bổ sung thêm cơ sở thực tiễn khi xây dựng tiêu chí; xác định rõ các tiêu chí đánh giá nhân vật đảm bảo tính khái quát, nhất quán, toàn diện, logic; bộ tiêu chí cần cụ thể, ngắn gọn để dễ đối chiếu, thực hiện; phân loại danh nhân có tính chất khái quát hơn, cần bổ sung thêm danh nhân về kinh tế, tôn giáo…
Trên cơ sở ý kiến tham gia, Ban Chủ nhiệm tiếp thu, hoàn thiện tiêu chí và là cơ sở để triển khai, thực hiện các công việc tiếp theo trong nội dung Đề tài.
Một số hình ảnh tại Hội thảo:
và tóm tắt Dự thảo tiêu chí, phân loại danh nhân Hưng Yên
Bài và ảnh: Trần Hà - Trung Kiên