Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, phụ nữ Việt Nam đã có những cống hiến, đóng góp to lớn, góp phần xây dựng và bảo vệ non sông gấm vóc của tổ quốc, tạo dựng nên truyền thống vẻ vang: Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang. Phát huy truyền thống yêu nước, cách mạng của các thế hệ đi trước, phụ nữ Việt Nam ngày nay tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong công cuộc đổi mới đất nước.
Nhân kỷ niệm 89 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Thư viện tỉnh Hưng Yên xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc một số cuốn sách hay viết về phụ nữ.
Cuốn sách “Gương sáng phụ nữ học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do Nhà xuất bản Phụ nữ ấn hành năm 2013 là tuyển chọn các bài dự thi trong cuộc thi viết về “Những tấm gương phụ nữ Việt Nam tự tin - tự trọng - trung hậu - đảm đang” do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức năm 2012. Với gần ba mươi ngàn bài dự thi, hàng ngàn tấm gương phụ nữ tiêu biểu về người thật, việc thật được phát hiện, giới thiệu, ban biên tập đã lựa chọn những tấm gương là những điển hình phụ nữ trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội, quân sự…trong giai đoạn đất nước đổi mới. Đó là vẻ đẹp của tinh thần quyết tâm sáng tạo, dám nghĩ dám làm, ý chí vượt nghịch cảnh, nghị lực sống bền bỉ, dẻo dai, phi thường; là vẻ đẹp của tấm lòng vị tha, nhân ái, trách nhiệm chung tay đóng góp xây dựng và phát triển cộng đồng, xã hội.
Chuẩn mực “Công, dung, ngôn, hạnh” được coi là giá trị đạo đức truyền thống của người phụ nữ Việt Nam nói chung. Tuy nhiên, qua mỗi thời kỳ, mỗi dân tộc, mỗi người lại có những quan niệm, cách hiểu và cách nhìn nhận khác nhau. Cuốn sách “Công dung ngôn hạnh phụ nữ Việt Nam xưa xà nay” của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thị Bừng do Nhà xuất bản Thanh niên ấn hành năm 2013 đề cập đến vấn đề “tứ đức” của người phụ nữ trong xã hội qua các thời kỳ, giúp các bạn gái thấy được ý nghĩa tích cực, sự cần thiết của “tứ đức” đối với phụ nữ ngày nay, có thêm nhiều bài học, kinh nghiệm hay trong công việc, cuộc sống và hôn nhân. Cuốn sách gồm 2 phần:
Phần thứ nhất: Phụ nữ với công, dung, ngôn, hạnh
Phần thứ hai: Những câu chuyện về công, dung, ngôn, hạnh của phụ nữ thời nay.
“Người mẹ số 0” là cuốn sách nổi tiếng của nữ tiểu thuyết gia Marjolijn Hof. Tác phẩm kể về những diễn biến và đấu tranh tâm lý phong phú, đa dạng của một cậu bé có tên là Fé (Fejzo), người đang là con nuôi trong một gia đình khá giả và hạnh phúc. Cha mẹ nuôi rất yêu quý cậu nhưng lúc nào cậu cũng thắc mắc và muốn biết về người đã sinh ra mình. Ban đầu cậu cho rằng mẹ ruột của cậu là người mẹ số 1 còn người mẹ nuôi hiện tại là mẹ số 2. Nhưng cậu nhanh chóng nhận ra người mẹ đang nuôi mình mới thực sự là người gần gũi với mình và cậu quyết định gọi người mẹ nuôi là mẹ số 0 còn người mẹ đẻ là mẹ số 1. Cậu bé cho rằng số 0 đứng trước số 1 và do vậy mẹ nuôi, người đã chăm sóc cậu phải đứng trước. Fé vẫn quyết định đi tìm bố mẹ ruột của mình với sự ủng hộ hết lòng của bố mẹ nuôi, nhưng cậu bé luôn lo lắng không biết rằng liệu quyết định của bản thân có khiến người mẹ nuôi cảm thấy tổn thương, đau lòng hay không….Thông qua câu chuyện của cậu bé Fé đi tìm mẹ ruột, tác giả muốn gửi gắm thông điệp về tình cảm mẹ con-sự bền chặt trong một mái ấm.
Với mong muốn cung cấp và trang bị cho cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp có kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ về tổ chức công tác Hội và phong trào phụ nữ ở cơ sở, năm 2013, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã phát hành cuốn “Cẩm nang công tác hội”. Cuốn sách là sự chắt lọc những thông tin cơ bản và những tình huống do các ban, đơn vị Trung ương Hội lựa chọn, tập hợp trong quá trình chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ công tác. Nội dung cuốn sách gồm 2 phần:
Phần 1: Gới thiệu về Hội Liên hiệp Phụ nữ cơ sở và một số chuyên đề công tác Hội.
Phần 2: Một số kỹ năng xử lý tình huống trong công tác phụ nữ
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, lực lượng nữ du kích Hoàng Ngân tỉnh Hưng Yên giữ vai trò quan trọng trong thế trận chiến tranh nhân dân: hoạt động rộng khắp, mạnh mẽ, tích cực phục vụ chiến đấu, lập nhiều chiến công xuất sắc, hàng trăm nữ du kích đã chiến đấu và anh dũng hi sinh, tiêu biểu như: Anh hùng Bùi Thị Cúc, Trần Thị Khang, Trần Thị Tý, Vũ Thị Xoang...Nhằm tô đậm thêm truyền thống anh hùng, bất khuất, trung hậu đảm đang của phụ nữ Việt Nam nói chúng, phụ nữ Hưng Yên nói riêng, năm 2003, Đảng ủy - Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hưng Yên biên soạn cuốn sách “Chuyện kể về phong trào nữ du kích Hoàng Ngân”. Cuốn sách là tập hợp các bài viết theo thể hồi ký, kể chuyện của các bà, các chị nguyên là lãnh đạo, là nữ du kích Hoàng Ngân, những người đã gắn bó, tâm huyết với phong trào nữ du kích Hoàng Ngân, qua đó nhằm giáo dục các thế hệ trẻ về truyền thống tốt đẹp, khích lệ tinh thần học tập, lao động sản xuất, góp phần xây dựng quê hương Hưng Yên ngày càng giàu đẹp.
Nguyễn Thị Tuyết Mai