► THƯ VIỆN TỈNH HƯNG YÊN MỞ PHỤC VỤ BẠN ĐỌC TỪ THỨ 2 ĐẾN CHỦ NHẬT HÀNG TUẦN

Đồng chí Phan Đăng Lưu đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc

Đăng ngày 04/05/2022
Lượt xem: 854
100%


Đồng chí Phan Đăng Lưu sinh ngày 05/5/1902 trong một gia đình nhà nho, có truyền thống yêu nước ở thôn Đông, xã Tràng Thành (nay là xã Hoa Thành), huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An - một vùng đất giàu truyền thống văn hóa, cách mạng.

Với 39 năm tuổi đời, 16 năm hoạt động cách mạng liên tục, trong đó có hơn 7 năm bị giam cầm trong lao tù đế quốc, đồng chí Phan Đăng Lưu đã cống hiến và hy sinh trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, trở thành nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam.

1. Phan Đăng Lưu - Người thanh niên yêu nước, sớm nhận thức về con đường đấu tranh giải phóng dân tộc, tích cực hoạt động cho sự ra đời của Đảng Cộng sản ở Việt Nam

Sinh ra trong cảnh nước mất nhà tan, ảnh hưởng sự giáo dục của gia đình và truyền thống yêu nước quê hương cách mạng, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Phan Đăng Lưu đã ấp ủ hoài bão giúp dân, giúp nước. Sau khi tốt nghiệp Trường Canh nông thực hành ở Tuyên Quang, vào làm việc ở Sở Canh nông Bắc Kỳ rồi chuyển sang Sở Canh nông Trung Kỳ và đã sớm nhận ra rằng một công chức dưới chế độ thực dân không dễ gì làm lợi cho dân, cho nước; Phan Đăng Lưu quyết định chuyển hướng tập trung vào nghiên cứu các môn khoa học chính trị - xã hội, coi đó là khởi điểm cho con đường đi mới của mình.

Năm 1925, Phan Đăng Lưu đã gia nhập Hội Phục Việt và tích cực tham gia các hoạt động của Hội, trong đó có phong trào đấu tranh đòi thả cụ Phan Bội Châu, mở lớp dạy văn hóa cho công nhân, nông dân trong vùng... Đây cũng là cơ hội để Phan Đăng Lưu đọc và nghiên cứu nhiều sách báo tiến bộ từ nước ngoài gửi về, như báo Người cùng khổ, báo Nhân đạo, cuốn Bản án chế độ thực dân Pháp, Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, một số tác phẩm của Lênin… Nhờ đó, giúp Phan Đăng Lưu sáng tỏ con đường đấu tranh giải phóng dân tộc. Những chuyển biến trong nhận thức, đặc biệt là hoạt động cách mạng của Phan Đăng Lưu đã bị chính quyền thực dân nghi ngờ, chỉ trong mấy tháng, chúng đã chuyển Phan Đăng Lưu đi làm việc ở nhiều địa phương, như Linh Cảm (Hà Tĩnh), Phú Phong (Bình Định), Di Linh và Đà Lạt (Lâm Đồng). Ở đâu, Phan Đăng Lưu cũng tổ chức hoạt động yêu nước, chống bọn chủ sự Pháp.

Năm 1927, trở về quê hương, Phan Đăng Lưu tích cực hoạt động cách mạng, gây dựng cơ sở ngay tại địa phương theo sự phân công của Tổng bộ, tập hợp bạn bè tiến bộ vào tổ chức. Từ một công chức, đồng chí đã trở thành nhà hoạt động cách mạng chuyên nghiệp trong tổ chức Tân Việt, được bầu làm Ủy viên Thường vụ Ban Chấp hành Trung ương và có nhiều cống hiến to lớn trên các mặt: tham gia hoạch định đường lối, phát triển tổ chức, đào tạo cán bộ và đặc biệt là góp phần quan trọng vào việc định hướng phát triển Tân Việt theo đường lối của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc thành lập ở Quảng Châu, Trung Quốc vào tháng 5/1925.

2. Đồng chí Phan Đăng Lưu - Nhà lãnh đạo tài năng, góp phần chuyển hướng đúng đắn nhiệm vụ cách mạng qua mỗi giai đoạn lịch sử, sáng suốt trì hoãn cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, có công lớn trong việc tái lập Ban Chấp hành Trung ương

Giữa năm 1936, sau gần 7 năm bị giam cầm ở nhà lao Vinh và nhà tù Buôn Ma Thuột, Phan Đăng Lưu được ân xá trở về quê nhà Nghệ An một thời gian, rồi trở vào Thừa Thiên Huế hoạt động. Đồng chí nhanh chóng kết nối với các cán bộ Đảng đang hoạt động ở Huế (Nguyễn Chí Diểu, Bùi San, Tôn Quang Phiệt, Hải Triều…) bước đầu củng cố, hình thành Ban Lãnh đạo của Đảng ở Trung Kỳ. Sau khi liên lạc được với Trung ương Đảng, đồng chí được Trung ương chỉ định tham gia Xứ ủy lâm thời Trung Kỳ.

Theo sự phân công của Xứ ủy Trung Kỳ, đồng chí Phan Đăng Lưu là người chỉ đạo trực tiếp cuộc đấu tranh vào Viện Dân biểu Trung Kỳ. Đồng chí đã vận dụng sáng tạo chủ trương của Đảng: không gạt bỏ nghị trường mà lợi dụng nghị trường, không tẩy chay tuyển cử mà tham gia tuyển cử. Trong cuộc đấu tranh này, đồng chí đã sử dụng linh hoạt diễn đàn đấu tranh công khai qua báo chí và văn học nghệ thuật. Kết quả là cuộc đấu tranh vào Viện Dân biểu Trung Kỳ thắng lợi rực rỡ đến mức tuyệt đối: tất cả 18 ứng cử viên do Đảng đưa ra tranh cử đều trúng cử ngay từ vòng đầu và đều nắm các chức vụ quan trọng trong Viện.

Tháng 9/1937, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Trên cương vị mới, đồng chí đã đóng góp tích cực vào công tác lãnh đạo và chỉ đạo cuộc đấu tranh cải tổ Viện Dân biểu Trung Kỳ kết hợp với các cuộc đấu tranh của quần chúng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là đồng chí Phan Đăng Lưu, cuộc đấu tranh đã giành thắng lợi to lớn, biến Viện Dân biểu thành diễn đàn đấu tranh công khai của Đảng hướng tới các mục tiêu đòi các quyền tự do, dân chủ: tập hợp Nhân dân đấu tranh đòi giảm thuế, tăng thêm quyền cho Viện Dân biểu, đòi tự do báo chí, thả tù chính trị…

Tháng 9/1939, đồng chí Phan Đăng Lưu được Trung ương phân công phụ trách phong trào các tỉnh Nam Kỳ. Cùng với Xứ ủy Nam Kỳ, đồng chí đã có nhiều đóng góp quan trọng, đưa phong trào cách mạng Nam Kỳ phát triển lên một bước mới.

Trong nửa đầu năm 1940, trước sự tăng cường đàn áp, khủng bố của kẻ thù, các đồng chí trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần lượt bị bắt. Ban Chấp hành Trung ương chỉ còn lại một mình đồng chí Phan Đăng Lưu chèo lái con thuyền cách mạng nước ta. Khó khăn, thử thách to lớn này đặt lên vai đồng chí những trọng trách mới, nhất là sau khi đồng chí Võ Văn Tần - Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ bị địch bắt. Nhiều chỉ thị của đồng chí, nhân danh Ban Chấp hành Trung ương được thi hành trong Đảng trên toàn quốc nhằm vận dụng thời cơ, xiết chặt kỷ luật, củng cố tổ chức đi vào hoạt động bí mật và vận dụng sáng tạo các phương pháp, hình thức đấu tranh phù hợp trên tinh thần đặt yêu cầu “dân tộc giải phóng” lên hàng đầu, đặc biệt là chuẩn bị xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ VI của Đảng.

Sau khi tạm trì hoãn cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, đồng chí bí mật bắt tay vào chuẩn bị mọi mặt cho Hội nghị tái lập Ban Chấp hành Trung ương Đảng - Bộ chỉ huy tối cao mới của Đảng. Đây là trọng trách lớn, có ý nghĩa sống còn của Đảng, của cách mạng. Tháng 11/1940, Hội nghị Trung ương lần thứ VII được tổ chức tại Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh. Thành công của Hội nghị Trung ương lần thứ VII có vai trò to lớn của đồng chí Phan Đăng Lưu. Với tầm nhìn chiến lược, đồng chí nhận thấy thời cơ khởi nghĩa chưa chín muồi, nếu chưa chuẩn bị kỹ lưỡng, thống nhất trên toàn quốc đã tiến hành khởi nghĩa riêng lẻ sẽ dẫn đến thất bại. Tình hình lúc đó đòi hỏi phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo thật sáng suốt, kịp thời của Bộ Chỉ huy tối cao của Đảng. Do đó, việc tái lập Ban Chấp hành Trung ương để lãnh đạo toàn quốc, chuẩn bị mọi mặt, chớp thời cơ đưa cách mạng nước ta đi tới thắng lợi là sứ mệnh lịch sử cấp bách nhất, cao nhất lúc bấy giờ đặt lên vai đồng chí Phan Đăng Lưu. Thử thách và trách nhiệm càng nặng nề hơn trong tình huống không liên lạc được với Quốc tế Cộng sản và Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Có thể nói, việc thống nhất với Xứ ủy Bắc Kỳ tổ chức thành công Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VII là đóng góp quan trọng nhất của đồng chí Phan Đăng Lưu đối với Đảng ta và cách mạng Việt Nam.

3. Đồng chí Phan Đăng Lưu - Người chiến sĩ tiên phong trên mặt trận báo chí và văn học cách mạng

Xuất thân trong gia đình ở một miền quê giàu truyền thống yêu nước, hiếu học và nhân văn, Phan Đăng Lưu sớm bộc lộ phẩm chất của một tài năng về sự nghiệp bút nghiên. Ngay từ thời tuổi trẻ học đường, đồng chí đã sáng tác thơ ca, câu đối đả phá những cảnh chướng tai gai mắt diễn ra trong xã hội đương thời, thông cảm với Nhân dân bị đọa đày, đau khổ.

Sự nghiệp cách mạng báo chí của Phan Đăng Lưu thật sự bắt đầu, sôi nổi và phong phú khi tham gia Đảng Tân Việt. Cuối năm 1927 đầu năm 1928, để tuyên truyền tư tưởng cách mạng, Đào Duy Anh và những người lãnh đạo Đảng Tân Việt ở Huế thành lập nhà sách Quan Hải Tùng Thư. Trên cương vị là Ủy viên Thường vụ Đảng Tân Việt phụ trách tuyên truyền, đồng chí Phan Đăng Lưu đã dịch và biên soạn nhiều tư liệu quý như: A.B.C Chủ nghĩa Mác, Dân chủ mới; dịch các cuốn Xã hội luận, Lịch sử các học thuyết kinh tế… Các cuốn sách và bài viết của đồng chí đã góp phần thức tỉnh nhiều nhà trí thức, thanh niên, học sinh và thấm dần vào các tầng lớp Nhân dân lao động.

Trong chốn lao tù, nhận thấy lính gác ngục là người Êđê, vừa không biết tiếng Kinh, vừa bị kích động hằn thù dân tộc, chia rẽ Kinh, Thượng, đồng chí đã kết hợp với một số anh em tù chính trị bí mật ra tờ “Doãn Đê tù báo”. Tờ báo được bí mật viết tay, lưu truyền trong nội bộ nhà tù, báo ra hàng tuần, đọc xong rồi hủy đi, vừa là công cụ giác ngộ lính Êđê, vừa là công cụ tuyên truyền của Đảng. Đồng thời, đồng chí còn viết nhiều bài báo tố cáo tội ác của nhà tù gửi ra bên ngoài.

Tháng 7/1937, đồng chí cùng nhiều nhà báo tiến bộ ở Huế triệu tập Hội nghị báo giới Trung Kỳ, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của các nhà báo dân chủ tiến bộ, hình thành được Mặt trận báo chí dân chủ Trung Kỳ, đánh bại bọn bồi bút phản động.

Nhận thức rõ báo chí, văn học là những công cụ đấu tranh sắc bén, đồng chí Phan Đăng Lưu vừa xây dựng, chỉ đạo các tờ báo: Sông Hương tục bản, Dân tiến, Dân muốn; vừa trực tiếp đào tạo, đoàn kết tập hợp lực lượng báo giới, đặc biệt là các trí thức trẻ. Bản thân đồng chí cũng là cây bút chủ lực viết các bài chính luận, tiểu phẩm văn học, bình luận văn học…

Sự nghiệp báo chí, văn học của đồng chí Phan Đăng Lưu có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, góp phần xây dựng nền móng của văn học cách mạng, khái quát những quan điểm khoa học và cách mạng về trí thức, về văn nghệ sĩ và nền văn học - nghệ thuật của những người cộng sản, mở đường cho nền văn học - nghệ thuật nước nhà phát triển.

Cuộc đời hoạt động cách mạng oanh liệt của đồng chí Phan Đăng Lưu tuy ngắn ngủi nhưng những đóng góp của đồng chí cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc rất quan trọng và to lớn. Nhắc đến Phan Đăng Lưu là nhắc đến người chiến sĩ cộng sản kiên cường, mẫu mực, có lòng yêu nước, thương dân sâu sắc, một nhà lãnh đạo cách mạng có tầm nhìn xa trông rộng, đầy mưu lược, khôn khéo, dũng cảm, kiên cường; một nhà báo, nhà văn, nhà lý luận tiên phong xuất sắc, tiêu biểu của Đảng và cách mạng nước ta. Những cống hiến to lớn và tấm gương cộng sản sáng ngời của đồng chí Phan Đăng Lưu được toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta và các thế hệ mai sau đời đời trân trọng, ghi nhớ, biết ơn sâu sắc.

Tài liệu tham khảo:

1. Đề cương tuyên truyền ngày 13/4/2022 của Ban Tuyên giáo Trung ương về việc tuyên truyền kỉ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Phan Đăng Lưu.

2. Phan Đăng Lưu - Tiểu sử, tác phẩm / Nguyễn Thành giới thiệu, sưu tầm và biên soạn. - Huế : Nxb. Thuận Hoá, 1998. - 457tr. ; 19cm

3. Những người cộng sản . - H.: Thanh niên, 1977. - 272tr.; 19cm (tr.153 -164)

Vũ Thị Hậu sưu tầm và biên soạn

Tin liên quan

Hội thảo: Xây dựng, củng cố, phát triển hệ thống thư viện, tủ sách góp phần xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh Hưng Yên(27/12/2024})

Tuyên truyền kỷ niệm 95 năm thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên của tỉnh (1929 - 2024) và 80 năm Thành lập An toàn khu Bãi Sậy (1944 - 2024)(27/12/2024})

Tổ chức Tuần Văn hóa, Thể thao, Du lịch Hưng Yên năm 2024(27/12/2024})

Hưng Yên đạt 4 giải tại Cuộc thi “Đại sứ Văn hóa đọc” toàn quốc(27/12/2024})

Tuyên truyền Kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Lý Tự Trọng - Người đoàn viên thanh niên Cộng sản đầu tiên (20/10/1914 - 20/10/2024)(27/12/2024})

Hưởng ứng Tuần lễ học tập suốt đời năm 2024(27/12/2024})

Trưng bày, giới thiệu sách báo tại Hội nghị Văn hóa tỉnh Hưng Yên năm 2024(27/12/2024})

Tổng kết và trao giải vòng sơ khảo Cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2024 tại tỉnh Hưng Yên(27/12/2024})

Liên hoan Giai điệu tuổi hồng và Thiếu nhi kể chuyện tỉnh Hưng Yên hè năm 2024(27/12/2024})

Tổ chức Chương trình "Hè vui đọc sách" năm 2024(27/12/2024})

Trường THCS Quang Hưng tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc năm 2024(27/12/2024})

Tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2024(27/12/2024})

Đồng chí Nguyễn Lương Bằng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc(27/12/2024})

Hội nghị nói chuyện chuyên đề "Văn hóa đọc cho thanh thiếu niên, học sinh trong thời đại công nghệ số"(27/12/2024})

Khai mạc Hội báo Xuân Giáp Thìn tỉnh Hưng Yên năm 2024(27/12/2024})

Trưng bày sách báo, tài liệu mừng Đảng, mừng Xuân Giáp Thìn 2024(27/12/2024})

Hội nghị Tập huấn, chuyển giao phần mềm VietBiblio tại huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên(27/12/2024})

Tổ chức chương trình “Em vui đọc sách”(27/12/2024})

Khai mạc Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2023(27/12/2024})

Tổ chức Hội nghị tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ thư viện(27/12/2024})

Tin mới

Thư mục toàn văn chuyên đề "Một số tướng lĩnh tiêu biểu người Hưng Yên"(26/12/2024)

Thư mục bài trích báo, tạp chí tuần 02 tháng 12 năm 2024(23/12/2024)

Thư mục bài trích báo, tạp chí tuần 3 tháng 12 năm 2024(23/12/2024)

Giới thiệu sách chuyên đề kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024)(20/12/2024)

Giới thiệu sách chuyên đề kỷ niệm 110 năm ngày sinh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (01/01/1914 - 01/01/2024)(16/12/2024)

Giới thiệu sách kỷ niệm 300 năm ngày sinh Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác(11/12/2024)

Hội thảo: Xây dựng, củng cố, phát triển hệ thống thư viện, tủ sách góp phần xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh Hưng Yên(10/12/2024)

Thư mục bài trích báo, tạp chí tuần 01 tháng 12 năm 2024(09/12/2024)

Thư mục bài trích báo, tạp chí tuần 5 tháng 11 năm 2024(02/12/2024)

Thư mục bài trích báo, tạp chí tuần 4 tháng 11 năm 2024(25/11/2024)

17 °C
Đánh giá của bạn về Trang thông tin điện tử Thư viện tỉnh Hưng Yên
5 người đã bình chọn
người đang online