Cần quan tâm hơn nữa đến việc hướng dẫn, hỗ trợ con trẻ đọc sách trong các gia đình
Đọc sách và tự học là con đường tất yếu mỗi người đều phải trải qua để phát triển trí tuệ, để tiếp thu kinh nghiệm và làm giàu thêm vốn tri thức của mình. Trong bất cứ hoàn cảnh nào việc đọc sách và tự học qua sách báo cũng giữ một vai trò quan trọng, góp phần hình thành nên con người có trí tuệ, có nhân cách, lối sống lành mạnh, có năng lực tiếp nhận, cập nhật tri thức, nâng cao kỹ năng làm việc không ngừng để có thể thích ứng với sự phát triển của xã hội hiện đại - xã hội dựa trên nền tảng của nền kinh tế tri thức. Ngay từ xa xưa, trong những nguyên lý dạy con, các gia đình nho học ở Việt Nam đã chú trọng việc dạy con đọc sách từ thưở ấu thơ:
“Dưỡng tử giáo độc thư
Thư trung hữu kim ngọc”.
Nghĩa là: Nuôi con phải biết dạy con đọc sách vì trong sách có vàng ngọc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là một minh chứng điển hình. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà nho, Bác Hồ đã được cha truyền dạy lòng trân trọng và ham mê đọc sách. Ngay từ thưở thiếu thời, Bác luôn ghi nhớ lời cha dạy bảo: “Học phải có sách” và “việc đọc sách là đáng quí lắm ...ngày nào chưa đọc được mười trang sách là ngày đó nhịn đói nhịn khát”. [1] Và lời dạy này của cha đã đi theo người trong suốt cuộc đời, kể từ khi còn là cậu bé cho đến khi là Chủ tịch nước. Và cũng chính từ đó, Bác Hồ của chúng ta đã có một sự hiểu biết rộng lớn khiến mọi người phải khâm phục.
Ai cũng thừa nhận vai trò của việc đọc với việc phát triển con người toàn diện. Tuy nhiên, sự quan tâm đối với việc đọc của con em thì không phải gia đình nào cũng quan tâm đúng mức. Để thực hiện được mục tiêu: “Xây dựng và phát triển thói quen, nhu cầu, kỹ năng và phong trào đọc (xuất bản phẩm in và điện tử) trong mọi tầng lớp nhân dân, nhất là trong thanh niên, thiếu niên, học sinh, sinh viên và chú trọng tới người dân ở vùng nông thôn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; cải thiện môi trường đọc; góp phần nâng cao dân trí, phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn, tăng cường ý thức chấp hành pháp luật, hình thành lối sống lành mạnh trong con người, xã hội Việt Nam, đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập” mà Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” đã xác định, việc phát triển văn hóa đọc trong các gia đình Việt Nam là một vấn đề đặt ra và cần được quan tâm đúng mức.
Thực hiện lời dạy của cha ông “Dạy con từ thưở còn thơ” đã được thể hiện qua tục ngữ, mỗi gia đình cần quan tâm đến việc hình thành thói quen và niềm yêu thích đọc ngay từ tuổi ấu thơ. Hướng dẫn, hỗ trợ con trẻ đọc tại nhà là một hoạt động cần được đẩy mạnh trong các gia đình Việt Nam. Văn hóa đọc trong gia đình sẽ là một thành tố quan trọng góp phần hình thành văn hóa đọc của một cộng đồng và văn hóa đọc của một dân tộc. Để hình thành thói quen và hứng thú đọc cho trẻ, các gia đình cần quan tâm hơn nữa đến việc hướng dẫn và hỗ trợ trẻ đọc sách. Có bảy nội dung các bậc phụ huynh cần quan tâm, cụ thể như sau:
Thứ nhất: Mỗi gia đình cần tạo không gian cho trẻ đọc sách.
Tùy theo điều kiện, các gia đình có thể bố trí hình thành, thư viện, tủ sách hoặc đơn giản là một góc đọc cho con. Không gian đó cần phải được bài trí thân thiện, thuận tiện cho trẻ đọc và sử dụng sách báo và thực hiện việc đọc.
Thứ hai: Lựa chọn những cuốn sách phù hợp với lứa tuổi và sở thích của con trẻ.
Việc lựa chọn sách và tài liệu đọc phù hợp với lứa tuổi và tâm sinh lý của trẻ có một ý nghĩa quan trọng. Không nên vì ý muốn chủ quan của mình mà bắt trẻ đọc những cuốn sách vượt quá khả năng cảm thụ của con trẻ. Lựa sách cho con cũng giống như lựa Thầy và lựa Bạn. Những người Thầy và người Bạn này chỉ phát huy được tác dụng khi được trẻ đón nhận một cách hào hứng.
Việc lựa chọn sách cho trẻ có thể được thực hiện bằng nhiều cách: Mua, mượn bạn bè, mượn từ thư viện. Các thư viện công cộng luôn sẵn sàng hỗ trợ các bậc phụ huynh trong việc cho mượn, cung cấp sách cho bạn đọc trong một khoảng thời gian theo quy định.
Thứ ba: Bố trí thời gian đọc cho con mỗi ngày.
Có sách báo tốt là điều kiện cần nhưng chưa đủ. Để hình thành thói quen đọc cho trẻ, cần tạo điều kiện cho con thực hiện việc đọc hằng ngày. Không nên bắt trẻ phải đi học thêm quá nhiều hoặc bắt trẻ phải phụ giúp gia đình hết thời gian ngoài giờ đi học. Mỗi ngày có thể dành từ 1 đến 2 giờ cho con đọc sách báo, tài liệu. Việc đọc có thể được thực hiện với các sách báo in truyền thống và sách báo điện tử.
Thứ tư: Hướng dẫn và hỗ trợ trẻ đọc sách.
Sự hướng dẫn, truyền cảm hứng về phương pháp đọc và tự học qua sách báo của cha mẹ luôn có một ý nghĩa quan trọng. Việc hướng dẫn và hỗ trợ trẻ đọc sách có thể được thực hiện bằng nhiều cách: Hằng ngày bố trí thời gian đọc sách hoặc kể chuyện cho con nghe, hướng dẫn kỹ năng chọn sách, phương pháp đọc phù hợp với lứa tuổi và đặc tính của từng đứa trẻ, dẫn trẻ đến thư viện... Không có một công thức chung nào để có thể dạy dỗ, thuyết phục, lôi cuốn trẻ ham đọc sách. Tùy theo lứa tuổi và khí chất của từng đứa trẻ mà các bậc phụ huynh lựa chọn cách hướng dẫn cho phù hợp. Với trẻ nhỏ từ 6 tháng đến 10 tuổi, việc đọc sách cùng con có một ý nghĩa hết sức quan trọng. Với trẻ từ 5 tuổi trở lên, có thể dạy trẻ phương pháp ghi nhớ và cách vận dụng các kiến thức, kỹ năng học được từ sách vào học tập và cuộc sống. Từ cuộc đời của những nhà khoa học, nhà văn, nhà nghiên cứu, những chính khách cho thấy: Việc đọc sách cùng con, sự hướng dẫn phương pháp đọc, sự truyền cảm hứng yêu đọc sách của cha mẹ và người thân tuổi ấu thơ sẽ có một tác động rất lớn đến việc hình thành kỹ năng, hứng thú và thói quen đọc của con trẻ, một yếu tố quan trọng giúp con người thành công trong cuộc sống.
Thứ năm: Ông bà, cha mẹ làm gương cho con cháu.
Tục ngữ Việt Nam có câu: Trẻ lên ba, cả nhà tập nói. Muốn con trẻ ham đọc, ông bà, cha mẹ phải làm gương. Một trong những cách để giúp trẻ ham đọc từ nhỏ đó là: Ông bà, bố mẹ phải là tấm gương về ham đọc sách để con noi theo. Nếu bố mẹ chỉ luôn dành thời gian cho điện thoại, ipad, trò chơi trên máy tính… thì khó có thể bảo trẻ phải đọc. Nếu ông bà, cha mẹ là những người ham đọc sách, đọc sách có phương pháp, hằng ngày dành thời gian đọc sách của mình và đọc cho cháu, cho con thì những lời dạy bảo, hướng dẫn mới thực sự có giá trị và hiệu quả.
Thứ sáu: Khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động tại thư viện.
Ngoài việc bố trí không gian đọc tại nhà, các bậc phụ huynh cũng cần quan tâm tạo điều kiện, khuyến khích cho trẻ sớm đến các thư viện cộng đồng, thư viện công cộng và thư viện trường học. Không chỉ đơn thuần cho trẻ làm thẻ đọc, mượn và thực hiện việc đọc sách báo, tài liệu liệu của thư viện, cần khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động do thư viện tổ chức: các buổi giới thiệu sách, các buổi hướng dẫn kỹ năng đọc và khai thác thông tin, các hoạt động thiếu nhi tuyên truyền giới thiệu sách, các hoạt động hè vui đọc sách, chia sẻ cảm tưởng, vẽ tranh theo sách, tham gia các cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc, cuộc thi gia đình đọc sách…
Thứ bảy: Khuyến khích và tạo điều kiện cho trẻ tham gia các hoạt động khuyến đọc vì cộng đồng.
Đây cũng là một nội dung các gia đình cần quan tâm. Vì một cộng đồng có thói quen đọc và điều kiện thuận lợi trong tiếp cận thông tin và tri thức, các bậc phụ huynh cũng cần tạo điều kiện cho trẻ tham gia các hoạt động thiện nguyện nhằm mục đích khuyến đọc. Có thể kể đến như: Hoạt động đóng góp sách cho thư viện, tham gia làm tình nguyện viên của thư viện, tham gia chia sẻ, truyền cảm hứng cho cộng đồng, bạn bè về việc đọc và phương pháp đọc hiệu quả…
Hình thành thói quen, kỹ năng, hứng thú đọc và tự học cho trẻ là một trong những yếu tố quan trọng, nền tảng để phát triển văn hóa đọc một cách bền vững. Mong rằng mỗi gia đình sẽ dành nhiều sự quan tâm và tạo điều kiện hơn nữa cho trẻ được đọc và phát triển kỹ năng đọc. Đó là một trong những yếu tố giúp cho con trẻ có thể tự tin, tự cường trong cuộc sống và hình thành người có khả năng tự học suốt đời trong tương lai.
Tuệ Lâm
1 Sơn Tùng. Búp sen xanh.- H.: Kim Đồng, 1982
Nguồn Cổng TTĐTBVHTTDL