Nghi thức tang lễ của người An Nam : Nghiên cứu dân tộc học về mặt tôn giáo
Nghi thức tang lễ của người An Nam : Nghiên cứu dân tộc học về mặt tôn giáo / Gustave Dumoutier ; Vũ Lưu Xuân dịch. - H. : Nxb. Hà Nội, 2020. - 448tr. ; 24cm
Tác giả: Gustave Dumoutier
Nhà xuất bản: Hà Nội
Khổ sách, số trang: 16x24cm, 448 trang
Số ĐKCB: PM.022343, VV.005223, TC.005031
Theo quan niệm của người Việt Nam, nghi thức tang lễ có tầm quan trọng lớn lao, biểu hiện sự tôn trọng của người sống dành cho người chết và ý niệm của người sống về sự an nghỉ của người vừa qua đời. Với tư duy khoa học và thói quen quan sát ghi chép của người phương Tây, Gustave Dumoutier và các cộng sự đã không bỏ lỡ cơ hội khi được tận mắt quan sát những nghi thức khác nhau của nghi lễ tang ma tại Bắc Kỳ. Chính vì lẽ đó, cuốn sách “Nghi thức tang lễ của người An Nam” đã ra đời, Nhà xuất bản Hà Nội tái bản năm 2020, trên khổ sách 16x24cm.
Tác giả Gustave Dumoutier sinh năm 1850 tại Pháp, là nhà nghiên cứu nhân học, dân tộc học và khoa học tôn giáo. Ông đến Hà Nội năm 1886 theo nhiệm vụ và đã say mê nghiên cứu khảo cổ học, dân tộc học, tôn giáo, văn hóa, lịch sử Việt Nam và để lại nhiều công trình có giá trị. Ông qua đời tháng 8 năm 1904 tại Việt Nam.
Cuốn sách về cơ bản được chia là 4 nội dung chính:
Phần mở đầu là nghi thức dành cho tang lễ, bắt đầu từ lúc hấp hối với nhiều thủ tục mà đến khi đọc tôi mới biết, có thể do đến thời điểm hiện tại, bước này đã được giản tiện hơn nhiều. Các bài kinh, bài kệ, các thủ tục được miêu tả và chép lại rất chi tiết. Sau thủ tục dành cho người hấp hối là các thủ tục dành cho đám tang, bao gồm tắm rửa cho tử thi, khâm niệm, các bùa chú, tang phục của gia quyến, nghi lễ cúng cơm, đọc kinh, chôn cất… tất cả đều được viết với sự quan sát và hiểu biết đáng kinh ngạc.
Ở phần này có một phần giải thích khá thú vị về việc đãi cỗ trong đám ma, nghi thức mà từ khi lớn lên cho đến trước khi đọc cuốn sách này, tôi đều cảm thấy thật không thể giải thích được (dù thực lòng chưa khi nào cố công tra cứu, tìm hiểu thật sâu).
Ở phần hai: Linh hồn sau khi mất, tác giả đi sâu vào mặt tâm linh, tức là viết, ghi chép và tra cứu các tài liệu có liên quan đến quan niệm của người An Nam về phần hồn với sự pha trộn các tôn giáo và tín ngưỡng.
Trong phần này có cả những giai thoại liên quan đến các nhân vật lịch sử của An Nam như việc phát tích của nhà Trần, nhà Đinh, sự phát triển của khoa địa lý phong thủy - lĩnh vực ẩn chứa đầy sự huyền diệu của đất trời.
Phần viết về linh hồn về cơ bản là sự tìm tòi, sưu tầm các tài liệu về các tầng địa ngục, các hình phạt tương ứng với lỗi lầm mà khi còn sống, người ta đã phạm phải mà người An Nam tin, sợ và tuân theo.
Ở phần cuối cùng: Các linh hồn bị phán xét thế nào. Tác giả đã trình bày rất nhiều các tranh vẽ và tài liệu được sưu tầm cùng một lượng lớn các từ tiếng Phạn được giải nghĩa, cung cấp lượng kiến thức tương đối rộng cho những người quan tâm, nghiên cứu.
Sách hiện có tại Thư viện tỉnh Hưng Yên, trân trọng giới thiệu tới độc giả!.