Giới thiệu bộ sách "Thành lập và thay đổi địa danh, địa giới đơn vị hành chính trong lịch sử Việt Nam"
Thay đổi địa giới hành chính là quá trình điều chỉnh, sắp xếp, sửa đổi và cải cách các đơn vị hành chính trên toàn bộ lãnh thổ hoặc tại một khu vực nào đó của một quốc gia. Sự phát triển của quốc gia là một tiến trình liên tục, không ngừng nghỉ, đòi hỏi bộ máy hành chính ở các cấp độ khác nhau cũng phải được điều chỉnh, sắp xếp kịp thời, tương ứng với sự phát triển đó để thích hợp với thực tế lịch sử - xã hội mới. Do đó, thay đổi địa danh, địa giới hành chính được coi là một biện pháp cần thiết để cải thiện hoạt động quản lý tại các địa phương. Mục tiêu của thay đổi địa giới hành chính là tạo ra sự linh hoạt trong việc phân bổ quyền lực và trách nhiệm, giúp cải thiện hiệu quả công tác quản lý địa phương và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia. Những thay đổi này thường hướng tới mục tiêu thu hẹp khoảng cách về mặt kinh tế giữa các khu vực, tạo điều kiện thuận lợi cho việc cải tạo, phát triển kết cấu hạ tầng và phát triển kinh tế ở các vùng, miền khó khăn.
Việc thay đổi, sắp xếp địa danh, địa giới hành chính ở nước ta đã được tiến hành qua tất cả các thời kỳ, chế độ trong lịch sử phát triển quốc gia - dân tộc. Có những địa danh đã tồn tại từ rất lâu đời, phản ánh được giá trị lịch sử từ hàng trăm năm, thậm chí hàng nghìn năm phát triển của địa phương, từ đó cũng góp phần phản ánh lịch sử của cả đất nước. Nhằm đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu của bạn đọc về địa danh, địa giới hành chính Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật xuất bản bộ sách “Thành lập và thay đổi địa danh, địa giới đơn vị hành chính trong lịch sử Việt Nam” do nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Ân biên soạn với dung lượng gần 2000 trang, gồm 2 tập:
Tập 1: Từ thời Hùng Vương đến tháng 4/1975: Trình bày quá trình thành lập và thay đổi địa danh, địa giới đơn vị hành chính trong lịch sử Việt Nam từ thời các Vua Hùng dựng nước đến tháng 4/1975 khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất. Ở tập này, nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Ân đã dày công tìm tòi, nghiên cứu và tổng hợp từ nhiều nguồn tài liệu cổ về lịch sử, địa lý trải suốt chiều dài hàng nghìn năm như Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu, Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên và các sử thần triều Lê, Dư địa chí của Nguyễn Trãi, Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn, Khâm định Việt sử thông giám cương mục của Quốc sử quán triều Nguyễn, Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú… để trình bày về sự thành lập và những thay đổi về địa danh, địa giới đơn vị hành chính các cấp dưới các triều đại phong kiến như: châu, quận, đạo, lộ, phủ, thừa tuyên, dinh, tỉnh, huyện, giáp, hương, trấn, tổng, lý, xã… Những sự thay đổi này được tác giả trình bày chi tiết, rõ ràng thông qua các bảng tổng hợp, sự phân tích, đối chiếu tư liệu rất công phu. Qua đó giúp bạn đọc có được cái nhìn tổng quan, thông tin cơ bản nhất về mỗi vùng đất với tên khởi thủy là gì, địa giới như thế nào, giáp với những địa phương nào và đã qua bao nhiều lần thay đổi tên gọi, quá trình tách, nhập và thay đổi ra sao…
Tập 2: Từ tháng 5/1975 đến tháng 12/2024: Tổng hợp nguồn tư liệu khổng lồ là những văn bản pháp luật gồm các nghị quyết, nghị định, thông tư… của Chính phủ, Quốc hội thể hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về sự thành lập, thay đổi địa danh, địa giới đơn vị hành chính trên cả nước từ sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất, tiến hành công cuộc đổi mới đất nước và được cập nhật đầy đủ, kịp thời đến thời điểm tháng 12/2024. Những tư liệu này được sắp xếp, hệ thống hóa một cách khoa học theo trình tự thời gian, giúp các nhà nghiên cứu, hoạch định chính sách và bạn đọc có được một hệ thống thông tin xuyên suốt theo tiến trình lịch sử về sự thay đổi địa danh, địa giới các đơn vị hành chính trên toàn quốc.
Bộ sách là một công trình khoa học được khảo cứu, biên soạn công phu từ nhiều nguồn tư liệu khác nhau trong gần 30 năm của tác giả; là công trình biên niên lịch sử trình bày sự phân chia các khu vực hành chính trên lãnh thổ nước Việt Nam và những thay đổi địa danh, địa giới hành chính qua các thời kỳ lịch sử từ thời Hùng Vương dựng nước đến nay.
Bộ sách cung cấp những thông tin, kiến thức về tên gọi, lịch sử hình thành, phát triển, thay đổi, chia tách, sáp nhập của các đơn vị hành chính Việt Nam từ quá khứ đến hiện tại; là công cụ tra cứu có giá trị, hữu ích, thuận tiện đối với các cơ quan, viện nghiên cứu, các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực quản lý địa giới hành chính, các nhà hoạch định chính sách, nhà nghiên cứu về địa danh học, đặc biệt đối với việc nghiên cứu, biên soạn địa chí và lịch sử quốc gia, địa phương.
Thư viện tỉnh Hưng Yên trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!
Đinh Thị Nhung