Hành trình nhân loại : Nguồn gốc của sự thịnh vượng và bất bình đẳng
Hành trình nhân loại : Nguồn gốc của sự thịnh vượng và bất bình đẳng / Oded Galor ; Trần Thị Kim Chi, Đỗ Ngọc Quỳnh Chi dịch ; Vũ Thành Tự Anh hiệu đính. - H. : Dân trí, 2022. - 300tr. ; 24cm
Tác giả: Oded Galor
Nhà xuất bản: Dân trí
Khổ sách, số trang: 16x24cm ; 284 trang
Số ĐKCB: PM.054430, PM.054431, VV.004900
“Hành trình nhân loại: Nguồn gốc của thịnh vượng và bất bình đẳng” được viết bởi Oded Galor - một trong những nhà kinh tế có ảnh hưởng nhất trong lĩnh vực tăng trưởng và phát triển. Ông được đánh giá là một ứng cử viên danh giá cho giải Nobel Kinh tế và là một trong những bộ óc xuất chúng của thế kỷ 21. Cuốn sách được nhà xuất bản Dân trí ấn hành năm 2022, với khổ 24cm, dày 300 trang.
Tác phẩm đã cung cấp một lời giải thích hấp dẫn và tiết lộ những dòng chảy sâu sắc nhất đã hình thành lịch sử nhân loại, cũng như mấu chốt để cải thiện giống loài chúng ta. Bố cục cuốn sách gồm hai phần:
1. Phần I: Hành trình nhân loại. Bắt đầu với sự tiến hóa của loài người và sự di chuyển ra khỏi châu Phi, sự xuất hiện của nền nông nghiệp định cư ở nhiều nơi trên thế giới, sự khởi đầu chậm chạp của tiến bộ công nghệ, cuối cùng là khởi động cuộc cách mạng công nghiệp và đạt đến đỉnh điểm là tăng trưởng kinh tế hiện đại. Theo quan điểm của ông, một khi thời kỳ đồ đá mới (tức cách mạng nông nghiệp) bắt đầu, các bánh xe đã bắt đầu truyền động năng cho cách mạng công nghiệp và sự bùng nổ của tiến bộ công nghệ sau đó. Chiến tranh, bệnh dịch,…ảnh hưởng đến tốc độ dịch chuyển và thời điểm bùng nổ, chứ không phải là những vấn đề mấu chốt. Trọng tâm trong quan điểm của ông về thế giới không chỉ là tiến bộ công nghệ mà còn là động lực của mối quan hệ đan xen giữa tiến bộ công nghệ, giáo dục và tỷ lệ sinh - tất cả đều ảnh hưởng lẫn nhau theo những cách phi tuyến tính.
2. Phần thứ hai: Nguồn gốc của thịnh vượng và bất bình đẳng. Chúng ta quay ngược lại điểm xuất phát của Homo Sapiens ở Châu Phi. Nếu đã cho rằng loài người, với sự tiến hóa ban đầu của bộ não và sự ưu đãi của tự nhiên, chắc chắn sẽ đi trên con đường dẫn đến cuộc cách mạng công nghiệp và tỉ lệ sinh sản giảm, thì tại sao tiến trình đó lại bắt đầu ở châu Âu và Vương quốc Anh? Tại sao châu Âu và các khu vực liên quan lại đi trước phần còn lại của thế giới một cách đột ngột như vậy?
Ở đây, trong mỗi chương, ông đi ngược thời gian ngày càng xa hơn, bắt đầu từ quá trình thuộc địa hóa và ảnh hưởng khác nhau đối với các thể chế chính trị được cho là do sự khác biệt về địa lý. Quay trở lại xa hơn, ông cũng xem xét sự xuất hiện của các nền văn hóa thích nghi tốt hơn với cách mạng công nghiệp so với các nền văn hóa khác. Cuối cùng, ông lập luận rằng sự đa dạng di truyền không kiểu hình (không thể quan sát được) trong quần thể dẫn đến sự đánh đổi giữa niềm tin và sự đổi mới. Sự đa dạng di truyền này đánh dấu những ngả rẽ của con người từ Châu Phi (như đã được các nhà di truyền học ghi nhận).
Đây là cuốn sách với góc nhìn mới về hành trình phát triển của nhân loại mà bất kì độc giả phổ thông, những nhà nghiên cứu, những nhà hoạch định chính sách yêu thích, quan tâm đến lịch sử phát triển nhân loại, kinh tế phát triển, khoa học chính trị... đều nên đọc.
Thư viện tỉnh Hưng Yên trân trọng giới thiệu!