Donald Trump mời Thủ tướng Việt Nam đến Mỹ báo hiệu chính sách của Washington ở Đông Á
Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump đón Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đến thăm chính thức góp phần khẳng định cam kết của Washington ở Đông Á.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng. Ảnh: AFP |
"Chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Việt Nam diễn ra sớm, tính từ khi Tổng thống Trump nắm chính quyền. Đó là dấu hiệu tích cực", ông Greg Poling, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS), Mỹ, đánh giá khi trao đổi với VnExpress.
Ông Poling lưu ý, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hiện là một trong một số lãnh đạo Đông Nam Á Tổng thống Mỹ đã gửi lời mời đến thăm. Điều đó cho thấy khu vực này không hoàn toàn bị chính quyền mới coi nhẹ như nhiều nhà phân tích đã lo ngại trước đó.
Trong số lãnh đạo 10 nước ASEAN, Tổng thống Mỹ đã gửi lời mời đến thăm tới Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha.
Cũng đồng tình với nhận định của chuyên gia CSIS, Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS), Singapore, nêu lên một loạt dấu hiệu cho thấy Washington thể hiện chính sách hợp tác ở châu Á.
Thực tế thời gian qua chứng minh chính quyền của ông Trump sớm thể hiện cam kết đối với khu vực này mạnh mẽ hơn nhiều so với các chính quyền tiền nhiệm. Chưa có chính quyền nào trước đây của Mỹ mà chỉ trong vòng 4 tháng đã cử phó tổng thống, ngoại trưởng, bộ trưởng quốc phòng tới thăm các nước Đông Á ngay như vậy, theo ông Hiệp.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cũng đã tổ chức hội nghị với các ngoại trưởng ASEAN tại Mỹ ngay sau mấy tháng nhậm chức, là "một điều chưa từng có". Chính quyền Trump cam kết dự Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) ngay từ đầu năm, cũng sớm hơn thông lệ của các chính quyền trước. Những động thái trên cho thấy Tổng thống Mỹ cơ bản giữ cam kết can dự với khu vực, và họ muốn xóa tan sự quan ngại của các nước đối với khả năng Mỹ lơ là Đông Á.
"Việc Thủ tướng Việt Nam là một trong những lãnh đạo đầu tiên trên thế giới đến thăm Mỹ, dưới nhiệm kỳ của ông Trump cũng là một minh chứng khác cho thực tế đó", Tiến sĩ Hiệp nhấn mạnh.
Nhắc đến vai trò Chủ tịch APEC năm nay của Việt Nam, chuyên gia của ISEAS khẳng định đây là một thuận lợi của Hà Nội trong việc thúc đẩy hợp tác với Washington. Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn được coi là đối tác có tầm quan trọng về chiến lược và kinh tế của Mỹ, vì thế Washington cởi mở và sẵn sàng hơn.
Cũng cho rằng Chủ tịch APEC có vai trò quan trọng, Giáo sư Nick Bisley, Đại học La Trobe, Australia, cho biết Việt Nam có thể chủ động đưa ra các vấn đề bàn thảo với Mỹ. Hơn thế, ông Bisley còn nêu thêm các lợi thế khác của Việt Nam trong mối quan hệ với Mỹ trong bối cảnh khu vực.
"Quan hệ Việt - Mỹ liên tục được cải thiện trong vài năm gần đây khi lợi ích của hai nước trở nên gần gũi. Vai trò an ninh của Mỹ trong khu vực là vấn đề quan trọng với tương lai của Washington. Là một quốc gia muốn có vị trí quan trọng trong tương lai của Đông Nam Á, Mỹ nhìn nhận Việt Nam là một đối tác chủ chốt trong chiến lược khu vực rộng lớn", ông Bisley nói.
Tỏ ra thận trọng khi dự đoán về nội dung trao đổi giữa Thủ tướng Việt Nam và Tổng thống trong cuộc hội đàm cuối tháng này, chuyên gia Poling của CSIS lưu ý nhóm của ông Trump đang quan tâm đến Triều Tiên và hợp tác kinh tế với Trung Quốc. Nhà Trắng chưa nhắc nhiều đến tranh chấp Biển Đông và chiến lược kinh tế sẽ được bản thảo, sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).
"Hiện chưa có dấu hiệu nào cho thấy hai nội dung trên sẽ là trọng tâm trong cuộc trao đổi giữa ông Trump và ông Phúc. Tuy nhiên hy vọng rằng nó sẽ thay đổi", ông Poling nói.