Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị định Chính phủ về hoạt động thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng
Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy tham dự và chủ trì Hội nghị.
Hội nghị có sự tham dự của 120 đại biểu gồm đại diện Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục thanh thiếu niên, nhi đồng Quốc hội, các Bộ, ngành liên quan, đại diện các Sở VHTTDL, Sở VHTT các tỉnh/thành, lãnh đạo thư viện các tỉnh/thành, đại diện các thư viện tư nhân, thư viện cơ sở tiêu biểu….
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nhận định, Hội nghị nhằm đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Nghị định 02/2009/NĐ-CP ngày 6//1/2009 của Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động của thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng. Thứ trưởng cho rằng, thông qua Hội nghị, BTC sẽ thu thập thêm được thông tin, dữ liệu về thực trạng hoạt điộng thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng và thư viện cơ sở trên toàn quốc, từ đó nhận dạng những khó khăn, thuận lợi và đề ra các giải pháp nâng cao hoạt động của thư viện tư nhân, thư viện cơ sở trong việc học và tự học của người dân, góp phần phát triển văn hóa đọc ở địa phương.
Báo cáo tại Hội nghị, bà Vũ Dương Thúy Ngà- Vụ trưởng Vụ Thư viện cho biết, theo số liệu báo cáo của địa phương, hiện trên cả nước có 102 thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng. Trong đó 71 thư viện tư nhân hoạt động như thư viện công cộng, 13 thư viện chuyên ngành, 18 thư viện tư nhân với hình thức của các thư viện gia đình, dòng họ. Tổng số tài liệu trong các thư viện là 519.150 bản, số người sử dụng thường xuyên tại thư viện tư nhân lên đến 536.284 bạn đọc (trung bình 6.094 bạn đọc/thư viện/năm). Hàng năm, thư viện tư nhân nhận luân chuyển sách báo từ thư viện công cộng là 26.606 bản (trung bình 2608 bản/thư viện).
Thư viện tư nhân phục vụ cộng đồng đã trở thành một thiết chế văn hóa quen thuộc với người dân tại nhiều địa phương, góp phần không nhỏ vào việc triển khai thành công Chương trình xây dựng nông thông mới, xóa đói giảm nghèo. Tại một số thư viện tư nhân và thư viện cơ sở, các thư viện không chỉ đơn thuần phục vụ đọc sách báo mà còn trang bị cho người đọc, đặc biệt là các em nhỏ kỹ năng sống, ý thức bảo vệ môi trương, tuân thủ pháp luật, hình thành lối sống lành mạnh, thân ái, biết yêu thương chia sẻ…
Tuy nhiên, Hội nghị cũng chỉ ra những khó khăn của việc duy trì, phát triển hệ thống thư viên tư nhân như chưa được đầu tư nên chưa tạo sức hấp dẫn thực sự, chưa có sự quan tâm của chính quyền các cấp ở địa phương, hoạt động chưa ổn định…
Các tham luận tại Hội nghị cũng đã nêu những điển hình trong hoạt động thư viện tư nhân ở địa phương, đề xuất những giải pháp nhằm phát triển hơn nữa hệ thống thư viện ở cơ sở, hệ thống thư viện tư nhân…
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy khẳng định, Đảng, Nhà nước luôn đã và đang dành sự quan tâm đối với thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng. Không dừng lại ở cá quy định trong Nghị định 02/2009/NĐ-CP ngày 6/1/2009 của Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động của thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng, trong thời gian qua, nhiều văn bản có liên quan đến thư viện tư nhân, thư viện cơ sở của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin truyền thông, Bộ VHTTDL đã được ban hành… Đặc biệt, Thông tư số 13/2016/TT-BVHTTDL Quy định Quy chế mẫu hoạt động của thư viện cấp tỉnh, huyện, xã…
Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy đánh giá cao các tham luận tại Hội nghị đồng thời khẳng định, Bộ VHTTDL đã có chủ trương khuyến khích các thư viện công cộng chia sẻ nguồn lực với thư viện khác trong đó có thư viện tư nhân, đó là việc luân chuyển sách báo được tiến hành định kỳ hằng năm để đảm bảo nguồn sách mới cho thư viện. Đây cũng là một trong những giải pháp gỡ khó cho hệ thống thư viện tư nhân.
Thứ trưởng mong muốn hệ thống các thư viện tư nhân sẽ tiếp tục phát triển, phục vụ tốt hơn nữa cộng đồng. Những ý kiến xây dựng tại Hội nghị sẽ được tổng hợp để góp ý hoàn thiện các quy định liên quan đến thư viện tư nhân, thư viện cơ sở trong Dự thảo Luật Thư viện và các nội dung quy định về vấn đề này trong Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Thư viện sắp tới./.