Sống mãi những tác phẩm của PGS.TS Phạm Tú Châu
Suốt cuộc đời làm việc và lao động nghiêm túc, PGS.TS Phạm Tú Châu bằng những tâm huyết và nỗ lực đã trở thành đại diện tiêu biểu của những người làm học thuật, một “sứ giả” trong việc kết nối bạn đọc Việt Nam với nền văn học thế giới.
Một vị “sứ giả” đầy tâm huyết
PGS.TS Phạm Tú Châu (Nguồn: antg.cand.com.vn)
PGS.TS Phạm Tú Châu (1935-2017) là một nhà nghiên cứu, dịch giả thân thuộc với các thế hệ bạn đọc Việt Nam. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống nho học và văn chương, từ nhỏ, PGS.TS Phạm Tú Châu đã được tiếp xúc với thế giới văn học bằng một tình yêu và niềm đam mê đặc biệt với sách. Tình yêu đó được nuôi dưỡng và nhen nhóm từng ngày cho đến tận khi bà trút hơi thở cuối cùng.
Bà có rất nhiều công trình nghiên cứu về văn học Việt Nam cũng như văn học Trung Quốc. Bà đã dành rất nhiều tâm huyết để nghiên cứu chuyên sâu văn học thời Lý – Trần, làm luận án và viết sách về Hoàng Lê nhất thống chí, viết các chuyên đề về văn học Việt Nam cổ trung đại trong mối giao lưu với văn hóa Trung Quốc. Những nghiên cứu của PGS.TS Phạm Tú Châu có giá trị rất lớn, thể hiện quá trình làm việc nghiêm túc và đầy tâm huyết.
Độc giả Việt Nam biết về bà nhiều hơn với vai trò một dịch giả. Các tác phẩm dịch tiêu biểu đáng chú ý của bà: Thơ văn Lý Trần;Truyện truyền kỳ Việt Nam; Tuyết Sơn Phi Hồ; Gót sen ba tấc; Triết học nhân sinh của tôi... (dịch riêng). Ngoài ra, bà còn có nhiều công trình nghiên cứu về văn học cổ Việt Nam và một số truyện ngắn tự sáng tác. Trong đó, bản dịch “Gót sen ba tấc” đã được tặng thưởng của Hội nhà văn Việt Nam.
Trong cuốn “Tự sự giữa đôi dòng – Tuyển tập tác phẩm Phạm Tú Châu”, Vụ trưởng Vụ Thư viện Vũ Dương Thúy Ngà đã viết: “Theo thời gian, cùng với việc đọc và suy ngẫm các tác phẩm văn học dịch hay sáng tác, nghiên cứu của Phạm Tú Châu, người đọc sẽ cảm nhận những thông điệp, triết lý sống giản dị và sâu sắc trong hành trình làm người thật hạnh phúc nhưng cũng nhiều cay đắng, truân chuyên. Bản thân cuộc đời bà cũng tự viết nên một bài ca thầm lặng về tình mẫu tử, đức hy sinh, về nghị lực sống và khát vọng không ngừng vươn tới chân thiện mỹ”.
Tủ sách của PGS.TS Phạm Tú Châu.
Bà đã để lại một khối lượng tác phẩm dịch, nghiên cứu và sáng tác đồ sộ. Bằng sự uyên bác, tận tụy trong nghiên cứu và dịch thuật bà đã giúp cho người đọc có thể tiếp cận với các tác phẩm văn học cổ và cận đại của Việt Nam cũng như các tác phẩm văn học, nghiên cứu văn học Trung Quốc, Đài Loan… Đến tận hơi thở cuối cùng, bà vẫn luôn đau đáu nỗi niềm với sách, vẫn tiếp tục nghiên cứu, tiếp tục dịch thuật và cần mẫn hàng ngày, hàng giờ để đưa bạn đọc Việt Nam đến gần với văn học thế giới.
Sống mãi những tác phẩm của PGS.TS Phạm Tú Châu
Để những tác phẩm của PGS.TS Phạm Tú Châu sống mãi với thời gian, theo lời đề nghị của Vụ trưởng Vụ Thư viện Vũ Dương Thúy Ngà, ngày 12/6, gia đình PGS.TS Phạm Tú Châu đã tặng toàn bộ tủ sách của bà cho Thư viện tỉnh Nam Định – quê hương dịch giả. Tủ sách bao gồm trên 1.000 cuốn, trong đó có cả sách, tài liệu tiếng việt và tiếng Trung, sách Hán Nôm, các công trình nghiên cứu, luận án tiến sĩ,…Vì vậy, đây có thể coi là một di sản vô cùng quý báu mà PGS.TS Phạm Tú Châu đã để lại.
Anh Hoàng Đình Mạnh - con trai PGS.TS Phạm Tú Châu trao tặng sách cho đại diện Thư viện tỉnh Nam Định
Con trai bà – anh Hoàng Đình Mạnh luôn trân quý các tác phẩm, các tài liệu mà PGS.TS Phạm Tú Châu đã để lại. Anh bày tỏ sự vui mừng và phấn khởi khi những tác phẩm của mẹ anh – dịch giả Phạm Tú Châu sẽ không còn là những cuốn “sách chết”, để những cuốn sách sống mãi với thời gian và có thể đóng góp cho sự phát triển xã hội.
Bà Lê Thị Sáu - Phó Giám đốc Thư viện tỉnh Nam Định chia sẻ: “Thư viện tỉnh Nam Định rất vui mừng khi được gia đình PGS.TS Phạm Tú Châu trao tặng tủ sách của bà. Với những tâm huyết nghề nghiệp, những thành quả lao động cả cuộc đời của PGS.TS Phạm Tú Châu, chúng tôi nguyện sẽ lưu giữ và đưa những cuốn sách, công trình nghiên cứu của bà đến gần hơn với bạn đọc”.
Việc trao tặng sách của dịch giả Phạm Tú Châu là một việc làm rất ý nghĩa, để các tài liệu, sách của bà sống mãi với các thế hệ bạn đọc và phục vụ cho việc nghiên cứu, học tập. Qua đó, hình ảnh của PGS.TS Phạm Tú Châu sẽ được lưu giữ mãi với các thế hệ bạn đọc, không chỉ với vai trò là một nhà nghiên cứu, dịch giả tài năng mà còn là một người con ưu tú của mảnh đất Nam Định.
Hằng Đinh