Thư mục bài trích báo, tạp chí Tuần 01 tháng 5 năm 2024
CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI
01. Sông Thao. Hội Người cao tuổi huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên: Xây dựng gia đình văn hoá để giáo dục nhân cách//Người cao tuổi. - 2024. - Ngày 25 tháng 4. - Tr.5.
Nhiều năm qua, Hội Người cao tuổi huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên luôn khích lệ, phát huy vai trò hội viên xây dựng gia đình văn hoá, gia đình kiểu mẫu, góp phần cùng cấp uỷ đảng, chính quyền thực hiện tốt cuộc vận động “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” và phong trào “ông bà, cha mẹ mẫu mực, con trung hiếu, cháu thảo hiền”. Nhiều người cao tuổi còn sức khoẻ vẫn hăng hái tham gia lao động sản xuất, tham gia các câu lạc bộ văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bản thân, gia đình; vận động con cháu, gia đình chấp hành tốt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước…Kết quả, toàn huyện hiện có 13 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu…
ĐC.258
02. Hà Thủy. Nhiều biện pháp tiến tới BHXH toàn dân//Bảo hiểm xã hội . - 2024. Tháng 4. - Tr.44-45.
Với mục tiêu nhiều người dân được hưởng thụ chính sách an sinh, đảm bảo mục tiêu BHXH toàn dân, bên cạnh việc mở rộng BHXH bắt buộc, thời gian qua, BHXH tỉnh Hưng Yên đã xây dựng, triển khai nhiều giải pháp phát triển BHXH tự nguyện. Năm 2024, BHXH tỉnh phối hợp với tổ chức chính trị, xã hội, các đơn vị có liên quan đổi mới nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền phù hợp với đặc điểm, tính chất đặc thù của từng nhóm đối tượng, bảo đảm người dân có thể tiếp cận tốt nhất mọi thông tin về chính sách BHXH, BHYT, phấn đấu đạt 28.215 người tham gia BHXH tự nguyện.
ĐC.265
KINH TẾ
03. Việt Dũng. Hưng Yên: Hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP theo hướng liên kết chuỗi//Nông thôn mới. - 2024. Số 647 (tháng 4). - Tr.80-81.
Hiện nay, tỉnh Hưng Yên có 252 sản phẩm OCOP đã được đánh giá, xếp hạng đạt 3 sao, 4 sao. Chương trình OCOP đã tác động tích cực đến việc phát triển các mô hình sản xuất mới có hiệu quả, phát triển các sản phẩm truyền thống theo hướng chuyên sâu. Toàn tỉnh có hàng chục sản phẩm OCOP đã khai thác hiệu quả vùng nguyên liệu địa phương, gắn với chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận như: Nhãn lồng Hưng Yên; nghệ Chí Tân Khoái Châu; chuối tiêu hồng Khoái Châu; vải lai chín sớm Phù Cừ; mật ong hoa nhãn Hưng Yên; vải trứng Hưng Yên; long nhãn Hưng Yên; cam Hưng Yên; sen Hưng Yên…Từ đó, hình thành các vùng sản xuất nông sản sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chuỗi giá trị. Chương trình OCOP đã thúc đẩy hình thành 180 mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hoạt động hiệu quả. Các sản phẩm OCOP được liên kết theo chuỗi giá trị đã giúp các chủ thể tăng quy mô sản xuất và doanh thu. Năm 2024, tỉnh Hưng Yên phấn đấu có từ 22 - 30 sản phẩm được công nhận đạt 3 sao trở lên; có trên 90% sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên được đưa lên sàn thương mại điện tử.
ĐC.4
04. Nguyễn Hải Tiến. Loại dược liệu củ như khoai lang//Nông nghiệp Việt Nam. - 2024. - Ngày 23 tháng 4. - Tr.10.
Ông Trần Văn Mý, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Cây ăn quả đặc sản và Nuôi trồng thuỷ sản Quyết Thắng (thành phố Hưng Yên) cho biết, sau 7 năm thành lập và đi vào hoạt động, HTX đã có 17 thành viên tham gia, nuôi trồng được 60 lồng cá trên sông, 40ha nhãn đặc sản và gần 7ha cây dược liệu địa hoàng. Cây địa hoàng trồng 6 tháng sẽ cho thu hoạch, trừ chi phí, nông dân lãi khoảng 250 triệu đồng/ha. Niên vụ 2022 - 2023 HTX trồng được 2ha cây địa hoàng, cho sản lượng 45 tấn củ, doanh thu trên 800 triệu đồng, lợi nhuận 500 triệu đồng. Trong vụ sản xuất 2023 - 2024, HTX nâng tổng diện tích trồng địa hoàng lên gần 7ha, sản lượng dự tính đạt 180 tấn củ, trị giá trên 3 tỷ đồng, trừ mọi chi phí đầu tư, ước lãi gần 1,85 tỷ đồng.
ĐC.424.47
05. Phạm Hà. Hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở huyện Khoái Châu//Nhân dân. - 2024. - Ngày 24 tháng 4. - Tr.4B.
Những năm qua, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên đã tích cực hỗ trợ nông dân đưa các loại cây có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất đã góp phần gia tăng giá trị canh tác, từng bước cải thiện, nâng cao thu nhập cho nông dân, tạo động lực thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững. Qua tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn, các hộ nông dân đã nắm bắt được chủ trương, quy định về trình tự, thủ tục về chuyển đổi cơ cấu cây trồng; thực hiện tốt việc lựa chọn cây trồng phù hợp với trình độ thâm canh, điều kiện thổ nhưỡng của từng địa phương...bằng hình thức chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây hằng năm, cây lâu năm và nuôi trồng thủy sản cho giá trị kinh tế cao. Do vậy, diện tích trồng cây ăn quả của huyện hằng năm tăng nhanh; đến nay đạt hơn 3.900 ha, tăng khoảng 1.000 ha so với năm 2015. Sản xuất nông nghiệp từng bước phát triển mạnh theo hướng hàng hóa, tập trung quy mô lớn, gắn với nhu cầu của thị trường…
ĐC.424.5
LỊCH SỬ - DI TÍCH LỊCH SỬ
06. Minh Phong. Thăm “làng tiến sĩ” ở Hưng Yên//Thanh niên. - 2024. - Ngày 03 tháng 5. - Tr.12.1.
Làng Thổ Hoàng, thị trấn Ân Thi, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên được gọi là làng tiến sĩ và là một trong 12 làng có truyền thống về khoa cử bậc nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam với 10 tiến sĩ đỗ đại khoa. Từ thời kỳ đổi mới đến nay, làng Thổ Hoàng có thêm 10 tiến sĩ, đang công tác tại các cơ quan trung ương và các địa phương trên cả nước. Người đầu tiên khai khoa cho làng là danh nhân Nguyễn Trung Ngạn, ông đỗ Hoàng Giáp tại khoa thi năm Giáp Thìn (1304) thời nhà Trần khi mới 15 tuổi. Không chỉ là tiến sĩ khai khoa cho làng, Nguyễn Trung Ngạn cũng được coi là người trẻ tuổi nhất Việt Nam đỗ tiến sĩ, đứng đầu khoa bảng…..
ĐC.9
NHÂN VẬT
07. Khánh Chi. Vĩnh biệt nhà nghiên cứu, Giáo sư Tô Ngọc Thanh//Tiền phong. - 2024. - Ngày 25 tháng 4. - Tr.10.
Giáo sư Tô Ngọc Thanh, sinh năm 1934, mất ngày 24/4/2024 tại Hà Nội, quê gốc ở làng Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, ông là con trai trưởng của danh họa Tô Ngọc Vân, nhưng từ nhỏ, ông đã có niềm đam mê âm nhạc. Trong kháng chiến chống Pháp, Tô Ngọc Thanh làm Trưởng đoàn Văn hóa kháng chiến những năm 1949-1951. Năm 1951, ông thi đỗ vào Trường Âm nhạc Việt Bắc, sau đó tiếp tục theo học khoa Sáng tác, Trường Âm nhạc Việt Nam khóa đầu tiên. Năm 1959, ông được phân công về Ban Nghiên cứu âm nhạc thuộc Vụ Nghệ thuật, Bộ VHTT&DL, sau đó làm Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam trong nhiều nhiệm kỳ. Với những đóng góp to lớn cho nền văn hóa nước nhà, Giáo sư Tô Ngọc Thanh từng nhận các giải thưởng: Giải Nhất do Hội Văn nghệ dân gian trao tặng (1972), 4 giải Nhất của tổ chức Trung tâm Văn hóa Châu Á - Thái Bình Dương, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật đợt 1 năm 2001….
ĐC.04(92)
08. Nguyễn Quang Long. Giáo sư Tô Ngọc Thanh đã “bay về miền sáng”//Nhân dân. - 2024. - Ngày 27 tháng 4. - Tr.8+5.
Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Tô Ngọc Thanh, sinh năm 1934 tại Hà Nội, quê gốc ở Hưng Yên, mất ngày 24/4/2024. Ông là con trai cả của danh họa Tô Ngọc Vân. Trong kháng chiến chống Pháp, Giáo sư Tô Ngọc Thanh từng làm Trưởng đoàn Văn hóa kháng chiến. Ông từng theo học khóa đầu tiên tại Trường Âm nhạc Việt Nam (1956), từng làm Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam. Liên tiếp sáu nhiệm kỳ, từ khóa II đến khóa VII, ông được bầu làm Tổng Thư ký, Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam. Ông đã được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng nhì, Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng nhì, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng nhất, Huân chương Lao động hạng nhất và Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2001.
ĐC.04(92)