Thư mục bài trích báo, tạp chí tuần 02 tháng 4 năm 2025
CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI
01. Hoàng Linh - Trường Sang. Tiếp bài “Cần công khai, minh bạch khi thực hiện khu tái định cư phục vụ Dự án đường vành đai 4” ở xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên: Cần nhanh chóng giải đáp thỏa đáng những thắc mắc của người dân//Người cao tuổi. - 2025. - Ngày 11 tháng 4. - Tr.11.
Phóng viên Báo Người cao tuổi tiếp tục phản ánh thông tin về nguyện vọng của các hộ dân thôn Mẽ Sở, xã Mễ Sở, huyện Văn Giang muốn được công khai, minh bạch khi bị thu hồi đất thực hiện khu tái định cư phục vụ Dự án đường vành đai 4. Bên cạnh đó, phóng viên cũng gửi nội dung, thủ tục theo quy định, đề nghị trao đổi thông tin và liên hệ với UBND huyện Văn Giang. Ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Văn Giang thông tin đã giao cho ông Lê Quý Cử, Trưởng Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện. Tuy nhiên, phóng viên liên hệ với ông Cử nhiều lần, nhưng chỉ nhận được những lời hứa và cáo bận họp…
ĐC.2
02. Hồng Thương - Bích Hằng. Sự việc tháo dỡ cây cầu không phép tại Hưng Yên: UBND huyện Phù Cừ thông tin chi tiết//Pháp luật Việt Nam. - 2025. - Ngày 09 tháng 4. - Tr.20.
Báo Pháp luật Việt Nam nhận được đơn phản ánh của ông Nguyễn Đình Cảnh (xã Đình Cao, huyện Phù Cừ) về việc UBND huyện Phù Cừ ban hành các văn bản thu hồi đất và phương án đền bù chưa phù hợp quy định pháp luật. Theo ông Cảnh, từ trước năm 1992, gia đình ông có sử dụng, quản lý liên tục một thửa đất tại xã Đình Cao và không tranh chấp với ai. Vì đặc thù của thửa đất, để thuận tiện trong sinh hoạt và có lối đi, năm 2008, gia đình ông xây một chiếc cầu tạm bắc qua sông. Quá trình xây dựng cây cầu được người dân ủng hộ, chính quyền địa phương không ngăn cấm. Sau khi cây cầu được hoàn thành trở thành lối đi duy nhất của gia đình ông Cảnh. Đến ngày 12/3/2025, UBND xã Đình Cao có văn bản mời gia đình đến trụ sở xã làm việc, yêu cầu tháo dỡ cây cầu nêu trên với mục đích phục vụ công tác giải phóng mặt bằng để triển khai dự án đường Tân Phúc - Võng Phan (giao ĐT 378), không bồi thường, chỉ hỗ trợ số tiền 20 triệu đồng, gia đình ông Cảnh không đồng ý. Trong buổi làm việc ngày 14/3/2025, gia đình ông Cảnh không cung cấp được giấy tờ liên quan việc chính quyền, cơ quan quản lý cho phép xây dựng cây cầu nêu trên. Vì vậy, UBND huyện Phù Cừ khẳng định cây cầu trên nằm hoàn toàn trong phạm vi công trình thủy lợi (sông T1-17), không nằm trong phạm vi đất của gia đình ông Cảnh. Theo quy định của pháp luật, khi giải phóng mặt bằng cây cầu trên không được bồi thường, hỗ trợ.
ĐC.2
03. Nhóm PVĐT. Dự án nâng cấp ĐH.57 huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên: Cần xem xét, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho các hộ dân//Người cao tuổi. - 2025. - Ngày 09 tháng 4. - Tr.11.
Báo Người cao tuổi nhận được đơn của bà Nguyễn Thị Thắm, 78 tuổi, đại diện cho 11 hộ dân sinh sống tại thôn Yên Lịch, xã Dân Tiến, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, là cán bộ, công nhân viên công tác tại Trường Trung học Kinh tế Kĩ thuật Tô Hiệu từ những năm 1964. Các hộ dân cho rằng, họ được Nhà trường giao đất, nguyên lãnh đạo Nhà trường xác nhận, nhưng hiện nay khi mở rộng đường ĐH.57, Nhà nước thu hồi đất lại không đền bù, hỗ trợ về đất, ảnh hưởng quyền, lợi ích hợp pháp của họ…
ĐC.2
04. Nguyệt Hà. Hưng Yên: Triển khai chính sách BHTN “đúng đối tượng, đúng chế độ và đúng thời hạn”//Lao động Xã hội. - 2025. - Ngày 08 tháng 4. - Tr.4.
Là tỉnh có nhiều khu, cụm công nghiệp thu hút lao động đến làm việc, Hưng Yên luôn quan tâm tạo điều kiện thuận lợi để người lao động và người sử dụng lao động thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp thông qua việc triển khai đa dạng các hoạt động tuyên truyền. Nhờ đó, kết quả thực hiện chính sách BHTN đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trong năm 2024, toàn tỉnh có 8.176 người nộp hồ sơ hưởng BHTN; 8.496 người đã có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp; 8.496 người đã được hưởng trợ cấp thất nghiệp; tổng số tiền chi trả trợ cấp thất nghiệp là hơn 189 tỷ đồng. Số lượng người thất nghiệp được tư vấn, giới thiệu việc làm là 46.945 người. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên có 3.183 doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức thuộc đối tượng tham gia BHTN và 100% số đơn vị này đã tham gia BHTN.
ĐC.265
KINH TẾ
05. Phạm Văn Hà. Hưng Yên đẩy mạnh chuyển đổi số trong thương mại, dịch vụ//Nhân dân. - 2025. - Ngày 09 tháng 4. - Tr.4.A.
Thực hiện đề án chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, tỉnh Hưng Yên có hơn 10 nghìn doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tham gia các sàn thương mại điện tử với hơn 180.000 sản phẩm và hơn 12.000 giao dịch…góp phần thúc đẩy hướng phát triển mới của ngành thương mại, dịch vụ trong kỷ nguyên số. Năm 2024, tỷ lệ dân số trên địa bàn tỉnh tham gia mua sắm trực tuyến đạt khoảng 50%; tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử hơn 50%; tỷ lệ giao dịch mua hàng trên website/ứng dụng thương mại điện tử có hóa đơn điện tử 60%; Theo đó, năm 2024: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt hơn 129.000 tỷ đồng, vượt gần 36% so với kế hoạch năm; trong đó tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ khoảng 5,3%. Chỉ số thương mại điện tử của tỉnh Hưng Yên xếp thứ 10/58 tỉnh, thành phố trên cả nước với 27 điểm, tăng 2 bậc so với năm 2023.
ĐC.4
06. Duy Học - Hồng Thắm. Lạc Đạo chủ động chuyển đổi số, bền bỉ xây dựng nông thôn mới nâng cao//Nông nghiệp Việt Nam. - 2025. - Ngày 08 tháng 4. - Tr.4.
Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn là một xu hướng tất yếu trong bối cảnh hiện nay, được tập trung trên ba phương diện: Phát triển chính quyền số, phát triển các chủ thể kinh tế số, phát triển xã hội số cho cộng đồng dân cư ở nông thôn. Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Nhận thức được những lợi ích to lớn của chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, đội ngũ lãnh đạo xã Lạc Đạo, huyện Văn Lâm đã đặc biệt chú trọng công tác chuyển đổi số, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, tất cả hoạt động của Đảng ủy, UBND xã đều được số hóa để báo cáo, tuyên truyền, phục vụ giám sát. Xã Lạc Đạo đã kết nối đồng bộ với phần mềm một cửa điện tử của tỉnh, thực hiện 100% hồ sơ hành chính qua nền tảng số, đảm bảo tiếp nhận, giải quyết, trả kết quả đúng quy trình, quy định…
ĐC.4
07. Duy Anh. Hưng Yên: Động lực mới cho công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí//Công Thương. - 2025. - Ngày 09 tháng 4. - Tr.8.
Hiện nay, tỉnh Hưng Yên đang ưu tiên thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí, tập trung chú trọng ở 3 phân ngành chính: sản linh kiện xe máy, cơ khí gia dụng và dụng cụ và phụ tùng ô tô. Theo định hướng của tỉnh Hưng Yên, đến năm 2025, công nghiệp hỗ trợ (CNHT) sẽ trở thành ngành công nghiệp quan trọng của tỉnh, đủ năng lực sản xuất và cung cấp linh kiện, phụ tùng cho một số ngành công nghiệp trong nước. Đến năm 2030, CNHT sẽ từng bước tham gia trong chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia lớn trên thế giới, cụ thể: Đối với lĩnh vực cơ khí chế tạo, đến năm 2025, định hướng sản xuất khuôn mẫu, dập, đúc, đồ gá, gia công chính xác, chi tiết máy các loại và linh kiện, thiết bị máy động lực và máy nông nghiệp đạt sản lượng 500 - 600 nghìn sản phẩm các loại; thép chế tạo đạt khoảng 150 nghìn tấn sản phẩm các loại. Đến năm 2030, sản xuất linh kiện phụ tùng cơ khí kim loại đạt 1.000 - 1.200 nghìn sản phẩm và thép chế tạo đạt 250 - 300 tấn sản phẩm các loại. Đối với lĩnh vực thiết bị điện, điện tử, định hướng đến năm 2025, sản xuất linh kiện điện tử, vi mạch điện tử đạt sản lượng 12 - 15 triệu sản phẩm các loại…
ĐC.43
LỊCH SỬ - DI TÍCH LỊCH SỬ
08. Thu Yến. Đặc sắc lễ hội cầu mưa xã Lạc Hồng//Hưng Yên. - 2025. - Ngày 03 tháng 4. - Tr.2.
Lễ hội cầu mưa hay còn gọi lễ hội Tứ Pháp, là lễ hội gắn liền với tín ngưỡng thờ Tứ Pháp (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện) của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước. Trước đây, lễ hội được diễn ra trong phạm vi rộng lớn bao gồm cả tổng Thái Lạc. Thời gian tổ chức lễ hội không cố định, thường được mở khi trời hạn hán quá lâu. Giai đoạn từ năm 1943 - 2004, lễ hội bị gián đoạn. Đến năm 2005, chính quyền và nhân dân xã Lạc Hồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên đã khôi phục lại lễ hội theo đúng trình tự, nghi thức như xưa. Sau khi được khôi phục lễ hội diễn ra chủ yếu tại các ngôi chùa thờ Tứ Pháp thuộc địa bàn xã Lạc Hồng, trung tâm là chùa Thái Lạc (Pháp Vân tự). Lễ hội được diễn ra từ ngày mồng 6 - 7 tháng 3 âm lịch hàng năm. Năm 2022, Lễ hội cầu Mưa, xã Lạc Hồng đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
ĐC.96
09. Vi Ngoan. Đền thờ Tổ Mẫu Âu Cơ cố nhất Việt Nam tại Hưng Yên//Hưng Yên. - 2025. - Ngày 07 tháng 4. - Tr.1+5.
Tọa lạc tại thôn Tân Hưng, xã Hùng Cường, thành phố Hưng Yên, đền Quốc Mẫu Âu Cơ và chùa Hoàng Xá là một cụm di tích cổ kính, độc đáo. Nơi đây không chỉ là nơi thờ phụng Quốc Mẫu mà còn tôn vinh 24 vị Quận công đã sát cánh cùng vua Lê Đại Hành trong cuộc chiến chống giặc Tống năm 981. Theo thần phả xưa, vào mùa xuân năm 981, trên đường đi đánh giặc Tống, vua Lê Đại Hành ghé thuyền vào nơi đây trú mưa. Đêm ấy, nhà vua nằm mơ thấy Quốc Mẫu Âu Cơ báo mộng ngày mai sẽ có 24 vị tướng tài đến giúp sức. Quả nhiên, sáng hôm sau, 24 trai tráng trong làng Hoàng Xá xuất hiện, xin theo vua ra trận. Họ lập chiến công hiển hách, giúp vua đánh tan quân giặc, bảo vệ bờ cõi nước Nam. Để tạ ơn Quốc Mẫu, vua Lê đã cho xây dựng ngôi đền để lưu truyền mãi mãi về sau. Hằng năm, lễ hội đền Quốc Mẫu Âu Cơ được tổ chức vào đầu tháng 3 âm lịch với nhiều nghi thức truyền thống trang trọng. Đặc biệt, màn rước nước linh thiêng, lễ dâng hương, tế lễ cùng các hoạt động giao lưu văn hóa, nghệ thuật thu hút hàng nghìn du khách thập phương. Năm 2014, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam chính thức công nhận đền Quốc Mẫu Âu Cơ là đền thờ Tổ Mẫu Âu Cơ cổ nhất Việt Nam. Năm 2020, đền Quốc Mẫu Âu Cơ được đón bằng di tích lịch sử cấp tỉnh.
ĐC.96
10. Lê Hiếu. Dấu ấn cội nguồn dân tộc trên mảnh đất Hưng Yên//Hưng Yên. - 2025. - Ngày 07 tháng 4. - Tr.1+3.
Đền Lạc Long Quân tọa lạc tại xã Xích Đằng, tổng An Tảo, huyện Kim Động, trấn Sơn Nam Thượng xưa, nay thuộc khu phố Xích Đằng, phường Lam Sơn, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên. Ngôi đền tôn thờ Quốc tổ Lạc Long Quân, vị vua sơ khai mở đầu cho 18 đời vua Hùng Vương dựng nước, gắn với truyền thuyết “con Rồng cháu Tiên” trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Tương truyền, Lạc Long Quân tên húy là Sùng Lãm, hiệu là Sùng Hiền Vương. Ông là con trai thứ 9 của Kinh Dương Vương và thần Long Nữ. Ông nổi tiếng là người tài giỏi, sức khỏe phi thường, đặc biệt, ông có tài đi lại dưới nước như trên cạn. Đền thờ Quốc tổ Lạc Long Quân được khởi dựng từ sớm trên khu đất cao ráo tại đất Xích Đằng. Năm 1740, khi chúa Trịnh Doanh cầm quân đi dẹp loạn qua khu vực Phố Hiến đã được Đức Lạc Long Quân thờ tại miếu Xích Đằng âm phù giúp đánh thắng giặc. Đền thờ Lạc Long Quân hiện nay đã được trùng tu, xây dựng trên khuôn viên đất rộng 2.850m2 gồm các hạng mục công trình: Tam quan, Tả vu, đền thờ Quốc tổ Lạc Long Quân và hệ thống sân vườn. Hằng năm, lễ hội truyền thống đền thờ Quốc tổ Lạc Long Quân được tổ chức vào ngày 6-7 tháng 3 âm lịch, thu hút đông đảo nhân đân trong vùng cùng du khách thập phương tham gia.
ĐC.96