► CHÀO MỪNG NGÀY SÁCH VÀ VĂN HÓA ĐỌC VIỆT NAM LẦN THỨ BA NĂM 2024                  ► THƯ MỤC BÀI TRÍCH BÁO, TẠP CHÍ TUẦN 02 THÁNG 4 NĂM 2024                  ► TỪ NGÀY 01/01/2024, THƯ VIỆN TỈNH MỞ CỬA PHỤC VỤ TỪ THỨ HAI ĐẾN CHỦ NHẬT HÀNG TUẦN                 
Luật Thư viện và việc phát triển văn hóa đọc

Luật Thư viện đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành vào tháng 7.2020 đã dành riêng một điều khoản (Điều 30) nói về phát triển văn hóa đọc. Đây là sự khác biệt rất lớn so với Pháp lệnh Thư viện trước đây và so với nhiều đạo luật về thư viện ở nhiều nước khác. Quy định của Luật hoàn toàn có cơ sở khi những nghiên cứu gần đây cho thấy thói quen đọc sách của người Việt Nam đang ở mức rất thấp...

Năm nay, do đại dịch Covid-19, Ngày sách Việt Nam lần thứ 7 (21.4.2020) được diễn ra rất đặc biệt: Không có những hội sách quy mô lớn từ Bắc tới Nam mà thay vào đó là một hội sách trực tuyến để giúp người dân tiếp cận với sách trong thời gian giãn cách xã hội. Một điểm đặc biệt nữa là năm nay cũng là năm cuối cùng ngày hội đọc sách có tên “Ngày sách Việt Nam”. Kể từ ngày 1.7.2020, khi Luật Thư viện có hiệu lực, Ngày sách Việt Nam sẽ chính thức được đổi thành “Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam”. Đây là một trong những điểm nổi bật thể hiện mong muốn của các đại biểu Quốc hội về phát triển văn hóa đọc ở nước ta thông qua việc ban hành Luật Thư viện.


Thư viện Hà Nội

Nguồn: ITN

Sứ mệnh này của Luật Thư viện được thể hiện rất rõ với một điều khoản được dành riêng để nói về phát triển văn hóa đọc (Điều 30) và 16 lần từ “văn hóa đọc” được nhắc đến trong Luật. Đây là sự khác biệt rất lớn so với Pháp lệnh Thư viện trước đây (chỉ một lần nhắc đến thói quen đọc sách, báo trong nhân dân) và so với nhiều đạo luật về thư viện ở các nước khác (trừ những nước có riêng các đạo luật về phát triển văn hóa đọc như Hàn Quốc, Nhật Bản...).

Sự gửi gắm này của các đại biểu Quốc hội là hoàn toàn có cơ sở và đầy tâm huyết khi những nghiên cứu gần đây cho thấy thói quen đọc sách của người Việt Nam đang ở mức rất thấp. Theo số liệu thống kê năm 2019 của Cục Xuất bản, In Phát hành thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông thì mỗi người Việt chỉ đọc trung bình khoảng 1 quyển sách không phải là sách giáo khoa trong một năm. Nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á vào năm 2016 cho thấy, 26% dân số Việt Nam không bao giờ đọc sách, 44% thỉnh thoảng đọc và 30% đọc thường xuyên.

Trong khi đó, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra có sự liên kết giữa sự phát triển của văn hóa đọc và mức độ phát triển của một quốc gia. Vào năm 2016, khảo sát về mức độ đọc ở các nước trên thế giới của một trường đại học ở Mỹ đã cho thấy những nước phát triển, đặc biệt là các nước ở khu vực Bắc Âu dẫn đầu danh sách này, còn những nước đang phát triển thì thường ở phía dưới của bảng xếp hạng. Số liệu thống kê cũng cho thấy ở những nước như Pháp, Nhật Bản, Phần Lan, Israel... trung bình mỗi người dân đọc tới 20 quyển sách mỗi năm.

Trong việc phát triển văn hóa đọc, rõ ràng vai trò của hệ thống thư viện là rất quan trọng. Thư viện không chỉ cung cấp nguồn sách một cách có hệ thống để đáp ứng tối đa nhu cầu của người đọc mà còn là môi trường để người đọc tìm thấy hứng thú với sách, báo. Chính vì thế, trong bộ chỉ số để khảo sát về mức độ đọc ở các nước được nói đến ở trên, số lượng và quy mô thư viện ở mỗi quốc gia là một trong những chỉ số quan trọng.

Thế nhưng, có vẻ trong bối cảnh ngày nay, sứ mệnh nâng cao văn hóa đọc được trao cho riêng hệ thống thư viện là chưa thỏa đáng. Tuy chưa so được với một số nước trên thế giới nhưng Việt Nam có hệ thống thư viện ngày càng phát triển. Báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kèm theo dự án Luật Thư viện năm 2019 cho thấy hiện nay nước ta có 31.014 thư viện và 20.813 tủ sách cơ sở. Song mặc dù vậy, số lượng người đọc sách ở nước ta trong những năm vừa qua chưa có nhiều chuyển biến. Số lượng sách, báo xuất bản hàng năm ngày một tăng, quy mô của các thư viện cũng tăng thêm nhưng có vẻ như sách "ngủ" trên kệ thư viện hơn là trên tay người đọc.

Mấu chốt của việc phát triển của văn hóa đọc có lẽ nằm ở động lực của việc đọc sách. Phát triển văn hóa đọc không phải chỉ để có thêm nhiều những cuốn sách nằm trên giá mà là sự phát triển của việc tiếp nhận và sử dụng những kiến thức từ sách, báo. Luật Thư viện được thông qua vào năm 2019 không có điều khoản định nghĩa rõ thế nào là văn hóa đọc nhưng hiểu một cách khái quát, văn hóa đọc là thói quen tìm kiếm những tri thức, thông tin thông qua việc đọc.

Văn hóa đọc ở đây chính là thái độ, là cách ứng xử của chúng ta với tri thức sách vở. Những thói quen đó có mối quan hệ chặt chẽ với sự tự học, phương pháp học tập suốt đời ở mỗi cá nhân. Và điều này chỉ có thể có được thông qua sự thay đổi của phương pháp giáo dục. Nếu phương pháp giáo dục chỉ đòi hỏi người học tiếp cận những kiến thức được thầy, cô giáo truyền thụ thông qua các bài giảng trên lớp thì nhu cầu đọc, tìm hiểu và hấp thụ thêm những kiến thức từ sách, vở trong thư viện có lẽ là không cần thiết. Thực tế cho thấy hiện nay không hiếm thư viện của nhiều trường đại học nước ta được xây dựng rất hiện đại nhưng thường vắng bóng sinh viên. Trong khi đó, nếu các thầy, cô giáo có vai trò là người hướng dẫn cho học sinh về phương pháp học tập, cách thức tự tìm hiểu thì bản thân các em sẽ tự tìm thấy giá trị của việc đọc sách, tự tìm đến các thư viện để bồi đắp kiến thức cho mình.

Tương tự như vậy và không kém phần quan trọng là việc sử dụng tri thức trong việc hoạch định chính sách. Nếu việc hoạch định chính sách chỉ chủ yếu dựa trên kinh nghiệm hơn là dựa trên cơ sở khoa học thì việc nghiên cứu, vận dụng tri thức được đúc kết trong sách, vở trở nên không quan trọng. Khi đó, những thư viện chuyên ngành trong các cơ quan nhà nước có lẽ có vai trò trang trí nhiều hơn là thực chất. Không phải ngẫu nhiên mà ở Quốc hội các nước đi đầu trong việc lập pháp dựa trên chứng cứ (Evidence-Based Legislation) luôn có Thư viện Quốc hội có quy mô và mức độ phục vụ rất lớn.

Báo cáo năm 2018 của Thư viện Quốc hội Nhật Bản cho thấy Thư viện này có quy mô lên đến hơn 43 triệu bản sách, 3,8 triệu bản tài liệu điện tử, tiếp đón gần 800 nghìn lượt bạn đọc và 20 triệu lượt truy cập hệ thống điện tử mỗi năm. Thư viện Quốc hội Australia có quy mô nhỏ hơn, chỉ phục vụ cho nghị sĩ và công chức của Quốc hội nhưng mỗi năm cũng có 13.000 lượt yêu cầu cung cấp thông tin và có đến 98,6% tổng số nghị sĩ sử dụng dịch vụ của thư viện.

Với thực tế đó, có lẽ những chính sách để phát triển hệ thống thư viện chỉ mới cung cấp điều kiện cần để phát triển văn hóa đọc. Những ngày sách, tuần đọc sách được tổ chức rầm rộ trong thời gian vừa qua phần nào đã thu hút sự quan tâm của công chúng đối với sách, báo. Nhưng để cho sách thực sự nằm trên tay người đọc, thì cần có thêm những thay đổi trong cách ứng xử đối với những tri thức mà sách, vở đem lại.

Hoàng Minh Hiếu - Vụ trưởng Vụ Thông tin - Văn phòng Quốc hội
Nguồn: http://www.daibieunhandan.vn

In trang Quay lại Lên trên
Các tin khác
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc (30/03/2024)
- Hội nghị nói chuyện chuyên đề "Văn hóa đọc cho thanh thiếu niên, học sinh trong thời đại công nghệ số" (04/03/2024)
- Khai mạc Hội báo Xuân Giáp Thìn tỉnh Hưng Yên năm 2024 (04/03/2024)
- Trưng bày sách báo, tài liệu mừng Đảng, mừng Xuân Giáp Thìn 2024 (06/02/2024)
- Hội nghị Tập huấn, chuyển giao phần mềm VietBiblio tại huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên (28/11/2023)
- Dấu ấn của Lênin với thời đại và cách mạng Việt Nam(16/04/2020)
- Đại hội Chi bộ Thư viện tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2022(19/02/2020)
- Cần quan tâm hơn nữa đến việc hướng dẫn, hỗ trợ con trẻ đọc sách trong các gia đình(13/02/2020)
- Triển lãm hiện vật, tài liệu, sách báo, hình ảnh kỷ niệm 90 năm vinh quang Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2020)(05/02/2020)
- Hội thảo đóng góp ý kiến hoàn thiện bản thảo sách “Các kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh Hưng Yên (1941 – 2015)”(29/11/2019)
THÔNG BÁO
Thông báo các hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2024  
Thông báo lịch phục vụ bạn đọc năm 2024
Thông báo lịch phục vụ bạn đọc năm 2024
Cấp thẻ miễn lệ phí trong Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2023
NỘI QUY THƯ VIỆN
Nội quy thư viện
Quy định mượn - đọc sách
Hành vi vi phạm và mức phạt
DANH MỤC
Cấp thẻ thư viện
Lịch phục vụ bạn đọc
LƯỢT TRUY CẬP
Đang online: 76
Hôm nay 223
Tháng này: 279,003
Tất cả: 2,925,716

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THƯ VIỆN TỈNH HƯNG YÊN
Cơ quan chủ quản: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hưng Yên
Cơ quan quản lý trực tiếp: Thư viện tỉnh Hưng Yên
Địa chỉ: số 4, đường Bạch Đằng, phường Minh Khai, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên
Giấy phép số: 24/GP-TTĐT của Sở Thông tin và Truyền thông, ngày 26  tháng 3  năm 2018
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Đào Văn Quyến, Giám đốc Thư viện tỉnh
Hòm thư điện tử: thuvientinh@hungyen.gov.vn.  Điện thoại: 0221 3 869 388