Thư mục bài trích báo, tạp chí tuần 4 tháng 12 năm 2024
CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI
01. Vận dụng quan điểm đổi mới của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh//Nhân dân. - 2024. - Ngày 25 tháng 12. - Tr.4; cũng xem: Quân đội nhân dân. - 2024. - Ngày 25 tháng 12. - Tr.4.
Ngày 24/12/2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hưng Yên tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Vận dụng quan điểm đổi mới của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh trong công cuộc xây dựng, phát triển tỉnh Hưng Yên”. Tại hội thảo, các đại biểu đã đi sâu, làm rõ những đóng góp to lớn của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh với công cuộc đổi mới đất nước thông qua các nội dung: Hưng Yên vận dụng tư tưởng đổi mới của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh trong công tác xây dựng Đảng về tổ chức cán bộ; vận dụng quan điểm của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh với việc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chủ động hội nhập, xây dựng Hưng Yên phát triển nhanh và bền vững. Đặc biệt tập trung nêu bật giá trị cốt lõi của các bài viết trong chuyên mục “Những việc cần làm ngay” của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh với bút danh N.V.L trên Báo Nhân dân; trong đó, đấu tranh chống tiêu cực là nhiệm vụ quan trọng của của công cuộc đổi mới…
ĐC.2
02. Sông Thao. Gia đình tốt thì xã hội mới tốt//Người cao tuổi. - 2024. - Ngày 24 tháng 12. - Tr.6.
Bà Bùi Thị Mai, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ hưu trí khu phố An Dương, phường An Tảo, thành phố Hưng Yên là tấm gương sáng, tiêu biểu mẫu mực về nuôi dạy con, cháu ngoan ngoãn, góp phần tích cực vào phong trào xây dựng nếp sống văn hóa tại địa phương. Cá nhân và gia đình bà Mai nhiều lần được các cấp, các ngành biểu dương, khen thưởng. Năm 2024, bà Mai vinh dự được Hội NCT tỉnh Hưng Yên và Hội LHPN tỉnh bầu chọn đi dự Hội nghị biểu dương phụ nữ cao tuổi tiêu biểu trong phong trào xây dựng gia đình văn hóa, ấm no, hạnh phúc toàn quốc và được Trung ương Hội LHPN Việt Nam tặng Bằng khen.
ĐC.259
KINH TẾ
03. Nguyễn Hải Tiến. Nhiều cách làm sáng tạo, thúc đẩy tiêu thụ nông sản ở Hưng Yên//Nông nghiệp Việt Nam. - 2024. - Ngày 26 tháng 12. - Tr.7.
Để giúp các doanh nghiệp, làng nghề, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, gia đình, cơ sở sản xuất và các chủ thể sản xuất tiêu thụ tốt sản phẩm, nâng cao giá trị thu nhập, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hưng Yên đã xây dựng và được UBND tỉnh phê duyệt dự án “Hỗ trợ nâng cao khả năng nhận diện sản phẩm, kết nối kênh tiêu thụ nông sản chủ lực, đặc sản, sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề tỉnh Hưng Yên với cộng đồng bán lẻ, giai đoạn 2021-2025”. Hiện nay, 100% các doanh nghiệp, HTX, làng nghề, trang trại, cơ sở sản xuất, kinh doanh, hộ gia đình sản xuất tiêu biểu tại Hưng Yên được tập huấn kỹ năng nhận diện nông sản, sàn thương mại điện tử, hệ thống truy xuất nguồn gốc hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm với cộng đồng bán lẻ hiện đại. Theo thống kê, sản phẩm có nhận diện và tham gia chuỗi liên kết với doanh nghiệp bao tiêu, cộng đồng bán lẻ đã đạt giá trị kinh tế cao hơn, tăng khoảng 15-20% so với bán trên thị trường truyền thống.
ĐC.4
KHOA HỌC - VĂN HÓA - GIÁO DỤC
04. Bích Ngọc. Trường THPT Văn Giang (Hưng Yên): Hành trình xây dựng trường học hạnh phúc//Giáo dục và Thời đại. - 2024. - Ngày 24 tháng 12. - Tr.8.
Trường THPT Văn Giang được biết đến là một trong những ngôi trường THPT đầu tiên của huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Trải qua nhiều năm xây dựng và phát triển, ngôi trường tự hào là nơi đào tạo nhiều thế hệ học trò, trong đó có những cựu học sinh thành danh, nổi tiếng, đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của đất nước. Là ngôi trường có bề dày về thành tích dạy và học với truyền thống “Thầy dạy hay, trò học giỏi”, học sinh được học tập và rèn luyện trong một môi trường “An toàn - thân thiện - bình đẳng”. “Xây dựng trường học hạnh phúc” là sáng kiến được nhóm thầy, cô giáo trường THPT Văn Giang đề xuất và đưa vào triển khai cách đây 4 năm. Với trọng tâm là 7 chiến lược xây dựng, 21 giải pháp cụ thể, sáng kiến đã khai thác nhiều vấn đề, trong đó có những yếu tố tạo nên cảm xúc hạnh phúc, mức độ hạnh phúc của học sinh trong nhà trường, văn hóa học đường…Sau một thời gian áp dụng, sáng kiến đã thu hoạch nhiều kết quả tích cực, được bình chọn thứ đứng 7 trong top 100 trường học hạnh phúc của năm học 2024-2025 do Tạp chí Trẻ em Việt Nam tổ chức.
Y TẾ - THỂ DỤC THỂ THAO
05. Nguyễn Thị Bình Minh. Đánh giá hiện trạng quản lý môi trường tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh Hưng Yên//Tài nguyên và Môi trường. - 2024. - Số 22 (tháng 11). - Tr.55-56.
Chất lượng dịch vụ, môi trường không khí, nước thải sau xử lý tại các bệnh viện luôn là vấn đề quan tâm của bệnh nhân, người nhà bệnh nhân. Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh Hưng Yên được thành lập năm 2018, có chức năng khám chữa bệnh, phục hồi chức năng, phòng, chống, điều trị bệnh truyền nhiễm….Hiện tại, Bệnh viện có quy mô 70 giường bệnh, 6 khoa chuyên môn và 2 phòng chức năng.
Bài viết nghiên cứu của tác giả Nguyễn Thị Bình Minh (Khoa môi trường, Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) đánh giá hiện trạng quản lý môi trường tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh Hưng Yên với hai lĩnh vực khí thải, nước thải sau xử lý, từ đó đưa ra một số ý kiến đánh giá và đề xuất để nâng cao chất lượng môi trường tại bệnh viện.
ĐC.61
NHÂN VẬT
06. TTXVN. Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa dự Hội thảo quốc tế về Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác//Đại biểu nhân dân. - 2024. - Ngày 21 tháng 12. - Tr.4.
Ngày 20/12/2024, tại Hưng Yên, Tỉnh ủy Hưng Yên phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao, Tỉnh ủy Hà Tĩnh, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề “Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác - Danh nhân văn hóa và giá trị di sản”. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa dự và phát biểu tại hội thảo. Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, sinh năm Giáp Thìn (năm 1724). Ông sinh ra trong gia đình, dòng họ hiếu học, khoa bảng, truyền thống văn hóa đặc sắc của hai vùng quê Hưng Yên và Hà Tĩnh, tầm vóc danh nhân, giá trị di sản của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác có sức thuyết phục đặc biệt đối với bạn bè quốc tế. Tại hội thảo, các đại biểu đã đi sâu làm rõ thân thế, sự nghiệp và thời đại của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác; sự nghiệp y học của ông. Đồng thời khẳng định ý nghĩa sự kiện UNESCO tham gia kỷ niệm 300 năm ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, việc phát huy giá trị di sản của ông trong thời đại ngày nay; sự nghiệp y học, tư tưởng chữa bệnh cứu người của ông; vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị di sản của ông trong Học viện y dược học cổ truyền Việt Nam...
ĐC.05(91)
07. Hà Quyên. Triển lãm “Di sản của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác”//Văn hóa. - 2024. - Ngày 23 tháng 12. - Tr.9; cũng xem: An ninh Thủ đô. - 2024. - Ngày 22 tháng 12. - Tr.13.
Nhân dịp kỷ niệm 300 năm Ngày sinh của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, ngày 25/12/2024, tại tỉnh Hà Tĩnh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Triển lãm “Di sản của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác” nhằm tôn vinh những công lao, cống hiến to lớn của ông đối với nền y học, văn học, văn hóa, lịch sử của Việt Nam, thế giới. Với nhiều hình ảnh, hiện vật, tư liệu có giá trị, triển lãm giới thiệu khái quát các nội dung: Lê Hữu Trác - Cuộc đời sự nghiệp và con đường đến với nghề thuốc; Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác - Nhà y dược học, Danh nhân văn hóa xuất sắc; bảo tồn và phát huy giá trị di sản của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác; những thành quả trong sự nghiệp đổi mới trên quê hương Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Thông qua triển lãm này, người dân sẽ có cái nhìn sâu sắc hơn về cuộc đời, sự nghiệp và những giá trị di sản mà Hải Thượng Lãn Ông để lại cho dân tộc Việt Nam, từ đó góp phần giữ gìn, phát huy, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước trong thời kỳ hội nhập….
ĐC.05(91)
08. Đình Anh và Trung Hiếu. Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác - đại danh y, nhà văn hóa xuất sắc//Nhân dân. - 2024. - gày 26 tháng 12. - Tr.5.
Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1724-1791) quê tại làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương (nay là xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên). Lê Hữu Trác xuất thân từ một gia đình truyền thống khoa bảng, nhiều người học giỏi, đỗ cao, làm quan to dưới thời Hậu Lê; ông là con út trong gia đình có bảy người con của Tiến sĩ Lê Hữu Mưu và bà Bùi Thị Thường. Sau khi qua đời, các bài thuốc và sách của ông đều được lưu truyền, sử dụng rộng rãi; các di sản y học, văn học, y đức của ông được nhiều thế hệ học trò, các nhà nghiên cứu đánh giá cao, học tập, noi theo. Tác phẩm quan trọng nhất của ông là “Hải Thượng y tông tâm lĩnh”, một bộ bách khoa toàn thư về y học cổ truyền với 28 tập với 66 quyển, được coi là di sản lớn nhất về y học cổ truyền của Việt Nam. Đây không chỉ là một công trình mang tính học thuật, giúp chuẩn hóa y học cổ truyền Việt Nam, mà còn là một tài liệu tham khảo vô giá về phương pháp chữa bệnh và phòng bệnh. Bộ sách không chỉ mô tả kỹ lưỡng các bệnh lý, phương pháp chẩn đoán và điều trị mà còn chứa đựng những nguyên tắc y đức và triết lý nhân sinh sâu sắc; được xem như kim chỉ nam cho các thế hệ thầy thuốc không chỉ ở Việt Nam mà còn tại nhiều quốc gia có truyền thống y học cổ truyền trên thế giới.
ĐC.05(91)
09. Nguyễn Hoàng Nhiên. Đại tướng Nguyễn Quyết - vị tướng tài năng, đức độ, trung hiếu, vẹn toàn//Người lao động. - 2024. - Ngày 25 tháng 12. - Tr.6.
Đại tướng Nguyễn Quyết, tên khai sinh là Nguyễn Tiến Văn, sinh năm 20/8/1922, quê ở xã Chính Nghĩa, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, từ trần ngày 23/12/2024 tại Hà Nội. Tham gia cách mạng, đến năm 18 tuổi, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương; năm 23 tuổi trở thành Bí thư Thành ủy Hà Nội, trực tiếp lãnh đạo nhân dân Hà Nội nổi dậy, tiến hành thành công tổng khởi nghĩa giành chính quyền, góp phần rất quan trọng để Cách mạng Tháng Tám thành công. Ông được đánh giá là người của những quyết sách chiến lược, có nhiều đóng góp quan trọng ở hầu hết giai đoạn lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thế kỷ XX. Với những thành tích, cống hiến đặc biệt xuất sắc, Đại tướng Nguyễn Quyết đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý, như: Huân chương Sao Vàng; Huân chương Hồ Chí Minh; Huân chương Quân công hạng Nhất, hạng Ba; Huân chương Chiến công hạng Nhất; Huân chương Chiến thắng hạng Nhất; hai Huân chương Kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ hạng Nhất; Huy hiệu 85 năm tuổi Đảng và nhiều phần thưởng cao quý khác của Đảng, Nhà nước và bạn bè quốc tế trao tặng.
ĐC.02(92)
10. Nguyễn Thanh Tú. Đại tướng Nguyễn Quyết - vẻ vang trọn vẹn một cuộc đời cách mạng//Quân đội nhân dân . - 2024. - Ngày 25 tháng 12. - Tr.1+7.
Đại tướng Nguyễn Quyết, tên khai sinh là Nguyễn Tiến Văn, sinh ngày 20/8/1922, quê ở xã Chính Nghĩa, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên; từ trần ngày 23/12/2024 tại Hà Nội. Tròn tuổi 15, chàng trai Nguyễn Tiến Văn lên Hà Nội làm thư ký kiêm phát hành Báo Đuốc tuệ. Năm 1939, được Đảng giao nhiệm vụ trở về Hưng Yên xây dựng phong trào cách mạng. Năm 1940, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, phụ trách Bí thư Thanh niên phản đế Kim Động. Tháng 11/1944, đồng chí Nguyễn Quyết được Trung ương Đảng và Bác Hồ chỉ định làm Bí thư Thành ủy Hà Nội, khi mới ngoài 22 tuổi….Cuộc đời hoạt động cách mạng, Đại tướng Nguyễn Quyết trải qua nhiều cương vị công tác như: Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Uỷ viên Thường vụ Đảng uỷ Quân uỷ Trung ương; Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước; Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá IV - VI…Đồng chí Nguyễn Quyết được thăng quân hàm Thiếu tướng (1974), Trung tướng (1980), Thượng tướng (1986), Đại tướng (1990).
ĐC.02(92)
11. Phùng Văn Khai. Vị tướng với dấu ấn “làm giàu, đánh thắng”//Quân đội nhân dân. - 2024. - Ngày 26 tháng 12. - Tr.1+2.
Những năm cuối thập niên 70 đầu thập niên 80 của thế kỷ XX, với tư duy nhạy bén, bề dày kinh nghiệm từng được tôi rèn trong lửa đỏ các cuộc chiến tranh, Trên cương vị Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 3, đồng chí Nguyễn Quyết đã đã cùng với tập thể lãnh đạo phát động phong trào thi đua “làm giàu, đánh thắng”, “vươn ra Biển Đông làm giàu, đánh thắng”. Nhờ phong trào kể trên, Quân khu 3 đã khai hoang, lấn biển được 55.468 ha, nhiều tuyến đường xuyên ra bán đảo Đình Vũ, đảo Cát Hải, Cát Bà - Hải Phòng đã khiến vùng đất hoang hóa trở thành nơi canh tác với các ngành nghề làng biển. Các tuyến đảo vùng Đông Bắc thay da đổi thịt hằng ngày, nhiều làng nghề, ngư trường hoạt động sôi nổi, đem lại lợi ích lớn cho nhân dân.
ĐC.02(92)
12. Lê Hồng Thiện. Lê Lựu viết văn như “tường thuật” bóng đá//Người cao tuổi. - 2024. - Ngày 26 tháng 12. - Tr.8-9.
Nhà văn Lê Lựu (1942-2023), quê ở xã Tân Châu, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Năm 1959, ông xung phong đi bộ đội. Vốn ham mê văn học, báo chí từ nhỏ, nay được vào môi trường bộ đội, Lê Lựu được dịp thể hiện năng khiếu của mình bằng những bài báo tường nêu những gương người tốt, việc tốt trong đơn vị. Năm 1960, Tổng cục Chính trị mở cuộc vận động sáng tác trong toàn quân “Viết về kỷ niệm sâu sắc trong đời bộ đội”, Lê Lựu được đồng chí chủ nhiệm câu lạc bộ trung đoàn cử đi dự trại sáng tác. Sau 17 đêm thức trắng, Lê Lựu đã viết xong truyện “Những ngày cuối trận đánh” và được nhận xét “viết như tường thuật bóng đá...”. Sau đó, Lê Lựu được đi học lớp bồi dưỡng những người viết văn trẻ ở Hà Nội do nhà văn Nguyên Hồng phụ trách….Tính đến năm 2000, Lê Lựu đã viết trên 20 tác phẩm. Một số tác phẩm nổi tiếng đã được dựng thành phim như “Người về đồng cói”, “Sóng ở đáy sông”, “Thời xa vắng”, “Hai nhà”. Nhà văn được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật đợt 1 năm 2001.
ĐC.04(92)