Thư mục bài trích báo - tạp chí Tuần 5 tháng 10 năm 2021
XÃ HỘI - CHÍNH TRỊ
01. Mai Ngoan. Triển khai dịch vụ công trực tuyến hỗ trợ đối tượng gặp khó khăn do đại dịch Covid-19//Công an nhân dân. - 2021. - Ngày 24 tháng 10. - Tr.1
Tỉnh Hưng Yên đang chỉ đạo ngành chức năng và các địa phương triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến hỗ trợ đối tượng gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 gồm: hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, người lao động ngừng việc, người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp. Bước đầu, UBND tỉnh đã phê duyệt hỗ trợ 30 doanh nghiệp với 200 lượt người lao động, trong đó hỗ trợ thêm 17 người lao động đang mang thai và 155 trẻ em, tổng kinh phí trên 1 tỷ đồng. Đối với chính sách hỗ trợ người lao động ngừng việc, UBND tỉnh đã phê duyệt hỗ trợ 47 doanh nghiệp với hơn 400 lượt người lao động, trong đó hỗ trợ thêm 13 người lao động đang mang thai và hơn 250 trẻ em, tổng kinh phí là hơn 700 triệu đồng.
ĐC.2
02. Đức Tuấn. Về phần mộ của ông Vũ Đình Miễn tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Quang Hưng (Phù Cừ, Hưng Yên) đã có sự thống nhất cao của chính quyền và người dân//Quân đội nhân dân. - 2021. - Ngày 29 tháng 10. - Tr.6
Xung quanh việc một số người dân xã Quang Hưng, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên thắc mắc việc ông Vũ Đình Miễn chưa được công nhận liệt sĩ nhưng phần mộ lại nằm trong Nghĩa trang Liệt sĩ (NTLS) xã Quang Hưng, phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã về địa phương tìm hiểu và thông tin đến bạn đọc như sau: trong những năm giảm tô, cải cách ruộng đất, ông Vũ Đình Miễn bị xử bắn. Sau khi bị xử bắn, ông Miễn được an táng tại địa bàn thôn Thọ Lão. Đến năm 1959, xã Quang Hưng xây dựng NTLS tại cánh đồng Đông Vương, hài cốt ông Miễn được cán bộ và nhân dân xã lúc bấy giờ quy tập vào NTLS của xã dù không phải là liệt sĩ (vì có nhiều căn cứ cho rằng ông Miễn bị xử bắn oan). Đến năm 1993, xã Quang Hưng được trên cho xây dựng NTLS mới. Sau khi xây dựng xong, được lãnh đạo UBND huyện và cơ quan chức năng huyện Phù Tiên, tỉnh Hải Hưng (nay là huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên) nhất trí cho di chuyển toàn bộ hài cốt liệt sĩ từ nghĩa trang cũ về nghĩa trang mới, trong đó có phần mộ của ông Vũ Đình Miễn. Trước khi tiến hànhdi chuyển, ngày 04/12/1993, UBND xã Quang Hưng tổ chức hội nghị quân dân chính toàn xã để lấy ý kiến, biểu quyết việc thực hiện di chuyển hài cốt liệt sĩ. Hội nghị nhất trí cho rằng ông Vũ Đình Miễn đã bị xử bắn oan, đồng thời biểu quyết 100% đề nghị di chuyển phần mộ ông Miễn về NTLS mới (hiện nay).
ĐC.2
KINH TẾ
03. Trung Quân - Phạm Hiếu. Kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP và cây có múi tại Hưng Yên//Nông nghiệp Việt Nam. - 2021. - Ngày 29 tháng 10. - Tr.7
Ngày 28/10/2021, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hưng Yên tổ chức Hội nghị trực tuyến xúc tiến thương mại sản phẩm cây có múi và sản phẩm OCOP tỉnh Hưng Yên năm 2021. Toàn tỉnh hiện có hơn 4.200ha cây ăn quả có múi, sản lượng ước đạt 65.000 tấn. Trong đó, diện tích trồng cam, quýt trên 2.100ha, bưởi trên 2.000ha, còn lại là cây có múi khác. Đến hết tháng 9/2021, toàn tỉnh đã có 65 vùng sản xuất cây ăn quả có múi với tổng diện tích trên 1.000ha, sản lượng trên 20.000 tấn quả tươi được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Tính hết tháng 10/2021, có thêm 69 sản phẩm OCOP được công nhận, nâng tổng số sản phẩm OCOP toàn tỉnh lên 139 sản phẩm. Một số sản phẩm OCOP đã được xuất khẩu như nhãn lồng xuất sang thị trường Mỹ, EU, Hàn Quốc; bột nghệ của Công ty TNHH Hoàng Minh Châu Hưng Yên xuất sang một số nước EU, Nhật Bản, Trung Quốc, các nước Trung Đông…
ĐC.4
04. Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu công nghiệp số 3 tại Hưng Yên//Nhân dân. - 2021. - Ngày 24 tháng 10. - Tr.2
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký Quyết định số 1771/QĐ-TTg về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp số 03 trên địa bàn tỉnh Hưng Yên. Dự án được thực hiện tại xã Hồng Tiến, huyện Khoái Châu, xã Lý Thường Kiệt, huyện Yên Mỹ và xã Xuân Trúc, huyện Ân Thi. Quy mô dự án 159,71 ha với tổng vốn đầu tư gần 2.310 tỷ đồng (tương đương 99,33 triệu USD), trong đó vốn góp của nhà đầu tư gần 392,7 tỷ đồng (tương đương 16,88 triệu USD). Tiến độ thực hiện dự án không quá 36 tháng kể từ ngày được nhà nước bàn giao đất. Thời gian hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày được quyết định chủ trương đầu tư. Phó Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Hưng Yên đảm bảo tính chính xác của thông tin, số liệu báo cáo, các nội dung tiếp thu, giải trình và thẩm định theo quy định của pháp luật; tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành, triển khai dự án phù hợp với quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
ĐC.4
05. Ngọc Thủy. Hội Làm vườn và Nuôi ong tỉnh Hưng Yên cùng hội viên vượt qua mùa nhãn khó khăn//Kinh tế nông thôn. - 2021. - Ngày 25 tháng 10. - Tr.7
Thực hiện sự chỉ đạo của Hội Làm vườn Việt Nam, UBND tỉnh Hưng Yên, Hội Làm vườn và Nuôi ong tỉnh Hưng Yên luôn đi sâu, đi sát đối với các cấp hội từ tỉnh xuống cơ sở. Mặc dù trong điều kiện dịch bệnh, Hội không thể tổ chức được các lớp tập huấn trực tiếp để trao đổi kinh nghiệm, hướng dẫn áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt, nhưng vẫn tổ chức được một số buổi tham quan, giới thiệu những mô hình làm kinh tế giỏi trên địa bàn. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, do phải thực hiện giãn cách xã hội, người dân đã tiến hành các hình thức bán hàng như livestream trực tiếp hoặc liên kết với các sàn thương mại điện tử như Shopee, Postmart, Sendo và Tiki...Với cách làm này, nhà vườn Hưng Yên có hàng nghìn đơn hàng với hàng nghìn tấn nhãn được tiêu thụ, các sàn thương mại điện tử đã giúp quả nhãn Hưng Yên có thêm cơ hội tiếp cận người tiêu dùng trong và ngoài nước.
ĐC.4
06. Hưng Yên: Sản lượng điện tiêu thụ 9 tháng năm nay tăng trưởng 12%//Đại Đại biểu nhân dân. - 2021. - Ngày 27 tháng 10. - Tr.6
Nhờ kiểm soát tốt dịch Covid-19 nên lượng điện tiêu thụ 9 tháng đầu năm 2021 tại Hưng Yên vẫn duy trì với mức tăng trưởng gần 12% so với cùng kỳ năm 2020. Tất cả các khách hàng sử dụng điện cho sản xuất, sinh hoạt trên địa bàn tỉnh đều được duy trì và phát triển đã tạo ra giá trị tăng trưởng khá. Năm 2021, Công ty Điện lực Hưng Yên đã đưa 3 trạm biến áp (Bãi Sậy, Như Quỳnh, Phố Nối) 110kV công suất 63MVA vào vận hành ở chế độ không người trực. Tính đến 30/9/2021, tổng số hợp đồng mua bán điện toàn tỉnh là 455.342, tăng 7.492 hợp đồng so với năm 2020. Công ty Điện lực đã thực hiện số hóa được 382.739/393.554 hợp đồng mua bán điện, đạt 97,3% kế hoạch năm 2021. Tỷ lệ triển khai dịch vụ điện qua cổng dịch vụ công quốc gia đạt gần 97%.
ĐC.432.1
NHÂN VẬT
07. Duy Văn. Hội thảo khoa học kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Thượng tướng Hoàng Minh Thảo//Quân đội nhân dân. - 2021. - Ngày 26 tháng 10. - Tr.1+2
Ngày 25/10/2021, tại Hà Nội, Học viện Quốc phòng tổ chức Hội thảo khoa học kỷ niệm 100 năm ngày sinh Thượng tướng, Giáo sư (GS), Nhà giáo nhân dân (NGND) Hoàng Minh Thảo (25/10/1921 - 25/10/2021) với chủ đề “Thượng tướng, GS, NGND Hoàng Minh Thảo - Vị tướng gắn kết giữa chiến trường với giảng đường và nghiên cứu khoa học”. Ban Tổ chức hội thảo đã nhận được gần 30 báo cáo tham luận của các đồng chí lãnh đạo, tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp, các nhà khoa học, chỉ huy các cơ quan, đơn vị. Mỗi tham luận đều đi sâu phân tích, luận giải từng nội dung cụ thể, tập trung làm rõ chủ đề hội thảo, làm sáng rõ cuộc đời, sự nghiệp hoạt động cách mạng và những cống hiến của Thượng tướng, GS, NGND Hoàng Minh Thảo đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và Quân đội ta; tiếp tục góp phần bổ sung những tư liệu quý để làm sâu sắc hơn cuộc đời, sự nghiệp của đồng chí Hoàng Minh Thảo và tôn vinh những công lao, cống hiến nổi bật của đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, dân tộc và Quân đội. Trên cơ sở đó, giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, khích lệ các thế hệ cán bộ, chiến sĩ toàn quân, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, giảng viên, học viên Học viện Quốc phòng.
ĐC.02(92)
08. Hoàng Bền. Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Thượng tướng, Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Hoàng Minh Thảo (25/10/1921-25/10/2021). Vị tướng tài ba, đức độ, người con ưu tú của quê hương Hưng Yên//Hưng Yên.- 2021. - Ngày 25 tháng 10. - Tr.2
Thượng tướng Hoàng Minh Thảo tên khai sinh là Tạ Thái An, sinh ngày 25/10/1921, quê quán xã Bảo Khê, thành phố Hưng Yên. Cha ông là Tạ Quang Khai, làm nghề thợ may, do tham gia phong trào yêu nước nên bị thực dân Pháp lùng bắt, vì vậy gia đình ông đã rời bỏ quê hương lên sinh sống tại huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn. Hoàng Minh Thảo là một trong số những vị tướng toàn tài, giỏi trận mạc, uyên thâm về lý luận quân sự, nhà binh lược kiệt xuất. Trong chiến tranh, ông là vị tướng trận mạc, hòa bình, ông là vị tướng có hàm Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân. Ông đã để lại kho tàng lý luận về khoa học nghệ thuật quân sự hết sức độc đáo, cần được tiếp tục nghiên cứu, vận dụng trong điều kiện mới, góp phần xây dựng và bảo vệ đất nước.
ĐC.02(92)
09. Thượng tướng, PGS, TS Trần Việt Khoa. 100 năm ngày sinh Thượng tướng Hoàng Minh Thảo (25/10/1921-25/10/2021). Tư duy chiến lược của Thượng tướng Hoàng Minh Thảo//Quân đội nhân dân. - 2021. - Ngày 25 tháng 10. - Tr.3
Thượng tướng, Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Hoàng Minh Thảo sinh ngày 25/10/1921, tên khai sinh là Tạ Thái An, quê quán thuộc xã Bảo Khê, thành phố Hưng Yên. Năm 1941, khi mới 20 tuổi, Tạ Thái An đã tham gia Việt Minh và được cử đi học quân sự tại Liễu Châu, Trung Quốc, vinh dự được Bác Hồ đặt tên mới là Hoàng Minh Thảo. Sau năm 1954, ông được phân công giữ chức vụ Hiệu trưởng Học viện Quân sự (Học viện Lục quân). Năm 1962, ông được đi nghiên cứu ở Học viện Quốc phòng Bắc Kinh, sau đó có thời gian bổ túc quân sự ở Liên Xô. Tháng 11/1966, ông được điều vào giữ chức Phó Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên. Năm 1968, ông là Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên. Tháng 8/1968, ông là Phó Tư lệnh Quân khu V. Tháng 3/1975, ông giữ cương vị Tư lệnh Chiến dịch giải phóng Tây Nguyên. Từ tháng 5/1976 đến năm 1989, ông trở lại làm Viện trưởng Học viện Lục quân, Viện trưởng Học viện Quân sự Cao cấp. Từ năm 1990, ông là Viện trưởng Viện Chiến lược Quân sự. Trong cuộc đời binh nghiệp, ông đã trải qua hàng trăm trận chiến đấu với những quy mô khác nhau. Được trau dồi kiến thức tác chiến hiện đại tại Trung Quốc, Liên Xô, nhưng Hoàng Minh Thảo hoàn toàn không máy móc mà luôn vận dụng sáng tạo lý luận vào điều kiện thực tiễn tác chiến ở các chiến trường. Trong thực tế tác chiến, ông đã vận dụng hết sức sáng tạo quan điểm về dùng mưu, lập kế, tạo thế, tranh thời. Đặc biệt, ông rất coi trọng phát huy tư duy sáng tạo của người chỉ huy. Ông cho rằng, muốn chiến thắng địch, người chỉ huy phải biết đánh “bằng cái đầu”, bằng mưu mẹo, lừa dụ địch....
ĐC.02(92)