Thư mục bài trích báo - tạp chí Tuần 4 tháng 12 năm 2019
XÃ HỘI - CHÍNH TRỊ
01. Phạm Hà. Huyện Văn Lâm phát huy nội lực về đích nông thôn mới//Nhân dân. - 2019. - Ngày 27 tháng 12. - Tr.2
Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020, các cấp ủy, chính quyền, tổ chức đoàn thể huyện Văn Lâm luôn chủ động, sáng tạo, phát huy nội lực của nhân dân; thực hiện tốt phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng lợi", qua đó góp phần lan tỏa, tạo sự thay đổi lớn bộ mặt nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần và sự hài lòng của nhân dân.
ĐC.2
02. Quốc Hưng - Anh Tú. Viết tiếp loạt bài “sự thật về mảnh đất ông Thà”. Bài 4: Bình Kiều không bình yên//Tiếng nói Việt Nam. - 2019. - Ngày 26 tháng 12. - Tr.15
Thời gian qua Báo Tiếng nói Việt Nam đã đăng loạt bài điều tra “Sự thật về mảnh đất của ông Thà” ở xã Bình Kiều, huyện Khoái Châu. Trong khi tìm hiểu, xác minh thông tin, phóng viên được người dân địa phương phản ánh về thực trạng bao chiếm và mua bán đất công diễn ra khá phổ biến trên địa bàn mà nguyên nhân chính là do chính quyền buông lỏng quản lý đất đai và cán bộ xã bao che sai phạm.
ĐC.2
03. Quốc Hải Hoàng. Tỉnh Hưng Yên vào cuộc vụ doanh nghiệp tùy tiện phá kè sông Luộc//Công lý. - 2019. - Ngày 27 tháng 12. - Tr.8
Phản ánh của phóng viên Báo Công lý về việc Công ty Cổ phần xăng dầu Hưng Yên (trụ sở tại thôn Lam Sơn, xã Thiện Phiến, huyện Tiên Lữ) nhiều lần tùy tiện phá kè sông Luộc, đào xới, ép cọc bê tông để xây bến thủy nội địa khi chưa đầy đủ thủ tục pháp lý. Ngày 19/12/2019, UBND tỉnh Hưng Yên đã có văn bản chỉ đạo tổ chức kiểm tra, tham mưu xử lý theo nội dung phản ánh của báo chí. Đại diện Hạt Quản lý đê huyện Tiên Lữ khẳng định đã nhiều lần nhắc nhở, lập biên bản vi phạm hành chính, đình chỉ thi công, báo cáo cấp trên đề nghị có biện pháp ngăn chặn, xử lý nhưng Công ty Cổ phần xăng dầu Hưng Yên vẫn cố tình vi phạm, không thực hiện nghiêm túc Luật Đê điều.
ĐC.2
04. Quốc Trần. Kim Động (Hưng Yên): Công ty Cổ phần Vân Đức sử dụng đất sai mục đích, kinh doanh bến bãi trái phép!//Nhà báo và Công luận. - Từ ngày 27/12//2019 đến ngày 02/01/2020. - Tr.15
Báo Nhà báo và Công luận nhận được phản ánh của người dân xã Đức Hợp, huyện Kim Động về việc Công ty Cổ phần Vân Đức (Khu bãi Chim, xã Đức Hợp) do bà Vũ Thị Hạnh quản lý, nhiều năm qua đã sử dụng sai mục đích đất, tiến hành lập bến bãi kinh doanh vật liệu xây dựng trái phép tại khu vực bãi Chim mà không bị các cơ quan có thẩm quyền xử lý. Theo tìm hiểu của phóng viên, năm 2011,Công ty Cổ phần Vân Đức được thuê gần 60.000m2 đất tại khu bãi Chim với mục đích để xây dựng nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng, gốm sứ chứ không phải để tập kết, kinh doanh vật liệu xây dựng.
ĐC.2
05. Tiến Nguyễn - Đình Hải. Chương trình nước sạch nông thôn ở Hưng Yên: Phân vùng, cát cứ//Lao động. - 2019. - Ngày 27 tháng 12. - Tr.1,7
Phản ánh của phóng viên Báo Lao động về việc hàng loạt công trình nước sạch thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia về Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tại tỉnh Hưng Yên đã được bàn giao cho doanh nghiệp tư nhân quản lý, vận hành, thu chi trái quy định. Điều này đã làm nảy sinh tiêu cực, lợi ích nhóm trong việc phân vùng quản lý nước sạch, khiến người dân muốn cũng không được sử dụng dịch vụ nước sạch tốt nhất.
ĐC.2
06. Vũ Linh. Phụ nữ Công an tỉnh Hưng Yên đưa pháp luật đến với người dân//Công an nhân dân. - 2019. - Ngày 25 tháng 12. - Tr.6
Thực hiện đổi mới và sáng tạo trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, Phụ nữ công an tỉnh Hưng Yên đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức sinh hoạt ngoại khóa tại Trường THCS Lê Quý Đôn (huyện Kim Động) và trường THCS Nguyễn Quốc Ân (thành phố Hưng Yên). Hơn 1.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh được các cán bộ của Đội xung kích tuyên truyền pháp luật Công an tỉnh Hưng Yên trực tiếp truyền đạt, trao đổi, giao lưu, đưa ra các câu hỏi tìm hiểu quy định của Luật Giao thông đường bộ để các em học sinh trả lời, giải quyết các tình huống khi tham gia giao thông đường bộ.
ĐC.226
07. Đức Thịnh. Hưng Yên: Thành lập 98 chi hội “3 không”//Nông thôn ngày nay. - 2019. - Ngày 27 tháng 12. - Tr.8
Sau 10 năm thực hiện phong trào thi đua “Nông dân Hưng Yên chung sức xây dựng NTM” gắn với thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”, cán bộ, hội viên nông dân trên địa bàn tỉnh đã tự nguyện đóng góp trên 180 tỷ đồng; hiến trên 19.000 m2 đất; gần 17.000 ngày công lao động để xây dựng NTM; tham gia làm mới trên 380km đường giao thông; sửa chữa trên 90km kênh mương; xây mới và sửa chữa 417 phòng học và 172 công trình điện…Các cấp hội đã thành lập được 98 chi hội “3 không”; đảm nhiệm trồng, chăm sóc trên 35km đường hoa; có trên 400 tổ tự quản vệ sinh môi trường của hội nông dân đang hoạt động hiệu quả...
ĐC.258
08. Thu Hà. Hưng Yên: Quỹ Hỗ trợ nông dân đạt 74,3 tỷ đồng//Nông thôn ngày nay. - 2019. - Ngày 24 tháng 12. - Tr.8
Tính đến nay, nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) toàn tỉnh Hưng Yên đạt trên 74 tỷ đồng, cho hơn 1.779 hộ vay. Trong đó, nguồn vốn Quỹ HTND Trung ương ủy thác hơn 18 tỷ đồng cho 31 dự án với 354 hộ vay. nguồn vốn Quỹ HTND cấp tỉnh là 44,7 tỷ đồng cho 84 dự án với 882 hộ vay...Trong năm 2019, nhiều mô hình được đánh giá mang lại hiệu quả kinh tế cao, là mô hình điểm để nhân rộng trên địa bàn như các mô hình sản xuất chuỗi trong chăn nuôi...
ĐC.258
09. Thu Nguyệt. LĐLĐ tỉnh Hưng Yên: Trên 60.000 đoàn viên được mua hàng với giá ưu đãi//Lao động. - 2019. - Ngày 23 tháng 12. - Tr.5
Năm 2019, LĐLĐ tỉnh đã ký thỏa thuận hợp tác với 10 đơn vị, thực hiện chương trình ưu đãi giảm giá sản phẩm, mang lại lợi ích thiết thực cho trên 60.000 đoàn viên và người lao động với số tiền được hưởng lợi trên 2,3 tỷ đồng. Các sản phẩm bán giá ưu đãi cho đoàn viên phải đảm bảo chất lượng, giá thành thấp hơn giá bán lẻ trên thị trường, tạo điều kiện để các đối tác có cơ hội tuyên truyền, quảng bá sản phẩm đến đông đảo đoàn viên công đoàn...
ĐC.26
10. T.N. LĐLĐ tỉnh Hưng Yên: Tích cực thương lượng để đảm bảo mức ăn ca cho người lao động//Lao động. - 2019. - Ngày 24 tháng 12. - Tr.5 Thực hiện Nghị quyết 07C/NQ-BCH ngày 25/02/2016 của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam về chất lượng bữa ăn ca của người lao động, gắn với việc thương lượng ký kết thỏa ước lao động tập thể, đến nay, nhiều công đoàn cơ sở tại các doanh nghiệp đã thương lượng, đưa nội dung đảm bảo bữa ăn ca với mức tối thiểu là 18.000 đồng/người/bữa, cao nhất là 43.000 đồng/người/bữa. Người ra các quy định về chất lượng dinh dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm và giám sát chất lượng bữa ăn ca cũng được đưa vào thỏa ước lao động tập thể.
ĐC.26
KINH TẾ
11. Thanh Bình. Tín hiệu vui cho cây cam Hưng Yên//Đại biểu nhân dân. - 2019. - Ngày 27 tháng 12. - Tr.4
Vụ cam năm nay, các hộ trồng cam ở Hưng Yên hết sức phấn khỏi vì được mùa, được giá. Nếu như nhiều loại cam khác trên thị trường chỉ có giá từ 15.000 - 20.000 đồng/kg thì cam Hưng Yên bán tại vườn đã đạt giá 22.000 - 32.000 đồng/kg, thậm chí những ngày đầu vụ giá lên tới 35.000 - 36.000 đồng/kg. Nhờ chất lượng tốt cũng như mẫu mã đẹp, nhiều vườn cam ở Hưng Yên còn được lựa chọn là đơn vị cung cấp phục vụ các hội nghị, lễ hội, làm quà biếu. Cam Hưng Yên hiện đã và đang hướng tới quy trình sản xuất theo hướng VietGAP, tạo sự yên tâm cho người tiêu dùng về chất lượng.
ĐC.424.5
12. VH. Cúc chi vàng được mùa, được giá//Đại đoàn kết. - 2019. - Ngày 23 tháng 12. - Tr.7
Theo bà con xã Tân Quang, huyện Văn Lâm, vụ sản xuất cúc dược liệu (cúc chi) năm nay không những được mùa mà còn được giá. Chỉ trong 6 tháng trồng thâm canh cúc chi, mỗi hộ gia đình thu được lợi nhuận từ 10-17 triệu đồng/sào, tăng hơn so với năm trước. Từ xa xưa, cúc chi đã được dùng làm dược liệu, làm trà uống vì có tác dụng thanh giải nhiệt, tiêu độc, mát gan, dễ ngủ...
ĐC.424.47
LỊCH SỬ - DI TÍCH LỊCH SỬ
13. Thảo Nguyên. Tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử đền Gênh (Hưng Yên)//Đại biểu nhân dân. - 2019. - Ngày 26, 27 tháng 12. - Tr.8
Linh Nhân Hoàng Thái hậu Ỷ Lan là nhân vật ở vương triều Lý, người đã để lại sự nghiệp chính trị, văn hóa lớn và in dấu ấn sâu đậm trong lịch sử nước ta. Trong số các nơi thờ Hoàng Thái hậu Ỷ Lan hiện nay, Khu di tích đền Ghênh, thôn Ngọc Quỳnh, thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu, bởi nơi đây ẩn chứa nhiều giá trị và những câu chuyện liên quan đến nữ danh nhân. Năm 1993, đền Gênh được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng là di tích lịch sử cấp quốc gia. Trải qua các giai đoạn lịch sử, ngôi đền đã được trùng tu nhiều lần, nhưng mặt bằng tổng thể còn thiếu tòa Tiền bái nối với nếp nhà dọc Cổ giải để tạo kiểu thức kiến trúc nội công ngoại quốc hoàn chỉnh như nền móng di tích cũ. Nhiều năm qua, nhân dân trong làng mong muốn khôi phục ngôi đền cho xứng tầm lịch sử và giá trị gốc của di tích. Tuy nhiên, dự án tu bổ, phục hồi di tích đã được khởi động từ năm 2013 nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện, bởi nhiều lý do.
ĐC.96