Thư mục bài trích báo - tạp chí Tuần 3 tháng 12 năm 2020
XÃ HỘI - CHÍNH TRỊ
01. PV. Người “truyền lửa” để đưa chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình đến với người dân//Thanh niên. - 2020. - Số 56 Ngày 08 tháng 12. - Tr.35-36
Cũng như cả nước, tại tỉnh Hưng Yên, số người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT khá thấp. Năm 2018, mặc dù đã áp dụng đồng bộ rất nhiều biện pháp nhưng cả tỉnh mới có 86,64% dân số tham gia BHYT; 28,9% người dân tham gia BHXH; đối tượng người dân tham gia BHXH tự nguyện mới đạt 1.384 người (tại Ân Thi có 209 người). Là một cán bộ Thu của BHXH huyện Ân Thi, chị Trần Thị Minh Thịnh đã dành thời gian cuối tuần, ngoài giờ hành chính để tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện, BHYT đến những người dân lao động tự do. Năm 2019, chị Thịnh đã vận động được 185 người tham gia BHXH tự nguyện, góp phần nâng tổng số người tham gia BHXH tự nguyện của toàn huyện Ân Thi lên 1.391 người (tăng 6,6 lần so với năm 2018), đánh dấu một bước tiến vượt bậc trong công tác tuyên truyền và vận động người dân tự nguyện tham gia BHXH, BHYT.
ĐC.265
KINH TẾ
02. Thu Đông. Hưng Yên xác định giá khởi điểm đất cho nhân dân làm nhà ở//Khoa học và Đới sống. - 2020. - Ngày 14 tháng 12. - Tr.13
UBND tỉnh Hưng Yên đã phê duyệt giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất cho nhân dân làm nhà ở, tạo vốn xây dựng nông thôn mới. Giá khởi điểm này được áp dụng tại thôn Nội Lễ, xã An Viên, huyện Tiên Lữ từ thời điểm tháng 12/2020. Cụ thể các suất đất 39, 44, 45, 48, 49, 50, 53, 54, 55, 56 tiếp giáp với mặt đường rộng 5,5m giá khởi điểm là 2,7 triệu đồng/m2. Giá khởi điểm có giá trị đến ngày 30/6/2021. Tại khu dân cư mới giáp quốc lộ 38 xã Đặng Lễ, huyện Ân Thi, giá khởi điểm được xác định với mức giá thấp nhất là 6,5 triệu đồng và cao nhất là 13 triệu đồng.
ĐC.4
03. Tuyết Nguyễn. Giống lúa nếp thơm Hưng Yên//Nông nghiệp Việt Nam. - 2020. - Ngày 16 tháng 12. - Tr.10
Nếp thơm Hưng Yên là giống lúa thuần, được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên chọn lọc từ quần thể phân ly của giống nếp Yên Mỹ và được công nhận là giống quốc gia. Nếp thơm Hưng Yên là giống cảm ôn, thuộc nhóm ngắn ngày có thời gian sinh trưởng từ 125 - 130 ngày trong vụ Xuân và 105-110 ngày vụ Mùa (hè thu) tại các tỉnh phía Bắc. Hiện tại giống nếp thơm Hưng Yên và nếp 415 đã được tỉnh đưa vào sản xuất hạt giống siêu nguyên chủng với diện tích 32 ha/năm và 40ha sản xuất hạt giống nguyên chủng, dự kiến sản lượng đạt từ 150 - 200 tấn giống/năm. Giống nếp thơm Hưng Yên có năng suất trung bình đạt 78 tạ tươi/ha, với giá bán trong các năm gần đây khoảng 8.000đ/kg thóc tươi. Gạo nếp thơm Hưng Yên được sử dụng chế biến với số lượng lớn, đặc biệt đã được xuất khẩu đến một số quốc gia và vùng lãnh thổ như Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc.
ĐC.424.11
04. Phương Nguyễn. Hưng Yên mở rộng diện tích cây ăn quả theo hướng bền vững//Nông nghiệp Việt Nam. - 2020. - Ngày 16 tháng 12. - Tr.8
Theo số liệu thống kê từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hưng Yên: Năm 2010, diện tích cây ăn trái các loại trong toàn tỉnh mới đạt gần 8.000ha, sản lượng quả thu hoạch hơn 98.000 tấn. Đến năm 2019 các chỉ số tương ứng nêu trên đã đạt hơn 13.000ha và gần 190.000 tấn quả, tăng khoảng 5.500ha về diện tích, gần 100.000 tấn quả về sản lượng, trong đó, diện tích thâm canh cây ăn trái theo qui trình VietGAP đạt gần 1.200 ha, sản lượng quả an toàn đạt trên 21.000 tấn, số diện tích còn lại cơ bản đều sản xuất theo hướng bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, cho thu nhập từ 300-700 triệu đồng/ha canh tác/năm, cao gấp 5-6 lần canh tác lúa trên các chân ruộng năng suất bấp bênh.
ĐC.424.5
LỊCH SỬ - DI TÍCH LỊCH SỬ
05. Đào Ngọc Thủy. Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa Phố Hiến, tỉnh Hưng Yên//Quản lý nhà nước. - 2020. - Số 298 Tháng 11. - Tr.106-108
Qua nghiên cứu, khảo sát thực trạng về công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa Phố Hiến cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được còn có một số tồn tại về công tác quản lý, bảo vệ di tích, bảo quản cổ vật, di vật, hiện vật. Một số di tích hạn chế về diện tích, nằm xen kẽ trong các địa bàn dân cư nên việc tổ chức các hoạt động văn hoá tại di tích gặp khó khăn. Nguồn kinh phí đầu tư từ chương trình mục tiêu quốc gia và của tỉnh, nguồn lực cho công tác tu bổ, tôn tạo các Khu di tích Phố Hiến còn hạn chế so với tổng số di tích trên địa bàn tỉnh. Một số cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương còn chưa thực sự quan tâm đúng mức, chưa huy động được sự vào cuộc của cả cộng đồng tham gia bảo vệ di tích Phố Hiến; đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về văn hóa còn chưa đáp ứng yêu cầu. Ý thức bảo vệ và tôn trọng di sản của nhân dân chưa cao. Để bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích Phố Hiến đòi hỏi phải có sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền các cấp, sự chung tay của toàn thể các tổ chức, doanh nghiệp và đông đảo nhân dân.
ĐC.96