Thư mục bài trích báo - tạp chí Tuần 2 tháng 1 năm 2022
KINH TẾ
01. Việt Hà. Bưu điện đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm của tỉnh Hưng Yên//Bưu điện. - 2022. - Ngày 01 tháng 01. - Tr.7
Ngày 28/12/2021, tại Trung tâm hội nghị tỉnh Hưng Yên đã diễn ra “Hội nghị kết nối cung cầu tiêu thụ cam, sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp tỉnh Hưng Yên năm 2021”. Tham dự Hội nghị, đại diện Bưu điện tỉnh Hưng Yên, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) và Sở Công thương tỉnh đã ký kết Biên bản hợp tác nhằm tăng cường quảng bá thương hiệu, đưa các sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp của tỉnh đến gần hơn với người tiêu dùng trong nước và quốc tế. Toàn tỉnh Hưng Yên hiện có khoảng 3.800 ha chuyên trồng cam và những loại quả có múi như bưởi, quýt...cho sản lượng ước tính đạt 40.000-50.000 tấn, trong đó có hơn 3.000 tấn đạt tiêu chuẩn VietGAP. Bưu điện tỉnh Hưng Yên cam kết sẽ đẩy mạnh việc tiêu thụ cam và các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh tại các tỉnh, thành trên cả nước qua các điểm bán hàng của bưu điện và sàn thương mại điện tử Postmart.vn. Theo thống kê, sau hơn 05 tháng triển khai Quyết định số 1034/QĐ-BTTTT, ngày 21/7/2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bưu điện tỉnh Hưng Yên đã tạo thành công hơn 76.000 tài khoản mới cho người nông dân, hộ sản xuất nông nghiệp, hợp tác xã trên sàn Postmart.vn, trực tiếp hỗ trợ tiêu thụ hơn 350 tấn nông sản các loại.
ĐC.4
NHÂN VẬT
02. Lê Hồng Thiện. Bí thư Tỉnh ủy Lê Quý Quỳnh//Người cao tuổi. - 2022. - Ngày 01 tháng 01. - Tr.9
Lê Quý Quỳnh tên thật là Vương Văn Thành, sinh ngày 27/6/1923, tại tổ dân phố Hoàng Lê, phường Phan Đình Phùng, thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên; mất ngày 04/7/2012, tại thành phố Hồ Chí Minh. Ông từng giữ các chức vụ: Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên (1959-1971), Bí thư Tỉnh ủy Hải Hưng (1971-1972), Giám đốc Sở Nông nghiệp thành phố Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp kiêm Tổng Cục trưởng Tổng cục khai hoang kinh tế mới, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; đại biểu Quốc hội các khoá III, IV, V. Ông được xem là người đi đầu trong sáng kiến khoán sản phẩm tới nông dân, là chủ đề tài công trình thủy nông Bắc - Hưng - Hải còn nguyên giá trị cho đến ngày nay.
ĐC.02(92)
03. Nguyễn Trọng Văn. Kỷ niệm 110 năm ngày sinh nhà văn Vũ Trọng Phụng. Về làng ông Hảo nghe chuyện “Ông vua phóng sự đất Bắc”//Văn nghệ. - 2022. - Ngày 22 tháng 01. - Tr.65
Nhà văn Vũ Trọng Phụng sinh ngày 20/10/1912, quê ở làng Hảo, xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên; ông sinh ra và lớn lên tại Hà Nội. Cha ông là Vũ Văn Lân (làm thợ điện, mất khi Vũ Trọng Phụng mới được 7 tháng tuổi), mẹ là Phạm Thị Khách. Khi học hết tiểu học tại Trường Hàng Vôi, Vũ Trọng Phụng phải thôi học ở tuổi 14 để đi làm kiếm sống. Sau đó, ông có may mắn được hưởng thụ chế độ giáo dục mới do Toàn quyền Pháp Albert Sarraut đề xướng, miễn phí hoàn toàn trong sáu năm tiểu học. Vũ Trong Phụng là một trong những lứa thanh niên Việt Nam đầu tiên được giáo dục bằng tiếng Pháp và chữ Quốc Ngữ. Năm 1938, Vũ Trọng Phụng kết hôn với Vũ Mỹ Lương, sinh được con gái, đặt tên là Vũ Mỵ Hằng. Ngày 13/10/1939, Vũ Trọng Phụng qua đời khi mới 27 tuổi do căn bệnh lao phổi. Ông đã để lại một kho tác phẩm đồ sộ: hơn 30 truyện ngắn, 9 tập tiểu thuyết, 9 tập phóng sự, 7 vở kịch cùng một số bài viết phê bình, tranh luận văn học và hàng trăm bài báo viết về các vấn đề chính trị, văn hóa, xã hội. Đặc biệt, ở thể loại phóng sự, ông được mệnh danh là “Ông vua phóng sự đất Bắc”.
ĐC.04(92)