Thư mục bài trích báo - tạp chí Tuần 2 tháng 07 năm 2023
CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI
01. Dâng hương tưởng niệm nhân dịp 108 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh//Nhân dân. - 2023. - Ngày 02 tháng 7. - Tr.2.
Nhân kỷ niệm 108 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (01/7/1915-01/7/2023), đoàn đại biểu Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hưng Yên do Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hữu Nghĩa dẫn đầu đã tới dâng hoa tại Tượng đài Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh; lãnh đạo huyện Yên Mỹ dâng hương tại Nhà Tưởng niệm ở quê nhà Tổng Bí thư, xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ. Sinh thời, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh thường xuyên quan tâm theo từng bước phát triển của quê hương. Trong những năm tháng công tác xa, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã nhiều lần về thăm quê, viết thư, gửi điện thăm hỏi, động viên cán bộ và Nhân dân đoàn kết, phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Đồng chí đã để lại cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân tình cảm vô cùng sâu sắc.
ĐC.2
02. Huyền Loan - Ngọc Châm. Khai mạc kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Hưng Yên khóa XVII. Giữ vững đà tăng trưởng//Đại biểu nhân dân. - 2023. - Ngày 06 tháng 7. - Tr.5.
Ngày 5/7/2023, Thường trực HĐND tỉnh Hưng Yên tổ chức Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Hưng Yên khóa XVII để xem xét, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội 6 tháng đầu năm; quyết định kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội 6 tháng cuối năm và một số nội dung khác thuộc thẩm quyền. Một trong những kết quả nổi bật là tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 8,21%, Hưng Yên giữ vững vị trí là một trong những tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao của cả nước và vùng đồng bằng sông Hồng (xếp thứ 7/63 tỉnh, thành phố trong cả nước và thứ 4/11 tỉnh, thành trong khu vực). Trong đó, cả 3 khu vực kinh tế của tỉnh đều duy trì tốc độ tăng trưởng khá: khu vực nông, lâm, thủy sản tăng trưởng 2,28%; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng trưởng 7,43% (riêng công nghiệp đạt 6,91%); khu vực thương mại - dịch vụ tăng trưởng 12,67%...
ĐC.222
KINH TẾ
03. Song Phúc. Thanh ngọt vị vải trứng Hưng Yên//Hồ sơ sự kiện. - 2023. - Số 497. - Tr.49-51.
Vải trứng Hưng Yên xuất phát từ cây vải tổ do cụ Nguyễn Văn Diệm trồng bằng hạt cách đây 150 năm, hiện cây vải vải tổ này vẫn còn tại nhà ông Nguyễn Văn Vì, thôn Ba Đông, xã Phan Sào Nam, huyện Phù Cừ. Do hợp thổ nhưỡng nên cây vải này năm nào cũng cho quả to, mã đẹp, vị ngọt thơm đặc biệt khác hẳn các loại vải khác. Vì được khách hàng ưa chuộng, mang lại giá trị kinh tế cao, nên nhiều người dân đã nhân giống từ cây vải tổ mang trồng ở các xã (Phan Sào Nam, Minh Tân, Đoàn Đào, thị trấn Trần Cao) của huyện Phù Cừ và một số xã thuộc huyện Ân Thi, với tổng diện tích hàng trăm ha. Vải trứng Hưng Yên được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận Nhãn hiệu hàng hoá từ năm 2020, được UBND tỉnh xếp hạng sản phẩm OCOP 4 sao. Quả vải trứng có vỏ mỏng, màu đỏ tươi, vị ngọt thơm, mỗi kg từ 20 - 22 quả, thu hoạch đến đâu tiêu thụ hết đến đó, giá bán bình quân 150 - 180 nghìn đồng/kg quả tươi...
ĐC.424.5
NHÂN VẬT
04. Trần Siêu. Nhà khoa bảng tự xây mộ cho mình//Giáo dục và Thời đại. - 2023. - Ngày 03 tháng 7. - Tr.32-33.
Vũ Hồng Lượng (Vũ Vinh Tiến) sinh năm 1620 quê xã Phù Ủng, huyện Đường Hào, nay là thôn Phù Ủng, xã Phù Ủng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên. Năm 20 tuổi, Vũ Hồng Lượng đỗ giải Hương, 21 tuổi đỗ Tiến sĩ. Tại Văn miếu Quốc Tử Giám, bia số 35 dựng ngày 16 tháng 11, niên hiệu Thịnh Đức thứ nhất (1653) ghi Vũ Hồng Lượng là Tiến sĩ khoa Canh Thìn, niên hiệu Dương Hòa năm thứ 6 (1640). Tiến sĩ Vũ Hồng Lượng là một trong số ít các nhà khoa bảng tự thiết kế xây dựng phần mộ cho mình. Khảo sát từ chỉ và lăng mộ của Tiến sĩ Vũ Hồng Lượng, giới nghiên cứu cho biết, khi còn sống, Vũ Hồng Lượng đã tự thiết kế, xây dựng sinh phần cho bản thân và thờ tổ tiên. Sinh phần được xây năm 1680, tức là xây trước khi mất 9 năm. Đây là công trình chứa đựng nhiều giá trị nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc, trang trí bằng đá....
ĐC.02(91)