► THƯ VIỆN TỈNH HƯNG YÊN MỞ PHỤC VỤ BẠN ĐỌC TỪ THỨ 2 ĐẾN CHỦ NHẬT HÀNG TUẦN

Giới thiệu bộ sách “Tổng tập văn hóa dân gian sưu tầm ở Hưng Yên”

Đăng ngày 24/02/2023
Lượt xem: 3928
100%

Văn hóa dân gian Việt Nam được hình thành và phát triển từ rất lâu đời, gắn với sinh hoạt văn hóa cộng đồng của quần chúng nhân dân lao động. Trong đó, một bộ phận rất quan trọng đó là văn học dân gian, bao gồm nhiều loại hình như thần thoại, truyền thuyết, cổ tích, truyện cười, truyện ngụ ngôn, truyện thơ, truyện cổ dân gian, ca dao, tục ngữ, hò, vè, câu đố, chèo,… do người bình dân sáng tác và phổ biến theo lối truyền miệng. Văn học dân gian có tầm quan trọng to lớn đối với đời sống tinh thần của con người, mang tính đặc trưng và rất phong phú, phản ánh một cách chân thực đời sống của nhân dân lao động.

Hưng Yên là vùng đất nằm ở vị trí trung tâm châu thổ sông Hồng. Từ thời Hùng Vương, nơi đây đã có người Việt đến khai phá đầm lầy, đánh bắt thủy hải sản, sinh cơ lập nghiệp, dựng làng, lập ấp, trồng lúa nước. Do vậy, văn hóa dân gian Hưng Yên mang đậm nét đặc trưng nền văn hóa, văn minh sông Hồng.

Từ thế kỷ XIII đến thế kỷ XIX, văn học dân gian Hưng Yên đã được sưu tầm cố định trong một số thư tịch cổ. Những tác phẩm tiêu biểu như: Việt điện u linh ( Tế Xuyên), Lĩnh Nam chích quái (Vũ Quỳnh, Kiều Phú), Công dư tiệp ký (Vũ Phương Đề), Tang thương ngẫu lục, Vũ trung tuỳ bút (Phạm Đình Hổ), Truyền kỳ tân phả (Đoàn Thị Điểm), Truyền kỳ mạn lục (Nguyễn Dữ), Sử Nam chí dị (Trần Gia Du),… đã khắc in một số truyện dân gian xuất sứ từ mảnh đất Hưng Yên. Sau này còn có các công trình như: Truyện cổ nước Nam (Nguyễn Văn Ngọc), Nam Hải dị nhân (Phan Kế Bính), Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam (Nguyễn Đổng Chi), Tục ngữ ca dao Việt Nam (Vũ Ngọc Phan)... đã ghi lại một số bản kể, bản ca văn học dân gian Hưng Yên. Điều đó cho thấy kho tàng văn học dân gian Hưng Yên khá đồ sộ, thực sự là vốn quý của văn hóa nước nhà.

Hưởng ứng đợt phát động Tầm nhìn 2010 của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, các hội viên của Hội Văn học nghệ thuật Hưng Yên đã tích cực sưu tầm, cố định văn hóa dân gian, trong đó có nghệ thuật ngôn từ dân gian. Một trong những công trình tiêu biểu, phản ánh khá toàn diện các loại hình văn học dân gian của Hưng Yên đó là “Tổng tập văn hóa dân gian sưu tầm ở Hưng Yên” của nhóm tác giả Vũ Tiến Kỳ và Lê Xuân Tê, do Thư viện tỉnh Hưng Yên xuất bản. Với trên 4.000 đơn vị bản kể, bản ca được tập hợp trong bộ sách cho thấy việc tác giả đã dành nhiều tâm huyết, sức lực cho việc điều tra, sưu tầm, thu thập, ghi chép trong nhiều năm rồi chỉnh lý biên soạn lại. Bộ sách gồm 2 quyển (Quyển 1; Quyển 2), được in trên khổ giấy 17 x 24cm, do Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam ấn hành năm 2022, với dung lượng 1.833 trang. Ngoài phần lời giới thiệu, nội dung bộ sách được kết cấu thành 4 phần:

Phần thứ nhất: Trữ tình dân gian
            Phần thứ hai: Tự sự dân gian
            Phần thứ ba: Suy lý dân gian
            Phần thứ tư: Sân khấu dân gian.

Trong phần thứ nhất: Trữ tình dân gian: tập hợp năm phương thức diễn xướng thuộc loại hình trữ tình dân gian như ca dao, đồng dao và các thể loại hát như: trống quân, hát xẩm, ca kèn. Mỗi thể loại đều có những đặc điểm chung về phương pháp sáng tác, về chức năng và thi pháp, đồng thời lại mang những đặc trưng thể hiện bản chất riêng của từng loại. Với trên 2.000 bài được sưu tầm, tập hợp trong phần này đã cho chúng ta thấy tầm vóc, giá trị nội dung, nghệ thuật của di sản ngôn từ dân gian của người dân đất Nhãn.

Phần thứ hai: Tự sự dân gian.

Là những sáng tạo ngôn từ đa thức phản ánh hiện thực khách quan theo cảm nhận nghệ thuật của người bình dân. Nghệ thuật tự sự dân gian Hưng Yên bao gồm một số thể loại: truyền thuyết, cổ tích, truyện cười, ngụ ngôn, truyện thơ, giai thoại, vè. Mỗi thể loại được diễn xướng dưới hình thức ngôn ngữ kể với mục đích tái hiện sự việc, hiện tượng, hình ảnh hoạt động của đời sống con người, trong lịch sử xã hội cụ thể. Trong phần này, cuốn sách giới thiệu cho người đọc 282 truyện cổ dân gian được sưu tầm từ thần tích của các làng xã trên địa bàn tỉnh và ghi chép từ các cụ ông, cụ bà trong quá trình đi điền dã tại địa phương. Mỗi truyện kể được trích dẫn nguồn cụ thể, tạo độ tin cậy cho người xem. Bên cạnh đó, thể loại truyện cổ tích, truyện cười và giai thoại, vè.. có nội dung phong phú, đem đến cho chúng ta cái nhìn chân thực, sinh động đời sống tinh thần của người dân Hưng Yên. Đặc biệt, mảng truyện thơ Nôm khuyết danh của Hưng Yên được các nhà sưu tầm dày công khảo cứu và được tập hợp khá đầy đủ trong bộ sách này như: Phan Trần, Phạm Tải - Ngọc Hoa, Thạch Sanh, Nhị Độ Mai, Phạm Công - Cúc Hoa, Tống Trân - Cúc Hoa, Hoàng Trừu. Gần đây, các nhà sưu tầm phát hiện thêm truyện thơ Tướng quân Phạm Ngũ Lão. Như vậy, Hưng Yên là quê hương của hai truyện thơ khuyết danh: Tống Trân - Cúc HoaTướng quân Phạm Ngũ Lão.

Phần thứ ba: Suy lý dân gian

Phần này bao gồm 2 thể loại là tục ngữ và câu đố. Về tục ngữ: cuốn sách đã tập hợp được 1.973 câu tục ngữ. Đó là loại văn vần, ngắn gọn, giản dị, súc tích có ngữ điệu, dễ nhớ, dễ thuộc, được lưu truyền từ lâu đời. Bên cạnh đó, mảng tục ngữ mới cũng được cập nhật, góp phần tăng giá trị tổng kết, suy lý, đảm bảo tính thời sự của tục ngữ Hưng Yên. Tuy sưu tầm chưa hết nhưng với khối lượng tục ngữ tập hợp được đã cho thấy tri thức dân gian trong nhân dân vô cùng phong phú, là kho tàng di sản văn hóa giá trị của dân tộc. Qua tục ngữ, người dân Hưng Yên tổng kết nhiều bài học kinh nghiệm về lao động sản xuất, kỹ năng sống, cách giáo dục đạo đức, bồi dưỡng tình cảm, nhân cách cho con người.

Mảng câu đố tập hợp được 586 câu. Đây là thể loại văn vần dân gian phản ánh, nhận thức, kiểm tra thế giới khách quan bằng phương pháp ẩn dụ. Câu đố vừa là nghệ thuật ngôn từ, vừa là khoa học thưởng thức dân gian. Câu đố sưu tầm ở Hưng Yên là nhận thức của con người nơi đây về đặc điểm, tính chất, hình dáng cụ thể của các sự vật hiện tượng trong tự nhiên và đời sống xã hội...

Phần thứ tư: Sân khấu dân gian

            Sân khấu dân gian là loại hình tổng hợp các thể loại của sáng tác truyền miệng. Có nhà nghiên cứu gọi là trò diễn dân gian. Trong quá trình biểu diễn, sân khấu dân gian sử dụng tục ngữ, ca dao, dân ca, chuyện kể. Sân khấu dân gian Hưng Yên có chèo, múa rối. Chèo Hưng Yên thuộc chiếng chèo Đông nổi tiếng với ba tổ nghề: Sai Ất, Đào Văn Só, Đào Thị Huệ. Trong bộ Tổng tập này giới thiệu 2 tác phẩm chèo tiêu biểu được sưu tầm tương đối đầy đủ: Tống Trân - Cúc HoaQuan Âm Thị Kính. Trong đó, Chèo bản Tống Trân - Cúc Hoa là bản do cụ Cả Xuyến (người xã Hiệp Cường, huyện Kim Động) cung cấp những năm 70 thế kỷ XX có thể xem là chèo bản xưa nhất của Hưng Yên.

 

            Bộ sách “Tổng tập văn học dân gian sưu tầm ở Hưng Yên” công trình nghiên cứu công phu của nhóm tác giả qua nhiều năm, tuy chưa khái quát hết được toàn bộ quá trình hình thành và phát triển của văn học dân gian Hưng Yên qua các thời kỳ lịch sử, song phần nào đã giúp bạn đọc hình dung được diện mạo văn hóa dân gian Hưng Yên trong quá khứ và hiện tại. Bộ sách cũng là nguồn tư liệu quý giúp bạn đọc tìm hiểu về mảnh đất, con người và truyền thống văn hóa làng xã Hưng Yên. Qua đó, chúng ta thêm hiểu về truyền thống quê hương mình và có quyền tự hào với những gì cha ông đã để lại.

Hiện bộ sách đã được Thư viện tỉnh Hưng Yên phát hành tới hệ thống các thư viện công cộng và các trường học trên địa bàn tỉnh.

Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!

Bài và ảnh: Trần Thị Hà – Vương Trung Kiên

Tin liên quan

Giới thiệu cuốn sách: "Một chiến dịch ở Bắc Kỳ"(27/12/2024})

Giới thiệu sách "Hưng Yên - Biên niên những sự kiện lịch sử"(27/12/2024})

Giới thiệu sách "Tục lệ Hưng Yên - tập 1,2"(27/12/2024})

Giới thiệu sách “Danh nhân Hưng Yên”(27/12/2024})

Làng xã của người An Nam ở Bắc Kỳ(27/12/2024})

Những trang sử vẻ vang : Từ trước cuộc nội thuộc Tàu đến triều Gia Long(27/12/2024})

Lịch triều tạp kỷ(27/12/2024})

Nợ làng(27/12/2024})

Giới thiệu sách nhân kỷ niệm 74 năm thành lập ngành Văn hóa(28/8/1945 - 28/8/2019) (27/12/2024})

Bảy bước tới mùa hè(27/12/2024})

21 bí mật của những nhà diễn thuyết tài ba nhất lịch sử(27/12/2024})

Phố Hiến(27/12/2024})

Việt Nam quốc hiệu và cường vực Hoàng Sa - Trường Sa(27/12/2024})

Thế cục quỷ cốc tử(27/12/2024})

Bức tranh kinh tế Việt Nam thế kỷ XVII và XVIII(27/12/2024})

Đạo tình(27/12/2024})

Họ Hồ và Hồ Quý Ly trong lịch sử(27/12/2024})

Điệp viên Z.21 - kẻ thù tuyệt vời của nước Mỹ(27/12/2024})

Luân lý giáo khoa thư(27/12/2024})

Chỉ có kẻ ngốc mới chọn tình yêu(27/12/2024})

Tin mới

Thư mục toàn văn chuyên đề "Một số tướng lĩnh tiêu biểu người Hưng Yên"(26/12/2024)

Thư mục bài trích báo, tạp chí tuần 02 tháng 12 năm 2024(23/12/2024)

Thư mục bài trích báo, tạp chí tuần 3 tháng 12 năm 2024(23/12/2024)

Giới thiệu sách chuyên đề kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024)(20/12/2024)

Giới thiệu sách chuyên đề kỷ niệm 110 năm ngày sinh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (01/01/1914 - 01/01/2024)(16/12/2024)

Giới thiệu sách kỷ niệm 300 năm ngày sinh Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác(11/12/2024)

Hội thảo: Xây dựng, củng cố, phát triển hệ thống thư viện, tủ sách góp phần xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh Hưng Yên(10/12/2024)

Thư mục bài trích báo, tạp chí tuần 01 tháng 12 năm 2024(09/12/2024)

Thư mục bài trích báo, tạp chí tuần 5 tháng 11 năm 2024(02/12/2024)

Thư mục bài trích báo, tạp chí tuần 4 tháng 11 năm 2024(25/11/2024)

17 °C
Đánh giá của bạn về Trang thông tin điện tử Thư viện tỉnh Hưng Yên
5 người đã bình chọn
người đang online