► CHÀO MỪNG NGÀY SÁCH VÀ VĂN HÓA ĐỌC VIỆT NAM LẦN THỨ BA NĂM 2024                  ► THƯ MỤC BÀI TRÍCH BÁO, TẠP CHÍ TUẦN 02 THÁNG 4 NĂM 2024                  ► TỪ NGÀY 01/01/2024, THƯ VIỆN TỈNH MỞ CỬA PHỤC VỤ TỪ THỨ HAI ĐẾN CHỦ NHẬT HÀNG TUẦN                 
Những gia đình danh tiếng bậc nhất Việt Nam

Xây dựng xã hội học tập suốt đời là mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Trong đó, để xây dựng xã hội học tập thì yếu tố quan trọng đầu tiên chính là mỗi gia đình phải có nền tảng về giáo dục, mỗi người đều có ý thức tự học và chăm lo cho việc học. Gia đình là tế bào của xã hội, mỗi gia học tập, dòng họ học tập sẽ lan tỏa, tạo thành phong trào học tập rộng khắp trong cả cộng đồng, góp phần thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục, xây dựng xã hội học tập suốt đời.

Nhân kỷ niệm 20 năm ngày Gia đình Việt Nam 28/6, Thư viện tỉnh Hưng Yên xin trân trọng gửi tới bạn đọc những tấm gương gia đình hiếu học danh tiếng bậc nhất Việt Nam.

Đó là những gia đình có truyền thống hiếu học, từ thế hệ ông, cha, con đều có những bước tiến rực rỡ, đạt được nhiều thành tựu và ghi dấu ấn vào thời đại, trở thành niềm tự hào của người dân Việt Nam.

Gia đình cố Giáo sư Nguyễn Lân, gia đình khoa bảng 

 
Gia đình cố Giáo sư Nguyễn Lân

Cống hiến trọn đời cho nền giáo dục Việt Nam, được xem là người có công lớn trong việc xây dựng bộ môn và khoa tâm lí học, giáo dục học của hệ thống các trường Sư phạm ở Việt Nam, cố Giáo sư Nguyễn Lân (1906 - 2003) là nhà giáo nhân dân, nhà biên soạn từ điển, học giả nổi tiếng của Việt Nam.

Nhắc đến cố Giáo sư Nguyễn Lân, người ta không chỉ trầm trồ kính phục bởi tài năng, đức độ của ông mà còn ngưỡng mộ một gia đình có đến 8 người con đều là những nhà khoa học xuất sắc, nổi tiếng của đất nước. Dù theo đuổi các chuyên ngành khác nhau song cả 8 người con (7 trai, 1 gái) của cố Giáo sư Nguyễn Lân đều chọn nghề làm thầy cao quý, đó là thầy giáo và thầy thuốc.

Con trai cả cố Giáo sư Nguyễn Lân là Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, Nhạc sĩ Nguyễn Lân Tuất, người Việt Nam đầu tiên được cựu Tổng thống Nga Vladimir Putin phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Công huân Liên bang Nga năm 2001, giảng viên tại Nhạc viện Novosibirsk - Nga.

Người con thứ hai là Tiến sĩ Nguyễn Tề Chỉnh, nguyên giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân Dũng (người con thứ ba) là một trong những nhà khoa học đầu ngành vi sinh vật học, chuyên gia cao cấp Viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học; đại biểu Quốc hội các khóa X, XI, XII.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lân Cường (người con thứ tư) là Nghiên cứu viên cao cấp, chuyên gia đầu ngành của bộ môn Cổ nhân học, Phó Tổng Thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam, giảng viên Khoa Lịch sử, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lân Hùng (người con thứ năm) giữ chức Tổng Thư ký Hội Các ngành sinh học Việt Nam, giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lân Tráng (người con thứ sáu) hiện là giảng viên bộ môn Hệ thống điện, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

Giáo sư, Tiến sĩ, Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Lân Việt (người con thứ bảy) là Viện trưởng Viện Tim mạch, Phó Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lân Trung (người con út) là Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam.

Không chỉ 8 người con đẻ thành đạt mà nhiều con dâu, rể, các cháu trong gia đình cố Giáo sư Nguyễn Lân đã có gần 20 giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ. Đại gia đình lớn của ông (với gần 60 người) luôn giữ được nền nếp gia phong, kính trên nhường dưới, anh em yêu quý nhau. Người đi trước dìu dắt người đi sau, họ đã xây đắp nên hình mẫu một đại gia đình hiếu học, tài hoa, chuẩn mực.

Gia đình cố Giáo sư Tôn Thất Tùng, gia đình y đức


Gia đình cố Giáo sư Tôn Thất Tùng cùng với những người bạn

Nhắc đến ngành y Việt Nam, người ta không thể không nhắc đến gia đình cố Giáo sư Tôn Thất Tùng với những tên tuổi đã được ghi danh vào lịch sử y học không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới.

Cố Giáo sư Tôn Thất Tùng (1912-1982) là một bác sĩ nổi tiếng trong lĩnh vực gan và giải phẫu gan. Ngoài công trình được xem là phát minh kinh điển về cách phân chia mạch máu trong gan gửi về Viện Hàn lâm Pháp, được tặng huy chương Bạc của Trường Đại học Tổng hợp Paris, ông còn để lại 123 công trình khoa học khác trong y văn thế giới. Ông là người đầu tiên nghiên cứu thành công phương pháp "cắt gan có quy trình", còn được gọi là "phương pháp mổ gan khô" hay "phương pháp Tôn Thất Tùng". Phương pháp này được đưa vào "Bách khoa thư Nội thương, Phẫu thuật" của Pháp và được in trong "Chọn lọc các tài liệu sản khoa và phẫu thuật" của Mỹ. Ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, Viện sĩ Viện Hàn lâm Y học Liên Xô. Ngoài ra, ông còn được Viện Hàn lâm Phẫu thuật Paris tặng Huy chương Lannelongue cho nhà phẫu thuật xuất sắc nhất thế giới.

Ba người con của cố Giáo sư Tôn Thất Tùng là Tôn Nữ Ngọc Trân, Tôn Nữ Hồng Tâm và Tôn Thất Bách đều tiếp nối sự nghiệp của cha bước vào ngành y. Trong đó, nổi tiếng nhất là Phó Giáo sư, Viện sĩ, Bác sĩ Tôn Thất Bách.

Tôn Thất Bách (1946 - 2004) là chuyên gia đầu ngành về tim mạch của Việt Nam và thế giới. Ông là Phó Giáo sư Y học, Nhà giáo Nhân dân, Viện sỹ Viện Hàn lâm ngoại khoa Pháp, Viện sỹ Viện Hàn lâm khoa học New York, Tiến sĩ danh dự Trường Đại học Lille - Pháp, Tiến sĩ danh dự Trường Đại học Odessa - Ukraina, thành viên Hội Ngoại khoa quốc tế. Ông từng giữ các chức vụ Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội, đại biểu Quốc hội Việt Nam các khóa IX, X, XI, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Quốc hội Việt Nam khoá XI.

Gia đình Giáo sư Đặng Vũ Khiêu, gia đình tài hoa


Gia đình Giáo sư Đặng Vũ Khiêu

Được người đương thời tôn sùng là “nhà nho cuối cùng” của Việt Nam, Giáo sư Đặng Vũ Khiêu (sinh năm 1916) nổi tiếng trong nền văn hóa Việt Nam đương đại là Viện trưởng đầu tiên của Viện Xã hội học, đặt nền móng cho sự phát triển của ngành xã hội học ở Việt Nam. Ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ, Huân chương Độc lập hạng Nhất và nhiều danh hiệu cao quý khác.

Giáo sư Vũ Khiêu có 4 người con, mỗi người đều để lại dấu ấn của mình ở những lĩnh vực khác nhau. Con gái cả của ông là Đặng Thị Quỳnh Khanh, một cử nhân ngành Sử học. Người con trai thứ hai là Đặng Vũ Cảnh Khanh, Giáo sư, Tiến sĩ ngành Xã hội học. Người con thứ ba là Đặng Vũ Hạ, một kỹ sư vô tuyến điện và người con thứ tư Đặng Vũ Hoa Thạch là họa sĩ.

Trong số 4 người con của Giáo sư Vũ Khiêu, nổi tiếng nhất là Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Vũ Cảnh Khanh, nguyên là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thanh niên, hiện là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển. Vợ của Giáo sư Đặng Vũ Cảnh Khanh là Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thị Quý, nhà nghiên cứu đầu ngành về giới và gia đình, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển, tham gia nhóm chuyên gia tư vấn về các vấn đề giới và gia đình cho Quốc hội…

Con trai duy nhất của Giáo sư Đặng Vũ Cảnh Khanh là Đặng Vũ Cảnh Linh (sinh 1974), Tiến sĩ Xã hội học, hiện là Trưởng ban Thông tin và Phổ biến kiến thức của Liên hiệp các Hội Khoa học kinh tế Việt Nam. Vợ anh là Đỗ Thị Kim Anh, Thạc sĩ Xã hội học, hiện là cán bộ nghiên cứu tại Viện Hàn Lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Gia đình Giáo sư Ngô Huy Cẩn


Gia đình
Giáo sư Ngô Huy Cẩn

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Ngô Huy Cẩn, sinh năm 1941 từng du học ở Nga chuyên ngành cơ học và có nhiều năm công tác ở Viện Cơ học, ông nguyên là cán bộ Ủy ban Khoa học kỹ thuật Nhà nước. Vợ Giáo sư Ngô Huy Cẩn là Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Lưu Vân Hiền, nguyên cán bộ Viện Y học cổ truyền Trung ương.

Con trai Giáo sư Ngô Huy Cẩn là Giáo sư Ngô Bảo Châu với những thành tựu xuất sắc về toán học được thế giới đánh giá cao.

Năm 1988, Ngô Bảo Châu tham dự kỳ thi Olympic Toán quốc tế tại Australia và giành huy chương vàng. Năm sau, Ngô Bảo Châu tiếp tục giành huy chương vàng Olympic Toán quốc tế tại Đức. Năm 1989, Ngô Bảo Châu sang Pháp học tại Đại học Paris 6 và bảo vệ luận án tiến sĩ khi mới 25 tuổi tại Đại học Sư phạm Paris, ngôi trường danh tiếng bậc nhất nước Pháp.

Năm 2003, ở tuổi 31, Ngô Bảo Châu hoàn thành luận án Habilitation (tương đương Tiến sĩ khoa học) tại Đại học Paris 11 và đầu năm sau trở thành Giáo sư. Năm 2005, ở tuổi 33, Ngô Bảo Châu được đặc cách phong hàm Giáo sư tại Việt Nam. Ngày 19/8/2010, tại đại hội Toán học thế giới tổ chức ở Hyderabad (Ấn Độ), Giáo sư Ngô Bảo Châu được trao huy chương Fields, giải thưởng danh giá nhất trong lĩnh vực toán học.

Sưu tầm và biên soạn: Nguyễn Thị Tuyết Mai

In trang Quay lại Lên trên
Các tin khác
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc (30/03/2024)
- Hội nghị nói chuyện chuyên đề "Văn hóa đọc cho thanh thiếu niên, học sinh trong thời đại công nghệ số" (04/03/2024)
- Khai mạc Hội báo Xuân Giáp Thìn tỉnh Hưng Yên năm 2024 (04/03/2024)
- Trưng bày sách báo, tài liệu mừng Đảng, mừng Xuân Giáp Thìn 2024 (06/02/2024)
- Hội nghị Tập huấn, chuyển giao phần mềm VietBiblio tại huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên (28/11/2023)
- Kỷ niệm 20 năm Ngày Gia đình Việt Nam (28/6/2001-28/6/2021)(18/06/2021)
- Trưng bày, giới thiệu sách báo tại Lễ kỷ niệm 80 năm ngày thành lập chi bộ Đảng đầu tiên - tiền thân của Đảng bộ huyện Ân Thi (24.4.1941 - 24.4.2021)(28/04/2021)
- Tổ chức Ngày Hội sách và Văn hóa đọc năm 2021(20/04/2021)
- Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2021)(24/03/2021)
- Những gương mặt phụ nữ có tầm ảnh hưởng trên thế giới và Việt Nam năm 2020(03/03/2021)
THÔNG BÁO
Thông báo các hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2024  
Thông báo lịch phục vụ bạn đọc năm 2024
Thông báo lịch phục vụ bạn đọc năm 2024
Cấp thẻ miễn lệ phí trong Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2023
NỘI QUY THƯ VIỆN
Nội quy thư viện
Quy định mượn - đọc sách
Hành vi vi phạm và mức phạt
DANH MỤC
Cấp thẻ thư viện
Lịch phục vụ bạn đọc
LƯỢT TRUY CẬP
Đang online: 60
Hôm nay 24,291
Tháng này: 252,010
Tất cả: 2,898,723

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THƯ VIỆN TỈNH HƯNG YÊN
Cơ quan chủ quản: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hưng Yên
Cơ quan quản lý trực tiếp: Thư viện tỉnh Hưng Yên
Địa chỉ: số 4, đường Bạch Đằng, phường Minh Khai, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên
Giấy phép số: 24/GP-TTĐT của Sở Thông tin và Truyền thông, ngày 26  tháng 3  năm 2018
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Đào Văn Quyến, Giám đốc Thư viện tỉnh
Hòm thư điện tử: thuvientinh@hungyen.gov.vn.  Điện thoại: 0221 3 869 388